Chủ Nhật, Tháng mười hai 22, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Châu Âu bất đồng về lập trường leo thang xung đột ở Ukraine

ĐNA -

Theo Responsible Statecraft, ngày 19/9/2024, trong một nghị quyết không mang tính ràng buộc được thông qua, Nghị viện châu Âu (EP) tiếp tục hối thúc các nước thành viên EU ngay lập tức dỡ bỏ hạn chế về việc sử dụng các hệ thống vũ khí phương Tây được cung cấp cho Ukraine nhằm vào các mục tiêu quân sự hợp pháp trên lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, không phải tất cả quốc gia đều có tiếng nói chung về vấn đề này.

Người đi bộ ngang qua một biểu ngữ treo trên tòa nhà Nghị viện Châu Âu ở Brussels vào ngày 17/5/2024. Ảnh: Kenzo Tribouillard/AFP/Getty Images.

Các nghị sĩ cho biết, các hạn chế hiện nay “cản trở khả năng của Ukraine trong việc thực hiện đầy đủ quyền tự vệ theo luật quốc tế và khiến Ukraine dễ bị tấn công”. Nghị quyết được thông qua với 425 phiếu thuận, 131 phiếu chống và 63 phiếu trắng.

Nghị quyết kêu gọi tăng cường chuyển giao vũ khí, bao gồm cả tên lửa hành trình tầm xa Taurus của Đức, hối thúc tất cả thành viên EU và NATO “cam kết tập thể và cá nhân hỗ trợ Ukraine về mặt quân sự không ít hơn 0,25% GDP hằng năm”. Thủ tướng Đức Olaf Scholz trước đó từ chối cung cấp Taurus cho Ukraine vì lo ngại nguy cơ leo thang nghiêm trọng.

EP kêu gọi thành lập các cơ sở sản xuất quân sự tại Ukraine và tích hợp hơn nữa tổ hợp công nghiệp quân sự của nước này vào nền quốc phòng và công nghiệp của EU. Nội dung nghị quyết đề nghị “gây áp lực” lên Hungary để Budapest đồng ý cung cấp cho Ukraine hơn 7,1 tỷ USD viện trợ quân sự khẩn cấp từ quỹ EU.

Các tác giả của nghị quyết nhấn mạnh, Ukraine nên được cấp sớm khoản vay 50 tỷ USD lấy từ tài sản nhà nước Nga bị phong tỏa. Họ cũng ủng hộ “điều chỉnh luật trừng phạt” để tạo ra cái mà họ mô tả là “một chế độ pháp lý vững chắc cho việc tịch thu tài sản của Nga bị EU đóng băng”, cũng như để ngăn chặn việc lách lệnh trừng phạt.

Để tăng hiệu quả của lệnh trừng phạt, nghị quyết đề xuất lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc, phân bón và nhiều nguyên liệu thô khác gồm nhôm, thép, urani, titan, niken, gỗ và các sản phẩm gỗ, cũng như khí đốt và dầu mỏ, ngăn chặn việc tái xuất khẩu chúng.

Nghị quyết trên đã khẳng định lập trường không nhượng bộ của Nghị viện châu Âu trong cuộc xung đột này. Mặc dù nhiều nước cho rằng Ukraine có quyền tự vệ trước chiến dịch quân sự của Nga nhưng việc kêu gọi tấn công vào lãnh thổ Nga, nếu được thực hiện sẽ dẫn đến leo thang căng thẳng. Trên thực tế, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo rõ rằng, việc NATO chấp nhận động thái trên sẽ chẳng khác nào đang tham gia vào cuộc xung đột trực tiếp với Moscow.

Tuy nhiên, trong nghị quyết của Nghị viện châu Âu, các nghị sĩ đã bác bỏ những rủi ro như vậy mặc dù chi tiết cụ thể về các cuộc không kích trên lãnh thổ Nga nhận được ít sự ủng hộ hơn so với toàn bộ nghị quyết nhưng nó vẫn được thông qua một cách rộng rãi với 377 phiếu thuận, 191 phiếu chống và 51 phiếu trắng.

Tất cả các nhóm chính trị lớn như Đảng Nhân dân châu Âu trung hữu (EPP), Đảng Xã hội và Dân chủ trung tả (S&D) và Đảng Đổi mới châu Âu trung dung đều đã bỏ phiếu ủng hộ biện pháp đó, cùng với sự ủng hộ của đảng Xanh trung tả, đảng Bảo thủ và Cải cách châu Âu cực hữu (ECR). Trong khi đó, những tiếng nói bất đồng đến từ các thành viên của đảng Anh em Italy (ECR) của Thủ tướng Giorgia Meloni, những người bảo thủ quốc gia từ đảng Quốc đại Pháp, nhóm Những người yêu nước vì châu Âu (PfE) do Thủ tướng Hungary Viktor Orban lãnh đạo, đảng cực hữu AfD (Alternative for Germany) của Đức, những người theo chủ nghĩa xã hội Italy, những người theo cánh tả Pháp và các nghị sĩ châu Âu Ireland và Malta, đã phản ánh tình trạng trung lập của các quốc gia này.

Điều đáng chú ý là nghị quyết, trong khi kêu gọi hỗ trợ mạnh mẽ cho Ukraine thì hầu như hoàn toàn bỏ qua mọi con đường ngoại giao để chấm dứt xung đột. Những nội dung liên quan đến hòa bình và đàm phán được tìm thấy trong tài liệu dài 8 trang này chỉ là ủng hộ vô điều kiện Công thức Hòa bình Ukraine, theo đó, hòa bình hoàn toàn được quyết định theo các điều khoản của Kiev và kêu gọi tổ chức một hội nghị thượng đỉnh hòa bình thứ hai. Tuy nhiên, nghị quyết không đề cập đến việc liệu Nga có được mời hay không.

Đánh giá về nỗ lực ngoại giao để chấm dứt xung đột
Mặc dù những lời kêu gọi như vậy có thể thỏa mãn về mặt tinh thần nhưng theo các chuyên gia, bất chấp những đánh giá lạc quan nhất, Ukraine không có cơ hội đáng tin cậy nào để giành chiến thắng về mặt quân sự với cái giá có thể chấp nhận được (tức là không gây ra một cuộc chiến tranh trực tiếp giữa NATO và Nga). Con đường hòa bình chỉ có thể là kết quả của các cuộc đàm phán có sự tham gia của Nga.

Dù vậy, các sửa đổi đối với nghị quyết kêu gọi nỗ lực ngoại giao đã bị bác bỏ hàng loạt, ngay cả sửa đổi do phe Cánh tả đệ trình được xây dựng hoàn toàn theo hiệp ước thành lập EU, cụ thể là Điều 21 của hiệp ước này cam kết EU sẽ “duy trì hòa bình, ngăn ngừa xung đột và tăng cường an ninh quốc tế, phù hợp với các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc cũng như các nguyên tắc của Đạo luật Helsinki”.

Những sửa đổi khác được Cánh tả đề xuất, chẳng hạn như tuyên bố rằng không có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột và thể hiện sự thất vọng đối với việc EU thiếu các sáng kiến để xác định “các nguyên tắc cụ thể và thực tế theo những gì mà các cuộc đàm phán có thể diễn ra”, cũng đã bị bác bỏ.

Kết quả cuối cùng là những lời kêu gọi hòa bình, ngoại giao và đàm phán, từng là cốt lõi của bản sắc châu Âu hiện đại – được hình thành trên đống tro tàn của Thế chiến II, hiện được coi là không thể chấp nhận và bị đẩy đến mức cực đoan.

Tuy nhiên, hình ảnh thống nhất mà Nghị viện châu Âu muốn truyền tải có vẻ không hoàn toàn là như vậy. Mô hình bỏ phiếu, rõ ràng đặt phần lớn EU chống lại một số ít nước trung lập không tham gia vào NATO và cho đến nay vẫn chưa có ý định gia nhập liên minh này như Áo, Ireland, Malta và Síp.

Trên thực tế, thành công của các biện pháp mà các nghị sĩ châu Âu yêu cầu phụ thuộc vào việc 2 nước đầu tàu là Pháp và Đức hành động thống nhất với nhau. Tuy nhiên, không chỉ trong trường hợp này Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz không có chung tiếng nói mà hình thức hỗ trợ vô điều kiện cho Ukraine được nêu trong nghị quyết cũng đang gây chia rẽ hai quốc gia này.

Ở Đức, sự trỗi dậy của đảng cực tả Sahra Vagenknecht và đảng cực hữu AfD một phần xuất phát từ mối lo ngại rằng việc tiếp tục xung đột ở Ukraine sẽ làm suy yếu thêm nền kinh tế Đức. Những phát biểu gần đây của ông Scholz về việc đã đến lúc đàm phán ngoại giao với Nga đã phản ánh sự dịch chuyển đó. Hiện Đức vẫn chưa cho phép Ukraine sử dụng tên lửa Taurus của mình để tấn công sâu vào Nga.

Đối với Pháp, Thủ tướng mới Michel Barnier phụ thuộc vào sự ủng hộ của đảng Quốc gia cực hữu của bà Marine Le Pen trong Quốc hội để tiếp tục đương nhiệm và các thành viên của đảng đó tại Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu áp đảo chống lại nghị quyết tấn công lãnh thổ Nga. Phần lớn, các nghị sĩ đại diện cho lực lượng lớn nhất trong Quốc hội Pháp – Mặt trận Bình dân mới cánh tả, cũng vậy.

Ngoài ra, cũng cần tính đến một nhân tố xuyên Đại Tây Dương, đó là Mỹ. Các nhà lãnh đạo phương Tây có thể muốn hành động như thể họ có quả cầu pha lê đoán trước ý định của Tổng thống Putin sau những cảnh báo của ông về hậu quả của việc cho phép tấn công các mục tiêu của Nga. Tuy nhiên, họ đang đi từng bước một cách thận trọng hơn so với những gì tuyên bố công khai. Cụ thể, trong chuyến thăm Washington mới đây, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã không đảm bảo được thỏa thuận với Tổng thống Joe Biden nhằm cho phép Ukraine thực hiện các cuộc tấn công như vậy.

Ngoài ra, khả năng chiến thắng của liên danh tranh cử Trump – Vance trong cuộc bầu cử sắp tới có thể sẽ chứng kiến động thái từ Washington nhằm chấm dứt xung đột. Ngay cả Phó Tổng thống Kamala Harris cũng ít có xu hướng leo thang xung đột với Nga. Dù là bước lùi khiêm tốn nhất của Mỹ cũng có thể buộc EU phải lấp đầy vào và một số quốc gia, đáng chú ý là Hungary, Slovakia, Italy hay các lực lượng chính trị mới nổi ở Đức và Pháp, đều cho thấy dấu hiệu suy yếu trong nỗ lực ủng hộ Ukraine.

Như vậy, Nghị viện châu Âu rõ ràng đang chia rẽ về lập trường với dư luận chung ở châu Âu. Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy công chúng châu Âu ủng hộ Ukraine, nhưng sự ủng hộ đó cuối cùng hướng đến việc đưa Kiev vào vị thế đàm phán tốt hơn để chấm dứt xung đột.

EP cũng kêu gọi trừng phạt ngành công nghiệp điện hạt nhân của Nga.
Theo TASS, Nghị quyết nêu rõ mục tiêu cuối cùng là đạt được một nền hòa bình tại Ukraine theo các điều khoản của Kiev. Đồng thời, EP kêu gọi các nước EU không cắt giảm viện trợ tài chính và chuẩn bị cung cấp viện trợ nhân đạo cho Ukraine trong nhiều năm tới.

Các nghị quyết của EP không có hiệu lực pháp lý và chỉ mang tính chất tham khảo, nhưng được sử dụng trong EU để thúc đẩy và phổ biến các chính sách cụ thể.

Ukraine từ lâu kêu gọi phương Tây dỡ bỏ hạn chế, cho phép quân đội nước này dùng vũ khí viện trợ để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga, nhưng chưa được chấp thuận.

Trong khi đó, Nga nhiều lần tuyên bố sẽ đáp trả cứng rắn nếu các nước phương Tây quyết định “cởi trói” cho vũ khí ở Ukraine. Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin hôm qua cảnh báo một cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ xảy ra nếu phương Tây bật đèn xanh cho Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây để tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga.

“Những gì EP kêu gọi sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh thế giới sử dụng vũ khí hạt nhân”, ông Volodin viết trên Telegram.

Chy Lê/tổng hợp