Ngày 11/3/2024, Đoàn công tác của Bộ Tài chính Việt Nam, do Bộ trưởng Hồ Đức Phớc làm trưởng đoàn, đã làm việc với Bộ Tài chính Nhật Bản. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã thông tin tới Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki về dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam của Việt Nam, với dự kiến tổng vốn đầu tư đạt 67 tỷ USD. Tổng vốn dự án này sẽ huy động 30% từ vốn nước ngoài, còn lại là vốn trong nước. Vì vậy, Việt Nam mong muốn Nhật Bản sẽ tham gia cung ứng vốn cho dự án này.
Tín hiệu tích cực từ Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản
Về phía Nhật Bản, Bộ trưởng Shunichi Suzuki đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, ngân hàng Nhật Bản hợp tác, đầu tư vào Việt Nam. Đồng thời cho rằng những dự án lớn, trong đó có dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam; bày tỏ sự quan tâm và sẵn sàng tham gia vào dự án Đường sắt cao tốc Bắc – Nam, cũng như các dự án hạ tầng khác mà Việt Nam đang chuẩn bị triển khai.
Vào tháng 1/2024, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã tiếp Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Suzuki Shunichi và đưa ra đề nghị Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu, xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Đáp lại, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Suzuki Shunichi khẳng định, các đề nghị của phía Việt Nam đều có ý nghĩa. Phía Nhật sẽ nghiên cứu, phối hợp để sớm đưa ra giải pháp khả thi.
Sắp trình dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam
Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ hai, kỳ họp thứ 6 và kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra sáng 7/3, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, Chính phủ đang xem xét đề án về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định.
“Chính phủ đang xem xét đề án về dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam; quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 – 2025. Sau khi xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định”, Phó thủ tướng nói.
Trước đó, ngày 19/2, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 57/TB-VPCP thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.
Thường trực Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương phối hợp với Văn phòng Chính phủ nghiên cứu thành lập Tổ công tác triển khai Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm Tổ trưởng; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải làm Tổ phó; đại diện lãnh đạo một số làm thành viên. Tổ công tác có quy chế làm việc, dự kiến 1 tháng họp 1 lần để kịp thời xử lý, thúc đẩy công tác chuẩn bị, thực hiện dự án.
Bộ Giao thông Vận tải được giao tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các cán bộ kinh nghiệm trong ngành đường sắt về nhiều phương án để lựa chọn một phương án tối ưu trình Bộ Chính trị; Khẩn trương hoàn thiện Đề án, trình Thường trực Chính phủ, trình Bộ Chính trị trong tháng 3 năm 2024; Khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2024.
Bộ Giao thông Vận tải đang xin ý kiến về ba kịch bản đường sắt Bắc Nam có chiều dài 1.545km, đi qua 20 tỉnh, thành phố, trong đó có hai kịch bản tàu tốc độ 350 km/h chở khách riêng và dự phòng chở hàng.
Kịch bản 1 là đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, dài 1.545 km, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 17 tấn mỗi trục, chỉ khai thác tàu khách. Tuyến đường sắt Bắc Nam hiện hữu được nâng cấp để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 67,32 tỷ USD.
Kịch bản 2 xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, khai thác chung cả tàu chở khách và chở hàng, tốc độ thiết kế 200-250 km/h, chạy tàu hàng tối đa 120 km/h. Tuyến đường sắt Bắc Nam hiện hữu được hiện đại hóa để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 72,02 tỷ USD.
Kịch bản 3 là đầu tư tuyến đường sắt Bắc Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, tốc độ thiết kế 350 km/h, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu. Tổng vốn đầu tư dự án 68,98 tỷ USD. Nếu đầu tư hạ tầng, thiết bị, phương tiện để khai thác tàu hàng chạy Bắc Nam thì vốn đầu tư dự án khoảng 71,69 tỷ USD.
Hoàng Hạnh