Thứ năm, Tháng mười 10, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Hội thảo Quốc tế “Hợp tác vì biên giới, biển, đảo hoà bình và phát triển”: Trao đổi kinh nghiệm quốc tế về quản lý biên giới trên đất liền và trên biển

ĐNA -

Theo tin từ Bộ Ngoại Giao, ngày 8/10/2024, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Phái đoàn Wallonie-Bruxelles (Bỉ) đồng chủ trì Hội thảo Quốc tế “Hợp tác vì biên giới, biển, đảo hoà bình và phát triển”. Hội thảo đã cho thấy ý nghĩa quan trọng của việc hợp tác biên giới và hợp tác trên biển trên cơ sở luật pháp quốc tế, đóng góp vào hoà bình, an ninh và phát triển giữa các nước liên quan.

Bộ Ngoại giao Việt Nam và Phái đoàn Wallonie-Bruxelles (Bỉ) đồng chủ trì Hội thảo Quốc tế “Hợp tác vì biên giới, biển, đảo hoà bình và phát triển”.

Hội thảo được diễn ra với sự tham dự của trên 170 đại biểu, bao gồm các học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, các nguyên lãnh đạo Bộ Ngoại giao; đại diện các ban, bộ, ngành, địa phương biên giới và ven biển, cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Uỷ ban Biên giới quốc gia Nguyễn Minh Vũ cho rằng chủ đề của Hội thảo phản ánh nhu cầu khách quan và cấp bách của sự hợp tác quốc tế về biên giới, biển, đảo hoà bình và phát triển.

Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh vai trò của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) trong việc duy trì môi trường hoà bình, ổn định, tạo cơ sở vững chắc cho các hoạt động hợp tác quốc tế về biển đảo.

Ông Pierre Du Ville, Trưởng đại diện Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam bày tỏ vui mừng được tiếp tục phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo. Ông bày tỏ, Hội thảo sẽ góp phần tăng cường quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Bỉ. Đề cập đến chủ đề Hội thảo, ông hoan nghênh nỗ lực và kết quả của Việt Nam trong hợp tác với các nước láng giềng về biên giới lãnh thổ.

Tại Hội thảo, các chuyên gia và đại biểu đã dành nhiều thời gian thảo luận về các kinh nghiệm hợp tác và quản lý biên giới trên đất liền và trên biển, trong đó có kinh nghiệm của Bỉ, Canada về giải quyết, quản lý các vấn đề biên giới trên đất liền, kinh nghiệm hợp tác thác Bản Giốc (Việt Nam) – Đức Thiên (Trung Quốc); khuôn khổ pháp lý để xác định vùng biển chồng lấn và quyền và nghĩa vụ tại các khu vực này; các biện pháp bảo đảm quản lý bền vững các nguồn tài nguyên biển và thúc đẩy minh bạch trong quản lý biển.

Hội thảo có sự tham gia của trên 170 đại biểu, chuyên gia, học giả Việt Nam cũng như quốc tế. Thảo luận tại Hội thảo đã cho thấy ý nghĩa quan trọng của việc hợp tác biên giới và hợp tác trên biển trên cơ sở luật pháp quốc tế, đóng góp vào hoà bình, an ninh và phát triển giữa các nước liên quan.

Lê Huy