Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn: Đảng và Nhà nước luôn bình đẳng trong nhìn nhận giáo dục đại học công và ngoài công lập

ĐNA -

(Đà Nẵng). Ngày 10/11/2024, đã diễn ra lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Trường Đại học Duy Tân (11/11/1994 – 11/11/2024) và Công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ chuyển Trường Đại học Duy Tân thành Đại học Duy Tân. Đại học Duy Tân chính thức là 1 trong 8 đại học của Việt Nam, là cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập duy nhất và đầu tiên (tính đến nay), được chuyển đổi mô hình từ Trường sang “Đại học”.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trao quyết định chuyển Trường Đại học Duy Tân thành Đại học Duy Tân và tặng hoa chúc mừng. Ảnh: T.Ngọc.

“Từ Trường Đại học Duy Tân trở thành Đại học Duy Tân là một lựa chọn mô hình tổ chức và quản trị, cũng là một mô hình phát triển, chứng tỏ được độ chín và nhu cầu phát triển mới từ bên trong. Tôi mong rằng, sự thay đổi này không phải là thay đổi một cái tên, mà sự thay đổi này hướng tới chiều sâu, hướng tới giải phóng sức sáng tạo, hướng quản trị hiện đại, thông minh. Mong Đại học Duy Tân sẽ được vận hành với bộ máy quản trị đại học khoa học hơn, tiên tiến hơn, quy mô lớn hơn, sứ mệnh cao hơn, tầm nhìn xa, rộng hơn, hướng tới sự phát triển bền vững.

Sự thay đổi từ mô hình tổ chức của một trường đại học sang mô hình tổ chức của một Đại học cần tạo ra những động lực mới và những sung lực mới, giải phóng được sức sáng tạo và tạo ra những năng lượng mới tạo sự phát triển đại học nhanh và mạnh mẽ hơn trong tương lai. Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đạo tạo ủng hộ sự lựa chọn mô hình phát triển này bằng cách đã ủng hộ làm các thủ tục để chuyển Trường Đại học Duy Tân thành Đại học Duy Tân”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Trường Đại học Duy Tân được thành lập ngày 11/11/1994 theo Quyết định số 666/QĐ-TTg ngày 11/11/1994 của Thủ tướng Chính phủ, là 1 trong 5 trường đại học dân lập đầu tiên của cả nước, trường đại học dân lập đầu tiên của miền Trung. Năm 2015, Trường đã chuyển đổi sang loại hình tư thục (theo Quyết định số 1704/QĐ-TTg ngày 2/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ). Tháng 10/2024, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1115/QĐ-TTg ngày 7/10/2024 chuyển trường Đại học Duy Tân thành Đại học Duy Tân.

Trong 30 năm qua, Nhà trường đã tuyển sinh được 153.771 nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên (dừng tuyển sinh hệ TCCN từ 2012 và cao đẳng năm 2018); đã cung cấp cho xã hội 87.116 tiến sỹ, thạc sỹ, bác sỹ, dược sỹ, kỹ sư, kiến trúc sư và cử nhân – nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp vào quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Kết quả khảo sát việc làm cho thấy tỷ lệ việc làm của sinh viên sau một năm tốt nghiệp đạt trên 92.5%.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận: “Sự ra đời, phát triển của Đại học Duy Tân đã góp phần làm thay đổi cơ cấu công tư trong hệ thống các trường đại học, làm thay đổi diện mạo của giáo dục Đại học Việt Nam, đem lại nhiều việc làm cho các nhà khoa học và cơ hội học tập cho rất nhiều sinh viên, góp phần vào sự nghiệp đổi mới Giáo dục – Đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho phát triển đất nước trong suốt 30 năm qua. Trải qua nhiều khó khăn, thử thách, Trường Đại học Duy Tân đã phát triển không ngừng, đã có nhiều đóng góp vào công tác đào tạo nhân lực cho Đà Nẵng, cho khu vực Miền Trung- Tây Nguyên và cho cả nước.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn: Đảng và Nhà nước ta coi việc phát triển khối các cơ sở giáo dục đại học công và và khối các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập là bình đẳng.Ảnh: T.Ngọc.

Đảng và Nhà nước ta coi việc phát triển khối các cơ sở giáo dục đại học công và và khối các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập là bình đẳng. Chính sách và cơ chế quản lý hai khối này đang hướng tới tập trung vào “quản lý chất lượng kết hợp với kiểm tra, giám sát, gia tăng tự chủ: Tự giải trình và tự chịu trách nhiệm xã hội”.

Đối với khối các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập, thì cần ưu tiên tăng cường các chính sách tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện, khuyến khích phát triển và hội nhập với các đại học tiên tiến trên thế giới. Kỳ vọng vào khối các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập phải ngày càng có vai trò lớn hơn trong nền giáo dục; và phát huy những lợi thế, phát triển nhanh chóng, trở thành đại học thuộc nhóm các đại học hàng đầu khu vực châu Á, từng bước đạt được vị thế cao trên thế giới.

Hiện nay, trong số các đại học hàng đầu thế giới, một tỷ lệ rất lớn là các đại học tư. Tôi rất mong, một ngày không xa, Đại học Duy Tân có mặt trong nhóm các trường Đại học hàng đầu châu Á và tiến tới nhóm hàng đầu thế giới”.

Được biết, với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Đại học Duy Tân được cộng đồng xã hội đánh giá cao, được người học tín nhiệm; và các tổ chức xếp hạng đại học quốc tế đã luôn ghi nhận, thứ hạng cao, trong các bảng xếp hạng quốc tế, Đại học Duy Tân ở vị trí Top 500 Đại học tốt nhất thế giới năm 2025 theo QS Rankings và Top 600+ năm 2025 theo The Rankings và vị trí 127 Châu Á năm 2025 (ở vị trí số 1 trong trong số 17 cơ sở giáo dục Việt Nam được xếp hạng).

Tạo dựng một môi trường quốc tế hóa với không gian học tập sáng tạo và tràn đầy năng lượng. Năm 2012, Đại học Duy Tân cùng với 5 trường đại học trong khu vực ASEAN đã sáng lập Tổ chức Hành trình đến ASEAN (Passage to ASEAN – P2A) nhằm thúc đẩy, nâng cao nhận thức văn hóa và chất lượng lực lượng lao động trẻ. Đến nay P2A đã có trên 135 cơ sở đại học, cao đẳng tham gia. Nhà trường đã hợp tác quốc tế với các tổ chức và cơ sở giáo dục có uy tín, trải dài từ Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Phần Lan đến Nhật Bản, Hàn Quốc,… đồng thời, hợp tác với nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới như Samsung, Hyundai, Microsoft, LG, IBM,Intercontinental,… đã mang đến những mối quan hệ hợp tác bền vững qua nhiều năm.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ông Lê Trung Chinh (bên trái) tặng hoa chúc mừng Đại học Duy Tân.Ảnh: T.Ngọc.

Nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc phát triển trong bối cảnh mới
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ông Lê Trung Chinh khẳng định: 30 năm qua là một hành trình không ngừng nghỉ, đầy nhiệt huyết và khát khao cống hiến, để từ một ý tưởng về ngôi trường vì cộng đồng, Đại học Duy Tân đã vươn lên, trở thành một trong những ngọn cờ đầu trong công cuộc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung.

Nhà trường đã có nhiều sự đột phá, sáng tạo; chúng ta đã chứng kiến những bước đi táo bạo của trường, từ hợp tác quốc tế với các đại học uy tín trên thế giới, đến đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang hiện đại, đầu tư cho nghiên cứu khoa học; chú trọng đào tạo chất lượng cao đối với các ngành mũi nhọn như: Du lịch, Công nghệ thông tin và khối Khoa học sức khỏe…. Hàng ngàn sinh viên mỗi năm đã tốt nghiệp từ nơi đây, mang theo không chỉ tri thức, mà còn là khát khao đóng góp cho xã hội.
Khi Đại học Duy Tân bước vào tuổi 30, cũng là thời điểm thành phố Đà Nẵng của chúng ta đang tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Đây là một trong những định hướng hết sức quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội của thành phố trong thời gian đến. Đồng thời, với chủ đề hành động năm 2024 là “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội” gắn với một số chỉ tiêu quan trọng về kinh tế – xã hội”, thành phố đã và đang nỗ lực trong việc khơi thông các nguồn lực cho sự phát triển của thành phố với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ông Lê Trung Chinh: Đại học Duy Tân nói riêng cần có sự chuẩn bị thật tốt để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế và sự phát triển của xã hội.Ảnh: T.Ngọc.

Trong đó ưu tiên các ngành, nghề về công nghệ thông tin, vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo… Thành phố Đà Nẵng cũng luôn xác định phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố then chốt để hướng đến xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh mang tầm quốc tế có bản sắc riêng.

Điều đó có nghĩa là công tác đào tạo nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung và Đại học Duy Tân nói riêng cần có sự chuẩn bị thật tốt để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế và sự phát triển của xã hội. Những lĩnh vực mới, tiên phong cũng là cơ hội quý giá để nhà trường thể hiện vai trò của mình trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng hành cùng thành phố trên con đường phát triển bền vững.

Lãnh đạo thành phố đặc biệt đề nghị Đại học Duy Tân nói riêng, các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố nói chung, chú trọng hơn nữa đến nghiên cứu khoa học, đưa ra những công trình, sáng kiến có giá trị thực tiễn; đồng hành cùng thành phố trong các lĩnh vực tiên phong mới, góp phần đưa Đà Nẵng trở thành thành phố đáng sống, văn minh và hiện đại”.

Thành công của Đại học Duy Tân khẳng định tầm nhìn, quyết sách đúng đắn của Đảng-Chính phủ từ những năm đầu của thập kỷ 90 về “Xã hội hóa giáo dục và Đổi mới giáo dục đại học”. Ảnh:T.Ngọc.

Được biết, Đại học Duy Tân luôn thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước ; đã nộp hơn 322,8 tỷ đồng tiền thuế vào ngân sách; thực hiện chính sách học bổng, tiếp sức đến trường cho sinh viên hơn 126,6 tỷ đồng và thực hiện chính sách xã hội hơn 82,9 tỷ đồng.

Lấy nhân văn làm nền tảng cho mọi hoạt động, Đại học Duy Tân luôn đồng hành khích lệ các em học sinh vượt qua mọi khó khăn, vươn lên trong học tập. Đặc biệt, là những suất học bổng có giá trị nhân văn dành cho con cựu chiến binh Gạc Ma, cho học trò mồ côi sau cơn bão Chanchu;… hỗ trợ khắc phục cơn bởi cơn bão Yagi (2024), tặng quà cho các chiến sĩ Lữ đoàn 146 đang làm nhiệm vụ ở Vùng 4 Hải quân bảo vệ Trường Sa vào các dịp Tết Nguyên đán năm 2022, 2023, 2024,…

Trần Ngọc