(Đà Nẵng). Vòng chung kết DUT HACKATHON 2023 vừa diễn ra hôm 24/2/2024, do Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng , phối hợp cùng Công ty KMS Technology tổ chức.
Vừa là sân chơi học thuật, sáng tạo, cuộc thi cũng là môi trường giúp sinh viên (đang theo học các chuyên ngành/lĩnh vực công nghệ thông tin; điện tử, viễn thông; Cơ điện tử; Tự động hóa; Hệ thống nhúng; …) vận dụng kiến thức đã học, đưa ra những ý tưởng mới, giải quyết các thách thức.
Với việc tham gia vào dự án thực tế đầy thách thức (chủ đề cuộc thi: Tech in Real Life –TRL- Công nghệ trong đời thực), sinh viên có cơ hội tìm hiểu, mở rộng kiến thức, tiếp cận với công nghệ tiên tiến, nâng cao và phát huy khả năng sáng tạo của mình.
Với sự hỗ trợ hết mình của Nhà trường – Doanh nghiệp, sinh viên rèn luyện được nhiều kỹ năng lập trình, thiết kế, làm việc nhóm,… Từ đó tạo ra sản phẩm ứng dụng công nghệ mới, mang lại hiệu quả và tác động tích cực cho xã hội, cộng đồng.
DUT HACKATHON 2023 diễn ra từ ngày 25/11/2023 đến ngày 24/2/2024. Sau khi đăng ký dự thi, các nhóm được BTC hướng dẫn cách viết ý tưởng, thuyết trình, gợi ý tìm hiểu các công nghệ có thể ứng dụng vào trong đề tài, định hướng về kiến thức về lập trình. Ban tổ chức chọn 10 đội có triển vọng và bắt đầu tư vấn, hỗ trợ, hiện thực hóa ý tưởng. Đội ngũ tư vấn gồm các kỹ sư chuyên viên Công ty KMS, các Thầy Cô giảng viên của Trường, …Kết quả cuối cùng là các nhóm dự thi có đủ khả năng để tạo ra sản phẩm công nghệ ứng dụng thực tế.
Sản phẩm phải khai thác sử dụng hợp lý công nghệ phù hợp (AI, blockchain, …), có tính sáng tạo, phù hợp với chủ đề cuộc thi, đó là giải quyết được một vấn đề cụ thể. Ngoài ra, các em cũng phải thể hiện xuất sắc kỹ năng thuyết trình về sản phẩm (10 phút), trả lời câu hỏi phản biện của Ban giám khảo (5 phút).
Tính đến vòng chung kết này, các đội thi đã trải vòng 1: Tranh tài ý tưởng (1/12/2023 đến 6/1/2024); vòng 2 (từ 7/1/2024 đến 3/2/2024): Phát triển sản phẩm.
Các Đội sẽ có phần thuyết trình về sản phẩm và sau đó trả lời các câu hỏi từ Ban giám khảo.
Tại vòng “Phát triển sản phẩm”, 10 nhóm (tiến hành lập trình sản phẩm với sự hỗ trợ của người hướng dẫn và các Mentors), đã phần trình diễn và thuyết trình về dự án của mình, kể cả làm rõ những nội dung Hội đồng giám khảo có câu hỏi. Kết quả có 5 đội xuất sắc nhất gồm Faster ; 1954 (Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng); ElectraTech; BrainyBuddy (Trường Đại học FPT) và Đội THAM (liên quân) với thành viên đến từ Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng và Trường Đại học FPT, tiếp tục được phát triển sản phẩm để có mặt tại vòng chung kết. Đây cũng là thành công tạo tiếng vang của DUT HACKATHON. Cuộc thi được tổ chức dành cho sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin đang theo học tại tất cả các trường đại học khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
“Điều chúng tôi luôn mong muốn, là cuộc thi sẽ nung nấu, nuôi dưỡng và phát triển mạnh mẽ ý tưởng, những giải pháp để tạo ra những sản phẩm mới của chính các bạn sinh viên.
Các bạn hãy mạnh dạn tìm và kết nối với những người bạn đồng hành mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin, hãy học hỏi và tranh thủ giao lưu với các Mentor, đội ngũ hướng dẫn. Đây là cơ hội tốt dành các bạn có thêm kiến thức trong lĩnh vực công nghệ và lập trình. Các bạn cũng hãy mạnh dạn tìm hiểu, nghiên cứu và vận dụng, triển khai những công nghệ mới đang phát triển mạnh”, ông Nguyễn Văn Hiếu – Tổng Giám đốc Công ty KMS Technology gửi gắm.
Công nghệ đi vào đời thực, giải quyết vấn đề của cuộc sống
“Một trong những mục tiêu có tính bao trùm của cuộc thi, đó là nhà trường có đóng góp thiết thực vào việc sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội, đóng góp cho sự phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao. xây dựng cộng đồng, khởi nghiệp và kết nối công nghệ thông tin tại miền Trung – Tây Nguyên.
Chúng tôi cố gắng tạo ra một nền tảng cho nhu cầu chia sẻ ý tưởng, tạo ra tính tương tác, phát triển cộng đồng người học và làm việc trong lĩnh vực công nghệ. Qua đó, phát hiện và nuôi dưỡng những ý tưởng khởi nghiệp, tìm kiếm cơ hội đầu tư cho các dự án khởi nghiệp cho sinh viên”, PGS.TS. Nguyễn Tấn Khôi – Trưởng Khoa, khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, nhấn mạnh.
Qua kết quả chung cuộc, có thể thấy, các Đội đã phát triển tốt kỹ năng và kiến thức của mình trong lĩnh vực công nghệ và lập trình, sản phẩm của họ mang lại giá trị thiết thực cho cộng đồng. Các Đội cũng tự tin vận dụng các xu hướng công nghệ mới, xu hướng, nghiên cứu và tự tin đưa ra giải pháp ứng dụng sáng tạo để ứng dụng có hiệu quả trong thực tiễn đời sống.
Đội Faster (Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng), giành giải Nhất, đã tạo nên ứng dụng (nghiên cứu và đề xuất một mô hình AI có tính thử nghiệm: Hệ thống khám bệnh từ xa tích hợp RPPG để trích xuất đặc trưng sinh lý), cho phép bệnh nhân “đo kiểm” các đặc trưng sinh lý bất cứ lúc nào và ghi lại những kết quả trên. Sản phẩm còn tập trung cho các chức năng (cơ bản), như thực hiện ngay gọi video đến bác sỹ, cơ quan y tế.
Một nhóm sinh khác (cũng đến từ Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng) là ElectraTech, phát triển dự án Hệ thống quản lý điện thông minh, sử dụng công nghệ IOT và AI theo dõi thói quen tiêu thụ điện và hỗ trợ người dùng quản lý các thiết bị điện trong hộ gia đình hoặc doanh nghiệp.
Sản phẩm hoàn thiện dưới dạng các công tắc, ổ cắm kết nối không dây với thiết bị quản lý trung tâm, từ đó thu thập thông tin, đo lường điện năng tiêu thụ. Thông qua một phần mềm quản lý, hiển thị trực quan cho người dùng tham khảo.
Trong khi đó, “Điều khiển nhà thông minh với Home Assistant và xử lý ảnh” là dự án do đội THAM (Nhóm sinh viên Trường Đại học FPT) phát triển. Sản phẩm này dùng cho nhà thông minh dựa trên khả năng kết hợp và hỗ trợ liên kết với nền tảng HASS (Home Assistant). Ngoài các thiết bị IOT (rất phổ biến của các hãng Samsung, LG), Robot hút bụi,… dễ dàng kết nối với hệ thống, hệ thống cũng có khả năng mở rộng thêm tương thích phần cứng cao hơn, nâng cao độ khả thi áp dụng vào thực tế với nhiều chủng loại thiết bị khác theo nhu cầu cuộc sống.
Từ nhu cầu của cuộc sống, các Đội đã vận dụng kiến thức, đưa ra giải pháp, có sản phẩm nâng cao chất lượng sống, học tập.
Một đại diện khác của trường Đại học FPT là BrainyBuddy, đã giành giải Ba, với sản phẩm giúp mọi người khám phá, học, và kiểm tra kiến thức của họ thông qua video giáo dục từ YouTube. Sản phẩm (nền tảng BrainBuddy), cung cấp cơ hội học tập không giới hạn cho tất cả mọi người, nâng cao hiểu biết ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Và điều thật đặc biệt, cùng với BrainyBuddy của nhóm sinh viên trường bạn, các bạn sinh viên Bách khoa Đà Nẵng (đội 1954), đã xây dựng sản phẩm (tích hợp DaiVietGPT), tạo nền tảng hỗ trợ tìm hiểu lịch sử, có cả Chatbot giải đáp thắc mắc về lịch sử, dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn. Một sản phẩm khuyến khích các bạn trẻ, học tốt hơn và yêu Sử Việt. Sản phẩm đã giành giải Nhì của cuộc thi.
“Rõ ràng cuộc thi đã giúp sinh viên thấy rõ mối liên kết giữa lý thuyết và thực tế, tạo cơ hội để sinh viên mạnh dạn thử nghiệm ý tưởng sáng tạo, đánh giá khả năng “thâm nhập” thị trường của sản phẩm hoặc dịch vụ do chính các bạn tạo ra. DUT Hackathon 2023 đã phát triển đúng hướng là mô hình sân chơi khoa học và công nghệ sáng tạo.
Cuộc thi cũng kết nối nhà trường, sinh viên và doanh nghiệp, giúp sinh viên có định hướng về xu thế phát triển hiện nay trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là các xu thế công nghệ, kỹ thuật mới từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Chúng tôi cho rằng, kết quả cuối cùng mà DUT HACKATHON mang lại, đó chính là động lực góp phần đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin và các ngành kỹ thuật, công nghệ liên chất lượng cao, thúc đẩy phát triển bền vững các trụ cột của chuyển đổi số cho thành phố Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung”, PGS.TS. Nguyễn Tấn Khôi nhìn nhận.
“Với định hướng đào tạo theo nhu cầu xã hội, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng đặc biệt chú trọng vào phát triển quan hệ giữa sinh viên và doanh nghiệp, nhà trường gắn đào tạo với môi trường doanh nghiệp. Cuộc thi này là một trong những hoạt động quan trọng đóng góp vào định hướng phát triển đó; là cơ hội rất bổ ích để các em sinh viên giao lưu, học hỏi và vận dụng các kiến thức, kỹ thuật và công nghệ để phát triển tốt hơn nữa nghề nghiệp của các em.
Sau cuộc thi, các đội hãy dành thời gian, chất xám, tiếp tục phát triển, hoàn thiện sản phẩm. Các em sẽ có cơ hội nhận được sự đầu tư, hỗ trợ từ các doanh nghiệp để phát triển thành một sản phẩm ứng dụng đúng nghĩa cho thực tiễn cuộc sống”, TS. Huỳnh Phương Nam – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng khẳng định./.
Trung Đức