Chủ Nhật, Tháng mười hai 22, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Quảng Ninh nỗ lực nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân nông thôn, miền núi, biên giới

ĐNA -

Triển khai Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025”, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã tập trung lồng ghép các chương trình của tỉnh, địa phương để đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa- thể thao, tạo mạng lưới thiết chế văn hóa toàn diện.

Cảnh một đám rước theo nghi thức truyền thống tại Lễ hội Tiên công ở Thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Internet)

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bên cạnh việc nâng cao đời sống vật chất, người dân khu vực nông thôn ngày càng được quan tâm đến đời sống văn hóa, tinh thần. Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi, giải trí ở các thôn, bản ngày càng sôi nổi. Nhiều mô hình câu lạc bộ được củng cố, nhân rộng, hoạt động hiệu quả, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Các đơn vị, địa phương trong tỉnh nỗ lực đầu tư, tạo mạng lưới thiết chế văn hóa toàn diện. Cùng với hệ thống thiết chế Bảo tàng, Thư viện tỉnh, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm, Khu Liên hợp Thể thao tỉnh; tại 13/13 địa phương cấp huyện có thư viện, cơ bản có cơ sở vật chất trung tâm văn hóa thể thao; nhà văn hóa xã, thôn, khu được đầu tư, nâng cấp đảm bảo duy trì các hoạt động. Ở nhiều điểm công cộng, khu vực công viên được lắp đặt dụng cụ thể dục thể thao phục vụ nhu cầu tập luyện hằng ngày của người dân.

Các thiết chế văn hóa- thể thao nhìn chung được sử dụng hiệu quả. Đến nay, tỷ lệ 50% người dân tham gia các hoạt động tại trung tâm văn hóa, thể thao; 40% tham gia luyện tập thể thao; có từ 2-5 câu lạc bộ hoạt động thường xuyên tại các nhà văn hóa (các bộ môn phổ biến là bóng đá, cầu lông, bóng chuyền hơi, võ thuật…).

Môi trường cảnh quan nông thôn ngày càng được quan tâm từ các phong trào, chương trình, kế hoạch. Trong năm 2024, Mặt trận tổ quốc các cấp đã vận động, hỗ trợ cải thiện chất lượng 86 nhà ở; xây mới 20 nhà tiêu hợp vệ sinh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh, tổng kinh phí 16,2 tỷ đồng. Đồng thời, duy trì các mô hình xây dựng cuộc sống văn minh, hiện đại ngay khu vực nông nghiệp, nông thôn, như chỉnh trang cảnh quan, môi trường sáng – xanh – sạch – đẹp, xây dựng những tuyến đường hoa, cây bóng mát… Năm 2024, toàn tỉnh có thêm 83 thôn đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số 543/649 thôn đạt chuẩn nông thôn mới (84%). Trong đó, 3 địa phương là huyện Cô Tô, TP Uông Bí, TP Cẩm Phả có 100% thôn đạt chuẩn nông thôn mới.

Công tác bảo tồn giá trị văn hóa được tỉnh đặc biệt quan tâm gắn với thực hiện chủ đề công tác nănm 2024 về “Nâng cao chất lượng đời sống nhân dân”. Đến nay toàn tỉnh có 630 di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh. Các di tích được quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị, trong đó nhiều di tích được bảo tồn gắn với tổ chức các lễ hội truyền thống trên địa bàn, thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân, du khách. Đặc biệt tiếp tục tổ chức xây dựng, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa 4 làng dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng khu vực miền núi tỉnh giai đoạn 2023-2035, bao gồm: Làng Người Tày ở Bản Cáu, xã Lục Hồn; Làng người Sán Chỉ tại thôn Lục Ngù, xã Húc Động (đều huyện Bình Liêu); Làng người Dao Thanh Y thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn (TP Móng Cái); Làng người Sán Dìu xã Bình Dân (huyện Vân Đồn).

3 địa phương trên tích cực khôi phục, bảo tồn nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội đặc sắc tại các địa phương. TP Móng Cái lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Làng văn hóa du lịch cộng đồng tại thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn; phục dựng chợ phiên Pò Hèn, bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch thông qua Lễ hội hoa sim biên giới tại xã Hải Sơn, tổ chức thi đấu thể thao và các trò chơi dân gian, thi trang điểm cô dâu dân tộc Dao trong lễ hội…

Huyện Vân Đồn lập hồ sơ tư vấn xây dựng công trình Dự án làng văn hóa dân tộc Sán Dìu; ban hành Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc Sán Dìu huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh”; xây dựng Nhà truyền thống dân tộc Sán Dìu tại xã Bình Dân, là nơi để người Sán Dìu phát huy tốt nhất các giá trị văn hóa của dân tộc mình…

Huyện Bình Liêu lập danh mục công cụ lao động sản xuất, dụng cụ sinh hoạt truyền thống của người Tày, người Sán Chỉ; khảo sát và lập danh sách các hộ gia đình thôn Bản Cáu, thôn Lục Ngù và vùng phụ cận có khả năng, nhu cầu khôi phục nhà ở truyền thống, khôi phục nghề truyền thống; phục dựng nghi lễ cầu mùa, cầu may của người Sán Chỉ tại thôn Lục Ngù; nghi lễ lấy nước đầu năm của người Tày thôn Bản Cáu; xây dựng cuốn sách Học tiếng Tày Bình Liêu…

Các làn điệu hát then của người Tày ở huyện Bình Liêu được bảo tồn, phát triển. (Ảnh: Internet)

Mô hình câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ quần chúng phát triển mạnh tại các địa phương, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc, vùng nông thôn, miền núi. Điển hình là các câu lạc bộ: Hát then, háy giao duyên, hát soóng cọ, hát cấp sắc ở Bình Liêu, Tiên Yên, Hải Hà, Ba Chẽ, Hạ Long…; thêu trang phục, văn nghệ dân gian (Hải Hà); hát dân ca Sán Chay (Uông Bí); hát Soọng cô (Vân Đồn)… Nhiều địa phương còn duy trì mở lớp phục dựng các nghi lễ, nghề truyền thống, như: Truyền dạy lễ cấp sắc dân tộc Dao, lớp dạy nghề thêu thủ công dân tộc Dao Thanh Y, Dao Thanh Phán…

Thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian… được các địa phương duy trì đã góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nông thôn, miền núi, biên giới của tỉnh Quảng Ninh.

Sơn Nguyễn