(Huế). Võ Miếu triều Nguyễn được xây dựng vào năm 1835, ở vị trí bên cạnh di tích Văn Miếu và khá gần chùa Thiên Mụ. Mặc dù đất nước trong thời bình, chế độ văn trị được đề cao nhưng vua Minh Mạng vẫn quan tâm đến võ bị, coi đây là nhân tố rất quan trọng để bảo vệ đất nước, đánh bại các thế lực thù địch, xây dựng hình ảnh một “Đại Việt Nam Quốc” (gọi tắt là Đại Nam) hùng cường trong khu vực. Bởi vậy, Võ Miếu được xem là một thiết chế quan trọng của triều Nguyễn.
Theo các tài liệu lịch sử, Võ Miếu đầu tiên của nước ta được xây dựng dưới thời Lê Trung Hưng, vào năm 1740, nhưng đây là công trình do chúa Trịnh Doanh chủ trương, tầm ảnh hưởng chưa mang tính quốc gia, vì lúc đó Đại Việt còn bị chia cắt thành Đàng Ngoài và Đàng Trong (1).
Dưới thời Nguyễn, sau khi thống nhất đất nước và chọn Huế làm kinh đô, năm 1808, vua Gia Long cho dựng Văn Miếu để xiển dương Nho giáo và khuyến khích việc học hành; ngoài Văn Miếu ở kinh đô thì tất cả các trấn thành cũng lần lượt xây dựng. Còn Võ Miếu thì mãi đến năm 1835, vị hoàng đế thứ hai của triều Nguyễn là Minh Mạng mới cho xây dựng. Mặc dù đất nước trong thời bình, chế độ văn trị được đề cao nhưng vua Minh Mạng vẫn quan tâm đến võ bị, coi đây là nhân tố rất quan trọng để bảo vệ đất nước, đánh bại các thế lực thù địch, xây dựng hình ảnh một “Đại Việt Nam Quốc” (gọi tắt là Đại Nam) hùng cường trong khu vực. Bởi vậy, Võ Miếu được xem là một thiết chế quan trọng của triều Nguyễn.
Kiến trúc Võ Miếu
Võ Miếu được khởi công xây dựng từ tháng 9 năm Ất Mùi (1835), tại làng An Ninh thuộc huyện Hương Trà (nay thuộc phường Hương Hồ, thành phố Huế), nằm bên phía trái Văn Miếu, mặt nhìn ra sông Hương. Cấu trúc khá đơn giản, gồm một ngôi miếu chính làm theo kiểu nhà kép “trùng lương trùng thiềm” với hai phần Tiền doanh và Chính doanh. Chính doanh gồm ba gian hai chái. Tiền doanh gồm 5 gian. Phía trước miếu chính là Tả Vu và Hữu Vu, bố trí đối xứng với nhau qua trục Thần đạo. Tả Vu và Hữu Vu đều cùng 5 gian.
Xung quanh Võ Miếu có la thành bao bọc, chu vi chừng 100 trượng (hơn 400 mét). Cổng chính xây về hướng nam, nhìn ra sông Hương phía trước. Bên trái, bên phải có trổ hai cổng Dịch môn. Phía ngoài thành có nhà Tể sinh gồm 3 gian, là nơi giết các con sanh (thường là tam sanh: trâu, heo và dê) trong lễ cúng tế.
Đến năm Minh Mạng thứ 20 (1839), vua cho dựng ba tấm bia Võ công ở trước sân Võ Miếu. Tấm bia giữa ghi bài ký về võ công, hai tấm bia ở trái và phải nêu danh những danh thần đã đóng góp nhiều chiến công trong hai triều vua Gia Long và Minh Mạng. Về sau, còn có hai tấm bia ghi tên những Tiến sĩ Võ khoa trong các khoa thi năm Ất Sửu (1865), Mậu Thìn (1868) và Kỷ Tỵ (1869), đều thời vua Tự Đức.
Ngày xưa, ở bên trong và bên ngoài khuôn viên Võ Miếu, nhất là ở hai bên đường chạy ngang qua trước mặt khu vực này, triều đình đã cho trồng rất nhiều cây bàng, loài cây được vua Minh Mạng đặt tên là “Sơn phong” (cây phong núi) bởi dáng vẻ vững chãi, chịu được gió bão, cành lá sum suê, ngọn lá to lớn và dày dặn, tạo ra nhiều bóng mát, mùa đông lá chuyển vàng đỏ rồi rụng toàn bộ, mùa xuân lại đồng loạt trổ mầm xanh biếc, rất đẹp.
Ca dao dân gian xứ Huế vẫn truyền tụng:
Văn Thánh trồng thông, Võ Thánh trồng bang
Ngó vô Xã Tắc hai hàng mù u.
Bài trí thờ phụng và nghi lễ thờ cúng
Ở Trung Hoa cũng có những miếu thờ các danh thần. Võ Miếu ở Trung Hoa là để chỉ miếu thờ Quan Vũ, một danh thần đời Tam Quốc. Ngoài ra, còn có những miếu thờ Nhạc Phi, Gia Cát Lượng, Thượng Phụ, Trọng Phụ… Họ phần lớn là những bậc khai quốc công thần tài kiêm văn võ và đức hạnh đáng nêu gương cho hậu thế. Số những người này không được nhiều, suốt mấy ngàn năm lịch sử của Trung Hoa cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay, nên ngày trước trong dân gian không ai là không biết.
Việc thiết án thờ trong Võ Miếu của nước ta cũng để thờ những danh thần này, nhưng còn phối thờ thêm một số danh thần nước ta, nhưng chỉ gọi là phối thờ. Ở miếu chính, phần Chính doanh:
Án thờ Khương Tử Nha đời nhà Chu (Thượng Phụ)
Án bên trái (phía đông) thờ sáu vị là Quản Trọng (nước Tề); Tôn Võ (nước Ngô) đời nhà Chu; Hàn Tín đời nhà Hán; Lý Tịnh, Lý Thanh đời nhà Đường và Từ Đạt đời nhà Minh.
Án bên phải (phía tây) thờ Điền Nhượng Thư nước Tề; Trương Lương đời nhà Hán; Gia Cát Lượng đời Hậu Hán; Quách Tử Nghi đời nhà Đường và Nhạc Phi đời nhà Tống.
Các danh thần nước ta được thờ ở Tả và Hữu Vu:
Tả Vu gồm án thờ Trần Quốc Tuấn đời nhà Trần; Nguyễn Hữu Tiến thời các chúa Nguyễn; Tôn Thất Hội thời Nguyễn Vương (Nguyễn Phúc Ánh).
Hữu Vu gồm án thờ Lê Khôi đời Hậu Lê; Nguyễn Hữu Dật thời các chúa Nguyễn và Nguyễn Văn Trương đời nhà Nguyễn.
Lễ tế ở Võ Miếu được triều đình nhà Nguyễn qui định:
“Hàng năm về tháng trọng xuân (tháng hai), trọng thu (tháng tám), sau khi tế Văn Miếu 1 ngày, lấy ngày kỷ để tế; lễ ở án chính thì dùng tam sinh (trâu, lớn, dê), xôi và 3 mâm quả phẩm; án phối hưởng ở hàng phía đông, phía tây thì mỗi án một con lợn, một mâm xôi và 4 mâm quả phẩm, án thờ phụ ở hai bên tả, hữu (Tả Vu và Hữu Vu) cũng như thế; án chính thì lấy một viên đại thần ban vũ khâm mạng (thay vua làm lễ), hàng phía đông, phía tây thì lấy 2 viên Quản vệ, chái bên tả, bên hữu (Tả Vu, Hữu Vu) thì lấy 2 viên Cai đội, đều làm lễ phân hiến” .
Đây là một trong những lễ tế khá quan trọng trong hệ thống tế tự của triều Nguyễn. Các cuộc tế lễ khác từ đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc đến tế miếu Đế Vương các đời, rồi tế lễ ở Văn Miếu, tiếp theo là Võ Miếu đều diễn ra tuần tự và cách nhau một ngày. Các cuộc tế lễ ở Võ Miếu thì đối tượng suy tôn là những vị danh tướng Trung Hoa, các danh tướng Việt Nam, đặc biệt là những danh tướng dưới triều Nguyễn. Tính chất đó gắn bó rất mật thiết đối với công cuộc giữ nước của dân tộc nói chung cũng như công cuộc bảo vệ đế chế của triều Nguyễn nói riêng. Đó là những giá trị văn hóa không chỉ được xem trọng trong quá khứ mà còn rất ý nghĩa trong thời đại ngày nay.
Hiện trạng di tích, ý nghĩa và khả năng phục hồi Võ Miếu
Võ Miếu là một trong những thiết chế quan trọng, góp phần tạo nên diện mạo kiến trúc và sinh hoạt văn hóa nghi lễ phong phú của triều Nguyễn tại Kinh đô Huế. Hơn thế, nó còn chứa đựng và phản ánh một số vấn đề liên quan đến lịch sử và văn hóa của một thời đã qua. Nhưng trải qua gần 190 năm kể từ ngày xây dựng, do những biến thiên lịch sử, thiên tai và chiến tranh, Võ Miếu hiện nay đã trở thành một phế tích, các công trình kiến trúc hoàn toàn biến mất, kể cả bức tường thành bao bọc; tại khu vực Võ Miếu chỉ còn lại mấy tấm bia Võ công và bia Tiến sỹ Võ được quy tập lại một chỗ, và mặc dù di tích đã được khoanh vùng bảo vệ nhưng đến nay vẫn bị dân cư chiếm dụng, lấn chiếm ở phía đông…Chính quyền địa phương và đơn vị quản lý di tích đã nhiều lần tìm cách giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa thành công.
Nhìn lại sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta qua hàng ngàn năm nay, các thế hệ người Việt Nam luôn có tinh thần thượng võ, chí khí bất khuất, không cúi đầu trước bất cứ kẻ thù hùng mạnh nào. Dưới các triều đại quân chủ, nhất là triều Lê và triều Nguyễn, cơ cấu tổ chức nhà nước bao giờ cũng gồm hai ban: Văn ban và Võ ban; các triều đại cũng tổ chức thi cử để lấy Cử nhân Võ, Tiến sĩ Võ, tương tự như bên Văn. Vì vậy, sẽ thật không phải đạo nếu chúng ta chỉ coi trọng Văn Miếu mà không quan tâm đến việc bảo tồn Võ Miếu, nhất là trong lịch sử Việt Nam đã có những danh tướng nổi tiếng thế giới như Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn… Chúng ta cũng có những binh thư nổi tiếng, những võ phái lừng danh, và rất nhiều chiến công hiển hách. Sự thiết lập Võ Miếu của triều Nguyễn ở Huế có ý nghĩa tích cực là đề cao các vị tướng tài ba để nuôi dưỡng và khích lệ tinh thần thượng võ, tiếp tục phát huy nền võ học truyền thống Việt Nam, nhằm đào tạo ra những nhân tài võ học, giúp ích cho công cuộc bảo vệ, gìn giữ nền độc lập đất nước (2).
Cũng cần nhớ rằng, Võ Miếu Huế là di tích mang tầm quốc gia duy nhất thuộc loại hình này còn lại ở Việt Nam. Mặc dù dấu vết kiến trúc và di vật của Võ Miếu còn lại không nhiều trên thực địa, nhưng căn cứ vào các tư liệu văn hiến, qua sử sách và cả khai quật khảo cổ học, chúng ta hoàn toàn có thể trùng tu phục hưng cơ bản diện mạo của di tích này, dù quá trình đó cần nhiều thời gian và công sức.
Việc phục hồi và phát huy giá trị Võ Miếu một cách thích nghi, phù hợp với hoàn cảnh hiện nay là điều vô cùng cần thiết. Cách đây gần chục năm, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã từng bàn bạc với Liên đoàn Võ thuật Việt Nam để trùng tu, phát huy giá trị di tích Võ Miếu. Trung tâm cũng đã phối hợp với nhóm nghiên cứu của các trường đại học của Nhật Bản, Italia để nghiên cứu, phục hồi di tích này bằng công nghệ scan 3D và các phương pháp kỹ thuật số. Bên cạnh đó, một số tổ chức, cá nhân cũng đã ngỏ ý muốn góp sức cùng cố đô Huế khôi phục và chấn hưng các hoạt động tại Võ Miếu, đó là những điều kiện cơ bản cho vấn đề nghiên cứu, phục hồi Võ Miếu.
Hy vọng, trong tương lai gần, Võ Miếu của triều Nguyễn sẽ được phục hồi để cùng di tích Văn Miếu, chùa Thiên Mụ tạo nên một tổ hợp di tích quan trọng, hoàn chỉnh ở phía tây nam Kinh thành, từ đó thúc đẩy việc bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị một cách hữu hiệu./.
TS.Phan Thanh Hải
Chú thích:
Phan Huy Chú (1992), Lịch triều hiến chương loại chí, bản dịch của Viện Sử học, Nxb KHXH, Hà Nội, tập 1, tr.505
Chu Quang Trứ (1993), Võ Miếu – biểu hiện của truyền thống thượng võ và lẽ sống Việt Nam, Báo Quân Đội Nhân Dân, số 11404, Hà Nội, ngày 21-2-1993, tr.2