(Đà Nẵng). Ngày 30/12/2024, Đại học Đà Nẵng đã tổ chức tổng kết công tác tiếp nhận, quản lý, đào tạo sinh viên quốc tế; đánh giá lại các chính sách thu hút sinh viên quốc tế theo xu hướng kết nối phát triển bền vững, cùng chương trình gặp mặt, giao lưu sinh viên quốc tế – Kết nối phát triển bền vững và chào năm mới 2025.
Được trải nghiệm văn hóa Việt Nam một cách sống động và sâu sắc.
Anh HO CHI KO (tên tiếng Việt là Hồ Văn Huy), hiện là sinh viên quốc tế của Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng, cho biết: Điều đầu tiên, tôi vô cùng ấn tượng với chương trình giảng dạy và tinh thần hỗ trợ của Nhà trường, đặc biệt là sự hỗ trợ của các thầy cô đến từ Văn phòng Hợp tác quốc tế.
Các Giảng viên tại đây (Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng), không chỉ là những người thầy cô tận tâm, mà còn là những người bạn đồng hành, luôn sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ chúng tôi vượt qua khó khăn trong việc học tiếng Việt – một ngôn ngữ tuy thử thách nhưng cũng đầy thú vị.
Phương pháp giảng dạy hiện đại, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, giúp tôi không chỉ hiểu ngôn ngữ mà còn sử dụng thành thạo trong giao tiếp hàng ngày. Không gian học tập thân thiện và môi trường quốc tế đã tạo điều kiện cho tôi kết nối với nhiều bạn bè đến từ các quốc gia khác nhau. Qua đó, tôi không chỉ học tiếng Việt mà còn cảm nhận được tinh thần gắn kết, sẻ chia và sự quan tâm của Nhà trường đối với sinh viên quốc tế.
Từ những bài học đầu tiên, tôi không chỉ được học ngôn ngữ mà còn được trải nghiệm văn hóa Việt Nam tại Nhà trường một cách sống động và sâu sắc. Đây là những cảm nhận của tôi qua những trải nghiệm của bản thân, trong suốt thời gian học tập tại Trường”.
Động lực quan trọng cho phát triển và hội nhập, góp phần tạo dựng uy tín, xếp hạng chất lượng
“Thực hiện chiến lược phát triển Đại học Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn 2035, Đại học Đà Nẵng và các trường đại học thành viên, đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác, phát triển các chương trình đào tạo đa dạng, mang tính hội nhập quốc tế cao, thu hút sinh viên quốc tế đến học tập, nghiên cứu tại, tạo môi trường hội nhập năng động và sáng tạo. Sinh viên quốc tế đến học tập – nghiên cứu, trở thành động lực quan trọng cho phát triển và hội nhập, góp phần tạo dựng uy tín, xếp hạng chất lượng toàn Đại học Đà Nẵng.
Đại học Đà Nẵng và các trường thành viên, đã và đang là điểm đến tin cậy của sinh viên quốc tế với các chương trình đào tạo hệ chính qui trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ ; thực tập, khảo sát và nghiên cứu ; trao đổi đào tạo ngắn hạn (dưới 12 tháng), giao lưu văn hóa; Chương trình dự bị tiếng Việt và các chương trình tiếng Việt ngắn hạn”, PGS.TS Lê Quang Sơn – Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết.
Năm học 2023-2024, Đại học Đà Nẵng tiếp nhận và đào tạo là 502 sinh viên quốc tế, (thuộc 19 quốc tịch), (tăng hơn 30% so với năm học 2022-2023 với số lượng là 372 sinh viên). Nếu tính cả số sinh viên quốc tế theo học ngắn hạn, năm học vừa qua, Đại học Đà Nẵng tiếp nhận và đào tạo là 860 sinh viên quốc tế.
“Ngoài tiếp nhận sinh viên quốc tế, trong khuôn khổ chương trình đào tạo dài hạn, nếu tính những chương trình ngắn hạn, trên cơ sở thỏa thuận hợp tác, ký kết giữa Đại học Đà Nẵng và các đối tác nước ngoài, như trao đổi, thực tập, giao lưu văn hóa, đào tạo ngắn hạn (dưới 1 năm), toàn Đại học Đà Nẵng đã tiếp nhận trên 1.000 sinh viên quốc tế, đến từ 24 quốc gia trên thế giới, trong đó chủ yếu là sinh viên quốc tế đến từ Lào, Trung Quốc, Nigeria, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Venezuela, Lithuania…. Sự gia tăng về quốc tịch với gần như các châu lục trên thế giới góp phần thúc đẩy, quảng bá hình ảnh Đại học Đà Nẵng, đến các cơ sở giáo dục, thúc đẩy quốc tế hoá giáo dục đại học, hội nhập quốc tế”, Thạc sĩ Hồ Lộng Ngọc – Phó Trưởng ban Khoa học và Hợp tác quốc tế, nhấn mạnh.
Trong các trường thành viên Đại học Đà Nẵng; Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Ngoại ngữ là 2 “địa chỉ” uy tín, trong đào tạo tiếng Việt cho người nước ngoài. Trường Đại học Sư phạm, trong giai đoạn 2020-2024, tiếp nhận 591 sinh viên quốc tế học tập các chương trình tiếng Việt (thời gian đào tạo 1 năm và nhận Chứng chỉ tiếng Việt dành cho người nước ngoài). Trường Đại học Sư phạm cũng dẫn đầu tỷ lệ sinh viên quốc tế (đến từ 23 quốc gia) tham gia các khóa học tập ngắn hạn.
Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn, Viện DNIIT xây dựng và triển khai các chương trình thực tập kéo dài từ 2 đến 4 tháng. Sinh viên quốc tế, đa phần đến từ Cộng hòa Pháp, có cơ hội thực tập, làm việc chuyên môn và tham gia vào nhiều dự án thực tế. Đây là tín hiệu tích cực từ cách đổi mới, trong xây dựng chương trình tiếp nhận sinh viên quốc tế ngắn hạn, sao cho hấp dẫn hơn, thu hút nhiều hơn sinh viên quốc tế.
Các đơn vị trực thuộc Đại học Đà Nẵng cho biết, vẫn luôn duy trì công tác tiếp nhận sinh viên quốc tế dưới các hình thức trao đổi ngắn hạn (giao lưu văn hóa và trao đổi kỹ thuật), thời gian từ 1 tuần đến 10 tuần, qua một số mô hình có tính bền vững nhiều năm và đã có những thành công nhất định. Trường Đại học Bách khoa tiếp nhận sinh viên đến từ Trường Singapore Polytechnic (SP), thông qua dự án Learning Express (LEX); Viện VNUK tiếp nhận sinh viên Na Uy đến học tập và trải nghiệm trong khuôn khổ chương trình Kulturstudier – Tìm hiểu Văn hóa và Kinh tế Phát triển tại Việt Nam. Mục tiêu chương trình là làm giàu các trải nghiệm đa văn hóa và trang bị các kỹ năng để hội nhập môi trường làm việc toàn cầu; Trung tâm Nhật Bản tiếp nhận gần 100 SV Nhật Bản từ các Đại học quốc tế Kansai, Đại học Ritsumeikan và Đại học Meiji Gakuin.
“Sinh viên quốc tế, đặc biệt là các bạn Lưu HS Lào, sau khi tốt nghiệp về nước, đã được phân công, bố trí công tác tại các cơ quan, đơn vị, bộ phận, và nắm giữ các vị trí quan trọng. Các bạn đã góp phần tích cực trong giữ gìn, bảo vệ, vun đắp, phát huy truyền thống quan hệ hữu nghị Việt-Lào”, Thạc sĩ Hồ Lộng Ngọc – Phó Trưởng ban Khoa học và Hợp tác quốc tế.
Hội nhập quốc tế của giáo dục Việt Nam diễn ra ngày càng sâu rộng, đem lại những thành tựu đáng kể trong hiện đại hoá, quốc tế, hoá hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Cùng với đẩy mạnh hợp tác nhà trường-doanh nghiệp; công tác đào tạo sinh viên quốc tế được xem là một trong những nội dung chiến lược.
Hợp tác nhà trường-doanh nghiệp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bám sát nhu cầu thực tế của thị trường lao động và giúp tối đa hóa nguồn lực. Còn đào tạo sinh viên quốc tế, góp phần tạo dựng uy tín, xếp hạng chất lượng, hình thành môi trường quốc tế cho các cơ sở giáo dục đại học, góp phần lan tỏa bản sắc và các giá trị văn hoá vùng, miền của đất nước.
Sinh viên quốc tế tại Đại học Đà Nẵng đến từ 24 quốc gia. Ảnh: T.Ngọc.
Theo Thạc sĩ Hồ Lộng Ngọc – Phó Trưởng ban Khoa học và Hợp tác quốc tế, trong tất cả các bảng xếp hạng đại học của thế giới, chỉ số sinh viên quốc tế luôn là tiêu chí rất quan trọng. Đại học, trường đại học có xếp hạng quốc tế cao, cũng chính là những nơi thu hút đông sinh viên quốc tế nhất và đa dạng quốc tịch nhất.
Để thu hút sinh viên quốc tế, các trường đại học thành viên Đại học Đà Nẵng cần cử cán bộ phụ trách (chuyên trách, kiêm nhiệm) Lưu HS tại các Khoa, Phòng, bảo đảm đội ngũ cố vấn học tập, tăng cường tính chuyên nghiệp và trách nhiệm. Kể cả tuyển dụng và quản lý tốt, mô hình Câu lạc bộ “Buddy”, bao gồm tình nguyện viên từ các khoa, câu lạc bộ trong trường, có sự phân công chặt chẽ trong hỗ trợ sinh viên quốc tế khi họ còn chưa sang Việt Nam, cho đến hoàn thành khóa học, trở về nước.
“Định hướng kế hoạch sắp đến, Đại học Đà Nẵng sẽ có các đợt tư vấn tuyển sinh Lào, Campuchia, giới thiệu năng lực đào tạo của các trường đại học, cơ sở giáo dục thành viên” – TS Đinh Thị Mỹ Hạnh, Trưởng ban công tác HSSV, cho biết.
Tối đa hóa nguồn lực từ thành quả hợp tác quốc tế
Trong khuôn khổ chương trình, Công ty MyTeam (Úc) đã (lần đầu tiên), trao học bổng, tiếp thêm động lực cho 7 sinh viên xuất sắc của Đại học Đà Nẵng, động viên các em không ngừng vượt khó, vươn lên trong học tập, rèn luyện. Có 7 suất học bổng được trao gồm: 3 suất toàn phần và 1 suất hỗ trợ đặc biệt, trị giá 1.750 AUD ; 3 suất bán phần, trị giá 875 AUD.
Được biết thời gian qua, Công ty MyTeam cũng đã tuyển dụng được nhiều sinh viên tốt nghiệp các trường thành viên của Đại học Đà Nẵng gồm Trường Đại học Bách khoa, Đại học Kinh tế, Đại học Ngoại ngữ. Các bạn đã trở thành những cán bộ, nhân sự nòng cốt của MyTeam, góp phần tăng cường nguồn lực cho doanh nghiệp.
Lãnh đạo Ban công tác HSSV và ban Khoa học và Hợp tác quốc tế tri ân ông Adrian Fraser Robertson và MyTeam; ông Adrian Fraser Robertson và lãnh đạo ban Khoa học và Hợp tác quốc tế trao học bổng cho các bạn sinh viên diển hình vượt khó. Ảnh: T.Ngọc.
Chất lượng đào tạo của các Trường đã mang lại niềm tin cho doanh nghiệp, mong muốn hợp tác hướng tới lâu dài nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực. Đây cũng là chia sẻ của đại diện phía MyTeam tại buổi làm việc và ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác chung (ngày 22/3/2024), giữa Đại học Đà Nẵng (đại diện là PGS.TS. Lê Quang Sơn-Phó Giám đốc) cùng Công ty MyTeam (đại diện là ông Adrian Fraser Robertson-Giám đốc điều hành). Đề xuất công ty xem xét cấp học bổng cho sinh viên, là một trong những nội dung lãnh đạo Đại học Đà Nẵng, gửi đến MyTeam.
“Với tôi, giáo dục mang sứ mệnh cứu cánh cho mỗi hoàn cảnh, làm thay đổi cuộc đời. MyTeam đồng hành cùng các bạn sinh viên, mong muốn việc học của các bạn diễn ra thật trọn vẹn. Chặng đường phía trước của mỗi bạn sinh viên đều không hề dễ dàng. Các bạn hãy cố gắng nhiều hơn, tự tin nhiều hơn. Chung quanh các bạn, còn có nhiều tấm lòng và sự quan tâm luôn dành cho các bạn” – Ông Adrian Fraser Robertson – Giám đốc điều hành Công ty MyTeam chia sẻ, gửi gắm./.
Trần Ngọc