Chủ Nhật, Tháng 2 2, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Nước Đức đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng sau khi mất nguồn cung khí đốt từ Nga



ĐNA -

Theo Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức, mức tiêu thụ khí đốt từ tháng 10 đến tháng 12/2024 đã tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 246 terawatt-giờ (TWh). Nguyên nhân chính được xác định là do nhiệt độ giảm sâu hơn, khiến nhu cầu sưởi ấm tăng cao. Đáng chú ý, các ngành công nghiệp ghi nhận mức tăng tiêu thụ 9,1%, trong khi các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ tăng khiêm tốn ở mức 1,9%.

Đường ống dẫn khí đốt liên kết Ba Lan-Litva (GIPL) tại Jauniunai (Litva). (Ảnh: AFP.

Người đứng đầu cơ quan quản lý năng lượng Đức Klaus Muller cảnh báo rằng, nếu xu hướng này tiếp tục, Đức có thể đối mặt với nguy cơ giá năng lượng tăng mạnh. Ông Muller kêu gọi người dân tiết kiệm khí đốt để giảm áp lực tài chính và tránh tình trạng thiếu hụt trong tương lai gần. Dù các kho lưu trữ hiện tại vẫn còn 80% công suất, đủ đáp ứng nhu cầu trong ba tháng tới, nhưng đây không phải là giải pháp dài hạn.

Mối quan hệ giữa Nga và phương Tây lao dốc đã tạo ra tác động lớn ở Đức. Trước xung đột, Nga cung cấp hơn 50% lượng khí đốt tự nhiên mà Đức dùng trong sản xuất công nghiệp, sưởi ấm các ngôi nhà và sản xuất điện. Sau khi Liên minh châu Âu áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga và đường ống Nord Stream bị phá hủy vào tháng 9/2022, nguồn cung từ Nga đã bị cắt giảm hoàn toàn. Để thay thế, Đức buộc phải nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ với mức giá gấp 7-10 lần năm ngoái.

Hệ quả là giá năng lượng tại Đức tăng vọt, vượt quá khả năng chi trả của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp nặng. Điều này dẫn đến làn sóng phá sản và đóng cửa, góp phần đẩy nền kinh tế Đức vào suy thoái năm 2023. Đầu năm 2024, chính phủ Đức đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP xuống còn 0,2%, phản ánh tình trạng khó khăn kéo dài.

Cú sốc về giá năng lượng hiện tại, cộng với những gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch và nhu cầu toàn cầu suy yếu, đã làm giảm thặng dư thương mại của Đức. Các nhà kinh tế cho rằng Đức sẽ đối mặt suy thoái vào năm tới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán Đức có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong số các nền kinh tế lớn khác ngoài Nga.

Trong bối cảnh hiện tại, cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chỉ trích chính sách từ bỏ khí đốt Nga của những người kế nhiệm. Bà cho rằng việc nhập khẩu khí đốt từ Nga từng là giải pháp “đôi bên cùng có lợi”, giúp Đức tiếp cận nguồn năng lượng quan trọng với giá ưu đãi.

Khủng hoảng năng lượng hiện tại đã đặt ra yêu cầu cấp bách đối với Đức trong việc tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế. Chính phủ đang thúc đẩy đầu tư vào năng lượng tái tạo như gió và mặt trời, đồng thời mở rộng khả năng nhập khẩu LNG thông qua các cảng mới xây dựng. Tuy nhiên, những giải pháp này cần thời gian để triển khai và không thể thay thế vai trò của khí đốt trong nền kinh tế ngay lập tức.

Hơn một nửa số căn hộ tại Đức hiện nay vẫn sử dụng khí đốt để sưởi ấm, cho thấy tầm quan trọng của loại năng lượng này trong đời sống hàng ngày. Trong khi đó, giá năng lượng cao tiếp tục gây áp lực lên người tiêu dùng và doanh nghiệp, làm dấy lên lo ngại về khả năng duy trì sự ổn định kinh tế và xã hội.

Từ lâu, Đức được coi là cường quốc công nghiệp của Liên minh châu Âu. Việc mất nguồn cung khí đốt giá rẻ từ Nga đã làm suy yếu lợi thế cạnh tranh của quốc gia này. Các nhà máy lớn đang chật vật để duy trì sản xuất, trong khi các doanh nghiệp nhỏ đối mặt với nguy cơ đóng cửa.

Để vượt qua khủng hoảng, Đức cần không chỉ cải cách cơ cấu năng lượng mà còn xây dựng chiến lược bền vững để giảm phụ thuộc vào các nguồn cung nước ngoài. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và người dân. năng lượng nghiêm trọng sau khi mất nguồn cung khí đốt từ Nga.

Nhưng tác động sẽ không chỉ dừng lại ở Đức. Suy thoái ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ gây áp lực lên đồng euro, khiến đồng tiền chung châu Âu giảm giá so với USD trong thời gian dài, theo một số nhà kinh tế. Các quốc gia Đông Âu sẽ đặc biệt dễ bị tổn thương vì là nơi có các nhà cung cấp cho nhiều công ty sản xuất lớn của Đức, đồng thời nền kinh tế của họ cũng liên kết chặt chẽ với Đức.

Minh Anh