Ngày 6/9/2022, Tổng giám đốc tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) Audrey Azouley đã đến Ninh Bình tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm thực hiện Công ước bảo vệ Di sản văn hóa và Thiên nhiên thế giới (1972-2022). Ngay sau đó, Bà đã đến thăm cố đô Huế, địa phương được xem là cánh chim đầu đàn trong bảo tồn di sản văn hóa ở nước ta hiện nay, nơi có 7 di sản đã được UNESCO vinh danh.
Sự xuất hiện của Bà Audrey Azouley không chỉ thể hiện sự quan tâm của UNESCO đối với các di sản văn hóa, thiên nhiên của Việt Nam mà còn chứng tỏ vai trò, vị thế và những cống hiến to lớn của Việt Nam trong công cuộc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản trong những năm qua.
Là một quốc gia có vị trí đặc biệt ở Đông Á, với lịch sử văn hiến hàng nghìn năm, Việt Nam nổi tiếng là một đất nước có cảnh quan tươi đẹp và các di sản văn hóa phong phú, đa dạng. Với đường lối đúng đắn cùng sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, hiện nay Việt Nam đã vươn lên trở thành một “cường quốc về văn hóa” tại Đông Nam Á với hơn 40 di sản thuộc các loại hình khác nhau được UNESCO vinh danh (trong đó có 8 di sản vật thể, 14 di sản Phi vật thể đại diện, 7 di sản tư liệu cùng 3 Công viên địa chất toàn cầu và 11 Khu dự trữ sinh quyển thế giới).
Đặc biệt, một số di sản sau khi được vinh danh đã được các địa phương bảo tồn và phát huy giá trị rất tốt, trở thành những “điểm đến không thể bỏ qua” đối với du khách trong và ngoài nước, như Vịnh Hạ Long, Tràng An-Ninh Bình, Phong Nha- Kẻ Bàng, Huế, Hội An, Mỹ Sơn… Đó cũng là những ví dụ tiêu biểu cho việc biến di sản thành sức mạnh và nguồn lực cho sự phát triển mà Việt Nam đã thực hiện thành công.
Một lễ hội hội cung đình được tái hiện công phu ở cố đô Huế
Tuy nhiên, là một nước đang phát triển, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thử thách trong việc bảo tồn và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa, thiên nhiên rất phong phú của mình. Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở nhiều địa phương cùng áp lực phải phát triển nhanh dẫn đến nguy cơ xóa sổ nhiều di sản văn hóa và thiên nhiên quan trọng. Sự đứt gãy của một số truyền thống văn hóa đã để lại nhiều hậu quả rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt đời sống xã hội, nhất là đối với quá trình xây dựng, định hình nếp sống văn minh đô thị và nông thôn …Ngay tại các khu di sản thế giới như Hạ Long, Tràng An- Ninh bình, cố đô Huế…cũng đã xuất hiện các nguy cơ đe dọa sự bền vững của di sản và từng bị đưa vào Danh sách khuyến cáo của Ủy ban Di sản Thế giới thuộc UNESCO.
Nhận thức rõ những nguy cơ đó, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ III – “Hội nghị Diên Hồng về văn hóa”- được tổ chức ngày 24/11/2021 tại Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa, nêu rõ mục tiêu và nhiệm vụ phải chấn hưng văn hóa, để “Văn hóa soi đường cho quốc dân”.
Lễ hội văn hóa truyền thống tạo nên sức hút mạnh mẽ về du lịch.
Và gần như cùng thời điểm trên, Chiến lược phát triển Văn hóa đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ký và ban hành ngày 12/11/2021 (quyết định 1909/QĐ-TTg) cũng khẳng định vai trò cùng sự đóng góp to lớn của văn hóa cho sự phát triển bền vững của đất nước, đặt biệt, bên cạnh các mục tiêu bảo tồn và phát triển văn hóa còn đặt ra mục tiêu cụ thể là đến năm 2030, đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa sẽ đạt khoảng 7% giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam.
Chiến lược phát triển Văn hóa đến năm 2030 hiện đang được các địa phương đồng loạt triển khai gắn liền với công cuộc chuyển đổi số trong ngành Văn hóa, đó là một hướng đi phù hợp với xu thế hội nhập toàn cầu và cuộc cách mạng công nghiệp lần tứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn thế giới.
Từ kinh nghiệm thực tiễn của các nước đang phát triển cho thấy, công cuộc chuyển đổi số trước hết cần gắn liền với việc tổng kiểm kê và dữ liệu hóa toàn bộ các tài sản hiện có để tạo ra cơ sở dữ liệu đầy đủ, toàn diện về di sản văn hóa và thiên nhiên mà địa phương/quốc gia đang sở hữu. Đó là cơ sở ban đầu nhưng hết sức quan trọng, làm nền tảng cho công tác quy hoạch, công tác quản lý và chiến lược phát triển bền vững của địa phương/quốc gia ấy.
Phát triển du lịch mice là một hướng đi phù hợp cả về văn hóa và du lịch đối với các thành phố giàu tiềm năng văn hóa di sản như Hà Nội, Huế, Ninh Bình…
Một vấn đề quan trọng khác là sự đầu tư cho văn hóa, bao gồm cả nguồn lực, cơ chế chính sách và con người. Chiến lược phát triển Văn hóa đến năm 2030 mới đưa ra mục tiêu khá khiêm tốn là phấn đấu đến năm 2030, mức đầu tư cho văn hóa đạt được tối thiểu 2% tổng chi của ngân sách hàng năm; dù vậy, để đạt được mục tiêu này hoàn toàn không dễ dàng. Cần phải triệt để thay đổi cách nhìn về đầu tư cho văn hóa, không thể xem đây là sự đầu tư cho các hoạt động “cờ, đèn, kèn, trống”hay “có chi không có thu”, mà phải thực sự xem đó là sự đầu tư cho phát triển bền vững của đất nước và con người Việt Nam.
Tuy chưa phát triển đúng tầm do thiếu sự đầu tư đúng mức cùng những cơ chế chính sách phù hợp nhưng cho đến nay, một số lĩnh vực thuộc công nghiệp văn hóa như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, quảng cáo…đã chứng tỏ vai trò và tầm ảnh hưởng to lớn đối với đời sống xã hội, cả về vật chất và tinh thần, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, để đạt được mục tiêu đóng góp 7% vào GDP chung của cả nước thì cần có sự đầu tư thích đáng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Việc nghiên cứu để ban hành các chính sách phù hợp nhằm tháo gỡ các rào cản, vướng mắc, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình xã hội hóa, liên kết công tư trong lĩnh vực văn hóa, di sản là hết sức cần thiết và cấp bách. Theo quan điểm của UNESCO, cũng hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Đảng và Nhà nước ta, các di sản văn hóa hay thiên nhiên đều thuộc về cộng đồng, do cộng đồng làm chủ, cộng đồng có quyền và trách nhiệm trong việc chung tay gìn giữ, bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản. Vì vậy, nếu có các chính sách phù hợp để khuyến khích cộng đồng tham gia vào công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị di sản thì không chỉ tiết kiệm được tối đa nguồn đầu tư từ ngân sách mà còn đảm bảo cho các di sản được bảo vệ, gìn giữ một cách bền vững, lâu dài.
Chấn hưng văn hóa phải bắt đầu từ giáo dục.
Điều đáng mừng là văn hóa, di sản đang ngày càng được coi trọng và nâng cao vị thế; sự quan tâm của cộng đồng đối với văn hóa, di sản cũng ngày càng tăng lên. Đó chính là thời cơ, là điều kiện vô cùng thuận lợi cho công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản ở nước ta hiện nay, và cũng là thời cơ để Việt Nam chấn hưng văn hóa, để “Văn hóa soi đường cho quốc dân”.
Và cuối cùng, nhưng quan trọng nhất, đó là đầu tư cho Con Người. Để bảo tồn và phát huy hiệu quả các di sản, để thực hiện thành công Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 thì cần có sự đầu tư thích đáng cho đội ngũ những người làm văn hóa. Cần có cơ chế chính sách phù hợp để tuyển dụng, đào tạo và khuyến khích những người có tâm huyết, trí tuệ, tài năng làm việc cho ngành văn hóa. Họ không chỉ là chìa khóa cho sự thành công mà còn có thể tỏa sáng, làm rạng danh và trở thành niềm tự hào của đất nước, dân tộc.
TS. Phan Thanh Hải/Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế.