“Bộ đội Cụ Hồ” trong kháng chiến là những người lính “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Khi Tổ quốc bị xâm lăng, những người lính Cụ Hồ luôn có mặt ở tuyến đầu trên trận tuyến chống quân thù. Nhiều người lính tuy không được vinh danh hay nhớ đến trong những câu chuyện lịch sử chính thức, nhưng họ mãi mãi xứng danh là người lính Cụ Hồ. Những hy sinh của họ thể hiện lòng dũng cảm, sự kiên cường và tình yêu với quê hương, đất nước.
Tôi còn nhớ như in câu chuyện của người cha, người lính Cụ Hồ đã từng chiến đấu tại chiến trường miền Nam kể lại những khó khăn nhất mà người lính phải đối mặt trong những năm 1972-1975, những năm cuối của chiến tranh Việt Nam.
Đối mặt với sức mạnh quân sự của Mỹ và quân đội Sài Gòn
Trong giai đoạn 1972-1975, mặc dù lực lượng Mỹ đã rút dần khỏi chiến trường sau Hiệp định Paris (1973), nhưng quân đội ngụy quyền Sài Gòn vẫn còn được hỗ trợ mạnh mẽ về vũ khí, trang thiết bị và huấn luyện của Mỹ. Bộ đội Việt Nam phải đối mặt với các vũ khí hiện đại của đối phương, bao gồm máy bay, pháo binh, xe tăng, và các hệ thống vũ khí hiện đại. Các cuộc tấn công của Mỹ, Ngụy dù giảm bớt, nhưng vẫn có ảnh hưởng lớn, đặc biệt là chiến dịch “Linebacker” (1972) – chiến dịch ném bom quy mô lớn vào miền Bắc và miền Nam Việt Nam.
Điều kiện chiến đấu khắc nghiệt
Bộ đội Việt Nam chiến đấu trong điều kiện địa hình rừng núi, đồng bằng trũng, và thành thị bị tàn phá. Đặc biệt, trong giai đoạn 1972-1975, khi các trận chiến diễn ra trong mùa mưa dài và tàn khốc, bộ đội phải chịu đựng các cơn mưa lớn, ngập lụt, điều kiện giao thông khó khăn, và thiếu thốn lương thực, nước uống sạch. Các trận chiến ác liệt, có cả những mất mát và hy sinh rất lớn ở Quảng Trị, Huế, hay các khu vực Tây Nguyên là minh chứng rõ ràng cho gian khổ này. Trong giai đoạn này, bộ đội Việt Nam phải đối mặt với những tổn thất nặng nề, đặc biệt trong các chiến dịch tấn công lớn như chiến dịch “Mùa hè đỏ lửa” 1972, chiến dịch Tây Nguyên và các trận đánh ở Sài Gòn (1975).
Những tổn thất này không chỉ là về quân số mà còn về tinh thần, khi chiến sĩ phải hy sinh trong những trận đánh ác liệt. Có những đêm hành quân trong rừng sâu, chứng kiến những đồng đội hy sinh vì bom Mỹ, vì bệnh tật đôi lúc cũng ảnh hưởng đến tinh thần người lính. Bản thân ông, người kể chuyện cũng rùng mình khi hồi tưởng lại những ký ức đó và ông cũng phải nhiều lần dùng thuốc an thần do nhà nước cấp hàng tháng để làm lu mờ đi nỗi ám ảnh của chiến tranh.
Sự khan hiếm về lương thực và vật tư chiến tranh
Dù bộ đội Việt Nam có tinh thần kiên cường, nhưng trong chiến tranh, thiếu thốn lương thực và vật tư chiến tranh là một thách thức lớn. Việc cắt đứt tuyến đường tiếp tế từ miền Bắc, cùng với các cuộc không kích của Mỹ nhằm phá hủy cơ sở vật chất và giao thông vận tải, khiến cho bộ đội không thể duy trì đủ lượng lương thực, thuốc men và đạn dược cần thiết. Việc di chuyển qua những khu vực bị địch kiểm soát hay bị phá hủy làm cho việc tiếp tế càng thêm khó khăn. Nhiều hôm các ông phải ăn rau rừng, bắt cá sông, ăn trái cây qua ngày, tiết kiệm từng giọt nước sạch để tránh sốt rét. Nhiều người hy sinh do ốm sốt rét, đi ngoài và đói…Kể đến đây ông nghẹn ngào nhớ đến những người đồng đội đã hy sinh và đọc tên những người bạn cùng Tiểu đội sống sót được trở về.
Sự tàn phá của bom mìn và các vũ khí hóa học
Bộ đội Việt Nam còn phải đối mặt với sự tàn phá của bom mìn, chất độc hóa học như chất da cam mà Mỹ sử dụng, gây ra tổn thương lâu dài cho môi trường và sức khỏe của các chiến sĩ. Việc chiến đấu trong môi trường bị ô nhiễm hóa chất khiến cho nhiều chiến sĩ phải gánh chịu hậu quả lâu dài, dù họ đã hoàn thành nhiệm vụ trong chiến tranh. Khi trở về họ lấy vợ, sinh con nhưng nhiều gia đình có con dị tật do chất độc màu da cam rất thương tâm, nỗi đau thể xác chưa lành, ám ảnh chiến tranh chưa hết họ lại phải chịu nỗi đau về tinh thần.
Chiến đấu với sự hạn chế về thông tin
Các chiến sĩ bộ đội Việt Nam trong giai đoạn này phải chiến đấu với sự hạn chế về thông tin. Chính quyền ngụy Sài Gòn và Mỹ cố gắng duy trì các chiến dịch tuyên truyền, nhưng bộ đội Việt Nam không có đủ các phương tiện để tiếp cận thông tin. Điều này tạo ra sự khó khăn trong việc đối phó với những thay đổi chiến lược và chiến thuật của đối phương. Bên cạnh đó nỗi nhớ nhà, nhớ bố mẹ, anh chị em và người thân ở quê nhà không làm sao gửi được lá thư về nhà và nhận được thư ở quê nhà gửi đến. Ông kể từ cuối năm 1974 cho đến 30/4/1975 gia đình tưởng rằng ông đã hy sinh, người mẹ già khóc hết nước mắt ngóng tin con trở về nhưng người cha của ông thì vẫn có một niềm tin là con còn sống và luôn động viên người mẹ “nhà có mỗi nó là con trai nối dõi chắc các cụ sẽ che chở cho nó sống sót trở về”. May mắn hơn những đồng đội nằm lại ở chiến trường, ông đã trở về nhà. Ông kể, lúc giải phóng miền Nam sau ngày 30/4/1975 đơn vị ông được ra Nha Trang ăn dưỡng và được lãnh đạo cử đi học lớp đào tạo sĩ quan tại Đà Lạt nhưng ông kiên quyết xin về quê làm ruộng vì lý do nhà có một mình ông là con trai và gia đình còn chưa nhận được tin ông sau gần 5 tháng, sợ ở nhà tưởng đã hy sinh.
Qua câu chuyện của người cha tôi thấy sự kiên cường và tinh thần bất khuất của những người lính cụ Hồ rất đáng để các thế hệ trẻ được tự hào, trân trọng, biết ơn sự hy sinh thầm lặng của những người lính xả thân vì Tổ quốc để có cuộc sống hòa bình ngày hôm nay. Mặc dù các chiến sĩ phải chịu đựng rất nhiều khó khăn về vật chất và tinh thần, nhưng sự kiên cường của bộ đội Việt Nam vẫn là yếu tố quyết định. Họ luôn giữ vững tinh thần chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng độc lập và tự do của dân tộc. Việc duy trì niềm tin vào chiến thắng và sự ủng hộ của Nhân dân miền Nam cũng là một động lực lớn tác động tích cực đến tinh thần các chiến sĩ.
Tất cả những khó khăn, gian khổ này đã thử thách và rèn luyện bộ đội Việt Nam, góp phần không nhỏ vào chiến thắng cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sự hy sinh, dũng cảm, và sự kiên cường của các chiến sĩ trong giai đoạn 1972-1975 là những hình ảnh đầy tự hào và là minh chứng cho lòng yêu nước và tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam.
Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước có biết bao người lính chiến đấu hy sinh thầm lặng, khi hòa bình họ xuất ngũ trở về âm thầm lao động, sản xuất để sống và chăm lo cho gia đình. Biết rằng khi đất nước còn nghèo thì những người lính trực tiếp tham gia chiến đấu trên các chiến trường đã chiến thắng trở về không có chế độ, không đòi hỏi gì xã hội bù đắp những hy sinh thầm lặng vì đây là nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ của công dân đối với Tổ quốc. Tuy nhiên chúng ta luôn nhớ đến công lao của họ và tôn vinh “những người lính cụ Hồ đã chiến đấu thầm lặng xả thân vì Tổ quốc” trong dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12/1944-22/12/2024.
TS. Phùng Văn Hảo