Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Phát triển Marketing Xanh trong du lịch xuất phát từ Trải nghiệm Xanh

ĐNA -

Mai An Tiêm được ví von là ông tổ của ngành Marketing Việt Nam, ông sáng tạo trong việc thả trôi ra biển những quả dưa hấu có khắc tên thương hiệu của mình để mọi người được nếm thử và biết đến. Chính sự sáng tạo này đã giúp sản phẩm của ông được nhiều người biết đến và yêu thích. Đây là một câu chuyện truyền cảm hứng sâu sắc đến các doanh nghiệp và nhà nghiên cứu. Đặc biệt, khi nghiên cứu về hoạt động marketing xanh, câu chuyện quảng cáo dòng sản phẩm hữu cơ, phương pháp marketing thân thiện môi trường của Mai An Tiêm tạo nền tảng để các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp du lịch nói riêng nhằm xem xét và nghiên cứu sâu.

Sau đại dịch, ngành du lịch đã có những biến chuyển tích cực, trong tháng 3/2024 ghi nhận đã tiếp đón 1,6 triệu lượt khách quốc tế, quý 1/2024 đón 4,6 lượt khách, tăng so với cùng kỳ năm trước 72%. Và trong tháng 3/2024 lượt khách nội địa đạt 8,5 triệu lượt, quý 1 đạt 30 triệu lượt lượt (Cục du lịch quốc gia Việt Nam 2024). Hoạt động Marketing của ngành đã thu hút dần các nhóm khách trở lại, đây là dấu hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, đề duy trì và tiếp tục thu hút nhiều hơn nữa các nhóm khách cũng như tạo ấn tượng tốt thì hoạt động marketing xanh là tiêu điểm cần chú trọng. Bởi hơn 70% người tiêu dùng cho biết họ sẵn sàng trả cao hơn cho những sản phẩm có tác động tích cực đến môi trường hoặc sức khỏe (Artem Beliaikin 2023). Trong đó, người mua sắm ở châu Á-Thái Bình Dương dẫn đầu với 90% người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn, tiếp theo là người tiêu dùng châu Âu (74%) và người tiêu dùng Mỹ (71%). Trong lĩnh vực du lịch, marketing xanh dần trở nên quan trọng và phổ biến hơn.

Thuật ngữ “trải nghiệm” hay “trải nghiệm khách hàng” được nhắc nhiều trong hoạt động của doanh nghiệp. Bởi đây được xem là yếu tố cạnh tranh chính, tạo lợi thế hơn là giả cả, sản phẩm và chất lượng. Shaw và Ivens (2002) cho rằng 85% quản lý tại các doanh nghiệp chứng minh trải nghiệm khách hàng đóng vai trò quan trọng trong thành công của doanh nghiệp hiện đại. Trong ngành du lịch, trải nghiệm khách hàng đóng vai trò cực kỳ quan trọng, đặc biệt trong nền kinh tế trải nghiệm mà Pine và Gilmore (2013) đã định nghĩa. Trong lĩnh vực du lịch, trải nghiệm khách hàng là sản phẩm kinh doanh cuối cùng, được tạo ra thông qua những sự kiện đáng nhớ và độc đáo mà khách hàng trải qua trong quá trình hành trình của mình.

Tầm quan trọng của trải nghiệm khách hàng trong du lịch không chỉ nằm ở việc tạo ra những kỷ niệm và trải nghiệm đáng nhớ cho khách hàng, mà còn ảnh hưởng đến sự cạnh tranh và phát triển của doanh nghiệp trong ngành. Một trải nghiệm khách hàng xuất sắc có thể tạo ra sự tương tác tích cực với khách hàng, tăng cường lòng trung thành và tạo ra lợi thế cạnh tranh. Khách hàng sẽ có xu hướng quay lại và giới thiệu doanh nghiệp cho người khác nếu họ có một trải nghiệm tuyệt vời. Đồng thời, trải nghiệm khách hàng giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh và danh tiếng của một địa điểm du lịch, một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ. Những trải nghiệm tích cực và độc đáo có thể tạo dựng một hình ảnh thu hút và tạo điểm nhấn cho địa điểm du lịch, thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc tăng cường năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế của địa phương. Trải nghiệm khách hàng cũng là một công cụ quan trọng để hiểu và đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

Thông qua việc thu thập thông tin phản hồi và phân tích dữ liệu, doanh nghiệp du lịch có thể cải thiện dịch vụ, tùy chỉnh chương trình tour và tạo ra những trải nghiệm phù hợp với mong muốn của khách hàng. Điều này giúp tăng cường sự hài lòng của khách hàng, tạo sự khác biệt và xây dựng một mối quan hệ lâu dài với khách hàng. Đặc biệt, khi các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu đang là chủ đề nóng không chỉ khiến các hiệp hội hay cộng động bảo vệ môi trường mà các khách hàng, du khách cũng ưu tiên lựa chọn và sử dụng các thương hiệu, nhãn hiệu có xu hướng bảo vệ môi trường. Do vậy, gia tăng hoạt động trải nghiệm xanh, tức là gia tăng trải nghiệm khách du lịch theo hướng bảo vệ môi trường và hướng đến thiên nhiên, ngày càng trở nên quan trọng cho các doanh nghiệp du lịch.

Do vậy, học tập từ tinh thần của ông tổ Mai An Tiêm, nghiên cứu này thực hiện nhằm khảo lược sâu hơn về trải nghiệm xanh trong marketing xanh để từ đó đề xuất các giải pháp nhằm phát triển hơn nữa trải nghiệm xanh cho các doanh nghiệp du lịch.

Marketing Xanh
Thuật ngữ marketing xanh được xuất hiện lần đầu vào những năm 1975 trong hội thảo đầu tiên về marketing sinh thái. Từ đó chủ đề thu hút được nhiều chú ý của các nhà nghiên cứu và có nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm này. Hầu hết các nhà nghiên cứu trước đây đều cho rằng Marketing xanh đề cập đến việc quảng bá hoặc quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ có đặc tính môi trường (Polonsky, 2008). Một số thuật ngữ như có thể tái chế, không chứa thành phần hóa học, thân thiện với Ozone, thân thiện với môi trường là các thuật ngữ mà người tiêu dùng liên tưởng đến tiếp thị xanh.

Mặc dù vậy, Marketing xanh là một khái niệm rộng hơn, có thể áp dụng cho hàng tiêu dùng, hàng công nghiệp và cả dịch vụ. Đồng thời, Marketing xanh là sự kết hợp của nhiều các hoạt động, bao gồm sửa đổi sản phẩm, thay đổi quá trình sản xuất, thay đổi bao bì, các thức vận chuyển, .. và tất nhiên thay đổi cả cách thứ quảng cáo, chiêu thị. Đồng quan điểm đó, Mishra & Sharma (2014) cho rằng Marketing xanh là quá trình phát triển và quảng bá sản phẩm, dịch vụ nhằm làm hài lòng những khách hàng ưa thích sản phẩm có chất lượng tốt, hiệu quả và tiện lợi với chi phí phải chăng, đồng thời không gây tác động xấu đến môi trường. Marketing xanh bao gồm một loạt các hoạt động thay đổi hơn so với hoạt động marketing trước đó nhằm mục đích giảm tác động bất lợi của sản phẩm cũng như việc tiêu thụ và thải bỏ chúng đối với môi trường.

Trải nghiệm du lịch
Khái niệm về trải nghiệm
Trải nghiệm khách hàng được nhiều nhà nghiên cứu và quản lý thực tiễn quan tâm trong nhiều bối cảnh tiêu dùng khác nhau. Trong mỗi bối cảnh, khái niệm này ghi nhận những quan điểm khác nhau. Một trong những định nghĩa sớm nhất là của Holbrook và Hirschman (1982) đề cập đến bản chất của trải nghiệm của người tiêu dùng, tập trung vào các khía cạnh giác quan, cảm xúc và tưởng tượng của việc tiêu dùng. Berry và Carbone (2007) cũng tập trung vào khía cạnh giác quan và cảm xúc của trải nghiệm.

Một số nhà nghiên cứu khác lại có quan điểm khác, Csikszentmihalyi (1990) cho rằng bản chất của trải nghiệm sẽ đem lại những khoảnh khắc tuyệt vời khi nỗ lực tự nguyện nhằm hoàn thành một điều gì đó khó khăn và đáng giá từ đó đem lại hồi ức tích cực. Ngoài việc đặt bản chất hưởng thụ và nhận thức của trải nghiệm cạnh nhau bằng cách khái niệm hóa nó như là kết quả của cảm giác và hồi ức, Gupta và Vajic (2000) đã chỉ rõ trải nghiệm giúp khách hàng thu nhận kiến thức từ các tương tác với các yếu tố khác nhau của bối cảnh do doanh nghiệp tạo ra. Đồng quan điểm, Carbone và Haeckel (1994) gần như là một sự chuyển đổi hoàn toàn từ bản chất hưởng thụ sang bản chất nhận thức của trải nghiệm bằng cách tập trung vào nhận thức và học hỏi trong các giai đoạn sử dụng sản phẩm. Tương tự, Larsen (2007) khái niệm hóa trải nghiệm bằng cách tập trung vào sức mạnh của trí nhớ.

Một số nhà nghiên cứu đã khái niệm hóa trải nghiệm một cách tổng thể hơn. Sự xuất hiện của mô hình kinh tế trải nghiệm đã mở rộng quan điểm về trải nghiệm của người tiêu dùng. O’Sullivan và Spangler (1998) đã vạch ra ba loại tác nhân trong nền kinh tế trải nghiệm: người truyền bá hoặc công ty sản xuất hàng hóa của họ; người nâng cao hoặc nhà cung cấp dịch vụ cung cấp trải nghiệm để tăng mức độ hài lòng của khách hàng; và những người tạo ra kinh nghiệm, cung cấp kinh nghiệm làm yếu tố chính

S.O’Sullivan và Spangler (1998) đã vạch ra ba loại tác nhân trong nền kinh tế trải nghiệm: người truyền bá hoặc công ty sản xuất hàng hóa của họ; người nâng cao hoặc nhà cung cấp dịch vụ cung cấp trải nghiệm để tăng mức độ hài lòng của khách hàng; và người tạo ra trải nghiệm, coi trải nghiệm là kết quả chính của hoạt động của họ. Pine và Gilmore (1999) đã giới thiệu nền kinh tế trải nghiệm là giai đoạn phát triển kinh tế tiếp theo sau nền kinh tế nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ và mô tả sản phẩm kinh doanh cuối cùng là những trải nghiệm là kết quả của những sự kiện đáng nhớ đối với khách hàng. Với mô hình mới này, Pine và Gilmore (1999) đã khái niệm hóa trải nghiệm bằng cách phản ánh các phản ứng bên trong xuất phát từ mức độ gắn kết của người tiêu dùng về mặt cảm xúc, thể chất, trí tuệ và tinh thần.
Trong bối cảnh sự kiện, Getz (2007) đã mô tả những cách sử dụng khác nhau của khái niệm trải nghiệm về mặt nhận thức, ý thức, ảnh hưởng, cảm xúc, kiến thức và kỹ năng cũng như những ý nghĩa khác nhau của động từ “trải nghiệm” bằng cách mô tả các diễn biến, cảm xúc, tình cảm. , và những thay đổi.

Định nghĩa của Bagdare và Jain (2013) không chỉ bao gồm các thành phần nhận thức, cảm xúc, giác quan và hành vi của trải nghiệm mà còn bao gồm con người, đồ vật và quá trình là nguồn gốc của những trải nghiệm đó trong môi trường. Palmer (2010) phân biệt giữa ý nghĩa bằng lời của trải nghiệm như một động từ và như một danh từ. Định nghĩa của ông về trải nghiệm như một danh từ phản ánh bản chất nhận thức, hình thành và tình cảm của trải nghiệm.

Trong một trong những khái niệm ban đầu về trải nghiệm trong bối cảnh du lịch nói chung, Cohen (1979) đã đề xuất một loại hình trải nghiệm du lịch, vào những năm 1990 trải nghiệm du lịch được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm hơn. Theo Cohen (1979) bao gồm các phương thức giải trí, giải trí, trải nghiệm, thử nghiệm và hiện sinh. Trải nghiệm du lịch là thuật ngữ được sử dụng nhiều lần bởi các điểm đến và các tổ chức liên quan đến nghiên cứu, lập kế hoạch, chính sách, quản lý, tiếp thị và cung cấp du lịch (Jennings và ctg, 2013). Kim và ctg (2012) đã đưa ra khái niệm trải nghiệm du lịch đáng nhớ, được định nghĩa là “trải nghiệm du lịch được ghi nhớ và hồi tưởng một cách tích cực sau khi sự kiện xảy ra”. Trải nghiệm du lịch được định nghĩa là những cuộc gặp gỡ thú vị, đáng nhớ và hấp dẫn (Oh và ctg, 2007) và là hiện tượng nhất thời (Volo, 2009). Khách du lịch tìm kiếm những trải nghiệm chân thực, bổ ích, có ý nghĩa, đa giác quan và có tính biến đổi khi đến thăm các địa điểm (Chirakranont & Sakdiyakorn, 2022).

Thành phần của trải nghiệm
Hầu hết các nghiên cứu đều có xu hướng theo đuổi làm rõ các thành phần khác nhau trong trải nghiệm của khách hàng nói chung và du lịch.

Bảng 1:Các thành phần của trải nghiệm du lịch

Thực trạng tại Việt Nam
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ
Tại Việt Nam, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đang trên đà phát triển và đổi mới nhưng nhiều chuyên gia nhận định đây vẫn là quá trình chuyển đổi, có quy mô còn khiêm tốn, sức cạnh tranh chưa cao. Sau đại dịch, nền kinh tế đã có tín hiệu phục hồi, các doanh nghiệp có xu hướng tìm kiếm các giải pháp nhằm tiếp cận nhanh với các xu hướng mới như chuyển đổi số, phát triển xanh (Tổng cục thống kê, 2023). Năm 2023, đánh dấu một kỷ lục mới khi lần đầu tiên chạm mức 159.294 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 7,2% so với năm 2022.. Trong đó, có 1.776 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 9,3% so với năm 2022; 38 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 4,8%; 119,5 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 8,3%.

Hầu hết các doanh nghiệp tại Việt Nam đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, Chiếm 97% trong tổng số doanh nghiệp (Tổng cục thống kê, 2023). Do vậy, các doanh nghiệp này thường hạn chế về quy mô, công nghệ, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, khả năng tiếp cận thị trường và khách hàng. Đồng thời, các doanh nghiệp này thường ít thay đổi trong quá trình quảng cáo, quảng bá sản phẩm; thực hiện cách thức rập khuôn trong việc tiếp cận và duy trì mối quan hệ với khách hàng.

Tuy nhiên, cả nước ghi nhận nhiều làng nghề truyền thống, với 1.951 làng nghề, trong đó có 889 làng truyền thống và có 1.062 làng nghề (Bộ công thương Việt Nam, 2023). Số lượng các cơ sở tham gia sản xuất kinh doanh trong làng nghề là 335.594 cơ sở, tăng 1,14% so với năm 2018; bao gồm 2.786 doanh nghiệp, 339 hợp tác xã, 509 tổ hợp tác và 331.960 hộ gia đình. Đây được xem là cơ sở nền tảng để có thể phát triển hoạt động Marketing xanh. Bởi hầu hết các hoạt động của các làng nghề đều theo các phương pháp truyền thống, thân thiện với môi trường. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có thể phát huy các nguồn lực để điều chỉnh các quy trình sản xuất, cách thức quảng bá thân thiện với môi trường.

Trong những năm gần đây, xu hướng marketing xanh và các hoạt động tiếp thị sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường đã bắt đầu được các doanh nghiệp tại Việt Nam quan tâm và triển khai. Tuy nhiên, việc áp dụng marketing xanh vẫn còn khá hạn chế và chưa trở thành xu hướng chung. Một số doanh nghiệp tiên phong đã bắt đầu tích cực thực hiện các hoạt động marketing xanh, như sử dụng các nguyên liệu thân thiện với môi trường, tái chế sản phẩm, tiết kiệm năng lượng, hay quảng bá về các chứng nhận, tem nhãn xanh. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của marketing xanh cũng như chưa có chiến lược cụ thể.

Một số doanh nghiệp du lịch đã có ý tưởng triển khai các ý tưởng như thay vì chỉ cung cấp sản phẩm thì doanh nghiệp cung cấp các trải nghiệm. Đặc biệt là các làng nghề. Ví dụ, doanh nghiệp nước mắm Làng chài xưa cung cấp cho du khách về quá trình hình thành và phát triển làng nghề nước mắm tại Bình Thuận với Bảo tàng nước mắm. Tuy nhiên, tại đây du khách cũng chỉ được nghe, nhìn và chạm, chưa thực tham gia nhiều các hoạt động. Và đó cũng là đặc điểm chung khi các doanh nghiệp khai thác và cung cấp trải nghiệm khách hàng.

Như vậy, thay vì cung cấp sản phẩm, các doanh nghiệp đang có định hướng cung cấp các hoạt động trải nghiệm cho khách hàng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa khai thác sâu khi có thế mạnh về hoạt động marketing hoặc thế mạnh về cung cấp sản phẩm trải nghiệm khách hàng. Nếu các doanh nghiệp có thể cùng lúc kết hợp đẩy mạnh hai hoạt động như cung cấp trải nghiệm khách hàng xanh để thúc đẩy marketing xanh và ngược lại. Từ đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam sẽ thu hút nhiều nhóm khách hàng thân thiện với môi trường.

Kiến nghị và giải pháp
Từ thực trạng, nghiên cứu nhận thấy các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt các doanh nghiệp du lịch liên quan đến các làng nghề có thể đẩy mạnh hoạt động trải nghiệm khách hàng, thay vì chỉ cung cấp sản phẩm đơn thuần. Đây là căn cứ giúp doanh nghiệp hoàn thiện tốt hơn hoạt động marketing xanh, một hoạt động giúp doanh nghiệp tạo được sức mạnh cạnh tranh lớn trên thị trường, thu hút các nhóm khách khó tính và yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường.

Các doanh nghiệp du lịch nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, khi xây dựng chiến lược phát triển hoạt động trải nghiệm khách hàng, có thể phát triển theo hướng trải nghiệm du lịch xanh. Thông qua các giải pháp liên quan đến khai thác tốt các thành phần của trải nghiệm du lịch như:

Khơi gợi cảm xúc: Doanh nghiệp có thể thiết kế các hoạt động, không gian giúp khách hàng cảm nhận được những cung bậc cảm xúc mới lạ, sâu sắc như cảm giác khám phá, thoải mái, thư giãn, hay được kết nối với thiên nhiên. Đồng thời, có thể sử dụng các yếu tố âm nhạc, nghệ thuật, ẩm thực địa phương để tạo nên những trải nghiệm đặc biệt, gây ấn tượng sâu sắc với khách hàng.

Khai thác các hoạt động giải trí: Doanh nghiệp mang lại những hoạt động giải trí lý thú, độc đáo như tham gia vào các lễ hội địa phương, trải nghiệm nghề truyền thống, hay tự mình làm ra sản phẩm lưu niệm. Tạo không gian giải trí sáng tạo, vui nhộn, khơi dậy tinh thần phiêu lưu, khám phá của khách hàng.

Tạo hoạt động thực hành, thử nghiệm: Cho phép khách hàng được thử nghiệm trải nghiệm trực tiếp các hoạt động, sản phẩm du lịch. Tạo cơ hội để khách hàng thực hành, tự mình làm ra các sản phẩm lưu niệm, làm món ăn địa phương, …

Tạo cảm giác mới lạ: Doanh nghiệp chú trọng thiết kế các hoạt động khác biệt, độc đáo so với thông thường. Có thể sử dụng các công nghệ hiện đại, ứng dụng sáng tạo để mang lại những trải nghiệm khách hàng chưa từng có.

Tiếp xúc và tìm hiểu cộng đồng địa phương: Tạo cơ hội để khách hàng được gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với cộng đồng địa phương. Cung cấp các thông tin, kiến thức về văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán của địa phương để khách hàng được học hỏi và hiểu sâu hơn.

Tạo các trải nghiệm du lịch có tính giáo dục: doanh nghiệp có thể thiết kế các hoạt động giúp du khách hiểu biết sâu hơn về lịch sử, văn hóa, đời sống của địa phương. Cung cấp các tài liệu, hướng dẫn chi tiết về các điểm tham quan, hoạt động để khách hàng được tìm hiểu kỹ hơn.

Bằng việc kết hợp các yếu tố trên, các doanh nghiệp du lịch có thể thiết kế nên những trải nghiệm khách hàng độc đáo, ấn tượng, giúp tạo ấn tượng sâu sắc và thu hút khách hàng trở lại. Đồng thời, đây là giải pháp tối ưu để doanh nghiệp có cơ sở thay đổi sản phẩm theo hướng marketing xanh.

Trong bối cảnh ngành du lịch ngày càng cạnh tranh gay gắt, việc cung cấp các dịch vụ du lịch chất lượng cao, mang lại trải nghiệm khác biệt cho khách hàng là rất quan trọng. Nghiên cứu đã bước đầu đề xuất ý tưởng và các giải pháp nhằm giúp các doanh nghiệp xây dựng trải nghiệm du lịch xanh để phát triển hoạt động marketing xanh. Các giải pháp hướng đến khai thác các thành phần như khơi gợi cảm xúc, khai thác hoạt động giải trí, tạo hoạt động thực hành, thử nghiệm, tạo cảm giác mới lạ, tiếp xúc và tìm hiểu cộng đồng địa phương. Tất nhiên doanh nghiệp có thể phát triển dựa trên nhiều các yếu tố khác, đây được xem là giới hạn của nghiên cứu. Các nghiên cứu tiếp theo có thể khai thác nhiều các thành phần khác của trải nghiệm du lịch xanh. Đồng thời, các nhà nghiên cứu tiếp theo có thể sự tác động của trải nghiệm xanh đến hoạt động marketing thông qua phương pháp nghiên cứu định lượng./.

TS. Lê Thị Kiều Anh; TS. Văn Hữu Quang Nhật, Đại học Thái Bình Dương
TS. Bùi Nghĩa, Học viện Chính trị khu vực II

Tài liệu tham khảo
Aho, S. K. (2001). Towards a general theory of touristic experiences: Modelling experience process in tourism. Tourism Review, 56(3/4), 33-37.
Artem Beliaikin. 2023. Over 70% of consumers are willing to pay more for sustainable products. https://retailasia.com/stores/news/over-70-consumers-are-willing-pay-more-sustainable-products. xem 20.4.2024.
Bagdare, S., & Jain, R. (2013). Measuring retail customer experience. International Journal of Retail & Distribution Management, 41(10), 790-804.
Berry, L. L., & Carbone, L. P. (2007). Build loyalty through experience management. Quality Progress, 40(9), 26.
Bộ công thương Việt Nam. 2023. Phát triển ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp – góp phần quan trọng tăng giá trị sản xuất. https://moit.gov.vn/tin-tuc/phat-trien-cong-nghiep/phat-trien-nganh-cong-nghiep-tieu-thu-cong-nghiep-gop-phan-quan-trong-tang-gia-tri-san-xuat.html
Carbone, L. P., & Haeckel, S. H. (1994). Engineering customer experiences. Marketing Management, 3(3), 8-19.
Cục du lịch quốc gia Việt Nam. 2024. Thông tin du lịch tháng 3/2024. https://thongke.tourism.vn/imguploads/documents/thongtindulichthang32024.pdf. xem ngày 20.4.2024.

Cutler, S. Q., & Carmichael, B. A. (2010). The dimensions of the tourist experience. The tourism and leisure experience: Consumer and Managerial Perspectives, 44, 3-26.
Getz, D. (2007). Event studies: theory, research and policy for planned events. Boston, MA: Butterworth-Heinemann
Gupta, S., & Vajic, M. (2000). The contextual and dialectical nature of experiences. In J. Fitzsimmons, M.J. Fitzsimmons (Eds.), New service development: Creating Memorable Experiences, (pp. 33-51), Thousand Oaks: Sage Publications
Hirschman, E. C. (1984). Experience seeking: a subjectivist perspective of consumption. Journal of Business Research, 12(1), 115-136
Holbrook, M. B., & Hirschman, E. C. (1982). The experiential aspects of consumption: Consumer fantasies, feelings, and fun. Journal of Consumer Research, 9, 132–140
Hosany, S., Prayag, G., Deesilatham, S., Causevic, S., & Odeh, K. (2015). Measuring tourists’ emotional experiences: Further validation of the destination emotion scale. Journal of Travel Research, 54(4), 482-495
Jennings, G., & Nickerson, N. (Eds.). (2006). Quality tourism experiences. Burlington, MA: Routledge
Kim, J.‐H., Ritchie, J. R. B., & McCormick, B. (2012). Development of a scale to measure memorable tourism experiences. Journal of Travel Research, 51(1), 12–25
Larsen, S. (2007). Aspects of a psychology of the tourist experience. Scandinavian Journal of Hospitality and Tourism, 7(1), 7-18.
O’Sullivan, E. L., & Spangler, K. J. (1998). Experience marketing: Strategies for the new Millennium. State College, PA: Venture Publishing Inc.
Palmer, A. (2010). Customer experience management: a critical review of an emerging idea. Journal of Services Marketing, 24(3), 196-208.
Pine, B. J., & Gilmore, J. H. (1999). The Experience Economy: Work Is Theatre & Every Business a Stage. Boston, MA: Harvard Business School Press.
Polonsky, M. J. (2008). An introduction to green marketing. Global Environment: Problems and Policies, 2(1), 1-10.
Mishra, P., & Sharma, P. (2014). Green marketing: Challenges and opportunities for business. BVIMR Management Edge, 7(1).
Tổng cục thống kê. 2023. Bức tranh về tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2023 và dự báo xu hướng doanh nghiệp trong năm 2024.
Shaw, C., & Ivens, J. (2002). Building great customer experiences (Vol. 241). London: Palgrave.