Thứ ba, Tháng mười 15, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Serbia đang hướng tới gia nhập BRICS thay vì Liên minh châu Âu (EU)

ĐNA -

Ngày 13/10/2024, trong cuộc phỏng vấn với tờ báo Đức Berliner Zeitung, Phó Thủ tướng Vulin cho biết, Liên minh châu Âu (EU) đưa ra những yêu cầu ngày càng cứng rắn đối với Serbia và không đưa ra bất kỳ tiến triển nào về tư cách thành viên. Để đổi lại, Serbia sẽ “khám phá” lựa chọn thay thế là gia nhập khối BRICS.

Phó Thủ tướng Serbia Aleksandar Vulin và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Sputnik

Serbia đã nộp đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu vào năm 2009 và đã là nước ứng viên EU kể từ năm 2012. Trong những năm sau đó, EU nêu thêm điều kiện với Serbia là phải bình thường hóa quan hệ với Kosovo bằng cách công nhận nền độc lập của tỉnh ly khai này, đồng thời yêu cầu Serbia cắt đứt quan hệ và áp đặt lệnh trừng phạt Nga.

“EU chỉ cần nói là không muốn chúng tôi. Chúng tôi coi EU là đối tác, nhưng chúng tôi không hoàn toàn chắc chắn rằng EU coi chúng tôi là đối tác. Tại sao các vị cứ đặt ra những điều kiện mà chúng tôi không thể đáp ứng. Tổng thống Nga Vladimir Putin chưa bao giờ buộc Serbia phải lựa chọn giữa Brussels và Mátxcơva, hoặc đe dọa cắt đứt quan hệ nếu Belgrade bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập EU”, Ông Vulin nói thêm.

“Trong khi đó, các nhà đàm phán EU nói với chúng tôi: Nếu các vị không cắt đứt quan hệ với Nga, các vị sẽ không được gia nhập EU. Vậy chúng tôi có phải là đối tác hay không? Hay chúng tôi không có quyền lợi riêng của mình?” – ông Vulin đặt câu hỏi.

Serbia sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS tại thành phố Kazan của Nga vào cuối tháng 10/2024, với mục tiêu gia nhập nhóm các nền kinh tế đang phát triển này.

“Sẽ là vô trách nhiệm nếu chúng tôi không khám phá mọi khả năng, bao gồm cả tư cách thành viên BRICS. Nếu BRICS hấp dẫn các quốc gia khác, ví dụ như Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Saudi Arabia hoặc Thổ Nhĩ Kỳ, tại sao lại phải khác đối với Serbia? Không còn nghi ngờ gì nữa, BRICS đã trở thành một sự thay thế thực sự cho EU” – Phó Thủ tướng Serbia nhấn mạnh.

BRICS đã vượt qua khối G7 do Mỹ đứng đầu về thị phần GDP toàn cầu, có ngân hàng phát triển riêng và đã mở rộng từ 4 thành viên vào năm 2006 – Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc – lên 5 thành viên bao gồm Nam Phi vào năm 2011.

Đầu năm 2024, bốn quốc gia – Ai Cập, Iran, Ethiopia và UAE – đã chính thức trở thành thành viên của nhóm và Saudi Arabia đang hoàn tất quá trình gia nhập.

Vào tháng 9/2024, Trợ lý Tổng thống Nga Yury Ushakov xác nhận rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS, trở thành quốc gia NATO đầu tiên nộp đơn.

Hàng chục quốc gia khác, trong đó có Azerbaijan, Algeria, Indonesia, Pakistan, Malaysia, Nigeria, Thái Lan, Venezuela, Kazakhstan, Palestine, Cộng hòa Dân chủ Congo, Gabon, Bangladesh, Bahrain, Kuwait, Senegal và Bolivia, cũng đã bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS.

Hoàng Hạnh