Theo RT, ngày 17/1/2023, với 485 phiếu chống và 178 phiếu thuận, Quốc hội Đức đã bác đề xuất do phe đối lập gồm đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) về việc chuyển cho Ukraine tên lửa hành trình Taurus, loại đạn tầm xa được Ukraine nhiều lần đề nghị cung cấp.
Marie-Agnes Strack-Zimmermann, chủ tịch Ủy ban Quốc phòng quốc hội Đức, cho rằng nguyên nhân đề xuất bị bác là do CDU/CSU đã lồng cả vấn đề về thực trạng quân đội Đức vào trong kế hoạch, khiến một số nghị sĩ vốn ủng hộ chuyển giao tên lửa Taurus cho Ukraine bỏ phiếu phản đối. “Họ đang cố thực hiện một chiêu trò PR vụng về”, bà cáo buộc.
Quyết định cuối cùng trong vấn đề này sẽ thuộc về Thủ tướng Đức Olaf Scholz, người trước đó đã từ chối chuyển giao tên lửa Taurus cho Ukraine do lo ngại Kiev có thể sử dụng chúng để tập kích lãnh thổ Nga, khiến xung đột có nguy cơ lan rộng. Bà Strack-Zimmermann cho biết các đề xuất mới về viện trợ Ukraine, trong đó có chuyển giao tên lửa Taurus, sẽ được chuyển cho ông Scholz sớm nhất vào tháng sau.
Taurus KEPD 350 là tên lửa hành trình phóng từ máy bay và ứng dụng thiết kế tàng hình. Mỗi quả đạn nặng 1,4 tấn, đạt tầm bắn 500 km và có thể bay ở độ cao 30-70 m với tốc độ 1.100 km/h. Tên lửa sử dụng đầu nổ kép MEPHISTO nặng 481 kg, có khả năng xuyên qua lớp đất hoặc bê tông dày trước khi kích nổ ở bên trong công trình ngầm của đối phương.
Mục tiêu chính của KEPD 350 là hầm ngầm kiên cố, sở chỉ huy và liên lạc, sân bay, bến cảng, kho tàng vũ khí, tàu chiến và cơ sở hạ tầng.
Giới chuyên gia nhận định tầm bắn xa của tên lửa Taurus sẽ giúp ích nhiều cho hoạt động tác chiến của lực lượng Ukraine. Kiev đã nhiều lần đề nghị Berlin chuyển giao tên lửa Taurus, song chưa được đáp ứng, dù Đức hiện là quốc gia đứng đầu Liên minh châu Âu (EU) về cam kết viện trợ vũ khí Ukraine.
Theo số liệu của cơ quan theo dõi viện trợ cho Ukraine thuộc Viện Kiel ở Đức, tính đến tháng 10/2023, Berlin đã tuyên bố sẽ chuyển giao cho Kiev số khí tài trị giá hơn 18 tỷ USD, cao gấp gần 5 lần nước đứng thứ hai là Đan Mạch.
Sức ép với chính phủ Đức về việc cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine gia tăng sau khi Anh, Pháp năm ngoái chấp thuận viện trợ cho Kiev tên lửa hành trình Storm Shadow/SCALP EG có tầm bắn 250-560 km tùy biến thể.
Mẫu tên lửa này đã được quân đội Ukraine nhiều lần sử dụng để tập kích các mục tiêu quan trọng của Nga ở bán đảo Crimea, gần nhất là vụ tấn công tháng 12 năm ngoái khiến tàu đổ bộ cỡ lớn Novocherkassk của Moskva bị phá hủy.
Chy Lê