Thứ bảy, Tháng mười hai 21, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Sinh viên biểu tình phản chiến từ Mỹ đã lan sang các trường đại học ở Úc và châu Âu

ĐNA -

Các cuộc biểu tình của sinh viên kêu gọi Israel chấm dứt chiến sự ở Dải Gaza lan rộng khắp các trường đại học không chỉ ở Mỹ mà còn ở Canada, Anh, Pháp, Ý và Úc. Hai đại học thuộc nhóm Ivy League bắt đầu đình chỉ sinh viên từ chối ngừng biểu tình.

Các sinh viên biểu tình ủng hộ người Palestine và kêu gọi Israel chấm dứt chiến sự ở Dải Gaza tại Đại học California, thành phố Los Angeles, tiểu bang California, Mỹ hôm 28/4. Ảnh: Reuters

Làn sóng biểu tình ủng hộ người Palestine và kêu gọi chấm dứt cuộc chiến của Israel ở Dải Gaza đang diễn ra tại ít nhất 50 đại học ở Mỹ.
Đài Al Jazeera ghi nhận ít nhất 900 sinh viên và giảng viên tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine và kêu gọi quân đội Israel chấm dứt chiến sự ở Dải Gaza đã bị bắt giữ ở Mỹ trong vòng 10 ngày qua, tính đến tối 29/4. Tuy nhiên làn sóng biểu tình dường như vẫn chưa hạ nhiệt.

Mặt khác các cuộc biểu tình phản chiến dần trở nên bạo lực hơn khi các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ cố gắng giải tán đám đông biểu tình trong khuôn viên một số trường đại học.

Các cuộc biểu tình quy mô lớn lan rộng khắp 50 trường đại học ở Mỹ, trong đó có cả những đại học lớn và danh tiếng như Đại học Yale, Đại học Bách khoa Virginia, Đại học Texas ở thành phố Austin (thuộc bang Texas) và Đại học California ở thành phố Berkeley (thuộc tiểu bang California).

Bất chấp mọi nỗ lực của giới chức địa phương và cảnh sát, biểu tình phản chiến đã lan sang các trường đại học ở nước ngoài.
Điển hình như Đại học Melbourne, Đại học Sydney (Úc), Đại học McGill, Đại học Concordia (Canada), Viện nghiên cứu chính trị Paris, Đại học Sorbonne (Pháp), Đại học Sapienza (Ý), Đại học Leeds, Đại học College London và Đại học Warwick (Anh). Hiện một số sinh viên đã bị đình chỉ học, chịu hình phạt quản chế và một số khác bị buộc thôi học.

Các sinh viên dựng lều trại trong cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine tại khuôn viên Đại học Columbia ở TP New York (Mỹ) hôm 26/4. Ảnh: Reuters

Các sinh viên tại ĐH Columbia là những người đầu tiên cất tiếng nói phản đối cuộc chiến của Israel tại Gaza. Từ giữa tháng 4, họ đã dựng lều, kêu gọi lệnh ngừng bắn lâu dài ở Dải Gaza và yêu cầu trường đại học của mình thoái vốn khỏi các nhà sản xuất vũ khí của Israel và Mỹ.

Trong khi ĐH Columbia vẫn là tâm điểm phong trào phản chiến của sinh viên, sự chú ý cũng lan sang khuôn viên các trường đại học khác, từ ĐH Nam California ở bang California đến ĐH Emory ở bang Georgia và Trường Emerson ở bang Massachusetts. Hôm 26/4, khoảng 200 người biểu tình đã tập trung tại ĐH George Washington, cách Nhà Trắng vài dãy nhà, mang theo áp phích “Trả tự do cho Palestine”.

Theo Đài CNN, yêu cầu cụ thể của người biểu tình có phần khác nhau tùy từng trường, nhưng yêu cầu chính của họ là các trường đại học hãy thoái vốn khỏi các công ty có liên hệ với Israel hoặc các doanh nghiệp đang thu lợi từ cuộc xung đột ở Gaza. Các trường đại học phần lớn từ chối thực hiện yêu này.

Ngoài ra sinh viên còn yêu cầu trường của họ minh bạch những khoản đầu tư, cắt đứt quan hệ học thuật với các trường đại học Israel, ủng hộ lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza… Theo Bộ Y tế ở Gaza, hơn 34.000 người Palestine, hầu hết là phụ nữ và trẻ em, đã thiệt mạng trong cuộc xung đột kéo dài sáu tháng qua giữa Israel và Hamas.

Những cuộc biểu tình của sinh viên đã gây ra tranh luận sôi nổi trên khắp nước Mỹ về cách thức các trường đại học cho phép tự do ngôn luận nhưng vẫn giữ an toàn cho sinh viên và duy trì trật tự.

“Các cá nhân đã nhận được yêu cầu ngừng biểu tình phản chiến và nhận được nhiều cơ hội để dừng hành động đó lại, bao gồm cả thời gian năm giờ đồng hồ thương thảo để suy nghĩ về quyết định ngừng biểu tình. Cuối cùng, họ vẫn quyết định ngồi yên tại chỗ.

Sau đó họ đã được nhắc nhở nhiều lần và đến chiều tối, nhóm biểu tình được thông báo nếu không dỡ bỏ lều trại sẽ phải chịu các biện pháp kỷ luật của nhà trường”, ông Martha E.Pollack, hiệu trưởng trường Cornell phát biểu.

Chy Lê