(Đà Nẵng). Ngày 6/9/2024, tại Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), đã diễn ra hội thảo khoa học quốc gia “Hoàn thiện pháp luật về Trọng tài thương mại đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển”, do Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng); Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Luật (Đại học Huế) và Trung tâm Trọng tài thương mại Miền Trung đồng tổ chức.
“Với vị trí là một diễn đàn học thuật chuyên ngành, hội thảo đã thu hút được gần 70 bài viết (tham luận, báo cáo khoa học) trong đó có 60 bài, được Hội đồng khoa học chấp nhận, sẽ lần lượt trình bày ở các phiên chuyên đề. Hội thảo quốc gia “Hoàn thiện pháp luật về trọng tài thương mại đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển” mong muốn tạo cơ hội để các nhà khoa học, các chuyên gia pháp lý, các trọng tài viên…. đóng góp, chia sẻ những ý kiến, qua đó không ngừng hoàn thiện pháp luật về Trọng tài thương mại, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển hiện nay”, PGS.TS Đoàn Ngọc Phi Anh – Phó Hiệu trưởng, trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cho biết.
Được biết, 60 báo cáo tại hội thảo có chủ đề rất đa dạng và bao trùm các lĩnh vực, từ chính sách pháp luật về Trọng tài thương mại, nâng cao năng lực nghiên cứu của đội ngũ giảng viên – nghiên cứu viên; tạo cơ hội giao lưu kết nối và hợp tác giữa cơ sở đào tạo luật với các trọng tài viên và các Trung tâm Trọng tài thương mại; Trọng tài thương mại và kinh tế đối ngoại; Làm gì để Việt Nam trở thành địa điểm trọng tài quốc tế; Trọng tài thương mại trực tuyến trong bối cảnh kinh tế số; Quản lý nhà nước về trọng tài nên như thế nào ?; Bàn về Pháp luật một số quốc gia về hủy phán quyết trọng tài thương mại và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; Vấn đề không công nhận/công nhận và không cho/cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam; …
Kinh tế số và Trọng tài trực tuyến
Đây là một chủ đề, một điểm nhấn có tính thời đại và rất thời sự của hội thảo, nhất là bối cảnh trong và sau những trải nghiệm từ đại dịch COVID-19, cùng với sự phát triển của công nghệ, đặc biệt, là bối cảnh chuyển đổi số tại Việt Nam. Với quan điểm chung: Kinh tế số với các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực công nghệ thông tin, giúp nhiều hoạt động thương mại, cũng như giải quyết tranh chấp thương mại trở nên nhanh chóng (trong tiếp cận thông tin, vấn đề) và xử lý hiệu quả, Trọng tài trực tuyến đã được đề cập sâu sắc.
Theo GS.TS Đỗ Văn Đại – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh; tại hội thảo khoa học quốc gia “Hoàn thiện pháp luật về Trọng tài thương mại đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển”, chủ đề Trọng tài trực tuyến, được nhiều tham luận đánh giá cao. Có tham luận khẳng định “Tố tụng trọng tài trực tuyến cho phép các bên tranh chấp tham gia vào quá trình giải quyết từ xa, thông qua các phương tiện kỹ thuật số, giảm thiểu sự cần thiết phải di chuyển và gặp mặt trực tiếp”. Trọng tài trực tuyến như vậy có nhiều ưu điểm. Tham luận khác tiếp tục khẳng định “Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài trực tuyến giúp giảm thiểu thời gian và chi phí đi lại cho các bên liên quan. Thay vì phải đến các phiên xử trọng tài tại các địa điểm cụ thể, các bên có thể tham gia từ bất kỳ nơi đâu, linh hoạt về thời gian, họ có thể tham gia từ văn phòng, nhà riêng, hoặc bất kỳ nơi nào có kết nối Internet; Giảm thiểu chi phí đi lại, chi phí lưu trữ, in ấn, gửi giữ, bảo quản hồ sơ”.
Tuy nhiên, theo hướng hoàn thiện pháp luật về Trọng tài thương mại, có tham luận phân tích rằng, hiện nay “vẫn thiếu các quy định trực tiếp về giải quyết tranh chấp trực tuyến”; “Pháp luật Việt Nam chưa ban hành một văn bản pháp luật nào làm cơ sở pháp lý cho việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trực tuyến” hay “hiện tại chưa có một quy định nào trong Luật Trọng tài thương mại về giải quyết trọng tài bằng hình thức trực tuyến. Việc này gây khó khăn trong việc xác định mức độ pháp lý của hình thức giải quyết tranh chấp này.
Đưa khái niệm về Trọng tài trực tuyến vào quy phạm pháp luật, là nhằm nâng cao vị thế của Trọng tài thương mại nói chung và hình thức Trọng tài thương mại nói riêng, khẳng định được tính chất pháp lý và độ tin tưởng khi sử dụng của các bên phát sinh tranh chấp. Khi đã được điều chỉnh bởi quy định của pháp luật, sẽ đưa hình thức này (Trọng tài trực tuyến) vào hoạt động theo khuôn khổ và hiệu quả hơn, tạo cơ sở để các Trung tâm trọng tài xây dựng và ban hành áp dụng các quy tắc riêng đảm bảo đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn đáp ứng được tính thực thi và hiệu quả hơn vào giải quyết các vụ việc”.
Thực tế, “Trung tâm trọng tài Quốc tế Hà Nội đã ban hành Quy tắc tố tụng trọng tài để làm căn cứ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trực tuyến dựa trên Luật Trọng tài thương mại 2010. Khoản 1 Điều 4 của Quy tắc tố tụng trọng tài này có quy định, các bên có thể lựa chọn hình thức tố tụng trọng tài là trực tuyến (online) hay ngoại tuyến (offline).
Tuy nhiên, vì pháp luật hiện hành chưa có bất kỳ quy định nào về thủ tục tố tụng trọng tài trực tuyến, do đó, Quy tắc tố tụng trọng tài này chỉ mới dừng lại ở việc áp dụng phương thức trực tuyến cho việc tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp, còn các vấn đề khác như trình tự gửi đơn khởi kiện trực tuyến, trao đổi tài liệu trực tuyến giữa các bên thì vẫn chưa được quy định cụ thể”. Từ thực trạng và ý nghĩa nêu trên, có ý kiến cho rằng “Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, việc ban hành các quy định về (tham gia) tố tụng (của) Trọng tài thương mại trực tuyến tại Việt Nam, là vô cùng cần thiết và cấp bách”.
Chủ tọa hội thảo, vì vậy, đã đề nghị chủ đề “Trọng tài trực tuyến” là chủ đề cần được đầu tư, trao đổi. Có ý kiến cho rằng “Tranh chấp có thể được giải quyết hoàn toàn hoặc một phần nhờ công nghệ, và các bên, trọng tài viên và nhân chứng phải sử dụng thiết bị điện tử”. Vì vậy, khi theo hướng một phần là trọng tài trực tuyến, thì phần nào sẽ là ngoại tuyến, đều rất cần được bàn luận sâu. Song song, cũng cần bàn sâu về “Phán quyết trọng tài điện tử trong tương lai”.
Một tham luận (của hội thảo) nêu rõ rằng “Luật Trọng tài thương mại 2010 vẫn chưa có quy định chấp nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử trong phán quyết trọng tài. Việc công nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử trong phán quyết của Trọng tài là cần thiết, bởi điều này sẽ đảm bảo tính hợp pháp và thực thi phán quyết của Trọng tài trực tuyến” và “Để chữ ký điện tử trong phán quyết Trọng tài có giá trị pháp lý thì Luật Trọng tài thương mại phải bổ sung quy định công nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử tương đương chữ ký tay”. Do đó, nội dung về chữ ký điện tử trong phán quyết trọng tài cũng đáng được quan tâm trong suốt quá trình Hội thảo.
Các tham luận về chủ đề nêu trên tại sự kiện, gồm: Kinh nghiệm của Hồng Kông, Hoa Kỳ về trọng tài thương mại trực tuyến và một số gợi mở cho Việt Nam của Nhóm tác giả: Đỗ Trần Hà Linh, Nguyễn Hà Vi Khanh, Phạm Thị Minh Phương (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng) ; Giải pháp hoàn thiện quy định về giải quyết tranh chấp trọng tài bằng hình thức trực tuyến của Nhóm tác giả: Phạm Thị Thảo, Nguyễn Thị Hải Nhi, Lê Quân, Lê Thị Quỳnh (Công ty Luật Hợp danh FDVN); Pháp luật giải quyết tranh chấp thương mại điện tử bằng trọng tài thương mại trực tuyến của Nhóm tác giả: Ngô Hữu Phúc; Trần Hiếu Kiên (Trường Đại học Luật, Đại học Huế); Phán quyết trọng tài điện tử và chữ ký điện tử trong phán quyết trọng tài – Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam của tác giả: Lưu Xuân Vĩnh (Công ty Luật TNHH Asia Legal); Giao tiếp điện tử (Electronic Communication) trong thỏa thuận trọng tài thương mại chủa hai tác giả: Nguyễn Tấn Hoàng Hải, Trần Bảo Khanh (Đại học Luật TP. HCM); …
Trọng tài thương mại trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030
PGS.TS Đoàn Ngọc Phi Anh – Phó Hiệu trưởng, trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) nhấn mạnh: “Hoạt động giải quyết tranh chấp trong kinh doanh, thương mại bằng hình thức Trọng tài thương mại đã và đang đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì, bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể tiến hành hoạt động kinh doanh, từ đó tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và nền kinh tế”.
Ngoài ra, là đất nước đã và đang thu hút lớn dòng vốn đầu tư từ nước ngòai, là một phần của các dự án và hoạt động kinh tế xuyên biên giới, Việt Nam phải sớm hoàn thiện pháp luật về Trọng tài thương mại, vừa chặt chẽ hơn vừa phù hợp với các thông lệ, quy định chung theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong đó, mục tiêu bao trùm vẫn là nâng cao và hiện đại hóa hệ thống pháp luật, tạo ra một khung pháp lý toàn diện, nâng cao vai trò của Trọng tài và các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế.
Bởi theo xu thế, trong giải quyết các tranh chấp thương mại và đầu tư, Trọng tài thương mại,đóng vai trò ngày càng quan trọng. Hiệu quả, tiết kiệm thời gian và chi phí, là những ưu điểm đã dược ghi nhận…
Một số tham luận được chọn trình bày tại hội thảo, có liên quan đến Trọng tài thương mại và kinh tế đối ngoại, gồm: “Mối quan hệ giữa thẩm quyền của trọng tài nước ngoài và thẩm quyền riêng biệt của tòa án Việt Nam đối với các tranh chấp liên quan bất động sản; của các tác giả: Nguyễn Thị Hồng Trinh, Bùi Thị Quỳnh Trang, Phan Đình Nguyện, Nguyễn Hữu Khánh Linh (Trường Đại học Luật, Đại học Huế) ; Sửa đổi Luật Trọng tài thương mại để Việt Nam trở thành địa điểm trọng tài quốc tế của tác giả: Nguyễn Thị Hoa (Trường Đại học Luật TP. HCM) ; Pháp luật về thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được ở Việt Nam, một số kiến nghị hoàn thiện của hai tác giả: Hồ Thị Duyên (Trường Đại học Luật Hà Nội), Phan Nữ Hiền Oanh (Trường Đại học Vinh); …
Hội thảo nhận được sự quan tâm của đại biểu tham dự. Ảnh: T.Ngọc
Tham luận của các tác giả cũng đề xuất theo hướng “Để Việt Nam trở thành địa điểm trọng tài quốc tế thì đương nhiên pháp luật Việt Nam cần thân thiện với trọng tài, tức hạn chế can thiệp của toà án vào quá trình tố tụng trọng tài cũng như giảm thiểu rủi ro cho trọng tài viên”. Đây là một trong những vấn đề được chủ tọa đoàn đề nghị hội thảo phân tích, trao đổi thêm, để quản lý nhà nước thúc đẩy Trọng tài thương mại phát triển.
Theo GS.TS. Đỗ Văn Đại, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (năm 2021) đã khẳng định “xử lý tranh chấp thương mại quốc tế còn bất cập” và “hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về sở hữu trí tuệ và giải quyết các tranh chấp dân sự” là một trong “những nhiệm vụ trọng tâm”.
Từ đó, một trong các “định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030” được nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng năm 2021 là “hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ và giải quyết các tranh chấp dân sự, khắc phục những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của đất nước”. Một khi tranh chấp phát sinh, các bên có hai khả năng chính là đưa tranh chấp ra hệ thống Tòa án nhà nước hoặc đưa ra Trọng tài để yêu cầu giải quyết. Thời gian vừa qua cho thấy số lượng tranh chấp mà Tòa án phải giải quyết còn rất lớn, so với số lượng khá khiêm tốn tại trọng tài.
Số liệu từ Bộ Tư pháp (đầu năm 2024), ghi nhận số lượng trọng tài viên tại Việt Nam là 1.000 trọng tài viên, hoạt động tại 45 trung tâm trọng tài trên toàn quốc, cùng với đó là 100 hòa giải viên trực thuộc 17 trung tâm hòa giải. Tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, trong năm 2023 đã tiếp nhận hơn 400 vụ việc mới, với giá trị vụ tranh chấp lớn nhất lên tới 270 triệu USD.
“Việc để Tòa án phải đảm nhiệm nhiều tranh chấp trong khi đó hệ thống trọng tài tồn tại song song lại giải quyết rất ít vụ việc không phải là điều tốt cho Việt Nam. Hệ thống Tòa án nhà nước vận hành chủ yếu dựa vào ngân sách của Nhà nước đang quá tải.
Báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao năm 2020 nêu rằng “số lượng các loại vụ việc mà các Tòa án phải thụ lý, giải quyết tiếp tục có xu hướng gia tăng với tính chất ngày càng phức tạp” trong khi đó “số lượng biên chế hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu so với cơ cấu tổ chức, bộ máy, nhiệm vụ, thẩm quyền của các Tòa án nhân dân”, “cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện, phương tiện làm việc chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ”.
Vì vậy, ngoài việc hoàn thiện hệ thống Tòa án, cần thúc đẩy trọng tài phát triển để giảm tải cho Tòa án (tức giảm tải ngân sách nhà nước cho hoạt động tòa án). Điều đó phần nào cho thấy Trọng tài hiện nay rất cần thiết trong việc giải quyết tranh chấp phát sinh trong đời sống”, GS.TS. Đỗ Văn Đại, nhấn mạnh.
“Ở Việt Nam, Luật Trọng tài thương mại được Quốc hội khóa XII kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2010. Sau 14 năm thi hành, các tổ chức trọng tài và trọng tài viên phát triển cả về số lượng và chất lượng. Số lượng vụ tranh chấp được các bên thỏa thuận lựa chọn giải quyết thông qua trọng tài thương mại ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện pháp luật về trọng tài thương mại cho thấy quy định pháp luật hiện hành còn nhiều hạn chế, bất cập làm hạn chế tính ưu việt của phương thức trọng tài thương mại”, PGS.TS Đoàn Ngọc Phi Anh – Phó Hiệu trưởng, trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) phân tích.
Tại hội thảo diễn ra hôm nay ở Đà Nẵng, tác giả: Nguyễn Thành Long (Trường Đại học Duy Tân) có tham luận “Một số bất cập, hạn chế trong Luật Trọng tài Thương mại hiện hành, đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật “; tác giả: Phan Ngọc Hà (Trường Đại học Thái Bình Dương): Một số nội dung hoàn thiện pháp luật về trọng tài thương mại ở Việt Nam hiện nay; …
Bàn về “Quản lý nhà nước về Trọng tài”, tại hội thảo khoa học quốc gia “Hoàn thiện pháp luật về Trọng tài thương mại đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển”, các ý kiến nêu quan điểm: Trọng tài là một loại hình tổ chức phi chính phủ (tổ chức xã hội nghề nghiệp), hoạt động theo pháp luật và quy chế trọng tài, cần “tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động trọng tài”; hoặc “tăng cường chất lượng hoạt động hỗ trợ của Tòa án, cơ quan thi hành án đối với hoạt động tố tụng trọng tài”.
Có tham luận nhìn nhận “Việt Nam hiện nay vẫn chưa có cơ chế nào đảm bảo thực thi tố tụng trọng tài đúng pháp luật” và “cần bổ sung quy định việc thành lập tổ chức giám sát hoạt động trọng tài, trong đó cụ thể hóa quy chế hoạt động, quy tắc ứng xử, quyền và nghĩa vụ cũng như tiêu chí lựa chọn thành viên tham gia; quy định cụ thể về Công bố một phần phán quyết trọng tài, xây dựng điều khoản trọng tài mẫu, các phán quyết trọng tài mẫu”. Tham luận khác nêu kiến nghị cần “Có chính sách thu hút, khuyến khích luật sư nước ngoài tham gia tranh tụng trọng tài”. Chủ tọa hội thảo lưu ý cần có thảo luận sâu và kỹ về quản lý nhà nước để thúc đẩy Trọng tài thương mại phát triển./.
Trần Ngọc