Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Chuyện về Tây hồ – đệ nhất thắng cảnh của Hàng Châu

ĐNA -

Trở lại Tây Hồ cuối tháng 10/2024, trong tiết trời cuối thu tuyệt đẹp và hơi se lạnh, tôi may mắn được quay trở lại thăm Tây Hồ, Hàng Châu nhân một đợt công tác ngắn ngày. Gần 20 năm kể từ lần đầu tiên đặt chân đến Tây hồ, thấy cảnh vật không mấy thay đổi, chỉ đẹp hơn và quyến rũ hơn nhờ bàn tay giữ gìn chăm sóc của con người.

Hồi ấy mỗi buổi sáng tôi đều dậy sớm để dạo quanh Tây hồ, đi thật chậm, ngắm và cảm nhận thật kỹ. Tây hồ Thập cảnh – 10 cảnh đẹp danh tiếng của Tây hồ vốn đã được bình chọn từ nghìn năm trước. Nay quay trở lại, dẫu đi chưa nhiều, nhưng bù lại được ngồi du thuyền chạy một vòng ngắm cảnh sắc Tây hồ lúc hoàng hôn ngày thu muộn. Kia là Đoạn kiều tàn tuyết, kia là Cô Sơn với gác Văn Uyên, kia là tháp Lôi Phong mới, kia là Tam đàn ấn nguyệt, và kia là Tô đê do nhà thơ Tô Đông Pha cho đắp từ gần nghìn năm trước với rặng liễu rủ không biết đã trồng tự bao giờ…

Chợt nhớ trong bài thơ “Uống rượu ở Tây Hồ” của Tô Đông Pha ông đã từng ví vẻ đẹp của Tây hồ tựa như vẻ đẹp của nàng Tây Thi:
Dưới nắng long lanh màu nước biếc
Trong mưa huyền ảo vẻ non tươi
Tây hồ khá sánh cùng Tây tử
Nhạt phấn nồng son thảy tuyệt vời
(Bản dịch của Nam Trân)

Có lẽ du khách đến đây ai cũng từng ước ao được một lần dạo thuyền trên Tây hồ nhâm nhi chén trà Long Tỉnh và nghe những huyền tích về danh thắng lừng lẫy này gắn với những nhân vật lịch sử nổi tiếng như Bạch Cư Dị, Tô Đông Pha, Hoàng Công Vọng, Nhạc Phi …và cả huyền thoại về Thanh xà, Bạch xà, chùa Linh Ẩn, miếu Thành Hoàng… Tôi thật may mắn vì đã vài lần được đồng nghiệp mời ngắm trăng thưởng thức loại rượu hoàng tửu nức tiếng của vùng Thiệu Hưng ở Khúc viện phong hà, một trong 10 cảnh đẹp của Tây hồ, nơi trồng hơn 200 loại sen súng…

Có thể nói Tây hồ Hàng Châu là một ví dụ điển hình về việc bảo tồn tôn tạo và phát huy rất thành công một di sản Văn hóa- Tự nhiên tiêu biểu, một bài học quý cho những người làm công tác bảo tồn.

Tây hồ thập cảnh ở Hàng Châu
“Trên có thiên đàng, dưới có Tô-Hàng”. Đó là câu nói mà mọi người Trung Quốc hay người nước ngoài có học tiếng Hoa đều thuộc nằm lòng. Tôi đã đến Tô Châu nên không thể không đến Hàng Châu. Phải đến tận nơi, xem tận mắt để cảm nhận hết được vẻ đẹp của những nơi mà người Trung Hoa tự hào: “Thiên đàng cũng chỉ đẹp đến vậy!”.

Đến Hàng Châu dĩ nhiên phải đến Tây Hồ. Người Việt Nam cách xa nơi đây mấy ngàn dặm cũng biết đến vẻ đẹp lừng danh của Tây Hồ. Chiếc hồ xinh đẹp này nằm ở phía tây cổ thành Hàng Châu, phía bắc sông Tiền Đường. Tây Hồ không lớn, chỉ nhỉnh hơn hồ Tây của Hà Nội đôi chút; hồ hình gần như chữ nhật, chiều đông-tây dài 2,8km, chiều bắc-nam 3,3km, tổng diện tích gần 566ha.

Tây Hồ là tâm điểm của Hàng Châu, là nơi tập trung những thắng cảnh đẹp nhất. Cách đây ngót ngàn năm, triều Nam Tống đóng đô tại Hàng Châu đã xem Tây Hồ là một viên ngọc quý, những cảnh đẹp nhất của hồ đã được triều đại này triệt để khai thác và phát huy. Thời Tống quả xứng danh là thời đại của văn học nghệ thuật. Qua sự tô điểm, trau chuốt của triều đình cùng văn nhân đời Tống, Tây Hồ như một sơn nữ mộc mạc bỗng trở thành một nàng tiên sắc nước hương trời! Tây Hồ thập cảnh-mười cảnh đẹp của Tây Hồ được bình chọn từ thời Nam Tống, đến nay vẫn không thay đổi, chúng vẫn là đại diện tiểu biểu nhất của Tây Hồ, của Hàng Châu và của cả Giang Nam mà bất cứ ai đến đây cũng nên thưởng thức. Thời Thanh, vua Khang Hy vì mê mẩn cảnh Tây Hồ nên đã cho dựng hành cung trên đảo Cô Sơn để được kề cận bên danh thắng này. Các hoàng đế Ung Chính, Càn Long còn tìm cách mô phỏng cả 10 cảnh của Tây Hồ vào trong vườn Viên Minh tại Bắc Kinh.

Tây Hồ thập cảnh gồm: 1-Tô đê xuân hiểu (Sáng sớm mùa xuân trên Tô đê), 2-Khúc Viện phong hà (Gió đưa hương sen trong Khúc Viện), 3-Liễu lãng văn oanh (Nghe tiếng chim oanh trong vườn liễu), 4-Lôi Phong tịch chiếu (Bóng tà dương tháp Lôi Phong), 5-Hoa cảng quan ngư (xem cá ở Hoa Cảng), 6-Tam đàm ấn nguyệt (bóng trăng ở 3 đầm nước), 7-Nam Bình vãn chung (nghe tiếng chuông chiều ở núi Nam Bình), 8-Bình hồ thu nguyệt (trăng mùa thu ở Bình hồ), 9-Đoạn kiều tàn tuyết (Tuyết tan ở Đoạn kiều) và 10-Lưỡng phong tháp vân (đôi ngọn núi gắn vào mây). Cả 10 cảnh trên đều nằm quanh hoặc ngay trên Tây Hồ, nên để thưởng thức chúng đều rất tiện.

Tôi đã cố thức dậy thật sớm, đến Tô đê, đi dọc suốt chiều dài gần 3km của con đê này để cảm nhận được vẻ xuân của đất trời Giang Nam. Tô đê được đắp từ thời Bắc Tống khi Tô Đông Pha đây nhậm chức Tri phủ. Quả là nhà thơ có con mắt thật tài tình khi cho đắp con đê dài này để chia Tây Hồ thành 2 nửa đông tây. Tô đê như dải lụa xanh vắt qua mặt hồ óng ánh bạc. Trên đê chủ yếu chỉ trồng đào và liễu. Sáu chiếc cầu đá cong cong bố trí trên thân đê cũng kiêm luôn là những chiếc cống lớn để nối thông mặt nước giữa hai nửa hồ. Đi trên đê lúc nào cũng có gió, cảnh Tây Hồ thì trải rộng và biến đổi không ngừng. Đầu phía nam của đê hiện có Tô Đông Pha kỷ niệm quán, đây cũng là một địa chỉ hấp dẫn nhiều du khách. Trên thế giới có lẽ hiếm có con đê nào đẹp và giàu chất thơ như Tô đê. Càn Long khi xây dựng Thanh Y Viên (tức Di Hòa Viên) ở phương bắc cũng đã “bê” nguyên Tô đê với 6 chiếc cầu xinh xắn vào đặt trên Côn Minh Hồ.

Ngay đầu phía bắc hơi chếch về bên tây của Tô đê là Khúc Viện phong hà, một khu vườn rộng đến 23ha với nhiều cảnh điểm rất đẹp. Khúc Viện có cả vườn trúc, vườn kỳ thạch (vườn đá kỳ lạ), có cả những rừng thủy sam xanh ngút ngàn, nhưng đúng như tên gọi, chủ thể của khu vườn vẫn là sen, súng (hà hoa). Bởi mặt nước vẫn chiếm diện tích chủ yếu của Khúc Viện. Ít ai ngờ rằng, tại đây có đến hơn 200 loài sen, súng khác nhau được trồng thả trong các hồ nước! Mới giữa xuân đã có một số loài hé nụ chớm hoa, tỏa mùi hương ngan ngát khắp vườn.

Từ Khúc Viện nhìn lên phía tây sẽ thấy hai ngọn núi xanh biếc như cắm vào bầu trời. Đó chính là Lưỡng phong tháp vân. Chính hai ngọn núi này đã khiến cảnh Tây Hồ vốn xinh đẹp lại càng thêm đẹp. Hai ngọn núi này còn có tên là Đào Nguyên Lãnh. Người xưa thật khéo đặt tên, để Tây Hồ bên cạnh Đào Nguyên cũng như ví vẻ đẹp của Tây Hồ chỉ có ở nơi Đào Nguyên tiên cảnh. Núi Đào Nguyên nay trở thành vườn Thực vật của Hàng Châu với hàng trăm loài kỳ hoa dị thảo được chọn lọc và đưa từ nhiều nơi về. Ở đây có những cánh rừng trúc mênh mông, những rừng tùng, bách cổ thụ đẹp mê hồn. Du khách đến đây khó mà kềm lòng khát khao được thẩn thơ trong rừng vắng, được leo lên đỉnh Đào Nguyên để ngắm trọn cảnh Tây Hồ…

Nhưng gần hơn và đơn giản hơn rất nhiều để ngắm cảnh toàn hồ là đăng tháp Lôi Phong nằm ở phía đông nam của Tô đê. Lôi Phong tịch chiếu là thắng cảnh nổi tiếng từ thời Nam Tống. Nghĩa là tháp cũng đã có hơn ngàn năm tuổi. Vua Ung Chính nhà Thanh từng đổi tên cảnh này thành Lôi Phong tây chiếu, nhưng khi đề thơ và đưa cảnh này vào Viên Minh Viên, Càn Long vẫn giữ nguyên tên cảnh cũ. Tháp Lôi Phong ngoài xây gạch, trong có cột gỗ, 5 tầng cùng một bệ đài cao vút; qua gần ngàn năm bị mưa gió hủy hoại, tháp bị nghiêng lệch trầm trọng. Tháng 9 năm 1924, tháp bị đổ và vỡ vụn, cả Hàng Châu và Trung Quốc đã từng một phen kinh hoàng, nuối tiếc. Qua hơn 70 nghiên cứu, đến năm 2000, Lôi Phong tân tháp đã được dựng lên trên vị trí cũ, nhưng bằng vật liệu hiện đại, dùng cả thang máy để đưa du khách lên đỉnh cao nhất; nền móng tháp cũ vẫn được bảo vệ bên dưới và biến thành một bảo tàng để du khách có thể xem di chỉ xưa. Lên đỉnh Lôi Phong tân tháp trên độ cao gần 70m, nhất là lúc chiều tà bạn sẽ thấy rõ toàn cảnh Tây Hồ lấp lánh như bày ra trước mắt; ba hòn đảo xanh biếc cây lá bên nửa đông của hồ như nhấp nhô, ẩn hiện. Chỉ đáng tiếc là dọc ven bờ phía đông Tây Hồ đã mọc lên quá nhiều khách sạn cao tầng được làm theo lối hiện đại, chúng sẽ làm du khách chợt bừng tỉnh khi đang miên man trong giấc mộng Tây Hồ! Cuộc sống phàm tục vẫn đang cận kề…

Nằm bên nửa hồ phía tây gần đầu phía nam của Tô đê là Hoa Cảng quan ngư, vốn là bán đảo vươn ra bên ngoài có địa thế rất đẹp. Thời Nam Tống nơi đây là một khu vườn nhỏ, cỏ cây thoáng đãng, là nơi ngắm cảnh hồ lý tưởng. Năm 1699, hoàng đế Khang Hy về Tây Hồ đã tự tay viết 4 chữ “Hoa Cảng quan ngư”, khắc dựng vào bia đá. về sau Càn Long đến đây cũng làm thơ đề vịnh và dựng bia. Tất cả các di tích ấy nay vẫn còn. Hoa cảng ngày nay là một công viên rộng hơn 20 ha với 5 khu chính: Hồng Ngư trì (ao cá cảnh), Mẫu Đơn viên (vườn mẫu đơn), Hoa cảng, Đại Thảo bình(thảo nguyên) và Mật Lâm địa (rừng cây). Cảnh vườn đa dạng, có thể dạo chơi cả ngày tại đây mà không chán. Xem cá dưới ao, ngắm các loài chim trong khu thảo nguyên, đi bộ trong rừng cây um tùm… đều rất thú. Nhưng hấp dẫn nhất là vườn hoa mẫu đơn. Đầu tháng 5 khi tôi đến đây, các loài mẫu đơn vẫn còn nở rộ, những bông hoa lớn như chiếc chén ăn cơm, đủ màu sắc đỏ, hồng, tía, vàng, trắng đua nhau vươn ra từ những tầng lá xanh khiến bao du khách trầm trồ.

Từ tháp Lôi Phong nhìn về phía nam, ngay trên sườn ngọn núi Nam Bình là ngôi chùa Tịnh Từ Thiền Tự bề thế. Đại Hùng Bảo Điện với mái ngói lưu ly vàng rực, to lớn chẳng kém điện Thái Hòa. Nam Bình tức bức bình phong phía nam hồ, Phật tự đặt trên núi còn mang ý nghĩa trấn yểm, giữ cho Tây Hồ được yên ổn. Tháp Lôi Phong chính là tháp chùa trấn bên bờ nước, tương truyền là nơi đã nhốt nàng Bạch Xà-con rắn thần đã tu luyện ngàn năm-chỉ vì tình yêu với cậu học trò Hứa Tiên người Giang Nam mà tình nguyện cải tà quy chính để thành một người tốt. Bạch xà đã hóa thân làm một mỹ nữ kết duyên cùng Hứa Tiên, nhưng sau vì gặp thiền sư Pháp Hải đa sự mà phải chia uyên rẽ thúy. Hứa Tiên mất vợ, Bạch Xà thì bị nhốt dưới đáy tháp Lôi Phong. Ngọc Hoàng khi biết chuyện đã tức giận quở trách Pháp Hải và biến ông ta thành con cua để suốt ngày chui trong hang. Trong dân gian Hàng Châu cho rằng, khi tháp đổ nàng Bạch Xà đã được tự do. Đại văn hào Lỗ Tấn cũng đã từng viết một tản văn rất thú vị về chuyện này. Truyền thuyết hư hư thực thực quyện trong tiếng chuông chùa lúc chiều tà hay khi ban sớm, khiến du khách không khỏi bâng khuâng mộng ảo…

Từ chân tháp Lôi Phong men theo bờ nước, tiếp tục đi về phía đông chừng hơn cây số là Liễu Lãng văn oanh, một khu vườn khác nằm ven Tây Hồ. Khu vườn tuyệt đẹp, dường như chỉ trồng các loài liễu: thùy liễu, sư liễu, túy liễu, hoàn sa liễu…mọc ven đường, dọc các lối đi. Tơ liễu vẫn vương theo gió như muốn kéo du khách ở lại. Giữa vườn là hồ nước được tạo dáng quanh co với nhiều con kênh nhỏ, những chiếc cầu cong xinh xắn bắc ngang; cỏ hoa ven bờ phong phú với nhiều loài dường như chỉ có ở đất Giang Nam.

Từ Hoa cảng, bạn nên đáp thuyền ra thăm Tam Đàm ấn nguyệt trên hòn đảo lớn nhất của Tây Hồ. Cả hồ có 3 hòn đảo đều được đặt tên theo truyền thuyết là Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu. Trên các đảo đều có xây dựng đình đài lầu các, trồng hoa, tạo cảnh như chốn thần tiên. Mua vé lên thuyền thì ít nhất du khách cũng được đi xem cảnh trên hai hòn đảo Là Hồ Tâm đình và Tam Đàm ấn nguyệt. Hồ Tâm đình khá nhỏ, trung tâm đảo là một ngôi đình, bốn phía ven bờ nước có các hành lang, thủy tạ xinh xắn làm nơi ngồi ngắm cảnh, hóng gió. Đáng chú ý là gần bên đình có tấm bia đá khắc 2 chữ “Trùng Nhị”, theo truyền thuyết là do Càn long khi đến đây đã ngẫu hứng viết ra, quần thần chẳng ai đoán ra ý nghĩa. Sau có một vị Tú tài người sở tại đọc lên: “Phong nguyệt vô biên” (tức chữ “phong” và chữ “nguyệt” không có nét bao bên ngoài, nhưng cũng có nghĩa là chốn lồng lộng gió trời). Càn Long trúng ý cả cười và ban thưởng hậu cho vị Tú tài nọ. Về sau mới cho dựng bia để ghi lại tích này.

Tam Đàm ấn nguyệt đúng là cảnh “Viên trung hữu viên, hồ trung hữu hồ” (trong vườn có vườn, trong hồ có hồ). Giữa đảo là một hồ nước lớn được chia thành 4 phần bởi các đê, cầu vắt ngang. Muốn vào giữa đảo thì đi qua Cửu Khúc kiều (cầu 9 khúc), trên đó có Vạn Tự Hiên (hiên hình chữ Vạn nhà Phật), Tiên Hiền Từ, lại có ngự bi đề 4 chữ “Tam Đàm ấn nguyệt” do chính tay Khang Hy viết, hay ngôi đình nhỏ có cái tên rất lạ “Đình Đình Đình”, để du khách mặc sức tưởng tượng, suy đoán.

Còn hai cảnh nữa của Tây Hồ là Bình hồ thu nguyệt và Đoạn Kiều tàn tuyết thì đều gắn liền với Cô Sơn nằm ở phía bắc lệch về đông của Tô đê. Đáng tiếc là hành cung trên đỉnh Cô Sơn thời Thanh đã bị hủy hoại từ năm 1860, chỉ còn Văn Uyên Các nằm dưới chân núi là công trình được làm lại dưới thời Quang Tự. Bình Hồ thu nguyệt nằm phía trước gác Văn Uyên, là nơi ngắm cảnh Tây Hồ mùa thu đẹp nhất theo sự bình chọn của văn sĩ qua các đời. Tại đây có ngôi thủy tạ liền kề mặt nước, có bia đá khắc tên cảnh từ thời Khang Hy. Mùa thu, khi sen đã tàn, mặt hồ trở lại thoáng đãng, bóng trăng in chiếu, mặt hồ ngời bạc, ba đảo thần tiên ẩn hiện mờ xa. Qủa là cảnh trí chỉ có ở trong mộng!…

Đoạn Kiều nằm phía cuối Bạch đê, con đê nối Cô Sơn với bờ hồ phía đông. Đoạn Kiều xây bằng đá, dáng cong cong nổi bật trên thân đê. Thời Tống đã bình chọn đây là nơi xem cảnh tuyết tan cuối đông tuyệt nhất của Tây Hồ. Đáng tiếc là từ đây trở về phía bờ hồ phía đông, những công trình hiện đại đang lấn ra từng ngày. Chỉ sợ rồi sẽ đến một ngày Đoạn Kiều tàn tuyết sẽ trở thành Đoạn Kiều tàn tích mất thôi!!!

Thực ra, Tây Hồ không chỉ có 10 cảnh trên. Dọc theo bờ hồ dài ngót 15km còn có rất nhiều cảnh rất đẹp như Quách Trang, Lưu Trang bên bờ tây; Nhạc Vương Miếu (miếu thờ vị anh hùng Nhạc Phi đời Tống) bên bờ bắc, Tây Lãnh Ấn Xã trên Cô Sơn.vv.. Nhưng theo tôi, đến Tây Hồ thưởng thức được thập cảnh lừng danh kể trên cũng đã thỏa chí lắm rồi. Nếu rộng rãi thời gian bạn hãy đi xem các nơi khác. Hiện tại, toàn bộ khu phía tây, tây nam của Tây Hồ đã trở thành một khu du lịch lớn. Đây là khu vực gồm nhiều rặng núi cao với những rừng cây thâm u, có những danh lam nổi tiếng như Linh Ẩn Tự, Vân Thê Tự… Đây cũng là quê hương của loại chè Long Tỉnh lừng danh thiên hạ. Người Hàng Châu thật khôn ngoan khi tạo nên 10 cảnh mới toàn ở vùng núi để cân bằng với 10 cảnh của Tây Hồ. Vậy nên du khách có thể thoải mái lựa chọn điểm du lãm theo sở thích “người nhân thích núi, kẻ trí thích nước” mà đi.

Phan Thanh Hải