Thứ tư, Tháng Một 15, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Nguyễn An, kỳ nhân Việt tỏa sáng trên đất Trung Hoa



ĐNA -

Nguyễn An (1381 -1453) là một nhân tài đặc biệt của Việt Nam thời Cổ Trung đại, bằng phẩm chất, tài năng của mình, ông đã tỏa sáng rực rỡ trên đất Trung Hoa vào chính thời điểm cực thịnh của nền văn minh ấy. Ông được ca tụng là Tổng công trình sư kiệt xuất của Kinh thành Bắc Kinh, đồng thời cũng là bậc kỳ tài trong việc trị thủy an dân thời đầu Minh triều.

Nguyễn An sinh ra và lớn lên ở đất Hà Đông (Hà Nội ngày nay) trong một bối cảnh lịch sử đặc biệt. Cuối thế kỷ XIV, triều Trần suy yếu, Hồ Qúy Ly giành ngôi, lập nên triều Hồ, rồi định chuyển cả kinh đô về Thanh Hóa sau khi xây dựng Tây Đô, khiến nhiều sỹ phu phản đối, lòng dân không yên. Nhà Minh lợi dụng cơ hội đó tràn vào xâm lược nước ta. Sau khi đánh bại triều Hồ, tướng Trương Phụ đã bắt cha con Hồ Qúy Ly cùng hàng ngàn thanh thiếu niên ưu tú, những thợ thủ công tài hoa nhất đem về phương Bắc.

Nguyễn An từ nhỏ đã bộc lộ những phẩm chất xuất chúng, 16 tuổi đã tham gia vào nhóm thợ giỏi nhất để xây dựng, sửa sang cung điện của vua Trần ở Thăng Long. Khi bị bắt đưa về Trung Quốc, ông mới ngoài 20 tuổi, bị đưa ngay đến Bắc Kinh để tham gia xây dựng kinh đô mới của triều Minh.

Sơ đồ Tử Cấm thành Bắc Kinh, nơi ghi dấu ấn đậm nét của kỳ tài nước Việt Nguyễn An.

Kinh thành Bắc Kinh với hệ thống cung điện hoành tráng do Minh Thành Tổ Chu Đệ cho khởi công xây dựng từ năm 1406 -1420, được xem là quần thể cung điện lớn nhất thế giới hồi bấy giờ. Thành gồm 3 lớp: Thành Ngoại, Thành Nội và Tử Cấm Thành với tổng chu vi hơn 30km, bên trong có hàng trăm cung điện lớn nhỏ. Với tài năng đặc biệt của mình, ngay từ đầu Nguyễn An đã được vua Minh tin dùng và giao cho các trọng trách ở Bộ Công để lo việc thiết kế xây dựng cung điện.

Thành Bắc Kinh cuối thời Minh – Thanh.

Năm 1437, triều Minh cho tái quy hoạch và xây dựng lại Kinh thành và các cung điện chính với quy mô to lớn hơn, bao gồm việc xây dựng lại hệ thống 9 chiếc cổng đồ sộ của Thành Ngoại (là các cổng Chính Dương, Sùng Văn, Tuyên Vũ, Triêu Dương, Phụ Thành, Đông Trực, Tây Trực, An Định, Đức Thắng), “Tiền tam điện, hậu nhị cung” (3 đại điện lớn phía trước Tử Cấm Thành là Phụng Thiên, Hoa Cái và Cẩn Thân và 2 cung Càn Thanh, Khôn Ninh ở phía sau), 5 phủ chính, Lục Bộ đường (trụ sở của 6 Bộ) và công đường của các nha, sở trong Kinh thành… Để hoàn thành công việc vĩ đại này, Thị lang Bộ Công (tương đương hàm Thứ trưởng ngày nay) là Thái Tín tính toán phải mất 5 năm với lực lượng nhân công là 18 vạn thợ thuyền.

Cố cung- Tử Cấm thành ngày nay.

Hoàng đế Minh Anh Tông không đồng ý nên đã giao cho Nguyễn An tính toán lại. Ông cho rằng chỉ cần phân nửa thời gian với một vạn thợ là có thể làm được. Vậy là Nguyễn An được giao trọng trách là Tổng đốc công (Tổng công trình sư) cho toàn bộ việc quy hoạch, thiết kế và thi công Kinh thành Bắc Kinh. Ông đã thực hiện và hoàn thành công việc phi thường ấy chỉ trong hơn hai năm, khiến tất cả mọi người đều bái phục, vua nhà Minh thì xem ông như một kỳ nhân nên càng tin dùng. Sách Kinh thành ký thắng của Dương Sỹ Kỳ (Yang Shiqi) đã ghi lại sự kiện này với những lời ca tụng như sau:

“Nguyễn An tự tay vạch kiểu, thành hình là lập được thế, mắt ngắm là nghĩ ra cách làm, tất cả đều đúng với quy chế. Bộ công và các thợ thuyền đành chịu khoanh tay, bái phục, nghe ông chỉ bảo, sai khiến, thực là người đại tài, xuất chúng”.

Cổng chính Tử Cấm thành: Ngọ Môn

Trong các năm 1440-1445, Nguyễn An được tiếp tục trọng dụng giao cho chỉ huy hơn 7 vạn thợ thuyền để lo trùng tu các ngôi điện chính và xây đắp lại bằng gạch đá toàn bộ tường Thành Ngoại, cao hơn 10,8m, rộng hơn 19m và dài gần 20km. Công việc nào được giao ông cũng đều hoàn thành với kết quả xuất sắc và tiết kiệm được rất nhiều thời gian, nhân công, vật liệu do có sự tính toán rất khoa học và chu đáo. Nguyễn An đã được vua Minh tặng thưởng rất nhiều vàng, lụa, thóc gạo do những kỳ tích của mình, nhưng ông không bao giờ giữ làm của riêng mà đều đem phân phát cho những kẻ nghèo khó và dân chúng những vùng bị thiên tai.

Một biệt tài khác của ông là khả năng trị thủy. Những vùng trù phú nhất của Trung Quốc vốn đều gắn với lưu vực hai dòng sông Hoàng Hà và Dương Tử nhưng đây cũng là những vùng thường xuyên bị lũ lụt tàn phá nặng nề. Đầu triều Minh, nạn vỡ đê thường xuyên xảy ra, tàn phá rất nhiều hoa màu, nhà cửa và có khi giết chết hàng vạn người. Việc hàn khẩu đê vỡ luôn luôn là nhiệm vụ rất khó khăn và là nổi khiếp sợ của phần lớn các viên quan được giao trọng trách này. Vậy nhưng, Nguyễn An chưa bao giờ thoái thác nhiệm vụ, hơn thế ông còn nghiên cứu cẩn thận để đưa ra các phương án đắp đê phòng lũ lụt một cách hiệu quả nhất. Nguyễn An đã trực tiếp chỉ huy việc xây đắp nhiều công trình thủy lợi lớn. Năm 1449, ông được giao chỉ huy việc tuần phòng, giám sát tuyến kênh đào dài hàng ngàn dặm từ Thông Châu đến Nam Kinh. Năm 1453, khi đê sông Trương Thu ở Sơn Đông vỡ, dù đã 72 tuổi, Nguyễn An vẫn được Minh Cảnh Đế giao cho trọng trách chỉ huy việc hàn khẩu đê. Tiếc thay, trên đường đến Sơn Đông ông lâm bệnh nặng và qua đời. Lời trăn trối cuối cùng của Nguyễn An là dùng toàn bộ tài sản còn lại của ông để phát chẩn cho nhân dân vùng bị lũ lụt!

Điện Thái Hòa

Nguyễn An không chỉ là một bậc kỳ tài về quy hoạch, kiến trúc và trị thủy mà còn là một tấm gương sáng ngời về đạo đức, nhân cách trong lịch sử. Ông là một người Việt Nam có thân phận đặc biệt, vì có tài mà bị bắt sang Trung Quốc, bị thiến để làm cung nô cho Minh triều, nhưng ông đã vượt lên tất cả những thử thách khắc nghiệt nhất của cuộc đời, trở thành một ngôi sao tỏa sáng lấp lánh giữa bầu trời Trung Hoa bằng chính tài năng và phẩm hạnh của mình! Cho dù sau đó, các sử gia phong kiến Trung Quốc tìm cách phủ mờ những đóng góp to lớn của ông đối với lịch sử nhưng đó cũng chỉ là chuyện nhất thời. Từ giữa thế kỷ trước, các nhà sử học nổi tiếng của Việt Nam như Trần Văn Giáp, Minh Tranh, Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai đã sưu tầm, nghiên cứu và lần lượt công bố những tư liệu quý về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn An. Ngay cả nhà sử học người Bắc Kinh Trương Tú Dân (Zhang Xiumin) cũng đã viết:

“Từ xưa đến nay, người tốt trong hoạn quan trăm ngàn người không được một. Còn An hết lòng vì công việc, thanh bạch, liêm khiết, khắc khổ, khi lâm chung không có nén vàng nào trong túi, là một con người cao thượng, chỉ để lại công đầu ở Bắc Kinh. Nguyễn An là người kiệt xuất trong hoạn quan, công với quốc gia không thể phai mờ. Ngày nay tên Tam Bảo thái giám, đàn bà trẻ con đều tỏ tường, còn tên nhà đại kiến trúc Nguyễn An – A Lưu thì ngay học giả, chuyên gia ít ai hay biết. Thật bất hạnh thay! “

Cung điện trong Tử Cấm thành.

Còn đối với người Việt Nam, Nguyễn An là niềm tự hào về trí tuệ và văn minh Việt, là tấm gương sáng về đạo đức và nhân cách làm người./.

TS. Phan Thanh Hải