Ngày 13/11/2024, Tổng thống đắc cử Donald Trump thông báo chọn cựu nghị sĩ đảng Dân chủ Tulsi Gabbard làm giám đốc tình báo quốc gia, vị trí đầy quyền lực lãnh đạo toàn bộ cộng đồng tình báo Mỹ và có thể báo cáo trực tiếp với ông chủ Nhà Trắng.
Quyết định này của ông Trump gây nhiều chú ý, bởi bà Gabbard không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tình báo như các lãnh đạo trước đây nắm giữ vị trí này. Bà cũng không phải là một thành viên Cộng hòa lâu năm, mà từng là đảng viên Dân chủ và chỉ mới quay sang ủng hộ ông Trump tranh cử tổng thống hồi đầu năm nay.
Gabbard, 43 tuổi, sinh ra trên lãnh thổ Samoa thuộc Mỹ, lớn lên ở Hawaii. Cha bà, Mike Gabbard, là thượng nghị sĩ bang Hawaii, người ban đầu là đảng viên Cộng hòa nhưng đã chuyển sang đảng Dân chủ.
Bà lần đầu tiên được bầu vào Hạ viện Hawaii khi mới 21 tuổi, nhưng phải rời đi sau một nhiệm kỳ do đơn vị Vệ binh Quốc gia mà bà là thành viên được triển khai tới Iraq. Gabbard sau đó được bầu làm nghị sĩ tại Hạ viện đại diện cho bang Hawaii, trở thành người Samoa đầu tiên được bầu vào quốc hội Mỹ.
Trong 4 nhiệm kỳ tại Hạ viện, Gabbard nổi tiếng vì không ít lần lên tiếng chống lại giới lãnh đạo đảng Dân chủ. Việc Gabbard ủng hộ thượng nghị sĩ Bernie Sanders trong cuộc bầu cử sơ bộ năm 2016 biến bà trở thành gương mặt đại diện nổi bật cho nền chính trị cấp tiến của đảng Dân chủ trên toàn quốc.
Gabbard tìm kiếm đề cử tổng thống của đảng Dân chủ vào năm 2020 nhờ sự ủng hộ của phe cấp tiến và lập trường phản đối việc Mỹ can dự vào các cuộc xung đột nước ngoài.
Viện dẫn kinh nghiệm quân sự của mình, bà lập luận rằng các cuộc chiến Mỹ theo đuổi ở Trung Đông đã gây bất ổn cho khu vực, khiến đất nước trở nên kém an toàn hơn và khiến hàng triệu người Mỹ thiệt mạng. Bà đổ lỗi cho đảng Dân chủ vì không phản đối chiến tranh. Trong một cuộc tranh luận sơ bộ, Gabbard đã chỉ trích Kamala Harris, lúc bấy giờ là thượng nghị sĩ, cáo buộc bà có nhiều sai phạm trong thời gian làm công tố viên. Gabbard sau đó từ bỏ cuộc đua và ủng hộ người chiến thắng cuối cùng, Tổng thống Joe Biden.
Hai năm sau, bà quyết định rời đảng Dân chủ để trở thành một chính trị gia độc lập, nói rằng đảng cũ của bà bị thống trị bởi một “nhóm tinh hoa gồm toàn những kẻ hiếu chiến”. Sau đó, bà quay sang vận động cho một số đảng viên Cộng hòa nổi tiếng, trở thành cộng tác viên cho đài truyền hình cánh hữu Fox News và bắt đầu sản xuất podcast.
“Không thể nhận ra đảng Dân chủ ngày nay với đảng mà tôi đã tham gia 20 năm trước”, Gabbard giải thích về quyết định rời đảng của mình. Gabbard chính thức “đổi phe”, tuyên bố ủng hộ ông Trump vào đầu năm nay và điều này đã nhanh chóng khiến bà trở nên nổi tiếng trong nhóm những người ủng hộ ông.
Thường xuất hiện bên cạnh Robert F. Kennedy Jr., người đã thách thức Tổng thống Biden để giành đề cử của đảng Dân chủ trước khi chuyển thành ứng viên độc lập rồi cuối cùng ủng hộ ông Trump, Gabbard là minh chứng cho cái mà Tổng thống đắc cử thường gọi là “sức hấp dẫn” của ông trên chính trường.
Ngoài lòng trung thành và sự ủng hộ với Trump, Gabbard không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực an ninh quốc gia hay tình báo, dù đã phục vụ trong Lực lượng Vệ binh Quốc gia hơn hai thập kỷ và từng được trao huân chương năm 2005 vì tham gia các hoạt động quân sự ở Iraq.
Gabbard chưa từng giữ bất kỳ vai trò cấp cao nào trong chính phủ. Bà chỉ phục vụ hai năm trong Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện.
Ông Trump cho biết, ông muốn cải tổ các cơ quan tình báo quốc gia, một phần của chính phủ liên bang mà Tổng thống đắc cử từ lâu đã nghi ngờ và không tin tưởng. Ông đổ lỗi cho các cơ quan tình báo Mỹ tìm cách phá hoại chính quyền Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên cũng như các chiến dịch tranh cử của ông.
“Chúng tôi sẽ loại bỏ tất cả những kẻ tham nhũng trong bộ máy tình báo và an ninh quốc gia của chúng ta. Có rất nhiều kẻ như vậy”, ông Trump nói vào năm 2023 khi nêu các ưu tiên cho nhiệm kỳ thứ hai. “Các bộ và cơ quan đã bị vũ khí hóa sẽ được cải cách hoàn toàn”.
Văn phòng giám đốc tình báo quốc gia được thành lập vào năm 2004 như một phần của loạt thay đổi với cộng đồng tình báo Mỹ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. Các nghị sĩ hy vọng rằng văn phòng mới sẽ ngăn chặn những thất bại về mặt tình báo bằng cách cải thiện quy trình hợp tác giữa các cơ quan tình báo và chính phủ Mỹ.
Văn phòng này đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực của chính phủ để xác định và vạch trần những âm mưu nước ngoài nhằm truyền bá thông tin sai lệch về bầu cử cũng như nền dân chủ Mỹ. Các bộ phận khác tập trung vào rủi ro không gian mạng, chống khủng bố và phản gián.
Đề cử Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ, người từng có quan điểm ủng hộ Nga
Theo AP, việc Tổng thống đắc cử Donald Trump đề cử bà Tulsi Gabbard làm Giám đốc Tình báo Quốc gia đang khiến không ít người lo ngại vì bà từng có một số quan điểm “ủng hộ” Nga trong cuộc chiến với Ukraine. Trước đó, vào năm 2022, bà Tulsi Gabbard đã tán thành một trong những lý do khiến nước Nga phải tiến hành cuộc chiến tại Ukraine liên quan đến phòng thí nghiệm sinh học của Ukraine do Mỹ tài trợ.
Tại thời điểm đó, Nga cáo buộc Ukraine đang sử dụng các phòng thí nghiệm do Mỹ tài trợ để tạo ra vũ khí sinh học chết người tương tự như COVID-19 có thể được sử dụng chống lại Nga và Tổng thống Nga Vladimir Putin không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiến hành cuộc chiến để bảo vệ đất nước.
Sau đó, bà Gabbard cho biết những bình luận trên của mình không nhằm cáo buộc Mỹ hoặc Ukraine về bất kỳ hành vi nào mà chỉ nêu lên sự lo lắng tới sự an toàn của các phòng thí nghiệm. Ngoài ra, bà Gabbard từng nhận định viện trợ của Mỹ cho Ukraine đã gây nguy hiểm cho an ninh toàn cầu bằng cách chống lại Nga. Bà đã chỉ trích Tổng thống Ukraine Zelensky liên quan vấn đề tham nhũng và bày tỏ sự “đồng cảm” với quan điểm của Nga về Ukraine khi nước này muốn gia nhập NATO. Trong bài viết đăng trên mạng xã hội X vào năm 2022 khi Nga bắt đầu cuộc chiến, bà Gabbard viết: “Cuộc chiến tranh và đau khổ này có thể dễ dàng tránh được nếu Chính quyền Biden/NATO chỉ cần thừa nhận những lo ngại chính đáng về an ninh của Nga”.
Bà Gabbard cũng từng đứng ra bảo vệ mối quan hệ của ông Trump với một số lãnh đạo cấp cao các nước, trong đó có Tổng thống Nga Putin. Bà cho biết những mối quan hệ này thể hiện ông Trump có “lòng can đảm khi gặp gỡ những kẻ thù, đồng minh và đối tác để theo đuổi hòa bình, coi chiến tranh là giải pháp cuối cùng”.
Những phát biểu của bà Gabbard về nước Nga đã nhận được sự hưởng ứng ở Moskva, nơi các phương tiện truyền thông nhà nước đã ca ngợi bà và thậm chí còn bông đùa rằng bà là “một điệp viên Nga”. Một bài báo được công bố trên RIA Novosti – hãng thông tấn nhà nước của Nga đã gọi Gabbard là “siêu nhân”và nói rằng tình báo Ukraine coi bà “có thể là một điệp viên của các cơ quan tình báo Nga”.
Thời gian gần đây, những bình luận trước đây của bà Gabbard đang thu hút sự quan tâm trở lại từ đảng Dân chủ và các nhà phân tích an ninh quốc gia. Những người này lo ngại rằng với tư cách là Giám đốc Tình báo Quốc gia tương lai, bà có thể “giúp” cho Nga giành chiến thắng, làm suy yếu Ukraine và an ninh quốc gia Mỹ cũng như gây nguy hiểm cho mối quan hệ tình báo với các đồng minh.
Đảng Dân chủ cho rằng, những bình luận trên của bà Gabbard thể hiện khuynh hướng thân Nga và sẽ ảnh hưởng tới an ninh quốc gia của Mỹ nếu đề cử Giám đốc Tình báo quốc gia được Thượng viện xác nhận. Trong bài phát biểu của mình, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren nói rằng: “Bạn có thực sự muốn bà ấy nắm giữ tất cả bí mật của Mỹ và các cơ quan tình báo quốc phòng của chúng ta khi bà ấy rõ ràng nằm trong túi của Putin không? Câu trả lời chắc chắn là không.”
Trong một bình luận liên quan, cựu Cố vấn An ninh quốc gia dưới thời ông Trump nhiệm kỳ đầu, John Bolton cho biết: “Bà Gabbard, giống như ông Gaetz, như một quả lựu đạn sẵn sàng phát nổ. Những người Cộng hòa lao vào những quả lựu đạn đó vì ông Trump đang mạo hiểm danh tiếng cá nhân và vị trí của họ trong lịch sử”.
Ngoài ra, vào năm 2017, bà Gabbard được biết đến từng có các cuộc gặp riêng với Tổng thống Syria Bashar Assad. Vấn đề này từng khiến nhiều cá nhân trong đó có các thành viên đảng Dân chủ thể hiện thái độ không đồng tình. Tại thời điểm đó, chuyến thăm của bà Gabbard bị một số thành viên đảng Dân đánh giá không khác gì là giúp hợp pháp hóa với ông Bashar Assad, một nhà lãnh đạo ủng hộ Nga và Iran ở Trung Đông.
Nhiều nhà phân tích nhận định những bình luận trước đây của bà Gabbard về Nga và Syria có thể sẽ được đề cập trong quá trình Thượng viện xác nhận tư cách Giám đốc Tình báo Quốc gia.
Tuy vậy, Thượng nghị sĩ John Cornyn của đảng Cộng hòa cho biết mặc dù ông có thắc mắc về những bình luận ấy nhưng ông không nghi ngờ lòng trung thành của bà. Ông nói: “Tôi chắc chắn muốn hỏi cô ấy về điều đó. Nhưng tôi không nghi ngờ gì rằng bà ấy là một người yêu nước. Bà ấy đã phục vụ quân đội Mỹ trong phần lớn thời gian”.
Khả năng một người gốc Mátxcơva sẽ là sẽ là đặc phái viên của Tổng thống Mỹ để giải quyết cuộc xung đột Ukraina.
Theo New York Times đưa tin, rất có khả năng D.Trump sẽ bổ nhiệm Boris Epstein, người sinh năm 1982 ở Mátxcơva và sống ở Liên Xô và Nga 11 năm đến năm 1993 ông cùng gia đình di cư sang Mỹ, sẽ trở thành đặc phái viên của Tổng thống Trump để giải quyết xung đột Ukraina.
Hãng thông tấn RBC trích dẫn những ý chính của bài báo: The New York Times dẫn nguồn tin của mình cho biết, trên chuyến bay chở D.Trump đến gặp Tổng thống Mỹ Biden sau cuộc bầu cử, Boris Epstein đã đưa ra lời đề nghị trở thành đặc phái viên của D.Trump để giải quyết xung đột Ukraina. NYT nói rõ: “Một số người trên máy bay có vẻ bị sốc trước ý tưởng này. Trong khi đó, bản thân Trump ít bị sốc nhất trước đề xuất này. Ông “lắng nghe với sự quan tâm rõ ràng và không từ chối lời đề nghị, mặc dù ông cũng không hứa gì cụ thể”.
Epstein đã từng làm cố vấn cấp cao cho chiến dịch tranh cử của Trump năm 2016, sau đó làm việc tại Nhà Trắng và là thành viên trong nhóm pháp lý của Trump. Khi công bố lời đề nghị của mình với Trump, Epstein nói rằng ông có người thân ở cả hai phía trong cuộc xung đột, đó là thuận lợi đáng lưu ý. Còn trở ngại chính là Epstein còn thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực ngoại giao.
NYT cho biết thêm, sau cuộc bầu cử của D.Trump, Epstein nhanh chóng trở thành một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong đội ngũ của Trump, mặc dù ông không có chức vụ chính thức trong cuộc đua bầu cử. Đặc biệt, ông tham gia thu thập thông tin về các ứng cử viên Chính phủ mới cho Trump, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến việc lựa chọn. Ví dụ, ông đã tập hợp đội ngũ nhân viên của Bộ Tư pháp mới được Trump bổ nhiệm mấy hôm trước. Và hai nguồn tin am hiểu của NYT cho biết, cũng chính nhờ những nỗ lực của Epstein mà Trump đã bổ nhiệm William McGinley vào vị trí cố vấn Nhà Trắng.
Boris Epstein trở thành đặc phái viên của Trump để giải quyết cuộc xung đột Ukraina thì sẽ thêm một nút thắt nữa trong dây thòng lọng dành cho chế độ Kiev. Lúc đó Zelensky chắc chắn sẽ không thể cựa quậy gì được, chỉ ngồi chờ ngày tận thế của mình.
Nguồn The New York Times: https://www.nytimes.com/2024/11/15/us/politics/boris-epshteyn-trump.html
Chy Lê