Thứ bảy, Tháng Một 11, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

10 sự kiện văn hóa và thể thao tiêu biểu của thành phố Huế năm 2024



ĐNA -

(Huế). Năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu những thành công trong triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2025 của thành phố Huế nói chung và ngành Văn hóa và Thể thao nói riêng. Với tinh thần đoàn kết, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Văn hóa và Thể thao đã không ngừng nỗ lực, vượt qua khó khăn, tham mưu triển khai hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tổ chức tốt các sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao và gia đình, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2024. Những thành công đó thể hiện cô đọng qua 10 sự kiên/nhóm sự kiện tiêu biểu sau:

Chủ tịch UBND Nguyễn Văn Phương gặp gỡ các nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dann, nghệ sỹ ưu tú.

1.Tổ chức thành công Festival Huế 2024.
Với Chủ đề “Di sản Văn hóa với hội nhập và phát triển”, Festival Huế 2024 được tổ chức với các hoạt động, sự kiện liên tục, kéo dài trong suốt 04 mùa của năm 2024, từ Lễ hội mùa Xuân “Xuân Cố đô” (tháng 1-3), Lễ hội mùa Hạ “Kinh thành tỏa sáng” (tháng 4 – 6), Lễ hội mùa Thu “Huế vào thu” (tháng 7 – 9) và kết thúc bằng Lễ hội “Mùa Đông xứ Huế” (tháng 10 – 12) với điểm nhấn nổi bật là các hoạt động của Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024; Tuần lễ Áo dài Cộng đồng Huế 2024; Liên hoan múa Quốc tế – 2024, Ngày hội Thể thao vì sức khỏe cộng đồng 2024; Huế Symphony – Bản giao hưởng Cố Đô… Các hoạt động đã góp phần tôn vinh, quảng bá những giá trị đặc sắc của văn hóa Huế và văn hóa Việt Nam, khai thác thế mạnh về danh thắng, các loại hình lễ hội, du lịch, sự kiện văn hóa, thể thao để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, khẳng định thương hiệu thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.

Festival Huế 2024.

2.Thành phố Huế được vinh danh lọt vào top 10 địa phương dẫn đầu Chỉ số thu hút đoàn làm phim và môi trường sản xuất phim tại Việt Nam (Production Attraction Index – PAI).
Đây là sự kiện do Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam khởi xướng và ra mắt lần đầu tiên vào tháng 11/2023, Chỉ số PAI được thiết kế để đánh giá mức độ hấp dẫn của các địa phương đối với các đoàn làm phim. Mục tiêu chính của PAI là đánh giá và nâng cao sức hấp dẫn của các vùng miền khác nhau của Việt Nam đối với hoạt động sản xuất phim. Thông qua PAI, Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam mong muốn khai phá thế mạnh của ngành điện ảnh Việt Nam và giới thiệu với thế giới về vẻ đẹp cũng như những câu chuyện nằm sâu trong biên giới đất nước. Chỉ số PAI không chỉ là thước đo đánh giá, mà còn là cầu nối giữa điện ảnh và các địa phương, giúp khám phá và phát huy tiềm năng chưa được khai thác.

Những năm gần đây, Cố đô Huế đã thật sự trở thành một phim trường hấp dẫn, được rất nhiều đoàn làm phim trong nước và quốc tế lựa chọn. Các đoàn phim khi đến với Huế luôn được lãnh đạo thành phố, các địa phương và ngành Văn hóa và Thể thao tạo điều kiện thuận lợi nhất để hoạt động. Có thể kể đến những bộ phim nổi tiếng chọn Huế làm bối cảnh chính và đạt được thành công lớn như Trăng nơi đáy giếng, Cô gái trên sông, Mắt biếc, Gái già lắm chiêu 5, Em và Trịnh, Kiều… và gần đây nhất là Linh Miêu.

Việc thu hút các Đoàn làm phim đến Huế đã góp phần quảng bá mạnh mẽ, làm cho Huế thêm nổi tiếng và được bạn bè, du khách yêu mến…”. Đây là kết quả của việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa trong chiến lược xây dựng và phát triển thành phố Huế là trung tâm văn hóa, du lịch lớn, đặc sắc của cả nước và khu vực Đông Nam Á, trong đó có mục tiêu đưa thành phố Huế trở thành phim trường tự nhiên lớn nhất của Việt Nam.

Đại diện Sở Văn hóa – Thể thao (bìa phải) nhận chứng nhận top 10 địa phương dẫn đầu Chỉ số PAI.

3.Thành phố Huế có 03 di sản văn hóa phi vật thể mới được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
03 di sản mới được công nhận gồm Tri thức May và Mặc áo dài Huế, Lễ hội điện Huệ Nam và Nghề làm bún Vân Cù. Như vậy, đến nay thành phố Huế đã có 6 di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào Danh mục quốc gia về Di sản văn hóa phi vật thể (trước đó có Di sản ca Huế (2015), nghề Dệt Dèng của đồng bào A Lưới (2016), Lễ mừng cơm mới A Da Koonh của người Pa Cô (2020)).

Áo Ngũ thân, tiền thân của áo dài Việt Nam hiện đại vốn ra đời ở Đàng Trong, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Thuận Hóa – Phú Xuân. Trải qua thời gian dài hơn 300 năm, các thế hệ nghệ nhân xứ Huế đã tích lũy nhiều Tri thức may, mặc áo dài. Bước vào thời kỳ hiện đại, Áo dài Huế vẫn được nhiều đối tượng sử dụng, phổ biến nhất là học sinh, sinh viên, viên chức, thanh niên, rồi cả đến những lớp người trung niên, cao niên, chị em làm nghề buôn bán nhỏ ở các cửa hiệu, ở ngoài chợ…

Thiết kế, may đo Áo dài vừa là một ngành nghề thủ công lại vừa là một ngành thiết kế sáng tạo đặc biệt, tạo nên những sản phẩm ấn tượng và có tính phổ biến rất cao. Ngoài ra, công nghiệp văn hóa áo dài còn tạo điều kiện phát triển các ngành khác như sản xuất hàng lưu niệm, đồ chơi, phụ kiện, điện ảnh, mỹ thuật… Đây chính là hướng phát triển công nghiệp văn hóa, phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, mang lại nguồn thu cho doanh nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, vừa bảo tồn, lan tỏa giá trị mang đậm bản sắc văn hóa Huế. Với những giá trị đó, ngày 9/8/2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định số 2320/QĐ-BVHTTDL chính thức ghi danh di sản này với tên gọi “Tri thức May và Mặc áo dài của người Huế”.

Ngày 10/12/2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3981/QĐ-BVHTTDL đưa Lễ hội truyền thống – Lễ hội điện Huệ Nam (thành phố Huế) và Nghề thủ công truyền thống – Nghề làm bún Vân Cù (Thị xã Hương Trà) vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Lễ hội điện Huệ Nam là một hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian nhằm thỏa mãn những nhu cầu văn hóa tâm linh, tín ngưỡng và góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa của địa phương được tổ chức định kỳ vào tháng 3, tháng 7 Âm lịch hằng năm. Lễ hội là sự biểu thị đức tin của con người trong không gian tâm linh, nhằm bày tỏ đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, lòng hiếu kính với thần linh bằng các hoạt động đáp tạ cụ thể, tạo nên phương tiện kết nối giữa con người với thế lực siêu nhiên. Theo đó, những nghi thức như lễ cung nghinh Thánh Mẫu và chư vị, lễ cáo yết, lễ chánh tế, hầu đồng cũng như những lễ vật mà con người dâng lên Mẫu được thể hiện trong lễ hội điện Huệ Nam được coi là một bảo tàng sống lưu giữ lịch sử, văn hóa qua thời gian, là minh chứng sinh động của sự kính trọng thánh môn đệ tử đối với đấng thần linh; là môi trường sống của những hình thức tế lễ, diễn xướng với âm nhạc, ca múa, các hình thức, trang trí, các quan niệm nhân sinh, ẩm thực, cách mặc truyền thống của người Việt.

Vân Cù là một làng nghề thủ công truyền thống làm bún có lịch sử lâu đời và nổi tiếng ở thành phố Huế, vẫn được duy trì và phát triển đến ngày nay. Nghề làm bún Vân Cù phản ánh bản sắc địa phương, là tinh hoa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, các sản phẩm thủ công truyền thống nghề bún không chỉ là hàng hóa thuần túy kinh tế mà còn là mang tính sáng tạo và nghệ thuật, phản ánh phong tục, tập quán, tín ngưỡng của các cộng đồng người dân Vân Cù. Bên cạnh đó còn là nền tảng truyền thống đạo đức trong các phép tắc, lễ nghĩa và các quan hệ ứng xử cũng như văn học dân gian làng xã. Bún làng Vân Cù đã trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây, mang lại giá trị tinh thần to lớn cho đời sống cư dân bên cạnh giá trị kinh tế, góp phần tạo sự đa dạng, phong phú của ẩm thực Huế nói riêng và Việt Nam nói chung.

Lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tri thức may mặc áo dài Huế.

4.Tổ chức thành công liên hoan Múa quốc tế – 2024
Diễn ra từ ngày 17/8 đến ngày 21/8, Liên hoan Múa quốc tế năm 2024 hội tụ gần 500 nghệ sỹ, diễn viên của của 17 đơn vị nghệ thuật đại diện cho 9 quốc gia gồm: Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, Cộng hòa Philippines, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Ấn Độ, Cộng hòa Indonesia, Vương quốc Campuchia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Malaysia và nước chủ nhà Việt Nam. Các tác phẩm tham gia liên hoan thuộc các thể loại múa ngắn, thơ múa, tổ khúc múa, kịch múa ngắn và kịch múa… theo phong cách dân gian, cổ điển, hiện đại. Liên hoan Múa quốc tế 2024 là hoạt động nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật giữa Việt nam và các vùng lãnh thổ, quốc gia trên thế giới. Thông qua hoạt động, các nghệ sĩ múa Việt Nam và các quốc gia tham gia liên hoan chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật, trao đổi, tiếp thu những giá trị độc đáo, đa dạng về loại hình nghệ thuật văn hóa trong thời kì hội nhập và phát triển; đồng thời giới thiệu, quảng bá những tinh hoa, bản sắc văn hóa dân tộc, những giá trị đặc sắc của nghệ thuật Múa truyền thống cũng như đương đại của Việt Nam, về đất nước, con người Việt Nam tươi đẹp, hiền hòa cũng như quảng bá tiềm năng, thế mạnh về kinh tế – xã hội và các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa của thành phố Huế tới bạn bè trong nước và quốc tế. Với thông điệp “Hội tụ, sáng tạo – Cùng nhau tỏa sáng”, các nghệ sĩ, diễn viên trong và ngoài nước tham gia liên hoan đã sáng tạo, đem hết tài năng nghệ thuật của mình tỏa sáng trên sân khấu, cống hiến cho khán giả những tiết mục nghệ thuật múa đặc sắc nhất.

Tổ chức thành công liên hoan Múa quốc tế – 2024.

5.Giải đua xe ô tô địa hình lần đầu tiên được tổ chức tại khu vực miền Trung
Nằm trong khuôn khổ chương trình Ngày hội Thể thao vì sức khỏe cộng đồng “Hue Sport Festival 2024”, Giải đua xe ô tô địa hình Chinh phục thử thách – Victory Challenge Sailun Cup 2024 do Tạp chí Đông Nam Á và Sở Văn Hóa và Thể thao đồng tổ chức nhân Kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Giải lần đầu tiên được tổ chức tại khu vực miền Trung, được diễn ra từ ngày 21/6 đến ngày 23/6 tại Công viên hồ Thủy Tiên, thành phố Huế. Giải thu hút hơn 88 đội đua từ khắp các tỉnh thành trong cả nước với đa dạng các dòng xe, hãng xe; được chia thành 6 hạng gồm: Hạng Bán tải Cơ bản, hạng SUV Nâng cấp, hạng Bán tải Nâng cấp, hạng Mở rộng – Chuyên nghiệp, hạng SUV Nguyên bản, hạng xe Camping. Hệ thống đường đua được thiết kế dựa trên đường tự nhiên chạy xung quanh khu vực Hồ Thủy Tiên, – nơi được báo chí quốc tế mệnh danh là “công viên ma mị nhất Việt Nam”, thể hiện tinh thần phóng khoáng của giải và các vận động viên có thể phát huy hết khả năng lái xe của mình.

Đây là giải đua quy tụ rất nhiều điểm đặc biệt như: Thu hút nhiều nữ vận động viên tham gia nhất; có những vận động viên trên 50 tuổi tham gia thi đấu; nhận được sự ủng hộ từ đông đảo câu lạc bộ xe địa hình trên toàn quốc: Team camping 3 miền, CLB Offroad Hà Nội, CLB xe địa hình TP Hồ Chí Minh, CLB xe bán tải Quảng Nam, Pickup Đắc Lắk Club, PDC – Pickup Đà Nẵng Club, CLB Offroad Vũng Tàu, Đồng Nai, CLB xe địa hình Bình Dương, Bình Phước, CLB offroad Nghệ An, Hà Tĩnh, Lạng Sơn… Giải đua xe ô tô địa hình Chinh phục thử thách – Victory Challenge Sailun Cup 2024 đã tạo được không khí vui tươi, phấn khởi, an toàn, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia giao lưu văn hóa nhằm quảng bá thương hiệu, hình ảnh và du lịch của thành phố Huế, đồng thời duy trì và phát triển phong trào đua xe ô tô thể thao địa hình tại Việt Nam, đặc biệt là khu vực miền Trung.

Giải đua xe ô tô địa hình lần đầu tiên được tổ chức tại khu vực miền Trung.

6.Ngày hội Thể thao vì sức khỏe cộng đồng “Hue Sports Festival 2024” được tổ chức với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn
Ngày hội Thể thao vì sức khỏe cộng đồng “Hue Sports Festival 2024” được tổ chức từ ngày 20/6/2024 đến ngày 07/7/2024. Đây là một sự kiện thể thao lớn, hội tụ nhiều giải đấu thể thao nhằm hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với phong trào “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; thông qua các hoạt động để tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh văn hóa và du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong lần tổ chức lần thứ II, Ngày hội Thể thao vì sức khỏe cộng đồng “Hue Sports Festival 2024” đã diễn ra thành công tốt đẹp, thu hút đông đảo các vận động viên chuyên nghiệp cũng như phong trào tham gia, để lại nhiều ấn tượng trong lòng người dân và du khách đến với Huế.

Trong lần thứ II tổ chức, Ngày hội Thể thao vì sức khỏe cộng đồng “Hue Sports Festival 2024” đã mang đến luồng sinh khi mới cho các hoạt động thể thao phục vụ cộng đồng, người dân và du khách; các sự kiện đã được Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp tốt với các cơ quan, đơn vị, và các doanh nghiệp tổ chức an toàn, thành công. Ngày hội đã thu hút gần 7.500 VĐV và hơn 20.000 lượt người tham dự, tập trung ở 09 hoạt động: Giải Bóng chuyền Nam, Nữ các Câu lạc bộ tỉnh Thừa Thiên Huế mở rộng lần thứ II – năm 2024; Giải đua xe ô tô địa hình chinh phục thử thách – Victory Challenge Sailun Cup 2024; Giải Bóng rổ 3×3 Cố đô Huế; Giải đua xe thăng bằng Spider Racing Cup 2024; Giải Chạy HuaSen Jogging 2024 chủ đề “Nâng cao Sức Khoẻ – Nâng Cao Doanh Nghiệp” lần thứ I năm 2024; Vòng chung kết Giải thể thao điện tử “Đại chiến quân đoàn mùa hè 2024” – Bộ môn Free Fire; Huế Hiphop 2024; Giải Bóng đá sân 7 Thừa Thiên Huế TPL-S3 năm 2024; Giải Billiards carom 3C Festival Huế 2024. Ngày hội được tổ chức bằng nguồn kinh phí xã hội hoá gần 6 tỷ đồng đã góp phần phát triển phong trào tập luyện thể dục thể thao ở mọi đối tượng, lứa tuổi và làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần cho quần chúng nhân dân, tạo điều kiện kích cầu phát triển du lịch.

Ngày hội Thể thao vì sức khỏe cộng đồng “Hue Sports Festival 2024” được tổ chức với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn.

7.Thể thao Thừa Thiên Huế đạt được nhiều thành tích ấn tượng
Năm 2024 tiếp tục ghi dấu sự phát triển vượt bậc của Thể thao thành tích cao Thừa Thiên Huế, các đoàn VĐV Thừa Thiên Huế tham gia thi đấu các giải khu vực, quốc gia, quốc tế đạt được 582 huy chương các loại: 157 HCV, 152 HCB, 273 HCĐ (vượt 182 huy chương so với chỉ tiêu đặt ra) trong đó có 35 huy chương quốc tế (14HCV, 11HCB, 10 HCĐ, vượt 12 huy chương so với chỉ tiêu đề ra). Đặc biệt, môn Đá cầu đạt 3HCV, 1 HCB tại giải Vô địch châu Á, đạt 1 HCV, 1 HCB tại giải vô địch trẻ châu Á, 01 HCV, 01 HCB, 01 HCĐ tại giải vô địch Đá cầu thế giới. Môn Jujitsu đạt 2 HCV, 1HCB, 1HCĐ tại giải Vô địch châu Á, đạt 1HCV, 2HCB, 2 HCĐ tại giải vô địch ĐNÁ; đạt 2HCV, 2HCĐ tại giải vô địch trẻ ĐNÁ. Môn Vật đạt 02 HCV tại Giải vật vô địch Đông Nam Á – Châu Đại dương 2024. Năm qua cũng là năm mà thể thao Thừa Thiên Huế tiếp tục khẳng định vị thế, khả năng trong công tác tổ chức các giải thể thao quy mô quốc gia, quốc tế, góp phần quảng bá văn hóa, du lịch. Tiêu biểu là các giải: Vô địch Đá cầu cá nhân toàn quốc; Vô địch Cung thủ xuất sắc quốc gia; Bơi, Lặn Vô địch quốc gia (bể 25m); Đua Xe đạp toàn quốc tranh Cúp Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 36 “Non sông liền một dải – Niềm tin chiến thắng”; Vô địch Cầu lông đồng đội nam nữ hỗn hợp quốc gia; Giải chạy VnExpress Marathon Huế 2024; Giải Cầu lông các cây vợt thiếu niên, trẻ xuất sắc quốc gia; Vô địch Đá cầu Châu Á và Vô địch Đá cầu trẻ Châu Á lần thứ 2; Vô địch Bóng rổ 5×5 U20 quốc gia… Năm 2024, thể thao thành phố Huế được vinh danh ở giải thưởng “Vietnam Aquatics Awards 2024”.

8.Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được tăng cường, đẩy mạnh
Năm 2024, ngành Văn hóa và Thể thao đã hướng dẫn các địa phương, đơn vị lập thủ tục đầu tu bổ, tôn tạo 10 di tích với nguồn vốn gần 13 tỷ đồng, trong đó vốn xã hội hóa trên 2,6 tỷ đồng. Tiến hành thẩm định, báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư nhiều dự án tu bổ, phục hồi và phát huy các giá trị di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế như dự án Tu bổ, tôn tạo và phục hồi thích nghi di tích Văn Miếu (giai đoạn 1); Quốc Tử Giám; Hưng Miếu; Hồ Ngọc Dịch – Ngự tiền Văn phòng; Đại Cung Môn; Điện Thoại Thánh; Điện Cần Chánh…. Năm 2024, có 07 di tích được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh, nâng tổng số di tích cấp tỉnh lên 101 di tích; trình đề nghị xếp hạng 5 di tích cấp tỉnh, 03 di tích cấp quốc gia; phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia triển khai công tác khai quật khảo cổ tại di tích tháp đôi Liễu Cốc tại phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà. Chỉ đạo hoàn thành dự án và tổ chức khánh thành công trình tu bổ di tích Châu Hương Viên, đây là dấu ấn quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với danh nhân Ưng Bình Thúc Giạ Thị. Thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia cho 04 (bốn) hiện vật, nhóm hiện vật: Chuông Ngọ Môn thời Minh Mạng (niên đại1822); Phù điêu thời Minh Mạng (niên đại 1829); Tượng rồng thời Thiệu Trị (niênđại 1842); Ngai hoàng đế Duy Tân (niên đại đầu thế kỷ XX).

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được tăng cường, đẩy mạnh. Ảnh: Lễ hội đền Huệ Nam.

9.Tham mưu ban hành nhiều Nghị quyết, Quyết định quan trọng quy định các cơ chế, chính sách phát triển lĩnh vực văn hóa và thể thao
Năm 2024, ngành Văn hóa và Thể thao đã tham mưu trình Hội đồng nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết Quy định mức thu phí thẩm định cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động cơ sở thể thao, câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp; Nghị quyết quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thư viện và phí tham quan các công trình văn hoá, bảo tàng trên địa bàn tỉnh; trình thẩm định Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đối với văn nghệ sĩ, nghệ nhân, tác giả đạt giải thưởng quốc gia, quốc tế về văn học nghệ thuật và câu lạc bộ hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố Huế. Trình UBND thành phố ban hành Quy chế quản lý và tổ chức hoạt động biểu diễn Ca Huế; Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định thực hiện hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị; Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng; Quyết định quy định tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng trên địa bàn thành phố Huế. Việc tham mưu ban hành kịp thời các Nghị quyết, Quyết định nêu trên sẽ giúp tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước; tạo cơ chế, chính sách và điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh các hoạt động văn hóa và thể thao trên địa bàn thành phố Huế trong gian đoạn mới.

Triển lãm trưng bày Phú xuân-Gia Định, những dấu ấn lịch sử.

10.Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, hợp tác văn hóa được tổ chức phong phú, đa dạng
Năm 2024, ngoài việc tổ chức các hoạt động trưng bày, triển lãm, hội thi, hội diễn tại địa phương định kỳ như triển lãm “Đảng Cộng sản Việt Nam – Những dấu ấn lịch sử”; “Điện Biên Phủ quyết chiến quyết thắng”; “Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên báo chí cách mạng Việt Nam”; “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh – Nhà lãnh đạo chiến lược, người chỉ đạo thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam”, Liên hoan “Đưa thông tin về cơ sở”… Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở đã chủ động thay đổi cách thức, tăng cường liên kết với các địa phương khác trên cả nước tổ chức đa dạng các hoạt động hợp tác văn hóa, tiêu biểu như: Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức trưng bày chuyên đề “Hồ Chí Minh – tên Người sáng mãi” tại Thành phố Hồ Chí Minh; Bảo tàng Lịch sử tổ chức triển lãm chuyên đề “Huế – Di sản văn hoá, điểm đến tiềm năng” trong khuôn khổ các hoạt động năm Du lịch quốc gia 2024 và Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ tại tỉnh Điện Biên; tham gia trưng bày chuyên đề “Phú Xuân – Gia Định, Những dấu ấn lịch sử” tại Thành phố Hồ Chí Minh; Bảo tàng Mỹ thuật tham gia triển lãm “Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống” tại Nghệ An; Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế tham gia “Liên hoan Ca, Múa, Nhạc toàn quốc – 2024” tại Bình Dương đạt 01 Huy chương Vàng, 02 Huy chương Bạc; Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tham gia Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh – Ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn, tham gia Hội thi diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc tại tỉnh Quảng Ngãi đạt 01 Huy chương vàng, 03 Huy chương Bạc và nhiều giải thưởng tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024 tổ chức tại Quảng Trị. Năm 2024, Sở đã phối hợp với Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thành công hoạt động giao lưu sáng tác ảnh, Cuộc thi và triển lãm Ảnh văn hóa nghệ thuật Việt Nam, thu hút hơn 139.000 lượt khách đến tham quan, tìm hiểu./.

Hữu An- Ngân Hà
Ảnh trong bài: Sở Văn hóa và Thể thao cung cấp