Theo Avia Pro, ngày 24/11/2024, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tuyên bố, Moscow có thể chuyển giao công nghệ hạt nhân cho các quốc gia đối đầu với Mỹ trong bối cảnh căng thẳng leo thang. Ông Medvedev nhấn mạnh, các sáng kiến như vậy của phương Tây đặc biệt khiêu khích trong bối cảnh học thuyết răn đe hạt nhân của Nga mới được cập nhật.
“Các kênh truyền thông phương Tây đang chạy đua với nhau để đề xuất rằng Mỹ trang bị vũ khí hạt nhân cho Ukraine. Một ý tưởng tuyệt vời, đặc biệt là trong bối cảnh học thuyết răn đe hạt nhân mới của Nga. Vẫn chưa biết chúng ta có thể chuyển giao công nghệ hạt nhân của mình cho đối thủ tiềm tàng nào của Mỹ”, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nói. Ông Medvedev mô tả các bước đi như vậy là nỗ lực nhằm làm mất ổn định tình hình quốc tế và khiến thế giới phải đối mặt với nguy cơ xung đột hạt nhân.
Các đề xuất tương tự, từ một số nhà phân tích và truyền thông phương Tây, trước đây đã được đưa ra trong bối cảnh Ukraine tìm kiếm sự đảm bảo an ninh.
Ông Medvedev đã đưa ra cảnh báo nghiêm khắc tới các quốc gia châu Âu vẫn tiếp tục ủng hộ Ukraine. Trong bài đăng trên Telegram vào ngày 24/11, ông Medvedev đã nhắc đến việc triển khai hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik của Nga gần đây để tấn công một cơ sở quân sự của Ukraine.
“Châu Âu đang tự hỏi hệ thống này có thể gây ra thiệt hại gì nếu đầu đạn là hạt nhân, liệu có thể bắn hạ những tên lửa này hay không và chúng sẽ đến thủ đô của các nước châu Âu nhanh như thế nào. Câu trả lời là: Thiệt hại sẽ không thể khắc phục được, không thể đánh chặn các tên lửa bằng các thiết bị hiện đại và chúng ta đang nói về vấn đề thời gian”, ông Medvedev nhận định.
“Các hầm trú bom cũng không giúp ích được gì, vì vậy hy vọng duy nhất là Nga sẽ cảnh báo trước về các vụ phóng. Do đó, tốt hơn là nên ngừng ủng hộ chiến tranh”, ông cho biết thêm.
Đầu tuần này, cựu tổng thống Nga đã chia sẻ một video cho thấy cuộc tấn công bằng tên lửa Oreshnik vào một cơ sở công nghiệp quốc phòng của Ukraine ở Dnipro.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga nhận định, việc sử dụng tên lửa Oreshnik làm thay đổi cục diện xung đột Ukraine.
Sergey Karakayev, chỉ huy lực lượng tên lửa chiến lược của Nga, tuyên bố tên lửa siêu vượt âm tầm trung Oreshnik có thể tấn công bất kỳ mục tiêu nào, kể cả mục tiêu biệt lập, được bảo vệ cao.
Ông Karakayev cho biết dựa trên nhiệm vụ và tầm bắn, tên lửa này có thể tấn công các mục tiêu trên toàn châu Âu, khiến nó khác biệt so với các loại vũ khí tầm xa có độ chính xác cao khác.
Theo Tổng thống Putin, nếu được sử dụng trong một cuộc tấn công lớn vào các mục tiêu của đối phương, sức mạnh hủy diệt của tên lửa Oreshnik có thể so sánh với vũ khí hạt nhân chiến lược, đồng thời nhấn mạnh rằng không có biện pháp đối phó hiệu quả nào đối với hệ thống này.
Tổng thống Putin cho biết “cuộc xung đột khu vực ở Ukraine do phương Tây kích động đã mang tính chất toàn cầu”. Ông Putin cũng cảnh báo về phản ứng dữ dội nếu căng thẳng leo thang hơn nữa.
Tổng thống Putin hôm 19/11 đã phê chuẩn học thuyết hạt nhân sửa đổi của Nga, cho phép hạ ngưỡng răn đe hạt nhân để đáp trả một loạt cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường.
Oreshnik chỉ cần 11 phút để tiếp cận căn cứ Aegis Ashore của Mỹ
Với tốc độ Mach 10 của Oreshnik, không khó hiểu vì sao toàn bộ hệ thống phòng thủ của Mỹ và NATO không thể đánh chặn tên lửa siêu thanh này.
“Điểm độc đáo của hệ thống tên lửa Oreshnik là, thứ nhất, đây là tên lửa tầm trung – nó có thể bay tới khoảng cách từ 1.000 km đến 5.500 km – và thứ hai, nó là tên lửa siêu thanh, bay với tốc độ Mach 10”. Mach 10, hay gấp 10 lần tốc độ âm thanh, tương đương với 3 km mỗi giây. Với tốc độ này, không có một hệ thống phòng không hay phòng thủ tên lửa nào trên thế giới có khả năng đánh chặn. Theo một số ước tính, tên lửa có thể tiếp cận căn cứ tên lửa Aegis Ashore của Mỹ tại Redzikowo, Ba Lan trong vòng tám đến 11 phút.
Thế Cương