Thứ Hai, Tháng 4 28, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Đại hội Đại biểu Hội Khảo Cổ học Việt Nam toàn quốc lần thứ IV



ĐNA -

Ngày 28/3/2025, tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Hội Khảo Cổ học Việt Nam đã long trọng tổ chức đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, nhiệm kỳ 2025-2030.

Đại hội Đại biểu Hội Khảo Cổ học Việt Nam toàn quốc lần thứ IV.

Khoảng 200 thành viên của hội từ ba miền đất nước đã về dự đại hội. Đến dự đại hội có đại diện lãnh đạo của Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học Công nghệ; lãnh đạo Sở Văn hóa các tỉnh thành Hà Nội, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Nam Định; lãnh đạo Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, Hội Di sản văn hóa Việt Nam. Đoàn Nghệ thuật truyền thống Quan Họ Bắc Ninh tham dự và trình diễn di sản hát Quan Họ phục vụ đại hội.

Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành nhiệm kỳ mới gồm 32 thành viên, PGS.TS Tống Trung Tín tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam; PGS.TS Bùi Văn Liêm được bầu làm Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội. Ở miền Trung và miền Nam, TS.Phan Thanh Hải và PGS.TS Bùi Chí Hoàng tiếp tục giữ chức Phó chủ tịch Hội…

PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội.

Hội khảo cổ học Việt Nam với những hoạt động và đóng góp quan trọng trong nhiệm kỳ III (2019-2024).
Hội Khảo cổ học Việt Nam được thành lập năm 2008, đến nay đã trải qua 3 nhiệm kỳ (2008-2013, 2013-2019 và 2019-2024) và không ngừng được củng cố, lớn mạnh, có những đóng góp rất thiệt thực cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy kho tàng di sản văn hóa dân tộc, đặc biệt là trong nhiệm kỳ III (2019-2024).

Dù ngay đầu Nhiệm kỳ III, Hội đã gặp một khó khăn không ngờ tới đó là đại dịch COVID – 19, xuất hiện ca đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh, mở đầu cho đợt dịch thứ nhất lan truyền ra cả nước, kéo dài đến tận ngày 24/07/2020, nhưng Hội Khảo cổ học Việt Nam với sự cố gắng của Thường vụ Hội, các uỷ viên Ban Chấp hành Hội và hội viên các chi hội cả nước đã cố gắng vượt qua mọi khó khăn, đạt được những thành tựu to lớn.

Về công tác tổ chức và phát triển hội, ngay sau Đại hội, Hội Khảo cổ học  đã tiến hành rà soát kiện toàn công tác tổ chức. Với sự cố gắng của các Uỷ viên Ban chấp hành, đặc biệt là các uỷ viên phía Nam, Hội đã đăng ký và ổn định được 23 chi hội:  Chi hội Viện Khảo cổ học, Chi hội Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Chi hội Khoa Lịch sử trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn, Chi hội KCH vùng Nam bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên, Chi hội Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội, Chi hội Trung tâm bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ, Chi hội Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội, Chi hội Ban quản lý Di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, Chi hội Bảo tàng Quảng Ninh, Chi hội Bảo tàng Thanh Hoá,  Chi hội Thừa Thiên Huế (nay là Thành phố Huế), Chi hội Viện Nghiên cứu Kinh Thành (từ năm 2025 sáp nhập về chị hội Viện Khảo cổ học), Chi hội Bảo tàng Hải Dương, Chi hội Bảo tàng Hải Phòng, Chi hội Bảo tàng Lào Cai, Chi hội Bảo tàng Thiên nhiên, Chi hội Bảo tàng Thái Bình, Chi hội Bảo tàng Hoá Thạch, Chi hội Bảo tàng Tuyên Quang, Chi hội Bảo tàng Khánh Hoà, Chi hội Bảo tàng Nam Định, Chi hội Bảo tàng Bắc Ninh, Chi hội bảo tàng Bắc Giang. Năm 2019 Hội có 347 hội viên, đến nay đã có 498 hội viên (nhiệm kỳ III đã có 17 hội viên cao tuổi từ trần).

Đặc biệt, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Nội vụ, Hội đã xây dựng 11 quy chế hoạt động của TW Hội, lấy đó làm cơ sở tiến hành các hoạt động của Hội.

Về các kết quả hoạt động nghiên cứu khảo cổ học nổi bật trong nhiệm kỳ 2019-2024, có thể đánh giá như sau:

PGS. TS Tống Trung Tín tại công trường khai quật Hoàng thành Thăng Long

Kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học theo Nhiệm vụ Nhà nước giao của trung ương Hội
Trong nhiệm kỳ qua, Hội đã tiến hành thực hiện tốt nhiều đề tài quan trọng đáp ứng yêu cầu khoa học và nhiệm vụ chính trị do cấp trên và các đơn vị liên quan yêu cầu. Đáng chú ý nhất là việc hoàn thành các nhiệm vụ sau:

– Hoàn thành nhiệm vụ của Nhà nước giao: Quỹ Khoa học Công nghệ Quốc gia và Biên soạn quốc sử giao Hội Khảo cổ học chủ trì biên soạn lịch sử Việt Nam tập 2. Hội đã hoàn thành cơ bản công tác biên soạn trong năm 2018, hoàn thiện việc sửa chữa và nghiệm thu cấp cơ sở năm 2020, sửa chữa và hoàn thành nghiệm thu cấp Quốc gia 2021. Đến ngày 3 tháng 5 năm 2024 Lịch sử Việt Nam thời đại Hùng Vương dựng nước đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước bởi Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ).

Cùng đó, các Hội viên của Hội đã tham gia hoàn thành và được cấp giấy chứng nhận của Bộ Khoa học và Công nghệ cho cuốn Lịch sử Việt Nam tập 1 do PGS.TS Nguyễn Khắc Sử đồng chủ biên với cố PGS.TS Hán Văn Khẩn do Viện Khảo cổ học Chủ trì. Bên cạnh đó, các Hội viên còn hoàn thành việc xây dựng hàng trăm mục từ thuộc chương trình xây dựng Bách Khoa thư Việt Nam tập 23 do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giao chủ yếu do các Hội viên Hội Khảo cổ học Việt Nam biên soạn (các mục từ Khảo cổ học, Dân tộc học và Nhân học).

Các nghệ sỹ của đoàn nghệ thuật Quan họ Bắc Ninh trình diễn di sản hát Quan họ tại đại hội

Hoàn thành các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học thông qua các hoạt động hợp tác nghiên cứu hoặc đấu thầu theo quy định của Nhà nước.
– Hội đã ký với Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ninh hợp đồng Nghiên cứu đánh giá giá trị Khảo cổ học khu vực di tích Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn-Kiếp Bạc thuộc 4 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang và Hưng Yên. Hội đã phối hợp chặt chẽ với Sở Văn Hoá Thể Thao các tỉnh, chi hội Viện Khảo cổ học, chi hội Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, các Bảo tàng của các tỉnh, các Ban Quản lý di tích Yên Tử, Đông Triều, Côn Sơn-Kiếp Bạc điều tra 6 đợt tại 62 di tích, khai quật và thám sát 6 di tích với nhiều phát hiện mới quan trọng như phát hiện mới khu di tích Thanh Mai của Trúc Lâm đệ nhị tổ Huyền Quang và dự kiến một con đường hành hương mới tiến lên Yên Tử. Nghiên cứu khu vực Yên Sinh đã phát hiện di tích có thể là phủ đệ của Yên Sinh vương Trần Liễu. Nghiên cứu khu vực Bảo Đài phát hiện di tích và bia thời Lê Trung hưng ghi dấu ranh giới phía Tây của núi Yên Tử, phát hiện làm rõ các dấu tích kiến trúc Trúc Lâm thời Trần ở Đám Trì, Nghĩa Trung, Trại Cấp, Bảo Đài và nhiều di tích mới quanh khu vực chùa Sùng Nghiêm, quán Ngọc Thanh… làm tăng gấp bội giá trị nổi bật toàn cầu cho khu vực di tích Yên Tử. Hồ sơ khoa học đã được hoàn thành và nghiệm thu với hàng nghìn trang viết, hàng trăm bản vẽ, hàng chục nghìn bản ảnh.

– Hội đã đứng đầu liên doanh 3 cơ quan (Hội Khảo cổ học Việt Nam, Trung tâm Kart và Di sản địa chất, Viện Bảo tồn Di tích) ký hợp đồng nghiên cứu số 01/2022 ngày 03/03/2022 với Sở Văn hoá Thể thao Quảng Ninh thực hiện các nhiệm vụ xây dựng hồ sơ Quần thể di tích và danh thăng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn,Kiếp Bạc trình UNESCO xem xét công nhận là Di sản Thế giói. Hội đã huy động các cán bộ có chuyên môn về khảo cổ học lịch sử của các chi hội Viện Khảo cổ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia… và 100 hội viên ở nhiều cơ quan liên quan và các chi hội Ban Quản lý các di tích thuộc Ban Quản lý các di tích Yên Tử, Đông Triều, Bạch Đằng, Côn Sơn-Kiếp Bạc, Bảo tàng Quảng Ninh, Bảo tàng Bắc Giang, Bảo tàng Hải Dương…

Hồ sơ đã hoàn thành vào đầu năm 2024 và đã hoàn thành đợt kiểm tra thực tế của ICOMOS trong tháng 8/2024, cùng các đơn vị tư vấn khác, tiến hành sửa chữa 2 đợt để Sở Văn hóa TT Quảng Ninh tiến hành giao nộp đầy đủ về Trung tâm Di sản Thế giới vào ngày 28/02/2025.

– Hội đã phối hợp với Viện Bảo tồn di tích và Bảo tàng Quảng Ninh khai quật địa điểm thương cảng quốc tế Vân Đồn. Tại khu di tích Hội đã thực hiện khai quật 2 địa điểm Cống Cái và Cái Làng. Tư liệu khai quật đã được tích hợp vào Hồ sơ Di tích Quốc gia đặc biệt và đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận năm 2023.

TS. Phan Thanh Hải, Phó chủ tịch Hội đại diện BCH tặng hoa chúc mừng các nghệ sỹ.

Hoạt động của các Chi hội có điều tra và khai quật khảo cổ học
Các chi Hội thuộc Hội Khảo cổ học Việt Nam đã có mặt ở mọi địa bàn tổ quốc và thu được nhiều thành tựu nghiên cứu. Các chi hội Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Khoa Lịch sử trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn Hà Nội, Trung tâm Khảo cổ học Nam Bộ… đã phối hợp với các chi hội địa phương tiến hành 76 cuộc khai quật khảo cổ học ở nhiều quy mô khác nhau.

Hoạt động hội thảo, toạ đàm khoa học
Trung ương Hội đã tổ chức Hội thảo Các giá trị văn hoá phi vật thể của Khu di tích Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc tại Di tích Quốc gia Đặc biệt Côn Sơn, Kiếp Bạc. Hội thảo đã quy tụ hầu hết các nhà nghiên cứu chuyên môn đầu ngành tham gia và đóng góp nhiều ý kiến có giá trị cao trong việc xây dựng Hồ sơ Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc.

Chi hội Viện Nghiên cứu Kinh thành đã tổ chức Toạ đàm quốc tế Nhận diện loại hình kiến trúc cung điện thời Lê Sơ.

Chi hội Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội tham gia tổ chức Hội thảo quốc tế 20 năm phát triển và nghiên cứu di tích Hoàng thành Thăng Long.

Chi hội Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ đã 2 lần tổ chức Hội thảo nghiên cứu nghi thức tế lễ Nam Giao của Khu Di sản.

Hoạt động trưng bày, phổ biến kiến thức
Chi hội Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội tổ chức nghiên cứu xây dựng phim 3D mô phỏng không gian chính điện Kính Thiên và chính điện Kính Thiên, lễ Chính đán, xây dựng kế hoạch, tầm nhìn và diễn giải toàn bộ không gian trục Trung tâm Hoàng thành Thăng Long trình UNESCO.

Chi hội Viện Nghiên cứu Kinh thành thiết kế, trưng bày, nhiều nơi như: Phòng truyền thống Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, thiết kế trưng bày Di sản văn hoá Hoa Lư tại di tích Cố đô Hoa Lư-Ninh Bình, trưng bày giới thiệu 90 năm ngành Xây dựng Đảng (Ban tổ chức Trung Ương), lập báo cáo nghiên cứu khả thi cải tạo, nâng cấp Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tại số 1 Tràng Tiền, thiết kế sơ bộ tổng mức đầu tư phòng truyền thống của Chính Phủ, trưng bày chuyên đề “Báu vật Hoàng cung” tại Di sản Hoàng thành Thăng Long.

Chi hội Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ bước đầu tổ chức trưng bày ngoài trời các vật liệu kiến trúc, được chuyên gia UNESCO thăm và khen ngợi.

Hoạt động bảo tồn di tích, di vật khảo cổ học
Nghị quyết Đại hội 3 của Hội đề nêu rõ việc tham gia tích cực vào việc bảo tồn di tích khảo cổ học. Về mặt này, Hội Khảo cổ học Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nổi bật sau:

– Tham gia tích cực xây dựng luật DSVH (sửa đổi, bổ sung năm 2024). Nhận thức đây là công tác cực kỳ quan trọng, Hội đã cử 2 người tham gia Ban biên soạn của Bộ là PGS.TS Tống Trung Tín và PGS.TS Bùi Văn Liêm. Các thành viên của Hội đã tham gia nhiều Hội thảo khoa học góp ý, thảo luận và góp ý bằng văn bản 18 vấn đề (hay 18 điều khoản) liên quan trực tiếp đến công tác khảo cổ học để trình Ban soạn thảo, Cục Di sản, Uỷ ban Văn hoá giáo dục của Quốc Hội…

– Trung ương Hội và các Chi hội, nhiều chi hội tổ chức bảo tồn hàng năm di tích khảo cổ Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu, bảo tồn các cấu kiện kiến trúc ở trưng bày tại tầng hầm Nhà Quốc Hội, thiết kế và diễn giải di tích kiến trúc thời Trần ở hành cung Lỗ Giang, phối hợp với đơn vị nghiên cứu thiết kế quy hoạch MQL nghiên cứu xây dựng quy hoạch bảo tồn tổng thể khu di tích Cố đô Hoa Lư.

Nhiều hội viên cùng các chi hội địa phương viết sách quảng bá di sản khảo cổ học Thành NHà Hồ, Thăng Long, Hoa Lư, bảo vật Hưng Yên

Tham gia các hoạt động đào tạo
Các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ thuộc các trường Đại học tích cực tham gia đào tạo nguồn nhân lực khảo cổ học cho cả nước. Riêng chi hội Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH và NV Hà Nội nhiệm kỳ qua đã đào tạo thành công 5 tiến sĩ, 4 thạc sĩ, 21 sinh viên.

Hợp tác quốc tế nghiên cứu khảo cổ học
Chi hội Viện Khảo cổ học cử cán bộ phối hợp với các nhà khảo cổ học thuộc trường Đại học Trent Canada tiến hành khai quật ngoại thành kinh đô Hoa Lư tại khu vực chùa Bà Ngô. Chi hội cũng cử cán bộ phối hợp với các chuyên gia Úc tiến hành khai quật mái đá Ngườm (Thái Nguyên).

Chi hội Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Di sản Văn hoá biển Hàn Quốc khảo sát Thuyền truyền thống của các cộng đồng dân tộc Việt Nam ở miền Trung, Tây Nguyên, Tây Bắc.

Chi hội Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản phân tích niên đại 60 mẫu tại nhiều di tích Ba Thê-Óc Eo.

Cán bộ của Trung ương Hội phối hợp với chi hội Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội tham gia thuyết trình, diễn giải kết quả nghiên cứu mới, viết báo cáo tình trạng bảo tồn, báo cáo đánh giá tác động và đề xuất kế hoạch bảo tồn, diễn giải Khu Di sản trong tầm nhìn giành cho nhiều năm tới tại khu vực Trung tâm với đoàn kiểm tra liên ngành UNESCO, Tổng giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới tại Hoàng thành Thăng Long và tại Paris. Báo cáo đã được UNESCO chấp nhận.

Bước vào nhiệm kỳ mới (2025-2030), Hội Khảo cổ học Việt Nam xác định rõ những thuận lợi và khóa khăn. Với các kinh nghiệm công tác Hội được tích luỹ cũng ngày càng dày dặn và hệ thống quy chế hoạt động tương được xây dựng hoàn thiện, đầy đủ, Hội Khảo cổ học Việt Nam quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ sau:

– Tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng quy chế hoạt động theo góp ý của Bộ Nội Vụ, trong đó bổ sung quy chế thi đua, khen thưởng, kỷ luật và khiếu nại.

– Hoàn thành nhiệm vụ bảo tồn thường xuyên các di tích Khảo cổ tại Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long theo đặt hàng của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội

– Tiếp tục thực hiện tốt công tác tư vấn nghiên cứu và bảo tồn Di tích, di vật khảo cổ, tích cực tham gia tư vấn xây dựng các hồ sơ Di sản thế giới Con Moong, Văn hóa Hòa Bình, văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Đông Sơn và Văn hóa Óc Eo…

– Thực hiện tốt việc tuyên truyền giá trị của di sản khảo cổ học và trực tiếp tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, bảo vệ, bảo tồn di tích khảo cổ học theo Luật Di sản văn hóa sửa đổi năm 2024.

Khảo cổ học nghiên cứu quá khứ vật chất hàng triệu năm của loài người và Việt Nam; hoạt động. Khảo cổ học góp phần làm cho di sản văn hoá vật chất, tinh thần của đất nước và dân tộc ngày càng thêm phong phú. Nghị quyết TW lần thứ 9 năm 2014 đã chỉ rõ: “Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.” Cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ tại Hội nghị toàn quốc Văn hoá soi đường cho quốc dân đi: “Văn hoá còn là dân tộc còn”.

Dưới ánh sáng soi đường của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước, Hội khảo cổ học Việt Nam sẽ tiếp tục cố gắng toàn diện dưới sự chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền như Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa phối hợp chặt chẽ các Hội liên quan để có thể tiếp tục gặt hái được nhiều thành tích hơn nữa trong sự nghiệp nghiên cứu, bảo tồn các di tích khảo cổ học./.

BCH Hội Khảo cổ học Việt Nam