Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Rồng trên trang phục Hoàng đế triều Nguyễn

ĐNA -

Rồng là một linh vật có vị thế đặc biệt trong đời sống tinh thần của người phương Đông nói chung, người Việt Nam nói riêng. Đứng đầu trong Tứ linh (long, phương, lân, quy), rồng luôn chiếm những vị trí cao nhất trong mọi mặt đời sống và cũng vì vậy, thường bị giai cấp thống trị giành lấy, gán ghép với hình tượng của chính họ, mà tiêu biểu nhất là hình tượng hoàng đế, người đứng đầu thiên hạ, quản lý cả thế giới thần linh và trần tục.

Trang trí rồng trên mũ Cửu Long Thông Thiên của Hoàng đế (trang phục đại triều.

Trên trang phục của bậc hoàng đế, linh vật rồng càng thể hiện vị trí đặc biệt của mình. Dưới chế độ quân chủ phong kiến, có thể nói rồng là linh vật riêng, là biểu tượng độc quyền của hoàng đế. Hơn nghìn năm trước, ngay sau khi giành được độc lập, điều này đã được khẳng định. Các triều đại Đinh, Tiền Lê rồi Lý, Trần, Lê, Nguyễn đều kế tục nhau chọn rồng làm biểu tượng trên trang phục của bậc hoàng đế khi các triều đại này định ra triều phục, khẳng định tính độc lập tự chủ và nền văn minh của một quốc gia văn hiến có chế độ Áo mũ và Lễ nhạc không hề thua kém Trung Hoa.

Theo quan niệm của người phương đông, linh vật rồng tiêu chuẩn phải là sự hội tụ đầy đủ các đặc điểm được cho là tốt đẹp nhất của 9 con vật có thật: Thân rắn, vảy cá chép, đầu lạc đà, sừng hươu, chân hổ, móng vuốt đại bàng, tai bò, mũi và bờm sư tử, đuôi gà trống. Và nếu là rồng tượng trưng cho hoàng đế thì thân phải có 81 vảy dương, 36 vảy âm, thân uốn 9 khúc (tức phải là số 9 hoặc bội số của 9 -con số lẻ- số dương cao nhất trong dãy số tự nhiên); chân rồng lại phải có 5 móng (số chính giữa trong hàng số lẻ). Thiếu những yếu tố trên, rồng không còn là linh vật rồng đích thực nữa mà là những biến thể của nó, thường được xem là em út, con cháu của rồng. Những biến thể này thường được dùng tượng trưng cho hoàng tử, hoàng thân và các quan lại, trang trí trên áo mão chúng là mãng long, giao long, long mã…

Rồng Trên trang phục đại triều của Hoàng đế

Triều Nguyễn là triều đại có những quy định chỉn chu, đầy đủ nhất về trang phục nói chung, trang phục cho bậc hoàng đế nói riêng. Theo sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (Hội điển) do Nội Các triều Nguyễn biên soạn, trang phục hoàng đế gồm 4 loại chính có trang trí rồng: 1-Triều phục (hay Đại triều phục), 2-Thường phục (hay Thường triều phục), 3-Lễ phục (gồm lễ phục tế Giao và lễ phục tế tông miếu hay lễ phục Xuân Thu), 4-Quân phục (hay Võ phục, mặc khi duyệt binh và mặc khi cày ruộng Tịch điền); mỗi loại trang phục lại bao gồm mão (mũ), áo ngoài, áo lót, xiêm, đai, bít tất, hia…mà hầu như tất cả đều có trang trí rồng. Ngoài 4 loại trang phục trên còn có Tiện phục và Tang phục, nhưng hai loại trang phục này khá đơn giản và hầu như không có trang trí.

Trang trí rồng trên áo tế Nam giao của Hoàng đế.

Linh vật rồng xuất hiện trên trang phục Đại triều của hoàng đế vô cùng phong phú. Theo Hội điển, mũ đại triều là loại Cửu Long Thông Thiên đính 31 hình rồng bằng vàng tốt, mắt rồng khảm bằng hạt trân châu nhỏ. Các hình rồng này được chế tác hết sức tinh xảo, mỏng nhẹ và sinh động; khi nhà vua cử động hay di chuyển sẽ có cảm giác tất cả chúng cũng đều đang chuyển động theo.

Áo hoàng bào kiểu ngũ thân tay rộng cổ tròn (viên lĩnh) may bằng sa đoạn, màu vàng chính sắc. Trên áo thêu hình 9 con rồng ở các vị trí khác nhau với các tư thế khác nhau cùng mây, sóng nước và 4 chữ “phúc thọ”. Trong áo lót sa dày thời hoa tứ hữu, hoặc trừu đỏ hoa tứ hữu, 2 cánh bằng đoạn màu lam thẫm, đậu loại tơ bát ti trắng bóng, mặt trước, mặt sau có hai chữ “vạn thọ” mỗi mặt ba hình rồng. Hai tay áo mỗi tay có 1 hình rồng… Cổ áo bằng đoạn đậu tơ bát ti bóng màu tuyết trắng. Hai dải rủ xuống đều thêu rồng mây.

Rồng Trên trang phục đại triều của Hoàng đế

Xiêm (thường) thì dùng sa mỏng trắng bóng, toàn sợi tơ có hoa màu đỏ, dệt kiểu rồng cuộn tròn (viên long),song nước (thủy ba), cổ đồ, bát bảo, dưới nối bằng đoạn gấm hoa hồi văn dây leo, lan can đỏ, trong lót lụa đỏ, gấm hạng nhất toàn hoa kim liên, màu lục hay màu lam, áo nối bằng lụa mộc.

Đai bằng vàng, không có hình rồng nhưng đính sừng tê, khảm 92 hạt trân châu.

Bít tất (hộ tất) thì thân bằng tơ, đậu tơ bát ti trắng bóng nhuộm màu lam thẫm, khoảng giữa bằng tơ bát ti trắng bóng màu tuyết, dưới bằng vải tây màu tuyết trắng phối hợp với gấm hạng nhất thuần hoa kim liên, lẫn lan can kim tuyến, trên thắt vào cái bọc đầu gối bằng tơ đậu tơ bát ti trắng bóng nhuộm màu vàng chính sắc, thêu rồng mây, thủy ba và hồi văn, kim tuyến…

Hia bằng tơ, đậu tơ bát ti màu đen, thêu rồng, mây, song nước và hoa bằng kim tuyến, trong lót tơ bát ti  màu đỏ. Rồng trên hia tạo hình giáng long nhưng đầu vẫn vươn lên ngẩng cao.

Đối với trang phục Thường triều của hoàng đế, mũ dùng loại Cửu Long Đường Cân (gọi tắt là Đường Cân). Đây là loại mũ có phần gáy nhô cao tựa như búi tóc, lại choãi ra hai bên như hình chữ bát; phần phía trước tròn, trang trí đôi rồng chầu về mặt trời ở trung tâm (lưỡng long triều nhật), các hình rồng khác cũng làm bằng vàng, đính lên mũ với nhiều tư thế khác nhau.

Áo hoàng bào dùng trong Thường triều phục cũng được chế tác rất cầu kỳ không kém hoàng bào dùng trong Đại triều phục, đây cũng là loại áo ngũ thân tay rộng, cổ tròn. Điểm khác biệt lớn nhất là hoa văn rồng trang trí trên áo chủ yếu là rồng ổ (viên long) lớn, mắt rồng khám hạt hổ phách màu huyền; ngoài ra là các họa tiết cổ đồ, bát bảo, sóng nước, các chuỗi hạt trân châu…

Trang trí rồng trên hia của Hoàng đế.

Lễ phục tế Giao (tế Nam Giao) là loại trang phục Cổn Miện. Đây là loại tế phục đã được các triều đại Lý, Trần, Lê Sơ sử dụng nhưng thời Lê Trung Hưng loại bỏ. Đầu thời Nguyễn, khi tế Nam Giao, hoàng đế vẫn mặc Đại triều phục hành lễ. Từ năm 1830, vua Minh Mạng lại đặt ra quy chế Cổn Miện. Trang phục Cổn Miện rất cầu kỳ, bao gồm mũ Miện, áo Cổn (Long Cổn), Thường, Kế y, Tế tất, Đại thụ, Ngọc bội, Cách đới, Đại đới, Bít tất và Hia.

Mũ Miện hay còn gọi mũ Bình Thiên là loại mũ trên vuông dưới tròn, đính hai chữ vạn thọ hoặc hai chữ thiên địa bằng vàng, có 12 hình rồng mây, 6 hình ngọn lửa, 2 thùy văn, hai nhiễu tường, 1hoa sen, 1 đóa mây, 1 liên đằng chạy quanh thành mũ, 256 hạt vàng, 2 chúc, 2 khuyên. Mặt trước và mặt sau có 24 dải lưu, hai bên phải trái mỗi bên một dải lưu, đều xâu chuỗi bằng san hô, trân châu, pha lê và các hạt vàng, tổng cộng 300 hạt. Xung quanh có mạng kim tuyến đính kết với 400 hạt vàng ngọc. Phàm là mắt rồng đều khảm các hạt trân châu nhỏ…

Áo Cổn may bằng sa mát bóng thuần chỉ, màu thiên thanh, thêu 6 chương: nhật, nguyệt, tinh thìn, sơn, long, hoa, trùng. Dải thùy lưu thêu hình rồng mây hoặc may bằng sa mát bóng thuần chỉ màu tuyết bạch. Ống tay áo thêu hình rồng mây. Cổ áo may bằng đoạn bát ti màu quan lục…Đáng chú ý là trên áo Cổn có 9 hình rồng ở các tư thế khác nhau, con ở chính giữa ngực kiểu rồng thăng, khá nhỏ; hai tay áo mặt trước và sau thêu hình rồng lớn chạy về hai phía kiểu long giáng, cửa tay áo thêu hình long truy; hai dải thùy áo thêu hình long thăng nhưng tư thế lại khác kiểu rồng ở ngực áo.

Thường (xiêm) thì không thêu hình rồng nhưng có thêu 6 chương: Tảo, hỏa, phấn mễ, phủ, phất, tông di; 6 chương này hợp với 6 chương thêu trên áo cổn để đủ 12 chương (mũ 24 lưu, áo xiêm có 12 chương, ý nghĩa tượng trưng cho 12 tháng và 24 tiết trong năm). Kế y (áo lót cổ tròn), Tế tất và Đại thụ thì đều có thêu hình rồng mây. Ngay cả đôi hia trong bộ trang phục cổn miện cũng thêu nổi hình hai cặp rồng trong tư thế long giáng rất sinh động.

Lễ phục Xuân thu là loại lễ phục hoàng đế mặc khi tế tông miếu. Đầu thời Nguyễn, vua Gia Long quy định ít nhất có 3 loại lễ phục Xuân thu tùy theo quy mô lễ tế. Đến thời Minh Mạng thì quy định thống nhất thành một kiểu. Lễ phục Xuân thu gồm mũ Xuân Thu, một kiểu mũ tròn, có phần sau nhô cao như búi tóc, hai bác sơn hai bên rủ xuống. Thân mũ và bác sơn trang trí hình 4 con rồng. Áo kiểu giao lĩnh (cổ chéo) làm bằng sa mát thuần chỉ, màu thiên thanh, thêu hình rồng mây, sóng nước… Bít tất bằng tơ màu bảo lam, hia màu thâm.

Quân phục của hoàng đế triều Nguyễn được quy định khá cụ thể. Khi duyệt binh quân phục gồm mũ võ Đại Long làm bằng tơ long vũ màu đen, lót đoạn bát ti màu vàng chính sắc, lan can kim tuyến của tây dương đính 4 hình rồng bằng vàng, 1 hình ngọn lửa, 2 hình rồng mây…Áo bào thì sử dụng loại áo tay hẹp làm bằng sa bóng màu vàng chính sắc, thêu rồng mây, sóng nước, cổ đồ, bát bảo, mắt rồng khảm trân châu. Đi kèm còn có áo ngắn mã quái, thường, bít tất, hia…Khi cày ruộng Tịch Điền hoàng đế cũng mặc tương tự, chỉ khác là đội mũ Cửu Long Đường Cân.

Như vậy có thể nói, hình tượng rồng trên trang phục hoàng đế triều Nguyễn hết sức phong phú; rồng xuất hiện ở nhiều vị trí với nhiều tư thế khác nhau: long thăng, long giáng, long truy… từ trên mũ mão đến long bào, long cổn, xiêm, bít tất đến tận hia, hài… Tất cả hình rồng này đều được nghệ nhân cung đình chế tác hết sức tinh xảo, công phu bằng vật liệu quý mà chủ yếu là vàng, ngọc; và chúng đều là loại rồng 5 móng, tượng trưng cho Thiên tử, người đứng đầu và cai trị thiên hạ. Trên thực tế, hình tượng rồng trên trang phục hoàng đế không chỉ là thương hiệu, phương tiện nhận diện mà còn góp phần làm nên giá trị đặc biệt của loại hình trang phục này./.

TS. Phan Thanh Hải/Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế

Tài liệu tham khảo:
Nội Các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, bản dịch của Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa, Huế, Bộ Lễ, tập 6, quyển 78.
Trần Quang Đức (2014), Ngàn năm áo mũ, Nxb Thế Giới- Công ty Nhã Nam.
Sở Văn hóa & Thể thao Thừa Thiên Huế (2022), Huế kinh đô áo dài Việt Nam, Nxb Thuận Hóa, Huế.
Phan Thanh Hải (2023), Tản mạn về Huế từ góc nhìn di sản, Nxb Hà Nội.