Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

“Áo dài” trang phục nhận diện bản sắc của người Việt Nam

ĐNA -

GS.TS.Thái Kim Lan – chủ nhân bộ sưu tập áo dài quý hiếm, cũng từng là giảng viên môn triết học đối chiếu tại Munich (Đức). Bà luôn cho rằng, áo dài không cổ hủ, lạc hậu mà vẫn rất thời trang, tôn vẻ đẹp của người Việt Nam. Áo dài nhấn mạnh đến tính hòa điệu, phản ánh tinh thần, lòng tự hào của dân tộc. Mặc dù chưa có tuyên bố chính thức là quốc phục nhưng áo dài đã đi vào tâm thức của bao thế hệ người dân Việt, trở thành trang phục nhận diện bản sắc của người Việt Nam đối với người nước ngoài. Văn Dũng – Ngọc Hiển đã ghi lại cảm nhận của GS.TS. Thái Kim Lan về áo dài, trang phục truyền thống của người Việt Nam.

GS.TS.Thái Kim Lan – chủ nhân của Bảo tàng gốm cổ sông Hương và là chủ của những sưu tập áo dài cung đình nổi tiếng.

Quỳ gối hôn áo dài Việt
Tôi (GS.TS.Thái Kim Lan) bắt đầu mặc áo dài năm lên 10 tuổi, chiếc áo mới mẹ may vào dịp Tết như đánh dấu sự bắt đầu hình thành vóc dáng một con người. Từ đó, tà áo dài theo tôi suốt cả thời thiếu nữ, áo dài và tôi hầu như gắn bó keo sơn. Năm vào Trường Nữ trung học Đồng Khánh (nay là trường THPT Hai Bà Trưng), mẹ may cho tôi bộ áo dài đồng phục bằng vải quyến màu trắng. Khi choàng lên mình tà áo dài, tôi cảm thấy hãnh diện bởi mình trở nên chững chạc hơn, trở thành con gái hơn.

Năm tháng làm quen, áo dài đối với tôi thời ấy là bộ trang phục Việt Nam cho phụ nữ Việt Nam, dần dà như đồng hóa với bản sắc Việt Nam, với quê hương Việt Nam, tự nhiên như mặt trời buổi sáng và sao trăng buổi chiều. Vô hình trung, “áo dài” đã uốn nắn một phần cung cách đi đứng, phong cách sống của người phụ nữ Việt Nam. Cho đến thế hệ chúng tôi, áo dài là quốc phục phụ nữ, tà áo dài gắn bó với nếp sống gia phong của mỗi gia đình và hầu như là lối ăn mặc duy nhất cho mọi phụ nữ Việt Nam. Nữ sinh đi học trong chiếc áo dài là điều tự nhiên chứ không phải bị bắt buộc hay quy định như ngày nay.

Gs.Ts Thái Kim Lan là người thường xuyên tổ chức các sự kiện về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, di sản truyền thống của xứ Huế.

Năm 1965, khi tôi sang Đức du học, “gia tài” tôi mang theo là 6 bộ áo dài bằng lụa nội hóa. Ngày khai giảng đầu tiên, tôi cùng 5 nữ giáo viên khác cùng du học đến trình diện ở trường trong những chiếc áo dài thướt tha. Những đồng nghiệp ngoại quốc dự khai giảng ngỡ ngàng khi thấy trang phục của chúng tôi. Họ trầm trồ trước vẻ uyển chuyển thướt tha và ngợi khen đây là một trang phục rất lạ, đẹp, lịch sự và thích hợp với dáng dấp mảnh khảnh của phụ nữ Á Đông. Trong khung cảnh lạ ở xứ người, giữa những gương mặt không quen, trong chiếc áo dài tôi có cảm giác mình tự tin và vững chãi. Hơn một lần, tôi nhận thấy chiếc áo dài thân thiết như chính quê hương. So với những lúc ăn vận trang phục Tây phương ngượng nghịu, phụ nữ Việt dù mốt miết đến đâu cũng không thể đẹp như trong chiếc áo dài, bởi vì nó phù hợp với cử chỉ, dáng dấp, thể hình phụ nữ Việt, nó làm nổi bật vẻ duyên dáng đặc biệt. Tôi còn nhớ, khi nhìn sang những người bạn gái trong chiếc áo dài lịch sự và trang trọng, tôi càng ý thức điều đó nhiều hơn, và vui làm sao khi mọi cặp mắt đều chú ý đến họ như những bông hoa hiếm đẹp giữa trăm nghìn người xa lạ.

Thời gian ở Đức, khi xuất hiện trong chiếc áo dài, không ít người – mặc dù người Đức rất kín đáo, không sỗ sàng – đến nâng tà áo dài và tỏ lời trầm trồ. Thậm chí, có người còn quỳ xuống nâng tà áo và hôn lên tà áo để thể hiện sự trân trọng, ngưỡng mộ. Mùa đông ở Đức rất lạnh nên phải thay đổi trang phục. 6 bộ áo dài được cất vào vali, nhưng mỗi lần mở ra tôi lại tìm thấy mình ở trong đó. Lúc tôi giảng dạy triết học tại Đại học Ludwig – Maximilian (Đức), buổi đầu khai giảng tôi mặc áo dài, đồng nghiệp và sinh viên ai cũng quay nhìn, kín đáo với cặp mắt ngưỡng mộ. Dĩ nhiên ngoài món ăn tinh thần mà họ nhận được từ những bài giảng, thì cô giáo của họ còn đặc biệt hơn trong chiếc áo dài. Thỉnh thoảng không thấy tôi mặc áo dài, những đồng nghiệp của tôi lại đề nghị tôi mặc để xin… ngắm. Năm 2000, tôi đi dự Đại hội quốc tế ở Hàn Quốc, lúc đó tôi mang một chiếc áo dài cổ điển. Mọi người lại ngạc nhiên không ngờ chiếc áo dài Việt rất lịch sự, vừa thanh nhã cao sang vừa yểu điệu thu hút so với áo truyền thống của Hàn Quốc. Chiếc áo dài đó là áo gấm thêu, lót trong lớp lụa tơ màu đỏ, vải ngoài the thêu bằng sợi bạc và vàng hình loan phượng, nhật nguyệt.

Lối cắt thời xưa với 5 tà, rộng tà chứ không chít eo. Bây giờ chiếc áo dài phá cách nhiều. Áo dài kiểu xưa phủ vạt rộng, mặc dù không eo nhưng nhờ bờ vai và cánh tay vừa khít nên vẫn nhấn mạnh vóc dáng thanh tao mảnh khảnh của người phụ nữ Việt.

Bảo tàng gốm cổ Sông Hương là nơi trưng bày hàng ngàn hiện vật quý hiếm

Áo dài tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt
Con gái Huế rất chuộng tà áo dài tím. Đã có một thời nữ sinh Đồng Khánh thế hệ trước tôi đồng phục áo dài màu tím, nên Trường Đồng Khánh thời ấy còn được gọi là “trường áo tím”, đến thế hệ chúng tôi, trường cho đồng phục áo dài màu trắng, nhưng áo tím vẫn được ưa chuộng, vì màu áo mang tính chất của Huế đẹp và thơ, như từ thời xưa ấy, cho nên màu áo này còn được gọi là “tím Huế”. Nét đẹp của Huế chuộng sự thanh nhã, kín đáo, dung dị không sặc sở chói lóa, đó là đặc trưng của tà áo dài tím Huế.

Màu tím đã in sâu vào tâm khảm của người con gái Huế do chính bầu trời, dòng sông, rặng núi, không gian cổ xưa hun đúc nên. Thành phố Huế là mảnh đất kinh kỳ trang trọng, nhưng sự rực rỡ không phải là sự phô trương bên ngoài mà hướng vào bên trong. Tà áo dài tím kín đáo dấu sắc đẹp rực rỡ bên ngoài, làm giảm gam màu chói lói, hướng người ta chú ý đến cung cách đức hạnh hay tinh thần bên trong, mà đó cũng là một vẻ đẹp khác của người phụ nữ nói chung và là sắc đẹp người con gái Huế nói riêng. Cho tới bây giờ, tôi vẫn chọn màu áo tím để mặc như tôi vẫn chọn thời con gái, trong màu áo, tôi rèn mình thuần thục hơn, nhũn nhặn hơn.

Điều làm tôi luyến tiếc nhất là hình ảnh tà áo dài đã dần mất đi trên đường phố. Hình ảnh những thiếu nữ trong tà áo dài tím, áo trắng uyển chuyển, thấp thoáng trên những con đường nên thơ của Huế, khắp nơi trên phố xá thị thành của đất nước đã hằn sâu trong ký ức của tôi. Du khách đến Việt Nam thường bảo, Việt Nam là một trong những nước có nhiều người đẹp nhất thế giới, bởi trên đường phố cứ mười bước là gặp được một người đẹp trong tà áo dài.

Thế hệ tôi tà áo dài hiện diện trong đời sống thường nhật, phụ nữ từ người bình dân buôn thúng bán bưng cho đến người cao sang đều… “bình đẳng” trong chiếc áo dài, bình đẳng trong vẻ đẹp cũng như tính cách con người, dù chất lượng vải vóc khác nhau, nhưng tính cách Việt vẫn là một, cho nên áo dài hoàn toàn gắn bó với đời sống của mỗi người. Bây giờ, chúng ta có nhiều chọn lựa trang phục hơn, nhiều mốt thời trang hơn và sau một thời gian chiếc áo dài vắng bóng trên đường phố, tâm lý con người hôm nay cũng đã khác, chiếc áo dài trở nên xa lạ, thậm chí những người nghèo còn không biết đến áo dài. Áo dài chỉ dành cho một đẳng cấp nào đó như một thứ thời trang đặc biệt cho lễ lượt, chính điều ấy đã ly khai chiếc áo dài ra khỏi nhịp sống thường nhật vốn có. Nhiều người cho rằng chiếc áo dài bất tiện, gò bó, nhưng thời của chúng tôi, dù nắng hay mưa, chúng tôi vẫn chạy nhảy, đi xe đạp trong tà áo dài.

Người xưa đã nghiên cứu khí hậu, thời tiết và phong cảnh ở đây để tạo ra trang phục áo dài. Nó vừa thích hợp với sự nhịp nhàng thể xác, vừa che chở con người trong cơn nắng gắt hay mưa dầm, bụi bặm trên đường phố, một điều kiện cho sức khỏe của người phụ nữ, vừa chống chọi với khí hậu lại tô điểm dáng dấp con người Việt.

Bảo tàng là một trong những điểm rất thu hút khách tham quan và các nhà nghiên cứu

Khi lựa chọn trang phục, người mặc nên biết vẻ đẹp của mình ở đâu. Chính tà áo dài nền nã đã tôn lên vẻ đẹp phụ nữ Việt. Áo dài đi theo tính cách, đức hạnh của người con gái nên mặc áo dài tím mà mình trang điểm lòe loẹt thì không đẹp. Người ta có thể mặc áo dài tím với quần màu, nhưng theo tôi quần trắng đi với tà áo dài tím thanh nhã đẹp, chứ không đồng bóng xanh đỏ tím vàng. Trang sức đi theo áo dài, cách trang điểm và kiểu tóc cũng phải có chừng mực. Con gái hiện nay bỏ mất mái tóc thề mà tỉa tóc theo đuôi mực kiểu Hàn Quốc. Ngày trước, con gái cắt tóc ngang bằng, làn tóc đen óng ả mà Trịnh Công Sơn có lần gọi “tóc em từng sợi nhỏ rớt xuống đời làm sóng lênh đênh”… Tôi mong làm sao bên cạnh những cửa hàng áo dài màu sắc sặc sỡ, thêu thùa đủ kiểu, sẽ có những tiệm áo dài tạo “mốt” thích hợp cho phụ nữ trẻ bình dân. Chính những chiếc áo dài bằng hàng vải đơn thuần, thích hợp với môi trường và môi sinh, những loại hàng sợi thiên nhiên như những chiếc áo của người miền núi dệt lại là những chiếc áo dài có thể tạo nên một vẻ đẹp dung dị khác hơn với phong trào thời trang hiện nay, còn hơn những chiếc áo dài bằng sợi nhân tạo, phi bóng có hại cho sức khỏe khi trời nóng nực. Ngược lại, vải dệt bằng sợi thiên nhiên từ bông gòn, sợi gai, lụa, tơ thô, rất phù hợp cho làn da, lại dung dưỡng sức khỏe thể xác, màu sắc tự nhiên tạo nên hòa điệu tâm hồn.

Những chiếc áo dài ấy cho thấy áo dài có thể có được mà không cần phung phí tiền thêu rồng phượng, chúng cũng tiện lợi không thua những váy đầm, quần jeans, mà hơn thế, chúng tôn tạo vẻ đẹp của mọi giới phụ nữ trên đất nước của chính mình. Những người phụ nữ Việt, kể cả những người lam lũ, khi khoác trên mình chiếc áo dài, đều toát lên những vẻ đẹp hồn nhiên đáng trân trọng, đó chính là hồn phách dân tộc, là nét đẹp Việt Nam.

Gs.Ts Kim Lan thường xuyên tham gia các diễn đàn hội thảo khoa học về văn hóa, di sản

Đàn ông tại sao lại không mặc áo dài?
Trong thời gian qua, có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh việc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế thử nghiệm nam công chức mặc áo dài ngũ thân tham dự lễ chào cờ sáng thứ Hai đầu mỗi tháng. Chợt trong tôi đặt ra một câu hỏi: Đàn ông tại sao lại không mặc áo dài? Dĩ nhiên đây là một câu hỏi không dễ trả lời xác đáng. Và rồi trong lòng lại muốn nói: mặc được thì nên mặc, chứ không chỉ thử, sao lại không?

Áo dài nữ bao đời nay đã có những cách tân, phát triển, nay đang rực rỡ như thế nào có lẽ không cần bàn. Áo dài nam cũng đã có từ rất lâu, cho đến lúc Âu phục “chiếm cứ” thời thuộc Pháp. Người Tây và người theo Tây khi ấy muốn cải tiến trang phục để chứng tỏ tinh thần cách tân mạnh mẽ, không nệ truyền thống.

Nhưng nó đâu có xa lạ với người Việt, nó là của người Việt, là thời trang của đàn ông Việt. Những lễ lạt, cưới hỏi, cúng bái xóm đình… người ta vẫn mặc đều. Có ai thấy chối mắt vì xấu xí, ngược đời, kỳ cục gì đâu; thay vào đó là sự trân trọng.

Hình ảnh vua Hàm Nghi suốt đời gắn liền với tà áo dài Việt năm xưa, nhìn lại thấy thật phong cách và tự tin, hoặc những mẫu áo dài nam trên các sàn thời trang thời nay hay hình ảnh của nhiều người, ở nhiều lĩnh vực, trong đó có giới trẻ lúc kết hôn, cho thấy áo dài nam vẫn là trang phục thời trang rất Việt và rất đẹp.

Có vài sự không tiện dụng mà nhiều người nhắc đến như sự tốn kém, nóng nực, vướng víu, không phù hợp môi trường làm việc… Có ý kiến còn liên tưởng đến hình ảnh ông lý trưởng cường quyền với “dân đen” một thời quá vãng… Những ý kiến ấy dù đúng hay không, theo tôi, đều có cách giải quyết. Xét tính tiện lợi, tôi nghĩ y phục Tây và áo dài nam nào khác gì nhau trên phương diện thực dụng. Bộ veston có khi còn đắt tiền hơn và cũng không thoải mái hay thoáng mát hơn; bộ áo dài nam cũng đâu có luộm thuộm hay quá nóng, áo dài còn bảo vệ trọn cả thân người.

Để phá bỏ định kiến đã chế ngự tư duy và cách nhìn y phục áo dài nam từ gần một thế kỷ, có lẽ nên nhìn áo dài đàn ông trên phương diện thời trang. Trên phương diện này ta có thể khách quan hơn khi nhìn nhận thời trang có thể thay đổi, sự thay đổi này không chỉ một chiều, mà có thể quay về, trở lại cho phù hợp với phong cách của người mặc, phù hợp với ý thức bản sắc văn hóa của mình. Với cách nhìn đó, tôi thấy thời trang ấy thích hợp với người Việt Nam, hay chí ít đối với con người và cảnh sắc xứ Huế.

Tất nhiên để áo dài nam đi vào cuộc sống, cụ thể là trong giới công sở Huế, chúng ta cần vận dụng tư duy và nghệ thuật cũng như kỹ thuật để triển khai, cải tiến cách tân sao cho phù hợp với hoàn cảnh và môi trường làm việc thời nay.

Vấn đề chính ở đây là có điều chỉnh được sự mặc định hình ảnh người đàn ông gắn liền Âu phục từ thời Tây thuộc đến bây giờ hay không. Ở một góc nhìn khác, tôi còn nghĩ có khi cứ bám vào Âu phục như hiện nay mới là cổ hủ. Chính ý tưởng áo dài nam trở lại là có tính “cách mạng”.

Tôi nghĩ đến Nhật Bản, Ấn Độ… đều có trang phục truyền thống. Còn Việt Nam thì đang theo Tây trên phương diện Âu phục, ý thức về thời trang đang thiếu nét truyền thống. Ở góc độ truyền thống và bản sắc, việc trở lại giá trị của người Việt âu cũng không có gì quá đáng, nếu không nói là hợp lý.

Bài và ảnh: Văn Dũng – Ngọc Hiển