(AFP). Ngày 2/2/2024, khu vực biên giới giữa Bỉ và Hà Lan chứng kiến cuộc biểu tình của nông dân. Họ chặn một số cửa khẩu tại vùng biên giới này với lý do bất bình về chuyện thuế, chi phí tăng, nhập khẩu giá rẻ từ Ukraine và tình trạng quan liêu. Nông dân tại nhiều nước châu Âu cũng tiếp tục biểu tình phản đối chính sách chống biến đổi khí hậu, cũng như ảnh hưởng từ việc cho phép nhập khẩu giá rẻ từ Ukraine.
Các trung tâm kiểm soát giao thông của Bỉ và Hà Lan cho biết cửa khẩu biên giới theo hướng Antwerp, thành phố lớn thứ hai của Bỉ và là nơi có cảng lớn thứ hai châu Âu, là một trong những cửa khẩu bị chặn.
Truyền thông địa phương đưa tin các cuộc biểu tình bắt đầu vào tối muộn ngày 1-2 ở phía Bỉ. Một số nông dân Hà Lan sau đó đã tham gia cuộc biểu tình trên. Chính quyền Hà Lan khuyến cáo người dân không nên đến Bỉ trong ngày 2/2.
Đài truyền hình Flemish VRT đưa tin trong nhiều ngày qua nông dân đã chặn xe tải ra vào cảng Zeebrugge, một phần của cảng Antwerp-Bruges ở phía tây của Bỉ.
Tình trạng này khiến gần 2.000 xe tải bị mắc kẹt. Theo cảnh sát địa phương, họ đang cung cấp dịch vụ ăn uống và vệ sinh cho các tài xế.
Hôm 31/1, người phát ngôn của cảng Zeebrugge thông báo các bến cảng đang chật kín và sẽ hết chỗ nếu các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra suốt tuần.
Nông dân ở những nơi khác tại châu Âu cũng có những bất bình tương tự. Tình trạng bất ổn diễn ra ở nhiều nước như Đức, Ba Lan, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Romania.
Các cuộc biểu tình đã phơi bày căng thẳng về tác động đối với ngành nông nghiệp trong nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu (EU), cũng như mở cửa cho hàng nhập khẩu giá rẻ của Ukraine để hỗ trợ vấn đề quân sự của Kiev.
Các nước EU đã ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, vốn đang kéo tới gần tròn hai năm. Ngày 1/2, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) nhất trí gói viện trợ bổ sung 50 tỉ euro cho Ukraine, kết thúc nhiều tuần mắc kẹt đa phần vì sự phản đối của Hungary.