Theo trang The EurAsian Times, Tên lửa Iskander sau khi mở rộng tầm bắn lên 1.000 km và nâng cấp đầu đạn dự kiến sẽ được đặt tên là Iskander-1000. Tên lửa Iskander mới có thể cản trở hoạt động của tiêm kích F-16 mà Ukraine vừa nhận được từ phương Tây.
Tên lửa đạn đạo Iskander của Nga đã đặt ra thách thức đáng kể cho lực lượng Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra. Tên lửa này có thể trở nên nguy hiểm hơn nếu được nâng cấp hệ thống dẫn đường và mở rộng tầm bắn.
Tên lửa Iskander mạnh cỡ nào khi tăng tầm bắn lên 1.000 km?
Các báo cáo cho biết tên lửa này lần đầu được tiết lộ vào tháng 5 năm nay thông qua một video tuyên tuyền nhân kỉ niệm 78 năm thành lập bãi thử tên lửa Kapustin Yar.
9K720 Iskander là hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn di động, được Nga triển khai rộng rãi trong cuộc xung đột với Ukraine. Tên lửa có tầm bắn 150 km – 500 km. Tên lửa Iskander bay theo quỹ đạo bán đạn đạo giống tên lửa hành trình nhưng có thể đạt vận tốc hơn Mach 4 (4.900 km/giờ), khiến nó khó bị đánh chặn.
Kể từ khi được tung ra chiến trường, tên lửa Iskander đã đặt ra thách thức đáng kể cho lực lượng Ukraine. Phiên bản mới của tên lửa với tầm bắn xa hơn sẽ còn gây ra mối đe dọa lớn hơn cho phía Ukraine.
Một blogger quân sự Nga viết: “Ngày 6/5, Bộ Ngoại giao Nga đã đưa ra tuyên bố rằng Nga đang bắt đầu sản xuất các hệ thống tên lửa tầm trung và tầm ngắn. Một trong những biến thể của tổ hợp tên lửa có tầm bắn lên tới 1.000 km có thể là phiên bản sửa đổi của tên lửa đạn đạo 9K720 Iskander-M, được nâng cấp động cơ, hệ thống điều khiển và đầu đạn”.
Theo hãng truyền thông Defense Express của Ukraine, tên lửa Iskander mới có độ chính xác khi tấn công mục tiêu với phạm vi sai lệch chỉ khoảng 5 m.
Defense Express còn nhấn mạnh rằng, đầu đạn được nâng cấp của tên lửa có thể sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính tự động, có khả năng hiệu chỉnh định vị vệ tinh hoặc sử dụng hệ thống dẫn đường bằng radar dựa trên bản đồ địa hình trong khu vực mục tiêu ở giai đoạn cuối hành trình bay.
Tên lửa Iskander-1000 có thể được phóng bằng bệ phóng Iskander. Mẫu tên lửa mới có cấu trúc tương tự tên lửa đạn đạo 9M723. Tuy nhiên, mức độ tương đồng của tên lửa này với các biến thể Iskander trước đây vẫn chưa rõ, ngay cả trọng lượng của tên lửa Iskander-1000 cũng chưa được tiết lộ.
Một số báo cáo từ nhiều tháng trước cho hay Nga đang nâng cấp các tên lửa Iskander và Kinzhal để có tầm bắn tốt hơn, đầu đạn nổ mạnh hơn, khả năng né tránh hệ thống phòng không đối phương cải thiện hơn, thậm chí tạo ra các tính năng liên lạc thông minh hơn, tiên tiến hơn, cho phép tên lửa phối hợp với nhau trong các vụ phóng hàng loạt.
“Xem xét đến những tiến bộ mới nhất trong việc sử dụng nhiên liệu rắn hỗn hợp, Nga có thể lắp động cơ mới vào tên lửa 9M723 Iskander, giúp nó có tầm bắn 1.000 km, trong khi vẫn duy trì khối lượng đầu đạn ít nhất 500 kg. Nhiều khả năng Nga đã làm việc theo hướng này” – chuyên gia quân sự Dmitry Kornev của Nga nói.
F-16 tại Ukraine có thể không an toàn vì tên lửa Iskander-1000
Theo các chuyên gia, tên lửa Iskander-1000 sẽ giúp tăng cường sức mạnh quân sự của Nga và khiến các nước NATO phải dè chừng. Những thông tin trên xuất hiện trong bối cảnh cả Nga và Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), do vậy các bên có thể vượt qua mức giới hạn tầm bắn 500 km và tăng tầm bắn của tên lửa.
Thông tin trên cũng xuất hiện sau khi Mỹ hồi tháng 7 thông báo kế hoạch triển khai tên lửa tầm xa tới Đức. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo rằng Moscow sẽ triển khai tên lửa tương tự trong phạm vi có thể tấn công Tây Âu nếu Mỹ làm như vậy.
Một số chuyên gia lưu ý tên lửa Iskander-1000 có thể cản trở các hoạt động của tiêm kích F-16 mà Ukaine vừa nhận được từ phương Tây.
Nhà phân tích quân sự Vijainder K. Thakur nói: “Do mối đe dọa từ các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo của Nga, có khả năng những chiếc F-16 sẽ hoạt động từ căn cứ không quân có hầm trú ẩn kiên cố ở miền trung hoặc miền tây Ukraine”.
“Căn cứ không quân Starokonstantinov ở tỉnh Khmelnytskyi- nơi Ukraine đặt các máy bay Su-24 nâng cấp để phóng tên lửa Storm Shadow – cũng có thể đóng trò là căn cứ chính của tiêm kích F-16. Các lực lượng Nga đã nhiều lần tấn công căn cứ không quân này, nhưng Ukraine vẫn tiếp tục sử dụng nó” – ông K. Thakur nói thêm.
Chuyên gia K. Thakur suy đoán rằng F-16 cũng có thể được bố trí tại căn cứ không quân Dubno ở vùng Rivne thuộc miền tây Ukraine. Sân bay Dubno là một cơ sở quân sự, có thể được sử dụng để vận chuyển vũ khí đến Ukraine bằng đường hàng không.
Căn cứ Dubno nằm ngoài tầm bắn của các tên lửa Nga như Iskander-M và Kinzhal. Tuy vậy, căn cứ không quân Dubno sẽ nằm trong tầm tấn công của tên lửa Iskander-1000.
Ông K. Thakur nói thêm rằng, sở hữu tên lửa có tầm bắn và độ chính xác cao thì vấn đề mới chỉ được giải quyết một nửa, Nga cần xác định chính xác vị trí các tiêm kích F-16 tại nơi trú ẩn kiên cố của chúng.
Kể từ khi phương Tây đồng ý cung cấp tiêm kích F-16 cho Ukraine, Nga đã cảnh báo rằng máy bay này sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga, và sẽ bị tiêu diệt ngay cả trước khi chúng cất cánh.
Chy Lê