Theo Defense Express, Nga tuyên bố rằng, tổng cộng “vài chục” chuyến bay thử nghiệm của chiếc A-60 (lắp đặt bộ phát tia laser trên máy bay vận tải Il-76) đã được thực hiện, trong đó hệ thống laser đã bắn vào mục tiêu khí cầu ở độ cao 30 – 40 km, cũng như máy bay mục tiêu loại La-17.
Trước việc các nước NATO đang tăng cường hoạt động của máy bay không người lái trinh sát trên Biển Đen, dẫn đến việc Bộ Quốc phòng Liên bang Nga đe dọa sẽ “thực hiện các biện pháp cứng rắn”. Để đối phó với những tình huống này, một trong những giải pháp đã được Nga công bố, đó là sử dụng tổ hợp vũ khí ít được biết đến với chỉ số A-60, về cơ bản đây là việc lắp đặt bộ phát tia laser trên máy bay vận tải Il-76.
Công việc chế tạo tổ hợp “laser bay” bắt đầu từ thời Liên Xô, vào những năm 1970. Theo thiết kế ban đầu, phương tiện này nhằm mục đích phá hủy các khinh khí cầu ở độ cao lớn.
Chuyến bay đầu tiên của nguyên mẫu A-60 (chỉ số 1A) diễn ra vào tháng 8/1981, với việc lắp đặt máy phát tia laser công suất 1 MW trên máy bay vào năm 1984. Khá nhanh chóng, chiếc A-60 thử nghiệm này (hiện nhận ký hiệu 1A2) đã được khôi phục, các chuyến bay thử nghiệm được nối lại vào năm 1991, năm 1993 quá trình kiểm tra tiếp tục bị dừng, nhưng đến năm 2009 thì lại được tiếp tục.
Theo dữ liệu của Nga, máy bay A-60 hiện mới chỉ được sản xuất trong một bản thử nghiệm công nghệ duy nhất. Ở giai đoạn cuối những năm 2000, Nga liên tục khẳng định rằng các chuyến bay của A-60 chỉ mang tính chất “hòa bình” khi chỉ thực hành “hộ tống laser” đối với tàu vũ trụ ở các tầng cao của khí quyển. Nhưng tuyên bố này không hề ngăn cản luồng ý kiến nhận định rằng thực tế A-60 không chỉ có mục đích quân sự, mà nó còn được tạo ra nhằm sẵn sàng cho cuộc đối đầu với Mỹ.
Đây chính là nơi nảy sinh sự khác biệt giữa tuyên truyền và thực tế. Bởi vì bất chấp mọi nỗ lực ca ngợi, nhiều chuyên gia Nga thậm chí còn không biết chắc chắn “tia laser bay” A-60 của họ là gì, và liệu bây giờ nó có thể được sử dụng trong cuộc chiến toàn diện tại Ukraine hay không.
Chy Lê