Thứ Ba, Tháng 4 8, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Áo dài Việt Nam: Biểu tượng của quyền lực mềm trong ngoại giao văn hóa



ĐNA -

Trong dòng chảy hội nhập và giao lưu quốc tế, mỗi quốc gia đều cần những biểu tượng văn hóa có sức lan tỏa và tạo ấn tượng mạnh mẽ. Với Việt Nam, áo dài đã vượt qua giới hạn của một trang phục truyền thống để trở thành “ngôn ngữ không lời” của ngoại giao văn hóa, được thế giới công nhận như một dấu ấn mềm quyền lực, giàu bản sắc và tinh tế.

TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao thành phố Huế, chủ trì đề án Huế kinh đô áo dài.

Áo dài – Dấu ấn Việt Nam trên trường quốc tế
Không chỉ là trang phục dân tộc, áo dài Việt Nam đã nhiều lần sánh bước trên các diễn đàn ngoại giao quốc tế, thể hiện bản sắc văn hóa Việt Nam trong các sự kiện trọng đại. Hình ảnh bà Nguyễn Thị Bình – nữ Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam – với tà áo dài nền nã, kiêu hãnh tại Hội nghị Paris 1973 đã đi vào lịch sử như một biểu tượng của bản lĩnh, trí tuệ và văn hóa Việt Nam. Hình ảnh ấy khắc sâu trong ký ức nhân loại về một đất nước yêu chuộng hòa bình nhưng kiên cường, bất khuất.

Diễn đàn Tóc Xanh Vạt Áo tại TP HCM với sự tham gia của đại diện Hà Nội, Huế và TP HCM.

Tiếp nối truyền thống đó, nhiều nữ đại sứ, nữ lãnh đạo Việt Nam khi tham gia các hoạt động quốc tế đều chọn áo dài như một cách truyền tải thông điệp mềm mại nhưng sâu sắc về văn hóa Việt. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và các vị nữ Phó chủ nước tiền nhiệm khi xuất hiện trên diễn đàn ngoại giao đều lựa chọn trang phục áo dài truyền thống. Tại các Đại sứ quán Việt Nam ở nhiều nước trên thế giới, áo dài luôn hiện diện trong các sự kiện, ngày lễ, lễ tân ngoại giao, tiêu biểu như Đại sứ Trần Ngọc An (tại Vương quốc Anh), Đại sứ Đinh Toàn Thắng (tại Cộng hòa Pháp), Đại sứ Phạm Sanh Châu (tại Cộng hòa Ấn Độ kiêm Nepal và Bhutan)… Chính họ đã góp phần tạo nên “bản sắc ngoại giao Việt Nam” giàu chất nhân văn.

Nghệ nhân áo dài Đỗ Minh Tám.

Trong những năm gần đây, tại nhiều nước trên thế giới, nhiều Việt kiều nổi tiếng đã tìm cách quảng bá áo dài trên nhiều diễn đàn như một cách thể hiện lòng yêu nước, tự hào dân tộc sâu sắc, tiêu biểu trong số họ là GS.TS.BS Bùi Duy Tâm tại Hoa Kỳ. Đây là người luôn gắn bó với hình ảnh tà áo dài truyền thống Việt Nam trong suốt hơn 50 năm qua và đã không ngừng nỗ lực quảng bá áo dài với mong muốn loại trang phục này chính thức trở thành quốc phục của Việt Nam.

TS.Trần Đoàn Lâm, cố vấn của câu lạc bộ Đình làng Việt và Câu lạc bộ Đình làng Việt với các hoạt động.

Sứ mệnh văn hóa từ cộng đồng và những cá nhân tiêu biểu
Không chỉ hiện diện ở tầm quốc gia và quốc tế, nhiều tổ chức và cá nhân trong nước đã đóng góp tích cực vào hành trình khẳng định vị thế áo dài Việt Nam trên trường quốc tế.

Một hội thảo khoa học về lan tỏa phát triển áo dài do Sở Văn hóa và Thể thao Huế tổ chức.

Tại Hà Nội, Câu lạc bộ Đình làng Việt là một điển hình cho việc bảo tồn, phục dựng và quảng bá văn hóa truyền thống, trong đó có áo dài. Họa sỹ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm câu lạc bộ là người vô cùng tâm huyết và đã chủ trì rất nhiều hoạt động cụ thể trong việc bảo tồn, lan tỏa và phát huy giá trị của chiếc áo dài truyền thống. Ông đã cùng các thành viên CLB đã nhiều lần tổ chức sự kiện “Áo dài và di sản” ở nhiều vùng miền trong cả nước, kết nối di sản vật thể với di sản phi vật thể, khơi dậy niềm tự hào và ý thức gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc trong cộng đồng. Ông cũng đóng góp nhiều bài báo, chủ trì nhiều talkshow về giá trị đặc biệt của chiếc áo dài trên nhiều diễn đàn khác nhau. Những người luôn sát cánh cùng Họa sỹ nguyễn Đức Bình trong các hoạt động này như Tiến sỹ Trần Đoàn Lâm, nguyên giám đốc Nhà xuất bản Thế giới, Nghệ nhân áo dài Đỗ Minh Tám, bà Stella Ciorra, Chủ tịch Hội những người bạn của Di sản Việt Nam đều có những đóng góp xuất sắc trong việc quảng bá hình ảnh chiếc áo dài Việt nam.

Nghệ nhân Năm Tuyền tham gia chương trình Áo dài & xe đạp trong Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế 2024.

Tại Huế – chiếc nôi của nhiều giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam, nơi được xem là quê hương của chiếc áo dài ngũ thân, Tiến sỹ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Huế là một trong những người tiên phong đưa áo dài trở thành một phần đời sống đương đại và định hình chiến lược quảng bá văn hóa Huế ra thế giới. Ông đã chỉ đạo tổ chức nhiều Lễ hội, Ngày hội Áo dài dành cho cộng đồng, đưa áo dài thành trang phục công sở khuyến khích trong giới công chức. Ông đã thành công trong việc chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh di sản áo dài. Cuối năm 2024, áo dài Huế đã được chính thức đưa vào Danh mục di sản Phi vật thể quốc gia với hai tiêu chí nổi bật: “Tri thức May và Mặc áo dài của người Huế”. Hiện nay, ông cùng ngành Văn hóa và Thể thao đang xúc tiến xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh Áo dài là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ông Hải cũng rất tích cực tham gia vào các diễn đàn kết nối những người yêu áo dài trong cả nước, đặc biệt là các phong trào liên kết giữa Huế với hai trung tâm lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Áo dài Việt Nam trên diễn đàn quốc tế

Ở miền Nam, nghệ nhân Năm Tuyền, bậc thầy trong nghề may áo dài truyền thống đã dành cả cuộc đời gìn giữ những kỹ thuật may đo áo dài cổ truyền, phục dựng nhiều mẫu áo dài xưa nhưng khéo léo bổ sung những yếu tố thời đại, qua đó góp phần vừa bảo tồn tinh hoa nghề thủ công Việt Nam vừa quảng bá những nét đẹp độc đáo, tinh tế mà vẫn rất thời trang và hiện đại của áo dài truyền thống. Các sản phẩm áo dài của ông không chỉ được giới mộ điệu trong nước yêu thích mà còn được nhiều khách quốc tế yêu thích, trân trọng như một sản phẩm văn hóa đậm chất Việt.

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân luôn xuất hiện trong các nghi lễ ngoại giao với tà áo dài.

Áo dài, giá trị sống động trong ngoại giao văn hóa
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, ngoại giao văn hóa ngày càng khẳng định vai trò chiến lược trong quan hệ đối ngoại. Áo dài, với tính thẩm mỹ tinh tế, ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đang là “đại sứ văn hóa” đặc biệt, giúp Việt Nam lan tỏa bản sắc một cách mềm mại nhưng hiệu quả.

Hoạt động giao lưu giữa Huế với câu lạc bộ Đình làng Việt.

Nỗ lực của các nhà quản lý văn hóa, nghệ nhân, câu lạc bộ cộng đồng và chính những người dân yêu áo dài đã tạo nên một sức sống mới cho tà áo truyền thống. Đó chính là hướng đi đúng để áo dài không chỉ là một “di sản ký ức” mà còn là “hiện tại sống động và tỏa sáng”, đồng hành cùng đất nước trên hành trình hội nhập và khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ văn hóa thế giới.

Áo dài truyền thống bay cao cùng Vietravel Airlines

Minh Anh/ảnh trong bài: Bảo Minh, VTH, Đình Làng Việt và Internet.