Chiến dịch đột kích Kursk cho thấy Kiev có khả năng tạo ra giai đoạn mới trong xung đột Nga – Ukraine. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo rằng chiến dịch này, thay vì tạo thêm một cái gai ở sườn Nga, lại chỉ tăng thêm tâm lý chống Ukraine và ủng hộ chính phủ Nga tại những vùng bị ảnh hưởng do chiến sự.
Kể từ khi Ukraine mở chiến dịch đột kích chớp nhoáng vào tỉnh Kursk của Nga hồi đầu tháng 8/2024, binh sĩ Ukraine đã kiểm soát được hàng chục khu định cư ở tỉnh biên giới Kursk này, còn những người dân Kursk sơ tán tiếp tục đổ về thủ phủ của tỉnh trong lúc chiến sự diễn ra ở nửa phía Tây của tỉnh. Kiev kỳ vọng nhiều vào chiến dịch đột kích tỉnh Kursk của Nga, nhưng quãng thời gian vừa qua cho thấy, chiến dịch này đang phản tác dụng vì nó khiến người dân Nga thêm quyết tâm chống Ukraine, đồng thời đẩy quân đội Ukraine vào thế sa lầy tại đây.
Cũng trong 2 tháng qua, cư dân Yan tại thành phố Kursk đã làm tình nguyện viên phân phát quần áo và chăn cho những người dân Kursk phải di tản khỏi vùng chiến sự.
Yan nói với tờ Kyiv Independent: “Số người đến các điểm trợ giúp nhân đạo hàng tuần đang tăng lên. Giờ đây, khi mùa đông sắp đến, nhu cầu về quần áo ấm và chăn cách nhiệt đã trở nên khẩn thiết, trong khi các gói lương thực và sản phẩm vệ sinh vẫn quan trọng”.
Tatyana Stanovaya – nhà phân tích thuộc Trung tâm Nga Á Âu Carnegie, nói với Kyiv Independent: “Lập luận cho rằng tấn công vào xã hội Nga, gây khó khăn cho cuộc sống của người dân ở đất nước này để khiến họ quay lưng với Kremlin là điều khiếm khuyết. Trên thực tế, tình hình càng khó khăn như vậy, người dân Nga lại càng sát cánh với nhà nước Nga”.
Và chưa đầy 2 tháng sau khi chiến dịch Kursk bắt đầu, Nga đã chiếm được thị trấn quan trọng Ugledar (Vuhledar) ở tỉnh Donetsk. Việc Ugledar thất thủ phản ánh đà tiến tổng thể của quân Nga ở miền Đông Ukraine trong bối cảnh Kiev mải tấn công Kursk.
Ngoài chiến dịch Kursk, Ukraine trong những tuần gần đây còn đẩy mạnh tập kích tầm xa (thường là bằng UAV) vào sâu trong lãnh thổ Nga, phá nhiều kho đạn.
Chuyên gia Stanovaya cho rằng chiến thuật này mặc dù gây khó khăn nhất định cho hậu cần của Nga nhưng lại có một tác dụng phụ lớn ngoài mong muốn của Kiev – đó là làm cho dân chúng Nga quen với tình trạng chiến tranh và sẵn sàng theo đuổi xung đột vũ trang với Ukraine.
Bà Stanovaya viết trong một báo cáo đăng tải trên website R.Politik (chuyên trang phân tích về tình hình Nga): “Một trong những kết quả đáng kể nhất của vụ đột kích Kursk có lẽ là việc tăng cường tâm lý chống Ukraine và bài phương Tây, từ đó nâng cao sự ủng hộ dành cho Tổng thống Putin và kéo dài cuộc xung đột với Kiev”.
Theo kết quả thăm dò dư luận Nga hồi tháng 7/2024, có tới 58% số người được hỏi hy vọng sớm chấm dứt xung đột Ukraine. Sau khi xảy ra cuộc tấn công của Kiev tại Kursk, con số này giảm xuống còn 49%. Bên thực hiện cuộc điều tra này là Trung tâm Levada – một tổ chức tại Nga chuyên điều tra dư luận và độc lập với chính phủ Nga.
Tư tưởng dân tộc chủ nghĩa dâng cao ở vùng biên Nga
Cư dân các tỉnh biên giới của Nga thổ lộ với Kyiv Independent rằng họ tức tối với Ukraine. Một số thậm chí muốn giải quyết vấn đề với Ukraine bằng vũ lực.
Tại thành phố Kursk, nơi hàng chục nghìn người di tản đã tới kể từ đầu tháng 8, nhiều người tin rằng chiến tranh trường kỳ là giải pháp duy nhất để trở về với trạng thái bình thường trước đây.
Tình nguyện viên Yan kể tiếp: “Người dân vùng biên của Nga đổ lỗi cho quân đội và chính quyền Ukraine. Họ tin rằng họ bị thay đổi chỗ ở là do các hành động của Kiev. Họ muốn trở về nhà. Họ nhận ra rằng điều này chỉ khả thi nếu các vùng lãnh thổ nơi họ từng sống được giải phóng bằng phương tiện quân sự”.
Trong khi đó, nhà xã hội học độc lập Alexey Gusev đánh giá: “Về mặt chính trị mà nói, việc xâm lấn tỉnh Kursk và tấn công vào trong tỉnh Belgorod khiến những tỉnh này trở nên “quân phiệt”, siêu ái quốc và bài trừ Ukraine nhất”.
Một luật sư ở tỉnh Kursk nói với Kyiv Independent rằng vụ đột kích Kursk khiến việc tránh chiến tranh trở nên khó khăn hơn. Ông nói: “Giờ đây rất khó nói người dân nghĩ gì về đàm phán hòa bình. Theo ý kiến tôi, người dân muốn lãnh thổ Nga được trả lại cho Nga. Đó là điều tối thiểu”.
Nhà phân tích Stanovaya cũng cho rằng Kiev càng tạo tình huống nguy hiểm bên trong nước Nga thì dân chúng càng ủng hộ mạnh mẽ chính quyền Nga và điều này làm giảm mức độ sẵn lòng của Nga trong đàm phán với Ukraine.
Tâm lý ủng hộ chiến tranh gia tăng trong xã hội Nga trong bối cảnh người Ukraine tỏ ra mệt mỏi và muốn sớm chấm dứt xung đột với Nga. Hồi cuối tháng 9 vừa qua, Tổng thống Ukraine Zelensky đã sang Washington để trình lên Tổng thống Mỹ Biden bản “Kế hoạch Chiến thắng” với một mục tiêu hướng tới là xác lập hòa bình.
Oleksandr Merezhko – chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Ukraine, thừa nhận với Kyiv Independent rằng triển vọng đàm phán hòa bình với Nga hiện vẫn còn xa vời, bất chấp Tổng thống Zelensky đã gặp ông Biden ở Washington và ngày bầu cử Mỹ đang tới gần.
Chy Lê/tổng hợp