Theo RT, tên lửa Oreshnik mà Nga mới công bố đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế nói chung và phương Tây nói riêng. Vũ khí đạn đạo tầm xa siêu vượt âm này được xem là một bước tiến mới trong năng lực tên lửa của Nga, với khả năng tác động sâu rộng đến xung đột Nga – Ukraine cũng như an ninh quốc tế.
Vũ khí mới, không phải là phiên bản nâng cấp
Trái với một số nhận định ban đầu, tên lửa Oreshnik của Nga không phải là phiên bản nâng cấp của các hệ thống tên lửa từ thời Xô viết. Tên lửa tầm xa Oreshnik có khả năng gắn cả đầu đạn thông thường lẫn đầu đạn hạt nhân. Tầm bắn của tên lửa đạn đạo siêu vượt âm Oreshnik (Nga) phủ được khắp Tây Âu.
Tổng thống Nga Putin cho biết, Oreshnik là một phát triển hoàn toàn mới, dựa trên công nghệ Nga hiện đại. Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh rằng quả tên lửa này đại diện cho những nỗ lực trong khuôn khổ “nước Nga mới”, hàm ý những phát triển do Nga thực hiện sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991. Ông nói: “Nó được tạo ra trên cơ sở những phát triển hiện đại mới nhất”.
Năng lực siêu vượt âm và độ chính xác lớn
Tên lửa Oreshnik được mô tả là vũ khí chính xác cao, hoạt động tầm xa hàng ngàn km, sở hữu tốc độ siêu vượt âm (tức là có tốc độ từ 5 lần tốc độ âm thanh trở lên). Tổng thống Putin nêu rõ rằng đây tuy chưa phải là vũ khí “chiến lược” nhưng vẫn rất đáng sợ. Ông nói: “Do sức mạnh tấn công, đặc biệt là khi sử dụng ồ ạt, kết hợp với các hệ thống tầm xa chính xác cao khác, tên lửa Oreshnik sẽ tương đương vũ khí chiến lược”.
Cụ thể, Oreshnik được thiết kế để bay với vận tốc lên tới Mach 10 (khoảng 12.200km/h), tức là bằng khoảng 10 lần tốc độ âm thanh. Các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay rất khó đánh chặn tên lửa di chuyển với tốc độ lớn như vậy. Tổng thống Putin khẳng định, các hệ thống phòng thủ tên lửa của phương Tây hiện nay, kể cả những loại đang được triển khai tại Tây Âu, không đủ sức đánh chặn Oreshnik.
Tổng thống Putin tuyên bố rằng, “Chỉ vài quả Oreshnik gắn đầu đạn thường cũng có thể tạo ra sức phá hủy tương đương vũ khí hạt nhân”.
Lần sử dụng đầu tiên – phóng thử thành công và đánh trúng mục tiêu
Tên lửa Oreshnik được sử dụng lần đầu tiên là vào ngày 21/11/2024. Khi ấy, tên lửa lao chính xác vào một cơ sở công nghiệp quốc phòng của Ukraine ở thành phố Dnipro, miền trung nước này. Mục tiêu là khu phức hợp công nghiệp Yuzhmash quan trọng của Ukraine, được kế thừa từ Liên Xô và chuyên sản xuất tên lửa.
Ông Putin giải thích rằng đòn đánh vào cơ sở trên là nhằm đáp trả việc Kiev dùng tên lửa tầm xa ATACMS của Mỹ và Storm Shadow của Anh để tập kích lãnh thổ Nga.
Trước việc Mỹ và Anh gỡ rào tên lửa cho Ukraine, Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng cuộc “xung đột khu vực” tại Ukraine đã “có những yếu tố toàn cầu”, ám chỉ sự liên quan của phương Tây trên quy mô lớn.
Sản xuất đại trà và triển khai tác chiến
Sau khi Oreshnik được sử dụng lần đầu (đồng thời được thử nghiệm thành công), Nga hứa hẹn sẽ sản xuất vũ khí này trên quy mô đại trà. Tổng thống Putin xác nhận, Nga hiện đang tổ chức sản xuất hàng loạt tên lửa này và có kế hoạch đưa chúng vào biên chế của Lực lượng Tên lửa chiến lược Nga. Đây là chỉ dấu cho thấy Oreshnik sẽ trở thành bộ phận chính trong chiến lược quân sự dài hạn của Nga. Oreshnik có tiềm năng sẽ được triển khai rộng rãi trong những tháng tới.
Đáng chú ý, theo Tổng thống Putin, việc sản xuất Oreshnik dựa trên công nghệ nội địa và Moscow “đã giải quyết được các vấn đề về thay thế nhập khẩu”. Điều này có nghĩa rằng Nga có thể đã xoay sở thành công để phát triển tên lửa Oreshnik hoàn toàn dựa trên nguồn lực riêng, giảm thiểu việc phụ thuộc yếu tố nước ngoài.
Ý nghĩa chiến lược và tác động toàn cầu. Tướng Sergei Karakayev – người đứng đầu Lực lượng Tên lửa chiến lược Nga, cho biết Oreshnik có thể vươn tới khắp châu Âu.
Như vậy, đòn tập kích bằng Oreshnik vào ngày 21/11 vừa qua có lẽ không chỉ giới hạn vào xung đột Ukraine mà còn mang ẩn ý rộng lớn hơn, khiến phương Tây phải dè chừng nhiều.
Nga chưa công khai coi Oreshnik là vũ khí hủy diệt hàng loạt nhưng độ chính xác cũng như tiềm năng phá hủy của nó mang lại cho Nga lợi thế công nghệ mà ít nước khác theo kịp được vào lúc này.
Ngay sau đòn răn đe của Nga bằng Oreshnik, phương Tây đã hối thúc phải tăng cường năng lực phòng không cho Ukraine. Giới chức Ukraine đã tiếp cận Mỹ để thảo luận về việc tiếp nhận các hệ thống tiên tiến, bao gồm hệ thống phòng không Patriot và hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng cho thấy các hệ thống này đối phó hiệu quả với Oreshnik.
Thế Cương