Linh quy là một hình tượng độc đáo trong văn hóa Việt- nền văn hóa gắn liền với sông nước và nông nghiệp. Là linh vật xếp cuối trong nhóm Tứ linh (Long- Phượng- Lân – Quy), nhưng linh quy xuất hiện rất sớm, gắn liền với huyền thoại về quá trình dựng nước và giữ nước của người Việt Nam.
Truyện kể rằng, sau khi thống nhất đất nước, An Dương Vương Thục Phán đã chọn vùng đất bằng phẳng, rộng rãi ở Phong Khê (nay là Đông Anh, Hà Nội) để xây dựng Loa Thành làm kinh đô cho nước Âu Lạc. Nhưng thành cứ xây lại đổ, mãi mà không thành. Sau nhờ thần Kim Quy (Rùa vàng) mách nước, Thục Phán mới thành công. Thành xây xong, Thần Kim Quy lại dâng chiếc móng quý để làm lẫy nỏ, giúp vua giữ thành. Với chiếc nỏ thần kỳ diệu có thể cùng lúc bắn ra hàng ngàn mũi tên, An Dương Vương đã bảo vệ được đất nước trước bao lần tấn công của quân đội Triệu Đà ở phía Bắc. Nhưng rồi Triệu Đà đã dùng mưu, cho con trai là Trọng Thủy sang cầu hôn công chúa Mỵ Châu, rồi thừa cơ trộm mất lẫy nỏ thần. Mất lẫy nỏ, cũng là mất đi sự trợ giúp của thần, An Dương Vương đã đại bại, phải chém công chúa rồi trẫm mình xuống biển!
Đó là câu chuyện xảy ra ở khoảng thế kỷ 3 trước Công Nguyên. Khi ấy, văn minh Nho giáo chưa xâm nhập vào Việt Nam. Tư duy văn hóa Việt vẫn thuần nhất là tư duy sông nước và nông nghiệp của vùng Đông Nam Á, Linh quy (Rùa thiêng) là một biểu tượng của thần linh nhưng hết sức gần gũi với cuộc sống của con người. Điều này có lẽ cũng do rùa- loài động vật lưỡng cư chậm chạp và hiền lành- vốn phân bố quá phổ biến ở các vùng sông nước mà Việt Nam vốn là một trong những chiếc nôi.
Sau sự kiện trên 8 thế kỷ, lại xuất hiện một huyền thoại khác gắn liền với sự xuất hiện của Linh quy, nhưng đây là câu chuyện của hòa bình và độc lập dân tộc. Sau khi đánh đuổi giặc Minh, thu lại giang sơn bờ cõi, lập ra triều Lê (Hậu Lê), một lần Thái Tổ Lê Lợi dạo thuyền trên hồ Lục Thủy, bỗng nhiên sóng nước quẫy động rồi một con rùa rất lớn nổi lên bơi về phía thuyền nhà vua, đến gần thuyền, nó bỗng cất tiếng nói: “Việc nước đã xong, xin bệ hạ hãy trả lại gươm thần!”. Lê Thái Tổ bèn rút thanh gươm báu Thuận Thiên vốn tìm được khi cắm cờ dựng nghĩa ném xuống nước. Rùa thần cắp ngang thanh kiếm, rẽ nước lặn xuống sâu… Từ đó hồ Lục Thủy mới được đặt tên là Hồ Hoàn Kiếm, dân gian thì quen gọi là Hồ Gươm.
Như vậy, Linh quy trong văn hóa Việt không chỉ gắn liền với huyền thoại bi tráng của dân tộc về quá trình dựng nước, giữ nước mà còn gắn với một huyền thoại tuyệt đẹp về việc giữ gìn hòa bình, giải trừ binh bị, khép lại chiến tranh. Đây cũng là ước vọng ngàn đời của người Việt.
Xét trên mặt triết lý, Linh quy là linh vật tượng trưng cho vũ trụ với chiếc mai cong tượng trưng cho vòm trời, bụng phẳng tượng trưng cho mặt đất; trên chiếc mai lại có những ô hoa văn kỳ lạ, biểu tượng cho ký hiệu của Trời Đất muốn chuyển tải đến loài người. Chính vì vậy, ở Trung Hoa ngày xưa đã có huyền thoại, khi vua Đại Vũ trị thủy trên sông Lạc, phát hiện rùa thần mang trên lưng các ký hiệu của Thiên đế, ngài đã giải mã để tạo thành các phép tắc để cai trị thiên hạ. Đó cũng là xuất xứ của Lạc thư. Theo các nhà nghiên cứu, ở Trung Quốc, Linh quy được trao cho sứ mệnh cao cả: Đội bia ghi công đức hoàng đế, đội trụ hoa biểu trên lăng mộ hay được yểm sâu vào lòng đất như các bảo vật của phong thủy để giữ yên cho cuộc đất vạn niên cát địa.
Ở Việt Nam, hình tượng rùa đội bia đã xuất hiện từ thế kỷ XII, ở chùa Linh Ứng (Thanh Hóa), nhưng đến thế kỷ XV, tức đầu thời Hậu Lê, mới bắt đầu phổ biến. Văn Miếu Hà Nội là nơi còn bảo lưu đầy đủ nhất các tác phẩm rùa đội bia đá của Việt Nam. Dưới 82 tấm bia đề danh 1304 vị tiến sĩ triều Lê (1428-1789) là 82 cụ rùa tạc bằng đá thanh với phong cách khá thống nhất: Lưng rộng, bè, đầu nhọn, giống ba ba hơn là rùa, hình dáng gần tương tự như loài rùa mai mềm khổng lồ vẫn tồn tại ở Hồ Gươm. Văn Miếu Huế là sự tiếp nối của Văn Miếu Hà Nội ở thế kỷ XIX, nhưng chỉ có 32 cụ rùa đá đội trên lưng 32 tấm bia khắc tên 293 vị tiến sĩ thời Nguyễn (1802-1945). Rùa đá ở Văn Miếu Huế kích thước nhỏ nhưng thân dày, đầu vươn cao, hình dáng rất gần gũi với rùa mai cứng ngoài đời. Thực ra, sự khác biệt trong tạo hình giữa rùa đá Đàng Trong và Đàng Ngoài đã có trước thế kỷ XIX. Tại chùa Thiên Mụ hiện nay vẫn bảo tồn được tấm bia đá đặt trên lưng rùa do chúa Nguyễn Phúc Chu cho dựng từ năm 1710, sau khi đại trùng tu lại ngôi quốc tự này. Cả bia và rùa đều là những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp. Con rùa tạc từ đá cẩm thạch, thân dày, kích thước rất lớn, tạo hình sinh động, dáng vẻ khác hẳn rùa Đàng Ngoài. Phong cách này vẫn tiếp nối trên chiếc ấn Quốc Mẫu Chi Bảo, đúc trong khoảng 1779-1806. Đó là hình tượng Linh quy đúc bằng vàng đặt trên chiếc ấn bạc (thay cho quai ấn). Rùa thân dày, đầu vươn khá cao, trên mai khắc 36 ô hoa văn hình chữ Hồi.
Trong tạo hình, dù là một linh vật thuộc Tứ linh nhưng hình tượng rùa thường được thể hiện đơn lẻ hơn là thể hiện chung trong cả nhóm. Trên kiến trúc đình, chùa, đền, miếu, rùa thường xuất hiện dưới dạng lá hóa, quả hóa, nhất là dạng lá sen biến thành rùa; cũng có khi rùa được tạo hình rõ ràng, lưng chở Bát quái hoặc Lạc thư, miệng phun tia nước. Trong chốn cung đình, với tư cách là một hình tượng nghệ thuật, rùa xuất hiện nhiều nơi, trên nhiều loại chất liệu: đá, đồng, vàng, bạc, sành sứ, các sản phẩm sơn thếp, thêu… Đặc biệt vua Minh Mạng đã cho khắc hình tượng Linh quy vào Chương đỉnh (chiếc đỉnh thứ 3 trong bộ Cửu đỉnh).
Hình tượng rùa cũng hay gắn liền với hạc, tạo nên cặp Quy- Hạc khá phổ biến cả trong chốn dân gian và cung đình. Trong cặp đôi này, hạc đứng trên lưng rùa, là biểu tượng của yếu tố động, yếu tố dương; còn rùa ở dưới là biểu tượng của yếu tố tĩnh, yếu tố âm. Như vậy, Quy- Hạc là biểu tượng của sự ổn định và hòa hợp tự nhiên. Ngoài ra, Quy- Hạc còn biểu tượng cho sự trường tồn, sự thanh cao, thoát tục.
Như vậy, với sứ mệnh “Trên đền đội bia, xuống chùa đội hạc”, rùa chuyển tải cả thông điệp về văn hóa tri thức và văn hóa tâm linh.
Có một hình tượng rất đẹp và thân thuộc về Hà Nội, trái tim của nước Việt Nam là hình ảnh Cụ rùa Hồ Gươm và ngọn Tháp Rùa nổi tiếng nổi bật trên mặt nước xanh:
Hồ Gươm in bóng tháp Rùa,
Có cầu Thê Húc, có chùa Ngọc Sơn.
Như vậy, Hà Nội không chỉ gắn liền với hình tượng của Rồng bay lên (Thăng Long) mà còn là vùng đất gắn liền với hình tượng Linh quy, biểu tượng của hòa bình, ổn định và sự bền vững./.
TS. Phan Thanh Hải