Thứ hai, Tháng mười hai 23, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Dù tuyên bố giảm phụ thuộc khí đốt Nga nhưng EU vẫn nhập khẩu LNG từ Nga ở mức cao kỷ lục trong năm 2024



ĐNA -

Tờ Financial Times đưa tin, theo dữ liệu từ công ty phân tích hàng hóa Kpler, tính đến giữa tháng 12/2024, Liên minh châu Âu (EU) đã nhập khẩu 16,5 triệu tấn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga vượt qua con số 15,18 triệu tấn của năm 2023 và phá kỷ lục 15,21 triệu tấn vào năm 2022. Điều này đi ngược với mục tiêu của EU là chấm dứt nhập khẩu hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch từ Nga vào năm 2027.

Từ tháng 1 đến giữa tháng 12/2024, EU nhập khẩu 16,5 triệu tấn LNG từ Nga. Ảnh: Viện Phân tích tài chính và kinh tế năng lượng (IEEFA)

Mặc dù EU đặt mục tiêu giảm phụ thuộc khí đốt Nga nhưng vẫn phải nhập khẩu LNG của Mátxcơva. Ảnh: Ủy ban châu Âu

“Điều này thật đáng ngạc nhiên” – bà Ana Maria Jaller-Makarewicz, nhà phân tích tại Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA), nhận định. “Thay vì giảm dần, chúng ta lại đang tăng lượng nhập LNG từ Nga”. Điều này đi ngược với mục tiêu của EU là chấm dứt nhập khẩu hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch từ Nga vào năm 2027.

Dù EU đã cấm nhập khẩu dầu và than Nga, đồng thời giảm đáng kể khí đốt qua đường ống, LNG Nga vẫn được phép nhập khẩu. Hiện tại, 20% lượng LNG nhập khẩu qua đường biển của EU có nguồn gốc từ Nga, tăng từ 15% vào năm 2023.

Một phần lý do là giá LNG từ Nga thấp hơn đáng kể so với nguồn từ Mỹ. Theo Christoph Halser, nhà phân tích khí đốt tại Rystad Energy, LNG từ trạm Yamal của Nga có giá thấp hơn nhiều so với các lô hàng tương tự từ Mỹ.

Bên cạnh đó, các giao dịch LNG trên thị trường giao ngay cũng tăng lên, chiếm 33% lượng LNG Nga nhập vào EU năm nay, so với 23% vào năm trước.

Pháp và Bỉ dẫn đầu nhập khẩu LNG Nga. Nhập khẩu LNG từ Nga vào Pháp tăng gấp đôi so với năm 2023, với hơn một nửa các lô hàng được chuyển đến cảng Dunkirk. Các công ty như EDF và TotalEnergies tiếp tục sử dụng cơ sở hạ tầng tại đây.

Trong khi đó, cảng Zeebrugge ở Bỉ đóng vai trò then chốt trong việc vận chuyển LNG từ các tàu phá băng đến các tàu thường để tiếp tục hành trình.

EU đã thông qua lệnh cấm chuyển LNG Nga từ Yamal đến các nước ngoài EU, dự kiến có hiệu lực từ tháng 3.2025.

Ông Dan Jørgensen, ủy viên năng lượng mới của EU, cam kết sẽ trình bày kế hoạch vào năm tới nhằm đạt mục tiêu cắt giảm nhiên liệu Nga vào năm 2027. Tuy nhiên, với việc giá LNG từ Nga rẻ hơn và nguồn cung cấp ổn định hơn, EU vẫn phải đối mặt với bài toán khó: đảm bảo an ninh năng lượng nhưng không phụ thuộc vào Nga.

Ngoài ra, áp lực từ Mỹ cũng gia tăng khi Tổng thống đắc cử Donald Trump đe dọa áp thuế thương mại nếu EU không tăng mạnh nhập khẩu dầu và khí đốt từ Mỹ.

Việc nhập khẩu LNG từ Nga tăng kỷ lục cho thấy sự căng thẳng giữa nhu cầu thực tế và cam kết chính trị của EU. Trong khi đó, LNG Nga vẫn là một bài toán đầy thách thức trên bàn cân của châu Âu.

Minh Anh