Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Hà Tĩnh: Sở Y tế nói gì sau phản ánh của Tạp chí Đông Nam Á tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh

ĐNA -

Sau khi bài viết “Những “mập mờ” khi bệnh nhân mua vật tư y tế ngoài tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh” được đăng tải trên Tạp chí Đông Nam Á – ASEAN, ngày 10/9/2024, Sở Y tế Hà Tĩnh đã ban hành Văn bản số: 2536/SYT-NVD, về việc xác minh làm rõ các nội dung được đăng tải. Theo đó, Sở Y tế đã yêu cầu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh khẩn trương, tiến hành xác minh làm rõ có hay không các nội dung như đã nêu tại phóng sự, tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức; xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có);

Sở Y tế Hà Tĩnh.

Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Tĩnh cũng khẳng định trước khi Tạp chí Đông Nam Á-ASEAN đăng bài “Những mập mờ khi bệnh nhân mua vật tư y tế ngoài tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh” thì phía Sở Y tế Hà Tĩnh không có chủ trương và không có liên quan gì đến đơn vị cung cấp vật tư y tế ACCUTECH Việt Nam có địa chỉ (số 29, ngõ 114 đường Vũ Trọng Phụng, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân, Hà Nội). Mặt khác, việc các y, bác sĩ (khoa ngoại tổng hợp) do BSCKII Trần Đức Dũng làm Trưởng khoa – Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Hà Tĩnh nơi xảy ra sự việc kết nối cho người bệnh mua vật tư y tế của đơn vị cung cấp vật tư y tế ACCUTECH Việt Nam, Sở Y tế chưa nắm được nội dung này.

Trích dẫn công văn của Sở Y tế trả lời Tạp chí Đông Nam Á.

 Sở Y tế cũng chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại đơn vị, tuyệt đối không để xẩy ra hiện tượng thầy thuốc, nhân viên y tế liên kết các đơn vị cung ứng thuốc, vật tư y tế (VTYT) nhằm mục đích trục lợi cá nhân, lợi ích nhóm đồng thời chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chủ động thực hiện mua sắm VTYT kịp thời phục vụ cho công tác khám bệnh, chữa bệnh cho Nhân dân.

Mặt khác, Sở Y tế cũng cho rằng, Kỹ thuật “Tán sỏi thận qua da” thực hiện tại BVĐK tỉnh Hà Tĩnh đã được Sở Y tế phê duyệt theo quy định; việc thực hiện kỹ thuật “Tán sỏi thận qua da” đã được thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật chuyên môn; việc lựa chọn dịch vụ là do người bệnh quyết định sau khi được các bác sĩ tư vấn; việc thanh toán tiền vật tư do người bệnh tự mua không liên quan đến tài chính của BVĐK tỉnh.

Qua đó, việc bệnh nhân thăm khám tại bệnh viện sẽ được các y, bác sĩ tại đây tư vấn các phương pháp phù hợp, bệnh nhân được quyền lựa chọn phương pháp điều trị, tất cả đều có ký cam kết của bệnh nhân.

Nội dung cam kết cũng ghi rõ: Trong quá trình dùng thuốc, vật tư Y tế cũng như thực hiện các kỹ thuật có vấn đề gì xảy ra (Tai biến, biến chứng, rủi ro…) gia đình bệnh nhận lại chịu hoàn toàn trách nhiệm và không thắc mắc gì.

Trong văn bản số 794/BVĐKT – KHTT của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh có nêu rõ: Bệnh nhân khi được chẩn đoán xác định nếu có chỉ định can thiệp sẽ được bác sĩ giải thích đầy đủ về lợi ích, nguy cơ, các phương án can thiệp. Khi bệnh nhân lựa chọn phương án tán sỏi qua da bệnh nhân đều được giải thích đầy đủ và được lựa chọn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (giải thích chuyển viện). Tuy nhiên, Bác sĩ cũng giải thích người bệnh nếu lựa chọn tán sỏi qua da thì quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ không thanh toán các vật tư y tế nêu trên ở bất kỳ cơ sở khám bệnh chữa bệnh nào.

Nếu người bệnh mong muốn được ở lại khám bệnh, chữa bệnh tại đơn vị, để thuận lợi trong chăm sóc, giảm chi phí cho gia đình, Bệnh viện sẽ yêu cầu thực hiện một số nội dung như: Bệnh nhân phải có cam kết bằng văn bản đồng ý ở lại điều trị và tự mua các vật tư để phục vụ phẫu thuật và điều trị cho người bệnh. Bên cạnh đó, Bác sĩ tư vấn mua các loại vật tư y tế theo đúng yêu cầu chuyên môn để triển khai kỹ thuật. Bệnh nhân đồng ý, chủ động làm việc với hãng cung cấp vật tư y tế nêu trên, trực tiếp thống nhất, thanh toán chi phí với đơn vị cung cấp và cuối cùng Bác sĩ kiểm tra các vật tư trước khi triển khai kỹ thuật cho bệnh nhân.

Trích dẫn công văn của Sở Y tế trả lời Tạp chí Đông Nam Á.

Nếu Bệnh viện thực hiện liên kết với các công ty cung cấp thiết bị y tế không thể bỏ qua các bước sau:
Thứ nhất, Bệnh viện phải kiểm tra các mẫu thiết bị y tế, có đơn vị kiểm tra chất lượng đảm bảo. Nếu xảy ra sự cố đến sinh mạng con người không thể chìa ra tấm bùa là bản cam kết của bệnh nhân trước cơ quan pháp luật. Liệu việc chỉ có các y bác sĩ tại bệnh viện này kiểm tra bằng mắt thường hoặc chuyên môn để khẳng định tính pháp lý và quy chuẩn chất lượng của vật tư y tế trên liệu có đúng quy định pháp luật? Làm sao để đảm bảo được các thiết bị trên đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đủ an toàn để sử dụng trên bệnh nhân?

Thứ hai, ngoài chất lượng thiết bị y tế, bệnh viện có kiểm soát giá thiết bị y tế hay để thả nổi tự nhà cung cấp ép bệnh nhân phải mua theo giá công ty đặt ra? Bệnh viện và bác sĩ điều trị có hưởng % trên giá thiết bị y tế không?

Thứ ba, Bệnh viện có thống kể được bao nhiêu công ty tham gia cung cấp thiết bị y tế tại bệnh viện hay chỉ cho độc quyền một công ty?

Thứ tư, theo phản ảnh của bệnh nhân, Công ty cổ phần ACCUTECH Việt Nam thu tiền qua tài khoản cá nhân và chỉ cấp phiếu thu, khi bệnh nhân yêu cầu mới cấp hóa đơn tài chính. Liệu đây có phải hình thức trốn thuế và vi phạm quy trình kế toán? Có nhiều bệnh nhân chỉ nhận phiếu thu thì Cty có đóng nghĩa vụ thuế cho nhà nước theo phiếu thu không?

Trích dẫn công văn của Sở Y tế trả lời Tạp chí Đông Nam Á.

Mặt khác, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, phía đơn vị đang triển khai đấu thầu các loại vật tư phục vụ khám chữa bệnh tại đơn vị. Trong giai đoạn chờ kết quả trúng thầu có xảy ra gián đoạn cung ứng một số mặt hàng, nên việc bệnh nhân tự mua một số loại vật tư phục vụ khám, chữa là không thể tránh khỏi. Vậy tới bao giờ thì những người bệnh mới an tâm sử dụng những vật tư y tế đảm bảo chất lượng hay vẫn lo lắng bất an khi sử dụng những vật tư chưa được kiểm định an toàn nhưng vẫn sử dụng bởi những tư vấn từ phía các bác sỹ?

Quay lại nội dung trả lời từ đại diện lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cũng như phía Sở Y tế Hà Tĩnh “đơn vị cũng khẳng định, bệnh viện Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh và Sở Y tế “không có chủ trương” và “không có liên kết hợp tác” gì đối với đơn vị cho thuê máy móc, thiết bị vật tư phục vụ bệnh nhân, cụ thể là Công ty cổ phần ACCUTECH Việt Nam.  Vậy thì “không có chủ trương”, “không liên kết hợp tác” thì bằng cách thức nào những vật tư y tế không rõ nguồn gốc như vậy lại được “tuồn” dễ dàng vào Khoa Ngoại tổng hợp để sử dụng trên bệnh nhân?

  Thế Cương – Tăng Thành

Bài liên quan: Những “mập mờ” khi bệnh nhân mua vật tư y tế ngoài tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh