Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Việt Nam kiên trì hành động, kéo dài hiệu quả chương trình “Thành phố Sạch, Đại dương Xanh”

ĐNA -

(Đà Nẵng). Ngày 11/11/2024, tại Đà Nẵng đã diễn ra các phiên làm việc đầu tiên của chương trình tập huấn “Các công cụ quản lý chất thải rắn” do CCBO (Chương trình “Thành phố Sạch, Đại dương Xanh”) Việt Nam, phối hợp với Chi cục bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng tổ chức).

Bà Nguyễn Thị Bích Hiền – Giám đốc Quốc gia, CCBO Việt Nam. Ảnh: T.Ngọc.

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VASI), Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ Tài nguyên và Môi trường), các Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng. Đà Nẵng; tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Kiên Giang; đại diện các cơ quan, ban ngành của thành phố Đà Nẵng (Sở Công thương, Sở Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà, Ban Quản lý Âu thuyền Thọ Quang; Phòng Tài nguyên – Môi trường các quận, huyện, … đã cử cán bộ, chuyên viên tham dự chương trình tập huấn, kéo dài đến ngày 15/11/2024.

“Tại Việt Nam, Chương trình CCBO được khởi động và bắt đầu thực hiện từ năm 2022 đến nay tại 4 thành phố: Đà Nẵng, Huế, Biên Hòa và Phú Quốc. Với chặng đường 3 năm, CCBO Việt Nam cũng đang ở giai đoạn kết thúc, dự kiến vào tháng 12 năm 2024. Với mong muốn sau khi CCBO kết thúc, các công cụ quản lý chất thải rắn do CCBO phát triển và thực hành , sẽ vẫn tiếp tục được chia sẻ rộng rãi, và áp dụng tại không chỉ các thành phố tham gia chương trình CCBO, mà lan tỏa ra các thành phố khác.

Chương trình hội thảo – tập huấn các công cụ quản lý chất thải rắn có mục tiêu rất rõ là giới thiệu và hướng dẫn thực hành các công cụ quản lý chất thải rắn của Chương trình CCBO (được phát triển liên tục trong 3 năm qua). Đây là dịp để lãnh đạo, các chuyên gia CCBO cùng các học viên, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn của các thành phố tham gia chương trình CCBO ở cấp quốc tế và địa phương”, bà Nguyễn Thị Bích Hiền – Giám đốc Quốc gia, CCBO Việt Nam, cho biết.

Kéo dài trong 5 ngày, chương trình tập huấn này cũng là một trong những hoạt động cuối cùng của CCBO tại Việt Nam. Các chuyên gia sẽ trao đổi, giới thiệu tổng quan về các công cụ quản lý chất thải rắn, đã được CCBO xây dựng và thực hiện, tính cần thiết áp dụng các công cụ này đối với các thành phố đã tham gia chương trình. Xác định hiệu quả bước đầu và lan tỏa.

Một trong những công cụ quan trọng, là hướng dẫn đánh giá chỉ số năng lực quản lý chất thải rắn cho địa phương (SCIL) mình, được chuyên gia chia sẻ từ phương pháp, quy trình thực hiện (SCIL) đến tác động và hiệu quả của công cụ SCIL. SCIL hiện là công cụ hỗ trợ đắc lực khi một địa phương lập kế hoạch quản lý chất thải rắn (nội dung lập kế hoạch cũng được tập huấn kỹ).

Bà Chelsea Lanzoni, Giám đốc kết nối khu vực tư nhân giới thiệu về sự cần thiết áp dụng các công cụ của CCBO tại các thành phố tham gia CCBO. Ảnh: T.Ngọc

CCBC cũng đã phát triển công cụ đánh giá nhanh cơ sở quản lý chất thải rắn (RAFT) cũng như phương pháp thực hiện RAFT; hay công cụ WACS (Nghiên cứu đặc tính và thành phần của rác thải). Đặc biệt để có phương án huy động nhiều nguồn lực cho hệ thống quản lý chất thải rắn (FO), CCBO đã phát triển công cụ phân tích chi phí quản lý (COSA). Có cả bảng biểu phân tích chi phí quản lý để học viên tham khảo, nắm chắc các yếu tố cấu thành. Công cụ COSA/FO có ý nghĩa lớn đối với từng cấp (quận, huyện, thành phố, tỉnh) khi xúc tiến lập kế hoạch quản lý chất thải rắn, kèm theo là biện pháp, giải pháp cho vấn đề. Ngoài giờ học lý thuyết, học viên sẽ thực hành công cụ COSA sử dụng các thông tin giả định.

Học viên cũng sẽ thực hành thực địa và áp dụng hướng dẫn đánh giá, xử lý dữ liệu rác thải trên bãi biển tại bãi biển, làm quen với tình huốn giả định là phải xác định các dữ liệu còn thiếu và tìm hướng khắc phục vấn đề đánh giá, phân tích khi dữ liệu còn thiếu.

Ban tổ chức cũng dành nhiều thời gian để học viên và chuyên gia cùng thảo luận về khả năng áp dụng các công cụ đã được phát triển, theo hướng là bối cảnh sẽ khác nhau (được hiểu là tình hình kinh tế – xã hội và điều kiện mỗi địa phương, mỗi vùng, có các yếu tố riêng), thì các công cụ trên, sẽ có thể áp dụng như thế nào cho phù hợp. Trong quá trình thực hiện các công cụ, cần xác định các bên liên quan nào sẽ tham gia ? hay cần các hỗ trợ kỹ thuật khác nữa, hoặc các bước tiếp theo cần có, để thực hiện áp dụng thành công bộ công cụ là gì ? Đặc biệt, trong các phần thảo luận, luôn có nội dung so sánh kinh nghiệm tại Việt Nam và các nước tham gia CCBO, như một đúc kết kinh nghiệm cần thiết, khi tiến hành quản lý chất thải rắn, trong các bối cảnh và điều kiện môi trường xã hội, điều kiện kinh tế , địa lý khác nhau.

Các anh chị học viên hiểu rõ mục đích, ý nghĩa các công cụ đã được CCBO phát triển và sự cần thiết áp dụng trong thời gian đến.Ảnh: T.Ngọc.

Chương trình “Thành phố Sạch, Đại dương Xanh” (Chương trình CCBO) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, được thực hiện từ năm 2019 tại 10 quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhằm nâng cao năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt bền vững, cho các thành phố, góp phần giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa đại dương.

“Thành phố sạch, đại dương xanh” là chương trình của USAID nhằm chống ô nhiễm nhựa đại dương, và hành động được triển khai, lan tỏa trên toàn cầu, hướng đến sẽ giảm thiểu đáng kể, các nguồn rác thải nhựa trực tiếp đổ vào đại dương. CCBO tập trung vào các khu vực đô thị hóa nhanh chóng (nơi ước tính, mỗi năm đổ vào đại dương, khoảng 8 triệu tấn {rác thải và đồ dùng} nhựa).

Thành phố Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong 4 địa phương trên cả nước, triển khai chương trình CCBO bao gồm các mục tiêu rất cụ thể: Hỗ trợ chính quyền thực hiện kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương; Hỗ trợ thực hiện các sáng kiến thúc đẩy chống ô nhiễm rác thải nhựa về trang thiết bị, tư vấn, hoặc theo đề xuất; Hỗ trợ thực hiện dự án “Tăng cường hợp tác công- tư trong việc tái chế, phục hồi rác thải và kinh tế tuần hoàn tại Đà Nẵng”…Trong đó, Dự án “Tăng cường hợp tác công – tư trong việc tái chế, phục hồi rác thải và kinh tế tuần hoàn tại Đà Nẵng” có ngân sách 161.000 USD, dự kiến thực hiện trong 20 tháng (từ tháng 12/2021 đến tháng 7/2023).

Các hoạt động chính của dự án này gồm: Cải thiện việc thu hồi rác thải tái chế; nâng cao năng lực cho người, đơn vị thu gom rác; kết nối thị trường rác tái chế thông qua thương mại số; tài liệu hóa và chia sẻ mô hình.

Ông René Acosta – Giám đốc CCBO vùng Châu Á, Thái Bình Dương hướng dẫn đánh giá Chỉ số năng lực quản lý chất thải rắn cho địa phương ( bộ công cụ SCIL). Ảnh: T.Ngọc.

Chương trình, nội dung của lớp tập huấn (từ ngày 11 đến hết ngày 15/11/2024) tại Đà Nẵng, với sự tham gia của cán bộ, chuyên viên nhiều vùng miền trên cả nước, thể hiện rất rõ các mục tiêu cụ thể của CCBO, khi triển khai tại một quốc gia, vùng lãnh thổ, một địa phương. Đó là tăng cường thực hành giảm thiếu, tải sử dụng, tái chế (3R); Thúc đẩy thay đổi hành vi và xã hội đối với 3R và quản lý chất thải rắn bền vững; Nâng cao năng lực và quản trị hiệu quả hệ thống quản lý chất thải rắn bền vững; Hỗ trợ các diễn đàn quốc tế, quan hệ hợp tác công tư (PPP) và các liên minh đa bên.

“Qua tập huấn công cụ quản lý chất thải rắn lần này , điều mong mỏi của chúng tôi, là dù dự án (dự kiến)kết thúc vào tháng 12/2024, nhưng các hoạt động quản lý chất thải rắn bền vững vẫn tiếp tục được tăng cường, khi nhiều địa phương sẽ áp dụng bộ công cụ vào thực tiễn nhiệm vụ quản lý chất thải rắn ở tỉnh, thành phố, quận, huyện mình”, bà Nguyễn Thị Bích Hiền – Giám đốc Quốc gia, CCBO Việt Nam, nhấn mạnh.

Với tầm nhìn và mục đích trên, nhiều chuyên gia CCBO và các chuyên gia khách mời đã đảm nhận vai trò dẫn dắt chương trình, truyền đạt phương pháp, trao cách thức sử dụng hiệu quả các công cụ; xử lý những vấn đề phát sinh bảo dảm rằng, chất thải rắn sẽ phải được quản lý bền vững: Chuyên gia từ CCBO toàn cầu có bà Chelsea Lanzoni, Giám đốc kết nối khu vực tư nhân ; bà Sonia Ytuarte Nasser – Chuyên gia chất thải rắn; CCBO vùng Châu Á, Thái Bình Dương: Ông René Acosta – Giám đốc; Bà Stella Maris Pezes Salas, Cố vấn về chi phí dịch vụ; CCBO Việt Nam: Bà Lê Thanh Nga, Quản lý Tăng cường năng lực và Quản trị; cùng các chuyên gia : Bà Stella Maris Pezes Salas, ông Nguyễn Đức Vinh, ông Phạm Văn Hiếu, ông Dương Như Hải; bà Lê Thanh Nga, …

Một bãi biển Đà Nẵng sau bão Trà Mi. Không khó để nhận ra, lượng rác mà sóng lớn đánh dạt vào bờ, có nhiều rác thải nhựa. Việt Nam kiên trì hành động, kéo dài hiệu quả chương trình “Thành phố Sạch, Đại dương Xanh”. Ảnh: T.Ngọc

Trần Ngọc