Ít ai nghĩ rằng, chiếc bàn ủi lại có lịch sử hàng ngàn năm. Nhưng điều đó lại hoàn toàn có thật. Từ khi con người biết dệt vải, biết mặc đẹp thì nhu cầu có chiếc bàn ủi để có bộ cánh phẳng phiu, tươm tất đã có rồi. Nhưng ngày xưa, chỉ có bậc vua chúa hay giới quý tộc, quan lại giàu có mới có cơ hội sở hữu và sử dụng thường xuyên bàn ủi để làm đẹp cho mình. Cho đến nay, trong hầu hết các sưu tập bàn ủi tại các bảo tàng nhà nước hay tư nhân ở nước ta, bàn ủi thời Nguyễn luôn chiếm vị trí chủ đạo.
Một số mẫu bàn ủi thời Nguyễn
Bàn ủi hay bàn là là thứ vật dụng vô cùng quen thuộc với cuộc sống hiện đại. Ngày nay người ta quá quen với chiếc bàn ủi điện hiện đại, bàn ủi hơi nước, bàn ủi cây.. nên lớp trẻ hầu như không thể tưởng tượng được rằng mới khoảng ba bốn chục năm trước, phần lớn các gia đình ở Việt Nam vẫn còn sử dụng chiếc bàn ủi than, nhất là ở vùng nông thôn khi mạng điện lưới quốc gia còn chưa vươn đến.
Cũng ít ai nghĩ rằng, chiếc bàn ủi lại có lịch sử hàng ngàn năm. Nhưng điều đó lại hoàn toàn có thật. Từ khi con người biết dệt vải, biết mặc đẹp thì nhu cầu có chiếc bàn ủi để có bộ cánh phẳng phiu, tươm tất đã có rồi.
Tương truyền chiếc bàn ủi đầu tiên đã xuất hiện từ đầu công nguyên ở Trung Quốc. Đó là chiếc bàn ủi bằng đồng, dùng than củi để đốt nóng, là ủi trang phục cho bậc đế vương thời Hán. Còn chiếc bàn ủi điện đầu tiên được đăng ký phát minh là ở New York, Mỹ năm 1882. Từ đó đến nay, nó liên tục được cải tiến về mẫu mã và chất lượng để ngày càng đẹp hơn, tiện dụng hơn.
Ở Việt Nam, không rõ chiếc bàn ủi xuất hiện từ khi nào, nhưng có lẽ cũng rất sớm vì quá trình giao lưu liên tục với các nền văn minh khác qua đường bộ, đường biển. Nhưng cho đến nay, trong hầu hết các sưu tập bàn ủi tại các bảo tàng nhà nước hay tư nhân ở nước ta, bàn ủi thời Nguyễn vẫn chiếm vị trí chủ đạo. Đa số các bàn ủi này đều làm bằng đồng hoặc hợp kim đồng, kiểu dáng khá phong phú, nhiều chiếc có giá trị mỹ thuật rất cao.
Tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hiện nay vẫn lưu giữ được một sưu tập gồm 9 chiếc bàn ủi thời Nguyễn. Đây là những chiếc bàn ủi có nguồn gốc từ chốn cung đình, được chế tác trong thế kỷ 19. Tất cả chúng đều là loại bàn ủi than, có tay cầm bằng gỗ để cách nhiệt nhưng không có nắp đậy, có loại hình vuông, loại hình trụ ống, loại hình trụ bụng phình kiểu tang trống, loại hình vương miện… Xuất xứ cung đình của những chiếc bàn ủi này thể hiện rõ qua kiểu dáng và hình thức trang trí cầu kỳ, tinh xảo với tính thẩm mỹ cao. Ngoài kiểu hoa văn trang trí hình kỹ hà, hình chữ thọ, lá hóa… khá quen thuộc của thời Nguyễn trên thân bàn ủi, phần ống nối vào tay cầm bằng gỗ có chiếc được tạo dáng hình đầu rồng hay hình miệng cá trông rất sinh động.
Ngày xưa, chỉ có bậc vua chúa hay giới quý tộc, quan lại giàu có mới có cơ hội sở hữu và sử dụng thường xuyên bàn ủi để làm đẹp cho mình. Trong chốn cung cấm, các công trình kiến trúc đều bằng gỗ nên việc sử dụng bàn ủi cũng phải tuân theo quy chế nghiêm ngặt, vì bàn ủi sử dụng than củi cháy để làm nóng khi hoạt động nên dễ gây nên hỏa hoạn. Trang phục của bậc đế vương, hậu phi đều quý giá và rất cầu kỳ nên việc là ủi không hề dễ dàng và mất rất nhiều công sức, nhất là các bàn ủi đều có hình vuông, hình tròn chứ chưa có dạng hình thoi hay mũi hình tam giác như bàn ủi điện sau này. Sử dụng bàn ủi than không có nắp đậy nên phải hết sức cẩn thận. Cung nhân, thái giám là ủi áo quần cho chủ nhân mà không may lỡ tay làm cháy, làm hỏng trang phục thì coi như là họa tới! Đã có những giai thoại khá bi thảm về thân phận của cung nhân liên quan đến chuyện là ủi trang phục cho đế vương…
Đến đầu thế kỷ 20, do ảnh hưởng của văn minh phương Tây, chiếc bàn ủi đã được cải tiến từng bước dù vẫn chế tác từ đồng hay hợp kim đồng. Bàn ủi được làm dạng hình thoi, hình thuyền nên có thể ủi được chỗ khó; tiết diện mặt bàn ủi cũng lớn hơn để tiết kiệm công sức; đặc biệt, bàn ủi đã có nắp đậy và có quai xách ở phía trên nên an toàn hơn rất nhiều. Những chiếc bàn ủi than loại này vẫn được sử dụng mãi cho đến thập niên 80 của thế kỷ trước.
Ngoài Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, hiện nay tại một số bảo tàng Nhà nước và tư nhân cũng có một số sưu tập bàn ủi. Ngoài một số chiếc có nguồn gốc cung đình, có nhiều chiếc vốn được sản xuất ra để phục vụ giới quan lại, thương nhân giàu có, cũng có một số chiếc có nguồn gốc từ bên ngoài, được nhập khẩu vào Việt Nam qua đường buôn bán, biếu tặng. Trong số này có những chiếc rất độc đáo vì kích thước nhỏ xíu và chuyên sử dụng để ủi…tiền giấy!
Thế giới đang thay đổi rất nhanh. Những chiếc bàn ủi than ngày nào giờ đã trở thành những món đồ cổ tại các bảo tàng, các sưu tập tư nhân. Tuy nhiên, với những ai hay nặng lòng với quá khứ, những chiếc bàn ủi cũ kỹ ấy vẫn chất chứa bao kỷ niệm và cảm xúc khó quên, nhất là khi gia đình bạn đã từng có một chiếc bàn ủi như vậy./.
TS. Phan Thanh Hải