(Quảng Trị). Ngày 6/7/2024, tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư. Phó Thủ tướng Lê Thành Long, lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp đã dự hội nghị,
Tại Hội nghị, tỉnh Quảng Trị công bố, công khai rộng rãi quy hoạch; gặp gỡ đối tác, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Qua đó giúp nhà đầu tư có cái nhìn toàn diện hơn, sâu sắc hơn, tổng thể hơn về tiềm năng, thế mạnh cũng như kỳ vọng của Quảng Trị; đồng thời đóng góp ý kiến, đề xuất kiến nghị giúp tỉnh phát triển.
Quảng Trị không ngừng nỗ lực tìm kiếm một con đường hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được kết tinh từ trí tuệ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh; được hun đúc từ khát vọng vươn lên của nhiều thế hệ. Người dân Quảng Trị không ngừng trăn trở và nỗ lực tìm kiếm một con đường hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững; là sự kế thừa những thành quả và giá trị truyền thống kết hợp hài hòa với xu thế phát triển của thời đại; là bản tổng kết thực tiễn sinh động và quý giá, để từ đó định vị rõ hơn vị trí của tỉnh trong bản đồ phát triển tổng thể quốc gia, xác định rõ hơn về các tiềm năng, thế mạnh; cơ hội và thách thức để định hình phát triển mang tầm chiến lược, bao trùm, toàn diện, cả trước mắt và lâu dài; là bản luận chứng mang khát vọng và niềm tin Quảng Trị.
Theo chủ tịch tỉnh Võ Văn Hưng, để xây dựng tổng thể Quy hoạch, Quảng Trị đã hợp tác với tổ chức Singapore Cooperation Enterprise để xây dựng “Báo cáo nghiên cứu định vị kinh tế cấp cao tỉnh Quảng Trị”; hợp tác với Sakae Advisory – Surbana Jurong xây dựng “Ý tưởng Quy hoạch tỉnh Quảng Trị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và Tổ chức AVSE Global để tham gia phản biện Quy hoạch tỉnh…
Đây là các đơn vị tư vấn có kinh nghiệm và uy tín quốc tế, với kỳ vọng được lựa chọn hợp tác tham gia giúp tỉnh định hình được bức tranh toàn cảnh phát triển kinh tế-xã hội trên cơ sở tính toán bố trí cân xứng, hài hòa cả trong tỉnh và khu vực đặt trong tổng thể Quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm đạt được mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả, bền vững, tạo ra những nét “riêng có” của tỉnh Quảng Trị.
Phát triển Quảng Trị thành trung tâm hậu cần và trung chuyển hàng hóa khu vực Đông Nam Á
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho rằng, cùng truyền thống, lịch sử hào hùng, Quảng Trị mang trong mình rất nhiều tiềm năng, lợi thế đặc biệt để trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung và cả nước.
Quảng Trị là điểm kết nối quan trọng giữa các tỉnh trong vùng và giữa các nước hướng ra biển: Là cửa ngõ hướng ra Biển Đông của các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông-Tây, có vị trí đầu mối giao lưu, hợp tác phát triển với các địa phương trong nước với các nước trong tiểu vùng sông Mekong mở rộng; đồng thời là cầu nối vùng Bắc Trung Bộ với Vùng động lực miền Trung.
Quảng Trị là điểm đến nổi trội của du lịch Việt Nam với giá trị văn hóa, lịch sử đa dạng rất đặc thù, đặc trưng, đặc sắc và nằm trên Con đường di sản miền Trung.
Với 75 km đường bờ biển, Quảng Trị có nhiều tiềm năng phát triển đô thị biển kết hợp du lịch, xây dựng và mở rộng cảng biển, phát triển các ngành kinh tế biển.
Quảng Trị hội tụ nhiều điều kiện tốt để trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung, kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, góp phần “thay áo mới” cho tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.
Đặc biệt, Quảng Trị mang dấu ấn riêng của mảnh đất miền Trung “gió Lào – cát trắng” với những người con “yêu nước, cần cù, chịu thương, chịu khó, hiếu học, không ngừng nỗ lực, vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho gia đình, quê hương, đất nước”, Phó Thủ tướng nói.
Quy hoạch tỉnh Quảng Trị mở ra không gian phát triển mới trong 10 năm và định hướng 20 năm tới.
Theo Phó Thủ tướng, với khát vọng của nhân dân Quảng Trị về thịnh vượng, xã hội phát triển hài hòa, môi trường sinh thái trong lành, đáng sống, Quy hoạch tỉnh Quảng Trị đã được chuẩn bị công phu, bài bản, khoa học, mở ra không gian phát triển mới trong 10 năm và định hướng 20 năm tới.
Quy hoạch được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn trên cơ sở phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh từ thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa, lịch sử, cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế của tỉnh.
Quảng Trị hội tụ các điều kiện để phát triển nhanh và bền vững, là điểm đến tin cậy, hấp dẫn của các nhà đầu tư và phát triển mạnh theo hướng: Xây dựng Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng sạch của miền Trung; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Xây dựng kết cấu hạ tầng logistics chất lượng và hiệu quả; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao; phát triển nông nghiệp hàng hóa, áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến và nông nghiệp sinh thái, hữu cơ,… hướng tới trở thành là một trong những trung tâm kinh tế tổng hợp của khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, trung tâm hậu cần và trung chuyển hàng hóa của khu vực Đông Nam Á và các hành lang giao thông trong khu vực ASEAN, tiểu vùng sông Mekong (GMS) vào năm 2030 và trở thành tỉnh có nền kinh tế vững mạnh với cơ cấu chính là công nghiệp – dịch vụ và là một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ vào năm 2050.
Xây dựng và phát triển Quảng Trị trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn đặc trưng về lịch sử – văn hóa
Để triển khai hoàn thành mục tiêu Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà tỉnh đã đặt ra, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh một số nội dung.
Thứ nhất, cần khẩn trương triển khai quy hoạch với chương trình hành động, kế hoạch cụ thể, tiến hành phân công, phân nhiệm rõ ràng giữa các cơ quan; tổ chức thực hiện bài bản, hiệu quả những nhiệm vụ đã đề ra trong Quy hoạch; cụ thể là 4 khâu đột phá; 8 ngành trọng điểm; phát triển theo 4 vùng, 6 hành lang kinh tế. Phó Thủ tướng lưu ý 5 bảo đảm trong triển khai quy hoạch: Bảo đảm tính tuân thủ của quy hoạch; Bảo đảm tính đồng bộ của quy hoạch; Bảo đảm tính liên kết của quy hoạch; Bảo đảm tính mở rộng của quy hoạch; Bảo đảm tính kế thừa của quy hoạch.
Thứ hai, quan tâm đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng KTXH theo hướng đồng bộ, đặc biệt hạ tầng giao thông kết nối, tạo không gian phát triển mới đặc biệt là đầu tư hoàn thành Cảng Hàng không Quảng Trị và Cảng nước sâu Mỹ Thủy-coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu; phát triển hệ thống đô thị, nghiên cứu mở rộng không gian phát triển Khu Kinh tế Đông Nam, gắn kết với các khu vực thuận lợi phát triển dọc hành lang đường bộ cao tốc Bắc-Nam và dọc quốc lộ 15D. Xây dựng Khu kinh tế-thương mại đặc biệt Lao Bảo thành trung tâm thương mại-dịch vụ-du lịch tổng hợp, hướng tới hình thành Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo (Việt Nam)-Đensavan (Lào).
Thứ ba, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực có thế mạnh, tiềm năng trên nền tảng chuyển đổi số, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, gia tăng giá trị hàm lượng tri thức, khai thác hiệu quả lợi thế so sánh, nhất là kinh tế biển, du lịch, kinh tế tuần hoàn, sáng tạo và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, quan tâm bảo vệ môi trường, phục hồi sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học, vừa tôn tạo vừa khai thác phát huy các giá trị sinh thái đặc thù, phục vụ phát triển kinh tế và nâng cao giá trị và chất lượng môi trường sống của người dân.
Thứ tư, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh trạnh, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; cải thiện và nâng cao các chỉ số như PAPI, PCI…
Về xúc tiến, thu hút mạnh mẽ đầu tư thì Quảng Trị cần đặc biệt coi cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, lắng nghe, chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Tiếp tục coi trọng và tập trung xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức và năng lực thực tiễn công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu để triển khai thật tốt các nhiệm vụ đã đề ra trong Quy hoạch.
Thứ năm, tập trung đầu tư cho giáo dục và đào tạo; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo nghề; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với định hướng phát triển của tỉnh và những ngành, nghề mà tỉnh đang ưu tiên như:
Về công nghiệp, phát triển năng lượng điện gió tại vùng ven biển, đảo Cồn Cỏ và các vùng tiềm năng; các cơ sở công nghiệp khí, điện khí tại Khu Kinh tế Đông Nam; xây dựng các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, kết hợp cải thiện hệ thống thủy lợi. Ưu tiên phát triển công nghiệp với công nghệ tiên tiến, công nghệ cao; chế biến nông lâm thủy sản, thực phẩm, thức ăn gia súc, dược liệu, may mặc, da giày… công nghiệp silicat; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; chế biến khoáng sản… và ngành công nghiệp hỗ trợ như cơ khí sửa chữa, lắp ráp điện tử…
Phát triển ngành thương mại, dịch vụ logistics tại các nơi có tiềm năng; hình thành Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới Lao Bảo – Đensavan; phát triển cảng Mỹ Thuỷ trở thành trung tâm trung chuyển hàng hoá của khu vực và thế giới.
Xây dựng và phát triển Quảng Trị trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn đặc trưng về lịch sử-văn hóa ở khu vực miền Trung. Xây dựng thương hiệu du lịch Quảng Trị trên cơ sở khai thác giá trị biểu tượng về sự hồi sinh mạnh mẽ từ chiến tranh, ký ức chiến tranh-khát vọng Hòa Bình. Phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, trọng tâm là tam giác du lịch Cửa Tùng – Cửa Việt – Cồn Cỏ và dải đô thị du lịch ven biển.
Thứ sáu, tăng cường công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo, đảm bảo ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, bình yên cho nhân dân để các nhà đầu tư yên tâm vào đầu tư lâu dài tại tỉnh.
Bước khởi đầu cho những dòng đầu tư lớn hơn từ trong và ngoài nước vào tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới.
Đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, Phó Thủ tướng bày tỏ tin tưởng rằng, những ý tưởng, ý kiến, kiến nghị, những dự án được trao quyết định đầu tư hay những cuộc gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội đầu tư hôm nay là một bước khởi đầu cho những dòng đầu tư lớn hơn từ trong và ngoài nước vào tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới.
“Tôi mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư phát huy sứ mệnh của doanh nghiệp trên tinh thần “cùng lắng nghe, thấu hiểu”; “chia sẻ tầm nhìn và hành động”; “cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển”, Phó Thủ tướng nói và lưu ý một số vấn đề.
Một là, tuân thủ pháp luật và văn hóa kinh doanh trong các hoạt động kinh doanh và đầu tư, phấn đấu làm tốt công tác xã hội.
Hai là, xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững; ưu tiên đầu tư cùng Quảng Trị phát triển các ngành, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm như Quy hoạch tỉnh đã nêu rõ. Đặc biệt thực hiện đúng cam kết đầu tư, thoả thuận hợp tác trên tinh thần “đã nói là làm, đã cam kết là thực hiện, đã làm, đã thực hiện thì phải có sản phẩm cụ thể”.
Ba là, tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển giao công nghệ, tiên phong trong quản trị thông minh, hiện đại; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, đóng góp ý kiến tham vấn cho cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiết giảm chi phí tuân thủ.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành Trung ương đẩy mạnh giám sát, phối hợp thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh Quảng Trị; sẵn sàng cùng Quảng Trị tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực, thủ tục hành chính.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành Trung ương liên quan phối hợp chặt chẽ với tỉnh Quảng Trị đánh giá thực trạng tình hình, rà soát các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp về tiếp cận vốn, đất đai, thủ tục đầu tư…
Đối với các địa phương vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, Phó Thủ tướng cho rằng, cần “đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, cùng giải quyết các vấn đề mang tính liên tỉnh, của vùng”. Sớm nghiên cứu xây dựng các quỹ, cơ chế để hỗ trợ các dự án có tính liên tỉnh, thành phố thuộc vùng…
“Từ kết quả tốt đẹp của Hội nghị ngày hôm nay, chúng ta tin tưởng rằng ngày càng có thêm nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài quan tâm, ưu tiên lựa chọn và quyết định đầu tư vào tỉnh Quảng Trị, góp phần làm giàu cho chính mình và cho sự phát triển chung của Việt Nam, các tỉnh miền Trung, nhất là tỉnh Quảng Trị”, Phó Thủ tướng chia sẻ. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương tiếp tục nghiên cứu để có các cơ chế, chính sách phù hợp tạo điều kiện cho tỉnh Quảng Trị phát triển nhanh, toàn diện và bền vững trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành Trung ương cần đẩy mạnh giám sát, phối hợp thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh Quảng Trị; sẵn sàng cùng Quảng Trị tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực, thủ tục hành chính… Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cũng cần luôn lắng nghe, sẵn sàng hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Lê Thành Long chúc Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Trị tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức đồng lòng, vượt qua khó khăn, thách thức sớm hoàn thành mục tiêu trong Quy hoạch tỉnh đã đề ra, xây dựng một Quảng Trị phát triển, là điểm đến của bạn bè bốn phương yêu chuộng hòa bình trên thế giới, hiện thực hóa khát vọng “đất thiêng nở đóa hoa hòa bình”.
Tại Hội nghị, tỉnh Quảng Trị đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho các nhà đầu tư; đồng thời giới thiệu với các doanh nghiệp, nhà đầu tư về danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư với mong muốn ngày càng có thêm nhiều nhà đầu tư chiến lược trong nước và quốc tế quan tâm, ưu tiên lựa chọn và quyết định đầu tư vào tỉnh Quảng Trị.
Chy Lê