Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Cà Mau: ưu tiên các nguồn lực để phòng, chống sạt lở bờ biển

ĐNA -

Tỉnh Cà Mau có bờ biển dài khoảng 254 km, chiếm 34% chiều dài đường bờ biển của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong giai đoạn 2011 – 2021, sạt lở bờ biển đã làm mất khoảng 5.250 ha đất và rừng phòng hộ ven biển, làm ngập hơn 120.000 ha đất nuôi trồng thuỷ sản và hàng trăm hộ dân phải sơ tán.

Lực lượng ứng trực nỗ lực gia cố đê biển ở Cà Mau.

Những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ biển diễn ra ngày càng nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Mặc dù chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống sạt lở nhằm bảo vệ bờ biển, nhưng do nguồn lực còn hạn chế, nên tình trạng sạt lở bờ biển vẫn đang tiếp tục diễn ra ở những nơi chưa được kè bảo vệ. Chính vì vậy, việc ưu tiên nguồn lực thực hiện các giải pháp phòng, chống sạt lở bờ biển để bảo vệ tính mạng, tài sản và sinh kế của người dân được xem là nhiệm vụ cấp bách hiện nay.

Đến nay, có 187/254 km bở biển tỉnh Cà Mau bị sạt lở và nhiều đoạn đang tiếp tục sạt lở nghiêm trọng. Thời điểm năm 2006, huyện U Minh có đến 741 ha rừng ngập mặn ven biển, đến nay đã mất 228 ha, chiếm hơn 30% diện tích. Năm 2023, sạt lở đã đã làm mất hơn 162 ha rừng phòng hộ ven biển trên địa bàn huyện Đầm Dơi. Trong đó, xã Tân Tiến, Tân Thuận và Nguyễn Huân là các địa phương chịu thiệt hại nặng nhất.

Anh Nguyễn Thanh Tùng, một người dân xã Tân Thuận (huyện Đầm Dơi) cho biết: “Tình hình sạt lở bờ biển thời gian gần đây diễn ra vô cùng phức tạp, nhất là trong 4 năm trở lại đây, sạt lở đã ăn sâu vào đất liền, làm mất đi diện tích đất vuông tôm của hơn 20 hộ dân ở đây. Từ tháng 9 – 12 âm lịch hàng năm, thủy triều lên cao kết hợp với mưa bão đã làm cho vuông tôm của các hộ dân nơi đây đều bị ngập, bể bờ bao làm thiệt hại rất nhiều đến sản xuất. Dù đã thực hiện kè chắn, gia cố bờ bao để bảo vệ sản xuất nhưng vẫn không thể ngăn tình trạng sạt lở diễn ra”.

Một người dân địa phương khác là chị Nguyễn Thị Lý bày tỏ lo lắng: “Sạt lở bờ biển trong 2 năm gần đây khiến toàn bộ diện tích nuôi tôm của gia đình thiệt hại rất nhiều. Thả tôm, cua giống chưa đến thời gian thu hoạch thì sạt lở, triều cường cuốn hết ra biển. Nếu cứ để tình trạng này kéo dài thì sản xuất, đời sống của gia đình tôi và các hộ dân nơi đây sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy mà người dân ở đây mong muốn ngành chức năng sớm có giải pháp phòng, chống sạt lở hiệu quả hơn”.

Để ứng phó với tình trạng sạt lở bờ biển, ông Phan Hoàng Vũ- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau cho biết: “Tỉnh đã nghiên cứu, thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống sạt lở để bảo vệ bờ biển. Trong đó, hiệu quả nhất hiện nay là giải pháp “kè ngầm phá sóng” hay còn gọi là kè li tâm. Theo đó, xây dựng 2 hàng cọc bê tông li tâm song song nhau, cách bờ biển khoảng 100 – 200 mét, ở giữa 2 hàng cọc thả đá hộc để “phá sóng” ngay từ vị trí kè, giúp giảm tác động của sóng biển lên bờ biển nhằm hạn chế sạt lở. Đồng thời, giữ phù sa phía sau kè, tạo điều kiện gây bồi, tạo bãi và khôi phục diện tích rừng phòng hộ đã mất. Theo đánh giá, đây là giải pháp có suất đầu tư thấp hơn so với các giải pháp công trình “kè áp mái”. Tính đến nay, tỉnh đã ưu tiên nguồn lực đầu tư khoảng 56 km kè bảo vệ biển Tây và 22 km kè bờ biển Đông, với tổng kinh phí gần 2.800 tỉ đồng, bước đầu đã gây bồi, tạo bãi, khôi phục gần 1.000 ha rừng phòng hộ. Hiện tỉnh đang phối hợp với các chuyên gia, các đơn vị chuyên môn nghiên cứu để tìm ra giải pháp cải tiến nhằm đạt được hiệu quả cao hơn và tiết kiệm chi phí hơn”.

Cũng theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cà Mau, do bờ biển của tỉnh Cà Mau dài nên dù đã tìm được giải pháp công trình phòng, chống sạt lở phù hợp, hiệu quả, suất đầu tư thấp và được nhiều nơi áp dụng nhưng nhu cầu vốn đầu tư cũng rất lớn. Mặc khác, vấn đề sạt lở cần phải được giải quyết dứt điểm trong thời gian sớm, vì chúng ta càng chậm thì đất và rừng phòng hộ bị mất đi sẽ càng nhiều, trong khi việc khôi phục lại diện tích rừng bị mất rất khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, tỉnh đã xây dựng đề án thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống sạt lở bờ biển và cả sạt lở bờ sông theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm huy động tối đa nguồn lực thực hiện nhiệm vụ phòng, chống sạt lở một cách tổng thể, đồng bộ. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tỉnh nghiên cứu giải pháp nhân rộng mô hình xã hội hóa trong đầu tư kè biển. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới cần có cơ chế chính sách phù hợp và tỉnh đang trong quá trình nghiên cứu thực hiện.

Sạt lở bờ biển đang có xu hướng ngày càng gia tăng, cả về mức độ và phạm vi, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống Nhân dân nói riêng và kinh tế – xã hội vùng ven biển của tỉnh Cà Mau nói chung. Những năm gần đây xuất hiện ngày càng nhiều các hiện tượng thời tiết cực đoan. Thời điểm xuất hiện gần như quanh năm, không theo quy luật, cộng với đặc điểm địa hình bờ biển phức tạp, sự vận động tự nhiên của địa chất, địa mạo ven sông, ven biển đã gây ra tình trạng sạt lở rất nghiêm trọng, không những diễn ra vào mùa mưa mà còn xuất hiện cả mùa khô. Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã huy động mọi nguồn lực để phòng, chống và khắc phục hậu quả do sạt lở gây ra. Tuy nhiên, do quy mô sạt lở lớn và phức tạp, nên còn rất nhiều vị trí sạt lở nghiêm trọng chưa được kè chắn vì thiếu kinh phí. Hiện nay, tình trạng sạt lở bờ biển chưa có dấu hiệu dừng lại, các vụ sạt lở xảy ra liên tục, nên nguy cơ đe dọa tính mạng con người và tài sản luôn hiện hữu nếu không được khắc phục kịp thời.

Nguyễn Sơn- Vũ Phú