Nón lá và áo dài được nhiều người biết đến như một hình ảnh biểu tượng của văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Huế nói riêng. Đó không chỉ là những sản phẩm thủ công truyền thống mang đậm bản sắc Huế mà còn chuyển tải và phản ánh sống động dòng chảy văn hóa lịch sử lâu đời của vùng đất đế đô.
Di sản nón lá và áo dài Huế đã được ghi dấu ấn một cách sâu đậm trong thơ ca, hội họa, âm nhạc và cả trong nếp sống sinh hoạt hằng ngày của người dân, trở thành biểu trưng cho vẻ đẹp, sự dịu dàng, thanh lịch, duyên dáng của người con gái xứ Huế với nét đặc trưng riêng có. Vì vậy, việc gìn giữ, tôn vinh, khai thác, phát huy giá trị di sản nón lá và áo dài Huế trong chiến lược phát triển văn hóa, đặc biệt là phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cần được quan tâm và chú trọng trong bối cảnh hiện nay. Đó cũng là những hành động cụ thể, thiết thực để góp phần triển khai thành công các nội dung của Nghị quyết số 54/NQ-TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Vài nét về lịch sử hình thành và phát triển di sản nón lá và áo dài Huế
Hình ảnh nón lá đã được nhắc đến trong cuốn Đại Việt sử ký toàn thư khi mô tả về Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư đội nón lá đến gặp nhà vua vào năm 1283. Sử liệu này còn đề cập đến nón Ma Lôi, tên nón được lấy từ tên một địa phương chuyên đan cật tre làm nón (1). Điều này cho phép chúng ta bước đầu nhận định rằng nón lá đã xuất hiện muộn nhất là từ thời nhà Trần, khoảng thế kỷ XIII và thời kỳ này đã có làng nghề chuyên làm nón lá. Hiện nay có nhiều ngôi làng chuyên làm nón lá truyền thống nổi tiếng được nhiều người biết đến ở khắp 3 miền đất nước như làng Chuông (Thanh Oai, Hà Nội), làng Dạ Lê, Phủ Cam, Ðốc Sơ (Huế), làng Phú Gia (Bình Định), làng La Hà (Quảng Bình)… Mỗi làng nghề đều có cách chọn nguyên liệu và kỹ thuật làm nón khác nhau. Nếu nón Phú Gia (Bình Định) làm bằng lá cọ và cây giang, nổi tiếng với những đường thêu long lân quy phụng, có bịt bạc thì nón lá Huế được làm bằng lá cây bồ quy diệp và tre, nổi tiếng với những hình ảnh danh lam thắng cảnh được ép giữa hai lớp lá. Khác với vẻ đẹp cầu kỳ của hai loại nón này, nón lá La Hà (Quảng Bình) đẹp mộc mạc, thanh mảnh với nguyên liệu lá nón và tre.
Nón lá Huế đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, có sự biến đổi dưới nhiều hình thức để tồn tại và thích nghi với đời sống. Từ chiếc nón được kết hình tròn ở miền Bắc xưa đến nón tròn dẹt, nón thúng quai thao và nón chóp (nón Huế). Nón dạng hình chóp vành rộng, tròn, giữa lòng có đính một vòng nhỏ đan bằng tre vừa đủ ôm khít đầu người đội, có dây đeo làm bằng vải để giữ trên cổ. Đây là nón hiện được sử dụng phổ biến bởi mặt tạo khối vững vàng, vừa nâng cao được hiệu quả thẩm mỹ, vừa có chiều sâu để phục vụ được việc che mưa, che nắng nhiều hơn và trở thành một món đồ không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân xứ Huế từ bao đời nay. Ngoài ra còn có những chiếc nón ngựa bịt bạc, bịt đồng được dùng cho giới quý tộc, quan lại triều Nguyễn khi cưỡi ngựa.
Nón lá không chỉ là vật dụng che nắng mưa mà hơn thế nó đã trở thành biểu tượng riêng gắn với nét dịu dàng của người con gái xứ Huế, trở thành món quà tặng đầy ý nghĩa dành cho du khách. Hình ảnh nón lá nhẹ nhàng đi vào thơ cả của vùng đất sông Hương núi Ngự:
“Ai ra xứ Huế mộng mơ,
Mua về chiếc nón bài thơ làm quà.”
Trong quá trình nghiên cứu về lịch sử hình thành và phát triển nghề nón lá Huế chúng tôi bước đầu nhận thấy Hiệp tá Đại học sĩ Ưng Trình (1882-1974) là người có nhiều công lao đối với việc phát triển và kinh doanh ngành nón lá dưới thời Nguyễn. Chính cụ Ưng Trình là người đã tiến hành cải tiến chiếc nón lá Huế, tạo nên hình dáng nhẹ nhàng duyên dáng như ngày nay. Hiệp tá Đại học sĩ Ưng Trình, tự là Kính Đình, hiệu là Hiếu Hậu Thị là con trai trưởng của Đông Các Đại học sĩ Hường [Hồng] Khẳng, cháu nội ngài Tùng Thiện vương Miên Thẩm. Năm 1902, ông làm Trợ giáo Trường Quốc Học, rồi trải qua nhiều chức vụ quan trọng như: Tế tửu (Hiệu trưởng) Quốc Tử Giám, Bố chánh Hà Tĩnh, Án sát Quảng Trị, Bố chánh Quảng Nam, Phủ doãn Thừa Thiên (12/1929 – 12/1931), Bố chánh Thanh Hóa, Tham tri Bộ Hình, Tuần phủ Khánh Hòa (1935), Kiêm nhiếp Tôn Nhân Phủ đại thần (1/1935-2/1940). Năm 1939, ông được thăng hàm Hiệp tá Đại học sĩ. Khi về hưu trí, cụ Ưng Trình sống tại Lạc Tịnh viên (2) nằm bên bờ sông Phủ Cam, một ngôi nhà vườn tuyệt đẹp, rộng 8 sào, do thân phụ của cụ là ngài Hường Khẳng mua đất và tạo dựng.
Vào những năm 40 của thế kỷ XX, cụ Ưng Trình đã phát triển nghề làm nón truyền thống ở làng Phủ Cam trở nên phồn thịnh và kinh doanh phát đạt, giao lưu buôn bán nón lá ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Sách Lạc Tịnh viên niên phổ di cảo do cụ Ưng Trình biên soạn cho biết:
Vào năm “Tân Tỵ (1941), tại Phủ Cam có sẵn nghề chằm nón, vốn bao nhiêu làm cũng được, theo lối thủ công. Ta [cụ Ưng Trình] bày cho thợ làm nón trốn vành, đội đã êm đầu, mà bề trong trổ nhiều kiểu mới. Chằm không kịp bán, cả nam, cả bắc đều gởi thư mua. Hoàng Kim Quy, một nhà buôn lớn Bắc kỳ muốn bán sang Hoa Kỳ, nếu ta chịu gởi ra mỗi tuần một vạn chiếc nón theo kiểu mới. Tiếc vì chưa tạo cơ khí, lại không có đủ vốn để nuôi một số thợ làm, thành thử phải từ khước” (3).
Đến nay, nghề làm nón lá ở Huế tuy không thịnh vượng như xưa, nhưng vẫn còn đó những làng nghề làm nón lá truyền thống nổi tiếng như Phủ Cam, Ðốc Sơ, Dạ Lê, Vân Thê, Tây Hồ, Mỹ Lam… Những nghệ nhân tài hoa trong các làng nghề vẫn âm thầm truyền dạy nghề và gắn bó với nghề làm nón. Làm ra một chiếc nón lá phải trải qua nhiều công đoạn. Từ việc chọn khung, uốn vành, lợp lá, cắt hoa văn, đến chằm hoàn thiện chiếc nón và cuối cùng là đánh bóng bảo quản. Mỗi công đoạn đòi hỏi người thợ phải có sự chăm chỉ, cần mẫn và sự khéo léo của đôi bàn tay. Cho nên, nhân lực trong các làng nghề chủ yếu là phụ nữ, nam giới có chăng chỉ làm mô, vót vành. Vì thế, nghề chằm nón được coi là nghề dành riêng cho phụ nữ. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, các nghệ nhân làm nón lá Huế phải luôn cần mẫn, khéo léo, sáng tạo về mẫu mã và màu sắc. Những chiếc nón vốn đã đẹp, nay còn được gửi gắm lên những lời hay ý đẹp, những câu thơ trữ tình, những cảnh sắc thiên nhiên, danh lam thắng cảnh xứ Huế làm tăng thêm tính nghệ thuật cho nón lá Huế.
Gắn liền với nón lá là chiếc áo dài Huế. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, áo dài vẫn luôn được xem là trang phục truyền thống không thể thiếu của mỗi người dân xứ Huế từ xưa cho đến nay. Áo dài Huế có nguồn gốc từ chiếc áo dài ngũ thân, theo nhiều nhà nghiên cứu, đây là loại áo dài đã được cư dân Đàng Trong sáng tạo và bắt đầu sử dụng từ đầu thế kỷ XVII. Sử gia Phan Khoang chép rằng, Đào Duy Từ đã khuyên chúa Nguyễn Phúc Nguyên bỏ kiểu trang phục Đàng Ngoài là áo tứ thân để dùng áo ngũ thân, bỏ kiểu nón bằng để dùng nón hình chop; tuy nhà Chúa chưa áp dụng nhưng kiểu áo ngũ thân và nón lá hình chop vẫn phát triển nhanh và càng ngày càng phổ biến ở Đàng Trong.
Một trong những dấu mốc quan trọng của văn hóa trang phục áo dài Huế phải đề cập đến, là vào năm 1744, sau khi lên ngôi vương và quy hoạch, xây dựng lại Đô thành Phú Xuân, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban hành nhiều chính sách và tiến hành sửa đổi, chuẩn hóa triều phục đồng thời định chế cả thường phục cho cư dân toàn xứ Đàng Trong. Sách Đại Nam thực lục do Quốc Sử Quán triều Nguyễn biên soạn ghi nhận lại sự kiện này: “Chúa cho rằng lời sấm có nói:
“Tám đời trở lại trung đô”, bèn đổi y phục, thay phong tục, cùng dân đổi mới; châm chước chế độ các đời, định triều phục văn võ (văn từ chức Quản bộ đến Chiêm hậu, Huấn đạo; võ từ Chưởng dinh đến Cai đội, mũ sức vàng bạc, áo dùng mãng bào hoặc gấm đoạn, theo cấp bực). Thế là văn vật một phen đổi mới” (4).
Như vậy, Võ vương Nguyễn Phúc Khoát đã cho sửa đổi y phục ở Đàng Trong để tạo nên bản sắc riêng cho xứ sở, ngoài Lễ phục dành cho triều đình và quan lại các cấp, thì chúa còn chú ý định chế cả thường phục để dành cho mọi tầng lớp nhân dân, không kể sang hèn. Chúa đã chọn chiếc áo ngũ thân mà dân gian gọi là kiểu “quần chân áo chít” rất độc đáo và mang đậm bản sắc Huế. Từ đó, chiếc áo dài ngũ thân trên đất Huế được chú trọng, trân quý và trở thành trang phục chính thức của cả hai giới ở vùng đất Đàng Trong.
Sang triều Nguyễn (1802 – 1945), triều đình muốn thống nhất y phục hai miền khởi đầu từ sự quan tâm của vua Gia Long (nối tiếp việc sửa đổi của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát), nhưng ngại sự tốn kém khó khăn của dân chúng còn nghèo, không buộc phải gấp rút tuân hành. Vào triều vua Minh Mạng (1820 – 1841), nhà vua theo lời tâu xin của sĩ phu Bắc Hà, từ năm 1827, ban lệnh từ sông Gianh trở ra Bắc kể từ mùa xuân sang năm phải đồng loạt thay đổi y phục theo như kiểu thức của dân chúng từ sông Gianh trở về Nam.
Đại Nam thực lực chép, năm Minh Mạng thứ 8 (1827), nhà vua xuống dụ:
“Nhà nước ta cõi đất hợp một, chính trị, phong tục há nên có khác? Tháng trước các trấn thần lần lượt xin đổi áo mặc cho sĩ dân, đã từng theo như lời xin. Nay các hạt ở Bắc thành cũng nên kịp thời sửa đổi lại để cho được đồng nhất. Nhưng thay đổi phong tục, là việc mới bắt đầu làm, mà dân gian nghèo giàu không đều, về sự nhu cầu mặc, tất nên rộng hạn cho ngày tháng. Vậy thiết tha xuống dụ này: Các ngươi đại thần nên sức khắp cho sĩ dân trong hạt: Phàm cách thức áo mặc đổi theo cách thức Quảng Bình trở vào Nam, chuẩn cho đến cuối mùa xuân năm Minh Mạng thứ 10, nhất tề sửa đổi lại, để nêu ý nghĩa “vâng theo phép vua” (5).
Sau khi dụ của vua Minh Mạng được tuyên cáo toàn dân, khiến dân tình miền Bắc xôn xao, phản ứng bằng 4 câu ca:
“Tháng Tám có chiếu vua ra
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng
Không đi thì chợ không đông
Đi thì phải lột quần chồng sao đang?”
Nhưng chính hành động quyết liệt của vua Minh Mạng đã tạo cơ hội cho không chỉ đàn ông mà toàn bộ phụ nữ Việt Nam nói chung được mặc áo dài thường xuyên, từ đó đi vào nền nếp trong đời sống hàng ngày. Cũng từ đây, chiếc áo dài ngũ thân, cổ đứng chít 5 khuy bên phải kèm với cái quần hai ống được chính thức công nhận là quốc phục của nước Việt Nam, phổ biến từ trong cung đình ra đến dân gian. áo dài ngũ thân lan tỏa ra khắp cả nước để trở thành “Quốc phục” của người Việt Nam.
Như vậy, chiếc áo dài xứ Huế đã đi qua một chặng đường dài hình thành và phát triển với nhiều thăng trầm lịch sử. Áo dài Huế ra đời từ chính tâm hồn và nét thẩm mỹ của người Huế, mang trên đó những nét duyên dáng riêng có của mảnh đất Thần kinh. Có lẽ cũng kể từ đó, phụ nữ Huế luôn coi áo dài như một trang phục thường ngày chứ không chỉ dùng trong những dịp lễ, tết hay sự kiện đặc biệt nào đó và tùy theo điều kiện kinh tế mà ai cũng có vài bộ áo dài dành cho riêng mình. Còn với nam giới thì chiếc áo dài ngũ thân là trang phục thường xuyên không chỉ trong các nghi thức lễ lạc quan trọng mà còn trong cả đời sống thường nhật. Tuy nhiên, áo dài Huế cũng trải qua một giai đoạn không được coi trọng, thậm chí, chiếc áo dài ngũ thân nam giới đã gần như mất hẳn sau khi người Pháp vào Đông Dương mang theo quần Âu, áo sơ mi, comple và những biến cố trong chiến tranh, kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, chỉ còn lại những chiếc áo thụng, áo tấc xuất hiện trong các nghi lễ tế tự, cúng giỗ của các đình làng, nhà họ, gia đình…, vì vậy rất nhiều người không biết áo dài ngũ thân nam truyền thống là gì.
Sau Đổi Mới, thành phố Huế cũng là nơi đầu tiên khôi phục và đưa áo dài nữ vào học đường, công sở, để từ đó lan tỏa ra toàn quốc. Và từ năm 2020, Huế lại một lần nữa đóng vai trò tiên phong trong việc phục hồi và đưa áo dài nam vào công sở, tạo ra hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ, ngày càng lan tỏa tích cực trong đời sống cộng đồng xã hội.
Mối quan hệ giữa di sản nón lá và áo dài Huế trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa
Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Chính phủ ban hành năm 2016 nêu rõ quan điểm:
“Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ, khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa” (6).
Như vậy, Chiến lược này đã nhấn mạnh đến tính sáng tạo và khai thác yếu tố kinh tế của các giá trị di sản văn hóa truyền thống cho phát triển công nghiệp văn hóa.
Thừa Thiên Huế luôn xác định vấn đề gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa truyền thống phải luôn song hành cùng với sự phát triển văn hóa, du lịch bền vững. Nón lá và áo dài là hai di sản độc đáo có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau trong việc xây dựng, phát huy bản sắc văn hóa Huế theo hướng phát triển công nghiệp văn hóa, và có thể tạo ra những giá trị rất lớn, trên nhiều phương diện. Một trong những mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 33-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng là: “Xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam”. Cả nón lá và áo dài đều đáp ứng rất tốt cho mục tiêu này.
Hiện nay, Huế cũng đang nỗ lực triển khai Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về “xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường”. Các ngành công nghiệp văn hóa trong đó ẩm thực, điện ảnh, thiết kế, thời trang, thủ công mỹ nghệ truyền thống, du lịch văn hóa là những ngành trọng tâm. Nón lá và áo dài là sự kết hợp tổng hợp của các lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, thiết kế, thời trang, lại là sản phẩm phục vụ trực tiếp cho sự nghiệp phát triển du lịch, dịch vụ nên cần được đặc biệt xem trọng.
Như chúng ta đã biết, di sản nón lá và áo dài Huế đã được nghiên cứu, khai thác để phát huy giá trị từ khá sớm. Trải qua hơn 20 năm, Thừa Thiên Huế đã tổ chức thành công 11 kỳ Festival văn hóa quốc tế và 8 kỳ Festival Nghề truyền thống Huế, Lễ hội áo dài với hình ảnh người phụ nữ mặc áo dài, đầu đội nón lá được xem là một trong nội dung quan trọng, là chương trình “đinh” của các kỳ Festival. Có thể nói, nón lá và áo dài đã góp phần xây dựng nên thương hiệu Festival Huế – Festival văn hóa hàng đầu của Việt Nam hiện nay. Nón lá và áo dài cũng góp phần quảng bá rất lớn cho ngành du lịch của Huế, tạo nên sức hút mạnh mẽ của vùng đất Cố đô. Đồng thời, hình ảnh chiếc nón lá và áo dài luôn gắn bó với các hoạt động xúc tiến du lịch cả ở trong và ngoài nước, và ở góc độ nào đó có thể nói, nón lá và áo dài đã trở thành thương hiệu nổi tiếng, góp phần quảng bá không nhỏ cho ngành du lịch Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong bài phát biểu bế mạc Seagames lần thứ 31 vừa qua đã nhấn mạnh: “Việt Nam là đất nước của Hồn sen, Nón lá và Áo dài”.
Khẳng định của Thủ tướng càng tiếp thêm cho chúng ta động lực để từng bước xây dựng và khẳng định hình ảnh, thương hiệu nón lá và áo dài Huế, đưa nón lá và áo dài trở thành sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc, thành một lợi thế đặc biệt cho sự phát triển của Cố đô Huế.
Bản thân áo dài Huế đã là một thương hiệu nổi tiếng, một sản phẩm du lịch dịch vụ rất được ưa thích. Đặc biệt, ngày 29/03/2023, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 678/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Huế – Kinh đô Áo dài”, với 3 mục tiêu chung: Khẳng định giá trị, vị trí của Áo dài Huế trong dòng chảy văn hóa vùng đất Cố đô Huế và văn hóa Việt Nam. Tôn vinh nét đẹp văn hóa của Áo dài Huế, tôn vinh những người khai sáng và phát triển Áo dài Huế trong lịch sử hình thành và phát triển. Khai thác, phát huy vị thế Áo dài Huế trong phát triển du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch dịch vụ gắn với Áo dài Huế, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây chính là cơ sở pháp lý để Sở Văn hóa và Thể thao triển khai đồng bộ và đẩy mạnh công cuộc phục hưng áo dài truyền thống tại Cố đô Huế.
Hiện nay, UBND tỉnh đã công nhận 3 nghề và làng nghề nón lá truyền thống: Nghề nón lá Vân Thê, làng nghề nón lá Mỹ Lam và Thanh Tân. Các làng nghề truyền thống ở Huế cho ra thị trường hàng triệu chiếc nón, không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân, mà còn là món quà lưu niệm đặc sắc cho du khách trong và ngoài nước mỗi khi ghé thăm Cố đô Huế. Ngoài chiếc nón 3 lớp, nón bài thơ, nón lá kè, các nghệ nhân Huế đã cho ra đời thêm những sản phẩm mới lạ, tinh tế và đầy sự sáng tạo nghệ thuật như nón lá bàng, nón lá sen, nón trúc chỉ,…
Như vậy, nón lá sẽ song hành cùng áo dài và có thể dựa vào áo dài để quảng bá và phát huy giá trị một cách bền vững. Đây chắc chắn là một cách làm hay, mang lại hiệu quả kinh tế du lịch rất cao. Và như vậy, nón lá và áo dài Huế không chỉ là hình ảnh, là bản sắc văn hóa Huế mà còn là một sản phẩm du lịch dịch vụ đặc trưng, là yếu tố góp phần quan trọng để Huế trở nên giàu có, sang trọng bằng chính sở trường, thế mạnh của mình.
Giải pháp phát huy giá trị di sản nón lá và áo dài Huế phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa
Xác định mục tiêu của việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản nón lá và áo dài Huế là phải đặt trong thời kỳ hội nhập kinh tế, cụ thể là phục vụ chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa; có nghĩa là vừa gìn giữ, bảo tồn di sản nón lá và áo dài theo hướng phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, nhưng đồng thời vừa bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống. Trên cơ sở đó, định hướng bảo tồn và phát huy di sản nón lá và áo dài mới phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Để thực hiện định hướng phát triển này, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất cần xác định quan điểm phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; bảo đảm yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế bền vững. Xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa thích ứng với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và các công nghệ mới. Đồng thời kiện toàn khung thể chế, chính sách nhằm tháo gỡ kịp thời những rào cản, vướng mắc, khó khăn, phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực cho công nghiệp văn hóa phát triển theo hướng đáp ứng yêu cầu thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập quốc tế. Từ đó tạo cơ sở vững chắc để ngành nón lá và áo dài Huế phát triển theo hướng công nghiệp văn hóa.
Thứ hai, chúng ta phải nhìn nhận di sản nón lá và áo dài Huế không chỉ là sản phẩm thủ công truyền thống mang đậm giá trị bản sắc văn hóa mà còn góp phần không nhỏ trong việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh văn hóa – du lịch cố đô Huế nói riêng, và Việt Nam nói chung đến với bạn bè quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Thứ ba, trong xu thế hội nhập và phát triển, việc tạo ra được sự đồng thuận trong cộng đồng để duy trì, gìn giữ và phát triển di sản nón lá và áo dài Huế có vị trí, vai trò cần thiết hơn bao giờ hết. Bởi di sản này tồn tại trong đời sống cộng đồng và chỉ có thể được bảo vệ, gìn giữ bởi cộng đồng. Nhân dân là chủ thể đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản nón lá và áo dài một cách bền vững. Do đó chỉ có sự đồng thuận của cộng đồng xã hội mới có thể giúp chúng ta có thái độ ứng xử đúng đắn với di sản và tìm ra được biện pháp bảo vệ hợp lý để di sản luôn là một phần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng đương đại. Vì vậy phải xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản nón lá và áo dài, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ; nâng cao niềm tự hào của mỗi người dân, để cả cộng đồng cùng chung tay tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản nón lá và áo dài Huế trong bối cảnh hiện nay.
Thứ tư, cần phải coi trọng phát triển, sáng tạo quà lưu niệm để phát triển kinh tế du lịch, tạo sinh kế cho người dân. Trong đó phát triển sản phẩm lưu niệm, quà tặng theo hướng gắn với bản sắc văn hóa Huế là rất cần thiết để tạo nét riêng, định vị điểm đến cho du lịch. Chính vì vậy, việc phát triển sản phẩm lưu niệm từ chất liệu, hình ảnh nón lá và áo dài truyền thống cần được chú trọng và phát triển hơn nữa trong tương lai. Chúng tôi cho rằng việc phục hồi và phát triển các loại hình nón nam như nón lính, nón ngựa dành cho nam giới khi mặc cổ phục, đặc biệt là áo dài ngũ thân tham quan Quần thể di tích Cố đô Huế là một ý tưởng rất hay. Giống như mặc trang phục Hanbok Hàn Quốc phải kết hợp với mũ Jobawi hoặc Ayam. Bên cạnh đó, cũng như các loại cổ phục, các loại nón lá cổ cũng phục vụ tốt cho thị trường sân khấu, điện ảnh (như phim cổ trang), ca nhạc..vv.
Thứ năm, tăng cường nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước, huy động các nguồn lực xã hội hóa để bảo vệ và phát huy di sản nón lá và áo dài Huế. Kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế, những người tâm huyết với di sản nón lá và áo dài Huế có những hành động thiết thực góp phần bảo vệ, tôn vinh, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch di sản văn hóa.
Thứ sáu, tiến hành kiểm kê, lập hồ sơ, có hành động cụ thể để tôn vinh di sản nón lá trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm giúp cộng đồng nâng cao nhận thức về giá trị di sản, khuyến khích cộng đồng cam kết bảo vệ di sản, góp phần bảo vệ, lưu giữ di sản, đồng thời phát huy tính sáng tạo, giữ lòng tự tôn trong các cộng đồng dân cư và cá nhân những chủ thể đang nắm giữ bí quyết về di sản nón lá Huế. Đây là cơ sở quan trọng để triển khai xây dựng hồ sơ khoa học “Nghề nón lá Huế” (với các thuộc tính: Tạo tác, tập quán sử dụng…) đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ngoài ra cần tiến hành quy hoạch, phát triển các làng nghề truyền thống làm nón lá, khai thác không gian, cảnh quan văn hóa, hình thành các điểm tham quan, du lịch hấp dẫn. Nghiên cứu hình thành các trung tâm trưng bày, thao diễn nghề làm nón lá gắn với trung tâm trưng bày, trình diễn và nghề may đo áo dài Huế, tạo thành chuỗi sản phẩm văn hóa, du lịch đặc sắc phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước. Đồng thời hỗ trợ các nghệ nhân lão thành truyền dạy thực hành nghề làm nón lá và may đo áo dài cho cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.
Có thể nói, di sản nón lá và áo dài Huế là sự kết tinh trí tuệ và sự sáng tạo của con người qua nhiều thế hệ. Khi tạo ra sản phẩm nón lá và áo dài, các nghệ nhân ngoài việc vận dụng những kỹ thuật được học từ ông cha còn phải tìm hiểu, khám phá và sáng tạo ra những họa tiết, kỹ thuật, mẫu mã mới, để đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Việc khai thác phát huy giá trị di sản nón lá và áo dài Huế trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa là con đường bền vững để giữ gìn di sản trong cuộc sống đương đại, giúp cải thiện đời sống người dân, phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững.
TS.Phan Thanh Hải TS.Trần Văn Dũng
Chú thích
- Ngô Sĩ Liên (1993), Đại Việt sử ký toàn thư, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (dịch), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
- Năm 1889, cụ Hường Khẳng mua 8 sào đất hoang ở làng Dương Xuân bên bờ sông Phủ Cam để lập nên Lạc Tịnh viên. Hiện nay, Lạc Tịnh viên là một nhà vườn truyền thống tiêu biểu tại Cố đô Huế.
- Ưng Trình (1954), Lạc Tịnh viên niên phổ di cảo, Đại học Y khoa Minh Đức phát hành, tr. 57.
- Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục tiền biên, Tập 1, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb. Giáo dục, tr. 153.
- Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập 6 (Quyển 69 – Quyển 95), bản dịch Viện Sử học, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr.216 – 217.
6. Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.