Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Lễ khai hội chùa Hương Tích sẽ mở đầu năm Du lịch Hà Tĩnh 2024

ĐNA -

(Hà Tĩnh). Lễ khai hội chùa Hương Tích với quy mô cấp tỉnh sẽ diễn ra ngày 06 tháng Giêng năm Giáp Thìn (tức ngày 15/02/2024). Hiện, huyện Can Lộc vừa lên kế hoạch phối hợp với Sở VH-TT&DL tổ chức lễ khai hội chùa Hương Tích xuân Giáp Thìn gắn với hoạt động khai trương du lịch Hà Tĩnh năm 2024 sắp tới.

Lễ khai hội chùa Hương Tích với quy mô cấp tỉnh sẽ diễn ra ngày 06 tháng Giêng năm Giáp Thìn (tức ngày 15 tháng 2 năm 2024.

Lễ hội chùa Hương sẽ bao gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ khai hội diễn ra vào ngày 06 tháng Giêng năm Giáp Thìn (tức ngày 15/02/2024) tại khu vực sân Lễ hội Ban quản lý Khu di tích Chùa Hương Tích; phần hội bao gồm chương trình nghệ thuật ca, múa, nhạc ca ngợi về quê hương, đất nước, mừng Đảng, mừng Xuân và về Chùa Hương; tổ chức các giải thể thao: Giải Bóng chuyền nam thanh niên mở rộng, vật cổ truyền, cờ thẻ, đẩy gậy,…; các trò chơi dân gian: chọi gà, bịt mắt bắt vịt, hội thi mâm ngũ quả,… Lễ Khánh đản Quán thế âm bồ tát (do Ban Phật giáo huyện, nhà sư trụ trì, BQL khu di tích Chùa Hương, UBND xã Thiên Lộc thực hiện) diễn ra vào ngày 18/2 âm lịch (tức ngày 27/3/2024).

Mục đích của lễ hội nhằm giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, lợi thế khu di tích danh thắng cấp quốc gia Chùa Hương – Núi Hồng đến với bạn bè, du khách trong và ngoài nước. Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao nhằm khai thác có hiệu quả các giá trị văn hoá truyền thống, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của du khách và phật tử gần xa. Đây cũng là dịp để xúc tiến kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa Chùa Hương, xây dựng hạ tầng du lịch, dịch vụ ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu văn hóa tâm linh, xứng tầm với tiềm năng lợi thế của vùng “Hoan Châu đệ nhất danh lam”.

Huyện Can Lộc sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương và Trung ương để quảng bá, giới thiệu về du lịch Chùa Hương là hình ảnh, sự kiện văn hóa tiêu biểu năm 2024. Phát hành sách Sự tích Chùa Hương, tờ gấp giới thiệu về Chùa Hương Tích. Tuyên truyền băng rôn, khẩu hiệu tại trung tâm thành phố Hà Tĩnh, trung tâm huyện Can Lộc và các trục đường chính từ các tuyến đường nối Quốc lộ 1A đến Chùa Hương. Tổ chức bố trí các điểm quảng cáo thương hiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp, gian hàng thương mại của địa phương và các doanh nghiệp có nhu cầu.

Từ lâu, nơi này được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam” – thắng cảnh đẹp nhất xứ Nghệ Tĩnh và chùa Hương Tích đã trở thành một địa chỉ sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Xứ Nghệ nói chung, người dân Hà Tĩnh nói riêng. Với sự cổ kính, linh thiêng, cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, chùa Hương Tích là điểm đến hấp dẫn du khách thập phương trong những ngày đầu xuân. Không gian lễ hội kéo dài từ Hạ Vàng (Quốc lộ 1A) qua xã Thiên Lộc đến Chùa Thượng.

Tọa lạc trên một trong những đỉnh núi đẹp nhất của dãy Hồng Lĩnh, nằm ở độ cao 650m so với mặt nước biển, Chùa Hương Tích (Hương Tích Cổ Tự) được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam” – ngôi chùa đẹp nhất vùng Hoan Châu (Xứ Nghệ) và là một trong 21 thắng cảnh của nước Nam xưa. Tương truyền, chùa được xây dựng vào thời nhà Trần (thế kỷ XIII). La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp từng nhắc đến lịch sử hình thành của chùa qua 2 câu thơ “Hương Tích Trần Triều Tự/ Hồng Sơn đệ nhất phong” (Hương Tích ngôi chùa đời Trần/ Dựng trên ngọn núi đẹp nhất Ngàn Hống). Cảnh trí và kiến trúc chùa Hương Tích từng được ghi lại ở thế kỷ XVII – XIX không còn nguyên vẹn như xưa vì ở đây đã nhiều lần bị hỏa hoạn. Năm Ất Dậu (1885), sau một trận hỏa hoạn lớn, hầu hết các công trình kiến trúc và hiện vật trong chùa đã bị cháy thành tro. Đến năm Tân Sửu (1901), Tổng đốc An Tĩnh là Đào Tấn đứng ra kêu gọi nhân dân xây dựng lại chùa. Năm 2003, chùa tiếp tục được trùng tu, xây dựng lại trên nền cũ cao và vững chãi hơn. Quần thể di tích chùa Hương Tích bao gồm nhiều hạng mục như: hồ Nhà Đường, Miếu Cô, động  Tiên nữ, suối Tiên tắm, khe Quỷ khóc, chùa Thượng, Am Quan Âm, Am Bát Cảnh…Di tích danh thắng chùa Hương được xếp hạng cấp Quốc gia tại Quyết định số 309/QĐ-BVHTT ngày 08/6/1990 của Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Tăng Thành