Theo Financial Times ngày 14/11/2024, Giá khí đốt tại châu Âu đã đạt mức cao nhất trong 1 năm vào sau khi tập đoàn OMV của Áo cảnh báo về rủi ro nguồn cung từ Nga sẽ bị gián đoạn. Hợp đồng tương lai khí đốt tự nhiên TTF của Hà Lan, chỉ số tham chiếu cho khí đốt châu Âu, tăng 5% lên 46 euro/MWh trong đầu phiên giao dịch tại Amsterdam, sau đó mới giảm dần.
OMV cho biết tập đoàn này không hài lòng về việc nguồn cung khí đốt từ Gazprom chảy đến Đức “không đều đặn”, trước khi nguồn này bị cắt đứt vào tháng 9/2022. Tập đoàn của Vienna nói thêm rằng họ sẽ “bù đắp” số tiền được trao vào việc đền bù hợp đồng với Gazprom “ngay lập tức”. Tuy nhiên, OMV cảnh báo động thái này có thể khiến mối quan hệ giữa công ty đi xuống.
Thị trường khí đốt của EU vốn rất nhạy cảm với tình trạng gián đoạn nguồn cung từ Nga, kể từ khi Điện Kremlin bắt đầu cắt giảm nguồn cung cho châu Âu vào năm 2021. Trong những năm gần đây, các sự kiện làm gián đoạn hoặc có rủi ro gây bất ổn cho nguồn cung khí đốt toàn cầu đã khiến giá biến động mạnh ở châu Âu.
Áo và Slovakia vẫn nhận khí đốt của Nga thông qua đường ống trung chuyển qua Ukraine nhờ thoả thuận giữa 2 nước, song thoả thuận này sẽ hết hạn vào cuối năm nay. Đây là một trong 2 tuyến đường duy nhất mà Nga cung cấp khí đốt cho châu Âu, chiếm khoảng 5% lượng khí đốt nhập khẩu hàng năm của EU.
Các nhà phân tích đã cảnh báo rằng, khối lượng khí đốt qua đường trung chuyển Ukraine có thể giảm gần 1 nửa nếu Gazprom ngừng cung cấp vì hành động của OMV.
Tom Marzec-Manser, giám đốc phân tích lĩnh vực khí đốt tại công ty tư vấn ICIS, cho biết khách hàng của Gazprom thường thanh toán vào ngày 20 hàng tháng. Ông cảnh báo rằng: “OMV có thể giữ lại khoản thanh toán tiếp theo, là khoảng 213 triệu euro, nhưng động thái này có thể khiến Gazprom huỷ bỏ hợp đồng đó ngay lập tức.”
Thông báo của OMV được đưa ra ngay khi thời tiết bắt đầu lạnh hơn và nhu cầu sưởi ấm ở EU tăng lên. Các kho chứa khí đốt của khối này đã được rút ròng 10 ngày liên tiếp, theo nhà cung cấp dữ liệu của ngành Gas Infrastructure Europe.
OMV cho biết thêm, họ có thể ký kết thêm các hợp đồng thay thế cung cấp năng lượng vì đã đa dạng hoá nguồn cung khí đố từ Nga.
Bộ trưởng Năng lượng Áo, Leonore Gewessler, cũng chia sẻ trên X rằng, động thái của OMV “không gây ra mối đe doạ trực tiếp đến an ninh nguồn cung.” Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo việc nguồn cung bị gián đoạn đột ngột có thể càng gây căng thẳng cho thị trường khí đốt.
Trong khi đó, SPP, nhà cung cấp năng lượng lớn nhất Slovakia, cũng cho biết họ đã ký hợp đồng thí điểm ngắn hạn với công ty dầu khí nhà nước Socar của Azerbaijan nhằm cung cấp khí đốt tự nhiên, trước khi thoả thuận trung chuyển khí đốt của Nga và Ukraine hết hạn.
Huy Quang