Thứ tư, Tháng mười hai 4, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô: Xây dựng chiến lược phát triển khoa học là nền tảng của thành công

ĐNA -

Ngày 18/11/2011, Công ty Xây dựng Lũng Lô được điều chuyển từ Bộ Tư lệnh Công binh về trực thuộc Bộ Quốc phòng và nâng cấp thành Tổng Công ty. Ðây là một mốc son lịch sử, một thời kỳ mới đang mở ra đối với tập thể cán bộ công nhân viên và người lao động trong doanh nghiệp, đồng thời cũng đặt lên vai những người lính thợ Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô những trọng trách mới trong hành trình hội nhập và phát triển. Bằng tinh thần đoàn kết, sự nỗ lực không ngừng, Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô đã và đang thực hiện mục tiêu đến năm 2030 trở thành “Tập đoàn kinh tế có thương hiệu mạnh trong và ngoài nước, phát triển bền vững chuyên nghiệp và hiệu quả”.

Lễ ký kết chương trình hợp tác nghiên cứu các dự án hạ tầng đường sắt giữa Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô với một số đối tác trong và ngoài nước vào tháng 7/2024.

Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô là doanh nghiệp kinh tế – quốc phòng, thành lập ngày 16/11/1989 với tên gọi ban đầu là Công ty Xây dựng công trình ngầm Lũng Lô. Do yêu cầu tham gia sản xuất, phát triển kinh tế của quân đội, tháng 7/1990, Bộ Quốc phòng quyết định chuyển thành Công ty Khảo sát, thiết kế, xây dựng công trình ngầm Lũng Lô. Tháng 8/1993, doanh nghiệp tiếp tục được đổi tên thành Công ty Xây dựng Lũng Lô. Thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, tháng 4/1996, Công ty Xây dựng 25/3, Xí nghiệp Khảo sát thiết kế và Tư vấn xây dựng được sáp nhập với Công ty Xây dựng Lũng Lô. Tháng 6/2002, Bộ Quốc phòng Quyết định thành lập Lữ đoàn Công binh công trình dự bị động viên 253 trực thuộc Bộ Tư lệnh Công binh, trong đó Công ty Xây dựng Lũng Lô là đơn vị chủ chốt. Công ty Xây dựng Lũng Lô với nhiệm vụ vừa sản xuất, kinh doanh, vừa huấn luyện lực lượng dự bị động viên.

Ngày 18/11/2011, Công ty Xây dựng Lũng Lô được điều chuyển từ Bộ Tư lệnh Công binh về trực thuộc Bộ Quốc phòng và nâng cấp thành Tổng Công ty và hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con. Ðây là một mốc son lịch sử, một thời kỳ mới đang mở ra đối với tập thể cán bộ công nhân viên và người lao động trong doanh nghiệp, đồng thời cũng đặt lên vai những người lính thợ Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô những trọng trách mới trong hành trình hội nhập và phát triển.

Trải qua chặng đường dài xây dựng, kế thừa và phát huy truyền thống “Mở đường thắng lợi” của Bộ đội Công binh Anh hùng, bằng quyết tâm vượt qua khó khăn của tập thể cán bộ, đảng viên, công nhân viên, Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô đã đứng vững, từng bước ổn định và phát triển. Đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, làm kinh tế, bảo đảm đủ việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Tổng công ty luôn coi trọng đổi mới cơ chế quản lý, tập trung bồi dưỡng, khai thác có hiệu quả nguồn lực con người, phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình để mở rộng phát triển sản xuất, coi trọng ngành nghề truyền thống, mũi nhọn như: xây dựng công trình ngầm, công trình biển, giao thông, thủy lợi, thủy điện, rà phá bom mìn, khảo sát thiết kế…

Nhiều năm qua, Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô đã trực tiếp thi công và bàn giao nhiều công trình quan trọng mang ý nghĩa chính trị, kinh tế và an ninh, quốc phòng ở các địa phương trên cả nước, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước như: Công trình đường Hầm Nhà máy xi-măng Nghi Sơn; công trình Thủy điện Hàm Thuận – Ða Mi; công trình Thủy điện A – Vương; công trình Ðê chắn sóng Dung Quất; công trình đường Hồ Chí Minh, công trình đường Tuần tra Biên giới, công trình đường Trường Sơn Ðông…

Tổng Công ty Lũng Lô góp phần xây dựng những công trình nối dài đất nước, vươn ra biển cả, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và tăng khả năng phòng thủ của đất nước như: công trình Mở luồng cảng Sa Kỳ, đảo Mắt, đảo Mê, đảo Cồn Cỏ, đảo Phú Quý, đảo Bạch Long Vĩ và đảo Song Tử Tây – thuộc Quần đảo Trường Sa…

Theo Thượng tá Phạm Thị Tình – Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô, một trong những yếu tố đem lại thành công cho đơn vị là việc luôn chú trọng đề ra chiến lược phát triển công ty một cách khoa học và thực hiện nghiêm túc theo từng giai đoạn. Thượng tá Phạm Thị Tình chia sẻ: “Chiến lược phát triển đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Chiến lược phát triển đúng đắn có thể coi như kim chỉ nam dẫn đường cho doanh nghiệp. Trên thực tế, có rất nhiều nhà kinh doanh nhờ có chiến lược phát triển đúng đắn mà đạt được nhiều thành công, vượt qua đối thủ cạnh tranh và tạo vị thế cho mình trên thương trường. Chiến lược phát triển giúp doanh nghiệp định hướng cho hoạt động của mình trong tương lai thông qua việc phân tích và dự báo môi trường kinh doanh. Kinh doanh là một hoạt động luôn chịu sự ảnh hưởng của các yếu tố bên trong và bên ngoài. Chiến lược phát triển giúp doanh nghiệp vừa linh hoạt vừa chủ động để thích ứng với những biến động của thị trường. Chiến lược phát triển giúp doanh nghiệp nắm bắt được các cơ hội cũng như đầy đủ các nguy cơ đối với sự phát triển nguồn lực của doanh nghiệp. Nó giúp doanh nghiệp khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn lực, phát huy sức mạnh của doanh nghiệp. Đồng thời, tạo ra một quỹ đạo hoạt động cho doanh nghiệp, giúp liên kết được các cá nhân với các lợi ích khác cùng hướng tới một mục đích chung, cùng phát triển. Tạo một mối liên kết gắn bó giữa các nhân viên với nhau và giữa các nhà quản lý với nhân viên, góp phần nâng cao nội lực của doanh nghiệp. Trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế hiện nay đã tạo nên sự ảnh hưởng và phụ thuộc qua lại lẫn nhau giữa các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh. Chính quá trình đó đã tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường. Ngoài những yếu tố như giá cả, chất lượng, quảng cáo, maketing, các doanh nghiệp còn sử dụng chiến lược phát triển như một công cụ cạnh tranh có hiệu quả”.

Tổng Công ty Lũng Lô tích cực tham gia hưởng ứng nhiều hoạt động xã hội ý nghĩa, trong đó có phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Bằng sự nỗ lực không ngừng, Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đã từng bước trở thành một Tập đoàn kinh tế dẫn đầu Việt Nam trong các lĩnh vực xây dựng công trình biển, công trình giao thông, rà phá bom mìn… Đơn vị tăng cường mở rộng công tác, mở rộng thị trường mục tiêu sang các nước lân cận (Lào, Campuchia). Trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay, Tổng Công ty Lũng Lô đạt mức tăng trưởng bình quân hàng năm từ 13-15%. Trong đó, tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp chiếm từ 45%-50% trong tổng giá trị sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty. Kinh doanh xây lắp các công trình thuỷ điện, thuỷ lợi, giá trị chiếm khoảng 55% giá trị xây lắp hàng năm. Trong đó xây dựng các công trình thuỷ điện do Tổng Công ty đầu tư chiếm khoảng 40%. Đặc biệt, những năm gần đây, Tổng Công ty Lũng Lô đã triển khai đầu tư thêm một số nhà máy xi măng lò quay, nhà máy cán thép… để đưa các sản phẩm điện, xi măng, thép chiếm 70% trong giá trị sản xuất công nghiệp. Các sản phẩm khác, từng bước ổn định thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách đồng bộ đổi mới thiết bị để chiếm lĩnh thị trường.

Nhằm thực hiện tốt các mục tiêu sản xuất kinh doanh, Tổng Công ty Lũng Lô rất chú trọng tới chính sách phát triển nguồn nhân lực. Cụ thể, Tổng Công ty Lũng Lô đã ban hành chính sách về quản trị nguồn nhân lực để các đơn vị thành viên chủ động trong việc tuyển dụng, bổ sung, đào tạo nhân lực đảm bảo đủ năng lực, đủ điều kiện bố trí vào các vị trí việc làm tương ứng. Trong chính sách về quản trị nguồn nhân lực, doanh nghiệp cũng quy định rõ về chế độ tiền lương, thưởng; quy chế phân phối trả lương, thưởng rõ ràng để các đơn vị thành viên triển khai áp dựng tạo sự chủ động cho các đơn vị và luôn đảm bảo sự  công bằng, nâng cao đời sống người lao động.

Chính sách marketing của Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô cũng rất linh hoạt và hiệu quả. Cụ thể, về chính sách sản phẩm, đơn vị từng bước đổi mới sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm nhằm thỏa mãn yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Tăng dần độ khó, quy mô và cấp công trình thi công, theo từng hạng mục Tổng Công ty dần hoàn thiện năng lực thi công… đi kèm với các hạng mục là các thiết bị thi công phù hợp và ngày càng tiên tiến (máy móc, vật tư thép hình, ván khuôn thi công, xe lao dầm chuyên dụng, xe đúc hẫng cân bằng…). Về chính sách giá, Tổng Công ty Lũng Lô đã xây dựng một cơ chế giá tương đối hợp lý và linh hoạt đối với từng đối tượng khách hàng khác nhau. Hiện nay, Tổng Công ty vẫn không ngừng nghiên cứu con đường để có thể giảm các chi phí đầu vào nhằm đưa ra mức giá làm hài lòng khách hàng.

Nhằm tiếp tục phát huy lịch sử, truyền thống, giai đoạn tới, trước bối cảnh kinh tế đất nước và khu vực, Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành “Tập đoàn kinh tế có thương hiệu mạnh trong và ngoài nước, phát triển bền vững chuyên nghiệp và hiệu quả”. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện một số định hướng có tính đột phá.

Thứ nhất, tập trung nâng cao năng lực trang thiết bị kỹ thuật theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu thi công các dự án lớn, có yêu cầu kỹ thuật cao. Để đạt được định hướng này, tổng công ty đã đầu tư hàng nghìn trang thiết bị, trong đó có dây chuyền thi công hầm khâu độ vừa và lớn, bảo đảm tốt trang bị kỹ thuật cho thi công các dự án hiện nay và những năm tiếp theo.

Thứ hai, có cơ chế chính sách thu hút, phát huy nguồn lực con người, đặc biệt chú trọng chất lượng. Bồi dưỡng, phát huy trí tuệ của đội ngũ cán bộ, trí thức trẻ, kết hợp giữa kinh nghiệm với trình độ khoa học công nghệ mới, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của tổng công ty để mở rộng và phát triển sản xuất, kinh doanh.

 Thứ ba, phát huy thế mạnh riêng có về thi công hầm đường bộ, hầm thủy điện; liên doanh với nhà thầu nước ngoài thi công đường hầm tàu điện ngầm ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; thế mạnh về thi công các công trình cảng biển trên đảo xa, góp phần giữ vững chủ quyền của Tổ quốc và phát triển thị trường nhạy bén, tập trung vào các ngành nghề mũi nhọn.

Theo lãnh đạo của Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô, bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng chiến lược phát triển của đơn vị còn không ít tồn tại, hạn chế. Theo ý kiến xây dựng của một số chuyên gia, thời gian tới Tổng Công ty sẽ tiếp tục chú trọng nâng cao nhận thức của cán bộ, công nhân viên về chiến lược phát triển của đơn vị. Đồng thời, tích cực đổi mới công nghệ, kịp thời trang bị các máy móc, thiết bị hiện đại. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế tổ chức, đổi mới quản lý kinh doanh, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chiến lược. Hoàn thiện việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, xác định văn hóa doanh nghiệp là công cụ triển khai chiến lược phát triển và là phương pháp tạo động lực cho người lao động, nâng cao sức mạnh đoàn kết.

Ths. Vũ Trọng Hiếu- Ths. Dương Thị Khuyên