Thứ ba, Tháng Một 7, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Cơ hội và thách thức đối với thành phố Huế trực thuộc trung ương với tư cách là một đô thị di sản

Chào mừng Huế là thành phố thứ 6 trực thuộc trung ương từ ngày 01/01/2025

ĐNA -

Từ ngày 1/1/2025, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chính thức trở thành Thành phố trực thuộc trung ương. Huế sẽ là thành phố đầu tiên của Việt Nam chọn con đường dựa trên nền tảng của văn hóa, di sản để phát triển và phát triển theo mô hình một “đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh”. Đây là một sự lựa chọn đúng đắn và Huế đang có cơ hội rất lớn đất để phát triển mà vẫn bảo vệ được bản sắc độc đáo của mình. Tuy nhiên, lựa chọn mô hình Đô thị di sản để phát triển, Huế sẽ gặp rất nhiều khó khăn thách thức phải vượt qua. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi xin nêu một số cơ hội và khó khăn thách thức đồng thời đề xuất một số giải pháp để khắc phục và giải quyết.

Chủ tịch thành phố Huế Nguyễn Văn Phương đón đoàn du khách quốc tế đầu tiên vào ngày 1/1/2025.

Cơ hội lớn cho Huế để cất cánh
Trước hết, đó là cơ hội được đầu tư để có thể khai thác, phát huy hiệu quả những tiềm năng to lớn mà thành phố Huế đang may mắn được sở hữu.

Với diện tích 4.947,11km2, địa hình đa dạng phong phú, diện tích che phủ rừng chiếm đến hơn 57%, trong đó có cả là rừng quốc gia Bạch Mã với hệ động thực vật rất phong phú. Huế lại có bờ biển dài 128km với nhiều vịnh đẹp, cảng nước sâu như Chân Mây- Lăng Cô; hệ đầm phá Tam Giang- Cầu Hai rộng gần 22000 ha, lớn nhất Đông Nam Á; sông Hương là một trong những dòng sông đẹp nhất trên thế giới… Bên cạnh đó Huế cũng là vùng đất có lịch sử lâu đời, với vị thế đặc biệt, từng là thủ phủ của các chúa Nguyễn hàng trăm năm, kinh đô dưới hai triều đại Tây Sơn và triều Nguyễn kéo dài hơn 150 năm. Vì thế, Huế là địa phương hiện đang sở hữu đến 8 di sản thế giới, 03 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích cấp quốc gia, 101 di tích cấp tỉnh cùng 205 di tích, danh thắng đã đưa vào danh mục kiểm kê. Về di sản phi vật thể thì Huế có đến 520 lễ hội đang được tổ chức thường xuyên; một di sản ẩm thực phong phú với hàng nghìn món ăn cung đình và dân gian; một hệ thống làng nghề thủ công truyền thống đa dạng trong đó có những nghề nổi tiếng như may đo áo dài, dệt Dèng… đã được đưa vào Danh mục quốc gia về Di sản phi vật thể. Có thể nói, kho tàng di sản tự nhiên và di sản văn hóa của Huế là vô cùng phong phú, nếu có thể khai thác, phát huy hết tiềm năng thì sẽ trở thành một nguồn lực to lớn để Huế phát triển nhanh, bền vững mà vẫn giữ được bản sắc riêng có.

Trở thành thành phố trực thuộc trung ương, Huế sẽ chủ động đề xuất xây dựng những cơ chế chính sách đặc thù để có thể khai thác, phát huy hiệu quả nhất nguồn lực đặc biệt về di sản để phát triển, đồng thời vẫn bảo vệ được môi trường tự nhiên xanh, sạch, thân thiện, là mục tiêu mơ ước của rất nhiều đô thị lớn trên thế giới hiện nay.

Hội thảo khoa học cấp quốc gia về phát huy gía trị âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch.

Những khó khăn, thách thức đối với đô thị di sản Huế
Luôn được xem là một trong những vùng đất bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa di sản, nhưng thực tế hiện nay Huế vẫn đang phải đối mặt với nhiều, khó khăn, thách thức, mà cụ thể là:

Thứ nhất, việc bảo tồn và phát huy những giá trị cốt lõi của văn hóa Huế, di sản Huế là các hệ giá trị Văn hóa-Con người Huế đang gặp rất nhiều thử thách. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và thời đại công nghệ, thời đại số, việc gìn giữ bảo vệ bản sắc văn hóa riêng luôn gặp rất nhiều khó khăn; bên cạnh đó, làm sao để phát triển hài hòa để các hệ giá trị đó tương thích với bối cảnh đương đại và thực sự trở thành chỗ dựa, thành nguồn lực cho sự phát triển sẽ là những thách thức rất lớn đòi hỏi phải có tầm nhìn chiến lược và những giải pháp phù hợp để xử lý.

Thứ hai, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển đô thị, nhưng hiện nay, dù quy hoạch chung tỉnh Thừa Thiên Huế và quy hoạch phát triển đô thị Thừa Thiên Huế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì quy hoạch quần thể di tích cố đô Huế vẫn chưa hoàn thiện và chưa được phê duyệt.

Công tác quy hoạch và đầu tư, quản lý khai thác các di tích dù đã được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp với yêu cầu thực tế đặt ra, một số di tích (nhất là những di tích ngoài quần thể di tích cố đô) đã và đang bị xuống cấp, biến dạng hoặc bị bỏ quên nhường chỗ để phát triển đô thị, kinh doanh dịch vụ.

Lễ hội đền Huyền Trân.

Thứ ba, vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vẫn chưa có sức hút đối với các nhà đầu tư; xã hội hoá về công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa còn có tỉ lệ thấp. Một số cơ chế, quy định pháp luật nhà nước chưa thật sự phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước nói chung, và của địa phương nói riêng. Những tác động tiêu cực do hoạt động của con người gây ra xuất phát từ áp lực của sự phát triển kinh tế, tốc độ đô thị hóa, nhu cầu cuộc sống hiện đại cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản Cố đô Huế.

Thứ tư, tiến độ triển khai các công trình, dự án trong lĩnh vực văn hóa, di sản nhìn chung vẫn chưa đạt yêu cầu về thời gian; nhiều hạng mục quan trọng, cấp thiết cần được triển khai nhưng do chưa xác định được nguồn vốn nên vẫn chưa được bó trí thực hiện một cách kịp thời. Nhu cầu vốn đầu tư cho công tác bảo tồn, tôn tạo di sản văn hóa hiện nay là rất lớn, song khả năng cân đối hằng năm từ ngân sách các cấp còn thấp, đồng thời địa phương không đảm bảo nguồn vốn để trùng tu, bảo tồn kịp thời các công trình xuống cấp bức thiết, đặc biệt các di tích ngoài quần thể di tích cố đô.

Thứ năm, việc bảo tồn, phát huy di sản một cách bền vững phải gắn liền với việc bảo tồn bền vững môi trường tự nhiên, xã hội, nhưng việc quy hoạch và xử lý nhiều vấn đề về môi trường tự nhiên, xã hội của Thừa Thiên Huế còn gặp rất nhiều khó khăn do mật độ các di tích rất cao, quy mô nhiều di tích rất lớn, tình trạng đông đảo người dân sống trong vùng di tích rất phổ biến. Trong thời gian qua, mặc dù Thừa Thiên Huế đã có những dự án rất lớn để di dời dân cư ra khỏi vùng lõi khu di sản Kinh thành và một số di tích quan trọng khác, nhưng kết quả đạt được vẫn còn khá khiêm tốn. Bên cạnh đó việc tái tạo môi trường tự nhiên như thủy hệ Kinh thành, trồng rừng và các loài thực vật bản địa gắn liền với địa bàn các khu di tích vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Thứ sáu, việc khai thác thế mạnh các giá trị của di sản Cố đô Huế để phát triển chưa thực sự đạt được hiệu quả cao nhất, sản phẩm vẫn còn khá nghèo nàn, chưa tạo ra sự tương tác cho du khách để trải nghiệm. Nguồn thu từ các dịch vụ tại các công trình di sản văn hóa chưa cao, thiếu các sản phẩm chủ lực, hàng lưu niệm đặc trưng, phần lớn mới chỉ tập trung vào khai thác các giá trị di sản văn hóa, các công trình kiến trúc ở khu vực Đại Nội, hệ thống lăng tẩm ở Huế và phụ cận cho phát triển du lịch. Ngoài ra, nhiều giá trị di sản văn hóa khác trên địa bàn tỉnh như nhà vườn, phủ đệ, chùa chiền… vẫn chưa được khai thác đưa vào phát triển du lịch hoặc đã đưa vào khai thác nhưng còn ở mức độ thấp, chưa thực sự hấp dẫn, độc đáo.

Thứ bảy, về hợp tác quốc tế trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế, mặc dù Huế nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của nhiều chính phủ và các tổ chức quốc tế nhưng so với nhu cầu bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế vẫn còn chưa phát huy hết tiềm năng. Các hợp tác quốc tế hiện mới tập trung vào hoạt động tu bổ một số công trình di tích cụ thể, ngắn hạn, kết hợp đào tạo nhân lực tu bổ di tích, cũng có một số dự án hợp tác về lĩnh vực di sản phi vật thể nhưng chưa nhiều, phần lớn chưa xây dựng thành kế hoạch, dự án hợp tác dài hạn, bài bản, mở rộng ra các nội dung khác như hợp tác nghiên cứu về di sản văn hóa Huế một cách toàn diện; vấn đề hợp tác trong việc hồi hương cổ vật và liên kết quảng bá di sản văn hóa Huế ra thế giới hiệu quả còn thấp.

Khai quật tháp Đôi Chămpa Liễu Cốc, di tích cấp quốc gia tại thị xã Hương Trà

Một số giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Cố đô Huế vì sự phát triển bền vững
Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Cố đô Huế, theo chúng tôi, cần triển khai một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh đề án nghiên cứu để xây dựng, phát triển hệ giá trị Văn hóa Huế- Con người Huế phù hợp với bối cảnh mới, bởi con người luôn luôn là yếu tố quyết định mọi sự thành bại trong công việc

Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục Luật Di sản văn hóa và Nghị định của Chính phủ về bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa để Luật này đi vào đời sống của nhân dân, làm người dân nâng cao ý thức trách nhiệm, tự nguyện, tự giác chấp hành nghiêm túc các quy định của Nhà nước đối với công tác bảo vệ và phát huy các gia trị di sản văn hóa Cố đô Huế. Từ ngày 1/7/2025, Luật Di sản văn hóa mới sẽ có hiệu lực, do vậy phải đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến bổ Luật này đến các tầng lớp nhân dân, để Luật sớm đi vào cuộc sống.

Thứ ba, thiết lập các quy định bảo tồn, phát huy giá trị di tích và các quy định phát triển kinh tế – xã hội. Tập trung các nguồn lực để trùng tu, phục hồi, và bảo tồn một số công trình kiến trúc trọng điểm trong Quần thể di tích Cố đô Huế. Thường xuyên kiểm tra, rà soát tình trạng công trình di tích để có biện pháp xử lý phù hợp, nâng cao giá trị và tuổi thọ của công trình. Triển khai hiệu quả các dự án bảo tồn và phát huy hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, di tích lịch sử cách mạng, di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật. Triển khai đồng bộ các quy hoạch về khảo cổ để bảo vệ, giữ gìn tốt các giá trị văn hóa cho các đời sau, vừa phục vụ kịp thời cho quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và kêu gọi đầu tư. Đối với những công trình khó phục hồi, trùng tu tôn tạo sẽ tiến hành dựng biển giới thiệu về địa điểm.

Cần có cơ chế đặc biệt để hồi hương các cổ vật quý giá của dân tộc đang bị thất lạc ở nước ngoài.

Thứ tư, động viên, khuyến khích và phát huy vai trò giám sát của xã hội, của cộng đồng. Di sản Huế tồn tại trong đời sống cộng đồng và chỉ có thể được bảo vệ, gìn giữ bởi cộng đồng. Nhân dân là chủ thể đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản một cách bền vững. Bởi vậy, điều quan trọng là phải xây dựng kế hoạch tuyên truyền quảng bá, giới thiệu về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Cố đô Huế, qua đó nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ; nâng cao niềm tự hào, vinh dự của người dân, để cả cộng đồng cùng chung tay tham gia bảo vệ di sản Huế. Đồng thời cần mở rộng mô hình xã hội hóa nhằm tạo điều kiện và môi trường cho các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế và cộng đồng cùng tham gia vào công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Cố đô Huế.

Thứ năm, tiến hành kiểm kê, sưu tầm số hóa, lập hồ sơ khoa học cho hệ thống di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu để vừa giữ gìn bảo vệ và phát huy giá trị. Khuyến khích việc giữ gìn, biên soạn, quảng bá các loại hình văn hóa phi vật thể; duy trì, phục hồi và phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống có giá trị tiêu biểu; nghiên cứu về phong tục tập quán, trang phục truyền thống, dân ca, dân nhạc, dân vũ đồng bào các dân tộc thiểu số. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng hồ sơ di sản Ca Huế đệ trình UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong thời gian tới. Để bảo vệ những báu vật nhân văn sống, ngoài việc công nhận tài năng và sự cống hiến của họ cần ban hành các chính sách đãi ngộ, tôn vinh và tạo mọi điều kiện tốt nhất về vật chất và tinh thần để các nghệ nhân lão thành có thể phát huy mọi khả năng trong việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Thứ sáu, triển khai các chương trình nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị của lễ hội để xây dựng thành sản phẩm du lịch có tính đặc trưng của vùng đất. Xây dựng hệ thống các giải pháp hiệu quả để hạn chế những tiêu cực do du lịch số đông đem lại. Nâng cao chất lượng các loại hình nghệ thuật, các hoạt động trong Festival. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, lễ hội như các loại hình Festival Huế, Festival Nghề truyền thống Huế để thu hút nguồn lực của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội để giảm dần nguồn kinh phí bao cấp của nhà nước. Hình thành các chương trình quảng bá, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hãng du lịch trong nước và nước ngoài.

Thứ bảy, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thống nhất tổ chức bộ máy quản lý, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Cần nhìn nhận đánh giá lại các mặt tích cực và tiêu cực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế phục vụ phát triển và ngược lại tác động của quá trình phát triển đối với di sản, rút ra các bài học kinh nghiệm. Đẩy mạnh kết nối, mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội quảng bá các giá trị di sản văn hóa Huế Ngoài ra cần có kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học có đủ kinh nghiệm và năng lực chuyên môn để tiếp thu các công nghệ tiên tiến ứng dụng hiệu quả vào lĩnh vực bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản.

Thứ tám, khai thác các yếu tố đặc trưng của di sản văn hóa Huế để tập trung phát triển sản phẩm du lịch với tính đặc thù riêng có và cạnh tranh cao. Triển khai có hiệu quả Đề án Festival 4 mùa. Phát huy lợi thế của thành phố Festival, các loại hình hoạt động Festival, xem các kỳ Festival là sản phẩm du lịch chủ lực của Thừa Thiên Huế. Tăng cường tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật, thể thao, lễ hội truyền thống… Đẩy mạnh xã hội hóa các sản phẩm, dịch vụ tại Đại Nội và các điểm di tích trên địa bàn. Tập trung xây dựng và khai thác có hiệu quả các sản phẩm và dịch vụ xoay quanh các thương hiệu đặc trưng như “Huế – Kinh đô ẩm thực”, “Huế – Kinh đô áo dài”, “Huế – Thành phố Lễ hội”. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để nâng cao chất lượng phục vụ du khách tại các điểm di tích, tích cực tuyên truyền, quảng bá hình ảnh di sản văn hóa Huế ở trong nước và quốc tế.

Phát triển Huế hiện đại nhưng vẫn bảo tồn nét đẹp truyền thống

Sau 50 năm nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, Cố đô Huế đang có sự hồi sinh và phát triển mạnh mẽ. Rất nhiều di sản đã được cứu vãn, bảo tồn và phục hồi, vẻ đẹp xưa như đang trở lại nhưng lấp lánh dưới một ánh hào quang mới – hào quang của thành phố di sản, thành phố Fesstival đặc trưng của Việt Nam. Đồng thời Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân thành phố Huế đang ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 10/12/2019 về “xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế”.

Huế đang đứng trược cơ hội rất lớn khi trở thành thành phố trực thuộc trung ương và chọn con đường phát triển dựa trên nền tảng của văn hóa, di sản. Tuy nhiên, Huế cũng đang đứng trước không ít khó khăn, thử thách khi chọn mô hình này để phát triển, vì vậy, không chỉ là quyết tâm mà cần có một chiến lược tốt với tầm nhìn dài hạn cùng những giải pháp đúng và hiệu quả để vượt qua những thử thách này và sớm đạt được mục tiêu.

Huế ngày nay đã trở thành một địa chỉ du lịch nổi tiếng trên toàn thế giới, được mệnh danh là điểm không thể không đến nếu bạn muốn tìm hiểu về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam. Khi công nhận di sản Cố đô Huế vào năm 1993, UNESCO đã tặng cho thành phố này một slogan tuyệt vời và đầy ý nghĩa: “Huế luôn luôn mới”, và hiện nay Thành phố Huế trực thuộc trung ương đã sẵn sàng nỗ lực vượt qua mọi thử thách để cùng cả nước tham gia vào “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”!

TS.Phan Thanh Hải
Ảnh trong bài: Bảo Minh, Hoàng Quốc Vĩnh, Thế Hồng.