Thứ sáu, Tháng mười hai 27, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

ISSCEI và SCAPA 2024 với mục tiêu phát triển thành phố thông minh, bền vững



ĐNA -

(Đà Nẵng). Sáng nay (8/11/2024), tại Đại học Đà Nẵng đã chính thức diễn ra Hội thảo quốc tế “Thành phố thông minh: Trải nghiệm và Sáng tạo” (ISSCEI – 2024) và vòng chung kết cuộc thi Smart Campus Châu Á – Thái Bình Dương năm 2024 (SCAPA – 2024). Sự kiện cũng là phiên làm việc cuối cùng của Hội thảo khoa học Quốc tế “Phát triển đại học bền vững: Cơ hội và thách thức”. Một trong chuỗi hoạt động và sự kiện chào mừng 30 năm xây dựng và phát triển Đại học Đà Nẵng (1994-2024) diễn ra liên tục từ ngày 7 đến 8/11/2024.

Phiên bàn tròn của hội thảo ISSCEI-2024. Người đang phát biểu là GS.TS. Frédérique Vidal, Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục đại học, Nghiên cứu và Đổi mới Cộng hòa Pháp, Nguyên Giám đốc Đại học Côte d’Azur (UniCA). Ảnh: T.Ngọc

“ISSCEI-2024 là diễn đàn kết nối mạng lưới các nhà khoa học, chuyên gia uy tín trong nước, quốc tế liên quan đến chủ đề phát triển thành phố thông minh. Các nội dung trọng tâm được các báo cáo khoa học và thảo luận gợi mở, đã nhận diện và đề xuất nhiều ý tưởng, giải pháp phù hợp với thực tiễn, bắt kịp cuộc cách mạng 4.0 với những đột phá về Trí tuệ nhân tạo (AI), IoT và nền tảng Mạng LoRa, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông minh, đóng góp yêu cầu giải quyết những thách thức phát sinh, bằng các giải pháp bền vững cho đô thị Việt Nam, trước hết là Đà Nẵng – thành phố năng động, đáng sống và đáng đến”, GS.TSKH. Lê Thành Nhân, Viện trưởng Viện DNIIT – Đại học Đà Nẵng, đơn vị chủ trì tổ chức sự kiện chia sẻ.

ISSCEI – 2024: LoRa, ứng dụng IoT để Thành phố thông minh bền vững
Hội thảo quốc tế “Thành phố thông minh: Trải nghiệm và Sáng tạo” gồm 2 chuyên đề khoa học ứng dụng: “Cơ hội và thách thức cho Thành phố thông minh bền vững”, cung cấp và chia sẻ tri thức, kinh nghiệm, cũng như kết quả nghiên cứu, đặc biệt là nhận diện ứng phó với những thách thức. Qua đó khai thác tiềm năng của thành phố trên lộ trình xây dựng đô thị thông minh, bền vững với các giải pháp như ứng dụng, phát triển năng lượng sạch, quản lý tài nguyên hiệu quả, thông minh với sự tham gia của cộng đồng.

Đại diện lãnh đạo một số trường Đại học (thuộc Liên minh các đại học châu Âu Ulysseus); các nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên đến từ các Đại học / trường Đại học, tổ chức quốc tế, có mặt tại ISSCEI và SCAPA 2024. Ảnh: T.Ngọc.

“LoRa và ứng dụng IoT cho thành phố thông minh bền vững”, tập trung vào những ứng dụng Internet vạn vật (IoT) và nền tảng LoRaWAN, nâng cao hiệu quả quản lý đô thị và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Hội thảo ISSCEI – 2024 có sự góp mặt của GS. Nicolas Maïnetti, Giám đốc Vùng Châu Á – Thái Bình Dương của Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF); GS.TS. Frédérique Vidal, Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục đại học, Nghiên cứu và Đổi mới Cộng hòa Pháp, Nguyên Giám đốc Đại học Côte d’Azur (UniCA); GS.TSKH. Bùi Văn Ga – Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng; PGS.TS. Lê Quang Sơn – Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng; Ông Lê Sơn Phong – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng; GS.TSKH. Lê Thành Nhân – Viện trưởng Viện DNIIT – Đại học Đà Nẵng… cùng hơn 150 đại biểu, là đại diện lãnh đạo một số trường Đại học (thuộc Liên minh các đại học châu Âu Ulysseus); các nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên đến từ các Đại học / trường Đại học, tổ chức quốc tế, trong và ngoài nước, và đông đảo các bạn học viên, sinh viên.

Tại hội thảo, cũng đã ra mắt nền tảng LoRa của thành phố Đà Nẵng hướng đến phục vụ cộng đồng (do Sở Thông tin và Truyền thông và Viện DNIIT – Đại học Đà Nẵng thiết lập và chủ trì). Ảnh: T.Ngọc.

Được biết, từ năm 2021, Viện Công nghệ Quốc tế DNIIT-Đại học Đà Nẵng đã chủ trì và phối hợp cùng Trung tâm Thí nghiệm Điện tử Viễn thông của Đại học Cote d’Azur, Cộng hoà Pháp (UCA); tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức công nghệ LoRa; triển khai lắp đặt thí điểm mạng truyền thông không dây phục vụ cộng đồng Free-LoRa trên địa bàn Đà Nẵng.

Đặc biệt, Viện chính thức hợp tác với Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng đẩy mạnh phát triển, ứng dụng và chuyển giao MạngFree-LoRa nhằm phục vụ định hướng xây dựng thành phố thông minh cho Đà Nẵng.

“Free LoRa” là tên gọi của nền tảng công nghệ truyền tin thân thiện môi trường, cho phép người dùng sử dụng miễn phí dịch vụ truyền tin (LoRaWAN) tại thành phố Đà Nẵng, góp phần phát triển các dịch vụ Internet of Things (IoT) cho cá nhân, đơn vị, tổ chức trên địa bàn.

Theo lộ trình, giai đoạn hoàn thiện và sử dụng là từ năm 2022 đến 2025, với các nội dung triển khai hoàn thiên nền tảng Free-LoRa; Xây dựng ứng dụng thành phố thông minh trên nền tảng Free-LoRa; Xây dựng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân sử dụng và tham gia phát triển hệ thống Free-LoRa, … Lẽ ra, ứng dụng thông minh và rất tiết kiệm năng lượng này đã có những bước phát triển tốt hơn, sớm hơn. Đáng tiếc, trong giai đoạn thử nghiệm, từ tháng 7/2020 kéo dài sang năm 2022, đại dịch COVID-19 khiến xã hội bị giãn cách dài ngày, đã làm gián đoạn nhiều hạng mục.

Với nỗ lực nghiên cứu, xây dựng và làm chủ công nghệ Free- LoRa, đáp ứng các tiêu chí của một đô thị thông minh, bao gồm các mạng lưới truyền tin chuyên ngành thông minh, được kết nối qua mạng Internet của thành phố, trong đó Internet kết nối vạn vật (IoT), cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) là nền tảng cho sự phát triển của thành phố thông minh ; ngoài Viện DNIIT, trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), cũng có các nghiên cứu ý nghĩa, đóng góp cho các xu thế truyền tin chuyên ngành thông minh: “Hệ thống phát thanh cảnh báo ngập lụt đường phố tích hợp quan trắc chất lượng không khí” (TS Ngô Đình Thanh); “Giới thiệu các chuẩn truyền thông không dây cho IoT và cứu hộ cứu nạn trên sông, biển” (TS. Lê Quốc Huy); “Công cụ phần mềm xử lý dữ liệu từ Network server” (ThS. Trần Văn Lic)…

GS.TSKH. Lê Thành Nhân, Viện trưởng Viện DNIIT – Đại học Đà Nẵng giới thiệu trải nghiệm về truyền tin chuyên ngành thông minh qua nền tảng LoRa trực tiếp, kết nối trực tuyến giữa thành phố Montpellier, Pháp với Đà Nẵng-Việt Nam. Ảnh: T.Ngọc.

Đây là đóng góp rất lớn của Đại học Đà Nẵng, Viện Công nghệ Quốc tế DNIIT và các đơn vị thành viên Đại học Đà Nẵng, thể hiện những nỗ lực nghiên cứu giải pháp sáng tạo bền vững cho các đô thị trong kỷ nguyên 4.0; nâng cao uy tín của cộng đồng Đại học Đà Nẵng trong cộng đồng Đại học khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và quốc tế.

Bàn tròn về IoT và các ứng dụng LoRa. Ảnh: T.Ngọc.

Giải pháp đổi mới cho Phát triển bền vững từ AI, IoT và Robotics
Vòng chung kết cuộc thi Smart Campus Châu Á – Thái Bình Dương năm 2024 (SCAPA – 2024) được triển khai quy tụ 12 đội thi xuất sắc từ các trường Đại học hàng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương: Đại học Quốc gia Lào; Trường Đại học Công nghệ Thông tin – Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội; Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế; 1 Đại học đến từ Viện Quốc tế Pháp ngữ (Hà Nội); Trường Đại học Thăng Long và 6 đội thi đến từ các trường thành viên Đại học Đà Nẵng: Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật.

Các đội dự thi có mặt ở vòng chung kết SCAPA – 2024 đã sẵn sàng. Ảnh: T.Ngọc.

Với chủ đề “Giải pháp đổi mới cho phát triển bền vững”, các đội thi đã trình bày sinh động, tự tin về các giải pháp ứng dụng công nghệ sáng tạo như AI, IoT và Robotics nhằm đem lại các giá trị, tiện ích phát triển đô thị thông minh hơn. Ban Tổ chức SCAPA cho biết, cuộc thi được Viện Công nghệ Quốc tế DNIIT – Đại học Đà Nẵng khởi xướng từ năm 2017, ban đầu là “Chiến dịch Smart Campus”, sau đó, được Tổ chức AUF và UniCA bảo trợ, mở rộng phạm vi nâng tầm quốc tế trở thành sân chơi học thuật dành cho sinh viên các trường Đại học châu Á – Thái Bình Dương.

Qua sân chơi trí tuệ này, sinh viên có cơ hội đề xuất ý tưởng (thông qua giải pháp, công cụ, thiết bị, …) có môi trường ứng dụng những điều được học, được trang bị vào thực tiễn, khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu, tư duy sáng tạo và phát triển năng lực bản thân, đặc biệt, các em được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

GS. Nicolas Maïnetti, Giám đốc Vùng Châu Á – Thái Bình Dương của Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF), bên trái và PGS.TS. Lê Quang Sơn – Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng, bên phải ảnh đã trao giải Nhất đến Nhóm sinh viên trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng với dự án “Thiết bị đo chất lượng đất 7in1 không dây LoRaWan”. Ảnh: Thanh Hoa –Minh Hải.

Ban Tổ chức đã quyết định trao 1 giải Nhất (phần thưởng là 10 triệu đồng) cho Nhóm sinh viên trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng với dự án “Thiết bị đo chất lượng đất 7in1 không dây LoRaWan”;

2 giải Nhì (mỗi giải 5,5 triệu đồng tiền thưởng) cho Nhóm sinh viên đến từ Đại học Quốc gia Lào và Viện Nghiên cứu và Phát triển với Dự án “LoRaWAN để giám sát đất, nước và môi trường” ; Nhóm SV đến từ Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, dự án “Hệ thống phát hiện lũ và cảnh báo sớm dựa trên công nghệ LoRaWAN và IoT”;

Ông Lê Sơn Phong – Phó Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông thành phố Đà nẵng và GS. Stéphane Ngo Mai-Phó Giám đốc Trung tâm Thí nghiệm Điện tử Viễn thông của Đại học Cote d’Azur, Cộng hoà Pháp trao giải Nhì cho 2 đội. Ảnh: Minh Hải.

3 giải Ba (3 triệu đồng/giải) được trao đến các các nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), với các dự án: “Giải pháp thị giác máy tính cho phân đoạn, cảnh báo và giám sát kích thước hư hỏng trên bề mặt đường”; “Đà Nẵng Xanh – Giải pháp mới trong quản lý rác thải đô thị” ; “Hệ thống chuyển đổi ngôn ngữ từ giọng nói sang ký hiệu cho người khiếm thính”.

Đây là những dự án xuất sắc vượt trội, giải quyết những vấn đề có tính cấp thiết cũng tạo lập độ bền vững; các dự án cũng tính khả thi cao, khả năng ứng dụng vào thực tiễn rất rõ./.

Tại SCAPA các em được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Ảnh: T.Ngọc.

Trần Ngọc