Thứ Bảy, Tháng 4 19, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý I năm 2025.



ĐNA -

Trong bối cảnh tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường; căng thẳng thương mại leo thang, tác động đến hoạt động xuất, nhập khẩu của các quốc gia trên thế giới, gây nguy cơ đứt gẫy chuỗi sản xuất, cung ứng. Bên cạnh đó, thiên tai, biến đổi khí hậu gây hậu quả nghiêm trọng; nguy cơ về an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh mạng… gia tăng.  Tuy vậy, Kinh tế quý I năm 2025 của nước ta đã đạt được kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn.

Việt Nam là quốc gia đang phát triển, quy mô kinh tế còn khiêm tốn, xuất phát điểm thấp, độ mở cao, do đó, những biến động trên thế giới đều có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta. Ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 25/NQ-CP và các văn bản liên quan. Bộ, ngành, địa phương đã theo dõi chặt chẽ những biến động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, đồng thời nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt mục tiêu đề ra.

Kết quả đạt được về sự tăng trưởng kinh tế của quý I/2025
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2025 tăng 6,93%, trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,74%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế; Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,42 phần trăm, đóng góp 2,87 điểm phần trăm; Khu vực dịch vụ tăng 7,70%, đóng góp 3,83 điểm phần trăm.

Tốc độ tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam quý I/2025 (Nguồn: Cục Thông kê)

Biểu đồ thể hiện các hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt kết quả khá tích cực với mức tăng 3,74%, trong đó sản xuất nông nghiệp tăng 3,53% do cây lâu năm tăng khá, chăn nuôi ổn định (lợn, gia cầm tăng); sản xuất lâm nghiệp tăng 6,76% do diện tích rừng trồng mới và gỗ khai thác tăng, khai thác và nuôi trồng thủy sản tăng 3,98%.

Kết quả này nhờ vào các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với người nông dân như: cho vay ưu đãi với lãi suất thấp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; không ngừng phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản từ các thị trường truyền thống Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU sang các thị trường mới như châu Phi, Hala… Nhờ đó, chất lượng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản của Việt Nam ngày càng được nâng cao và được biết đến ở nhiều nước trên thế giới.

Các ngành công nghiệp, xây dựng quý I đạt mức tăng trưởng khá (7,42%), giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 7,32%, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 9,28%; sản xuất và phân phối điện tăng 4,60%; cung cấp nước; quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,81% và khai khoáng giảm 5,76%. Ngành xây dựng đã có những chuyển biến tích cực với mức tăng trưởng giá trị tăng thêm quý I năm 2025 đạt 7,99%.

Tốc độ tăng trưởng của các ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản. (Nguồn: Cục Thông kê)

Tốc độ tăng trưởng của các ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản. (Nguồn: Cục Thông kê)Hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng tốc mạnh kể từ tháng 2 (IIP tháng 2 tăng 19,7%, tháng 3 tăng 10,2%, tính chung 3 tháng tăng 9,5%); nhiều địa phương ghi nhận sự phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ của ngành này, đặc biệt là trong các lĩnh vực như điện tử, hóa dược, cao su, nhựa, cơ khí và thực phẩm; nhiều ngành chế biến, chế tạo có lợi thế xuất khẩu tăng mạnh như: Dệt may, da giầy; điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc, thiết bị. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng tốt nhờ sự gia tăng thương mại hàng hóa thế giới làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu và các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Chính phủ khuyến khích sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong nước.

Mức tăng trưởng tích cực của ngành xây dựng là kết quả của việc Chính phủ quyết liệt chỉ đạo nhằm đẩy mạnh triển khai thực hiện các dự án đầu tư công ngay từ các tháng đầu năm đã thúc đẩy hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng cơ sở hạ tầng. Các vướng mắc về chính sách được tháo gỡ, các chính sách hỗ trợ về tài chính, tiền tệ tiếp tục được áp dụng như giảm 2% thuế suất thuế VAT, các giải pháp được triển khai đồng bộ nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng trong cung ứng tín dụng, duy trì lãi suất cho vay ở mức hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận tín dụng để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi và phát triển.

Sự tăng trưởng của các ngành dịch vụ. (Nguồn: Cục Thông kê)

Sự tăng trưởng các ngành dịch vụ quý I năm 2025 đạt 7,70%, đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Các ngành có tăng trưởng tốt như: Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (7,47%); Dịch vụ lưu trú, ăn uống (9,31%); Vận tải kho bãi (9,90%) ghi nhận tăng cao ở cả vận tải hành khách và hàng hóa; Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (12,57%); hoạt động của Đảng cộng sản, tổ chức chính trị – xã hội, quản lý Nhà nước, an ninh quốc phòng, bảo đảm xã hội bắt buộc (9,65%); Ngành giáo dục đào tạo (9,28%).

Tăng trưởng của khu vực dịch vụ được hỗ trợ bởi nhu cầu nội địa và khách quốc tế tăng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, các khóa lễ hội đầu xuân và chương trình kích cầu du lịch của các địa phương trong quý I nên hoạt động du lịch diễn ra sôi động. Khách quốc tế đến nước ta tăng cao (29,6%); mặt khác, chi tiền lương cho công chức viên chức từ nguồn ngân sách nhà nước cũng tăng cao so với cùng kỳ năm trước dẫn đến các ngành hoạt động dựa vào ngân sách nhà nước tăng trưởng tốt.

Mức tăng trưởng 6,93% trong quý I/2025 có rất nhiều ý nghĩa quan trọng, phản ánh sự phục hồi tích cực của nền kinh tế, đồng thời tạo tiền đề cho tăng trưởng của các quý tiếp theo của năm 2025.

Tốc độ tăng trưởng của các ngành công nghiệp và xây dựng. (Nguồn: Cục Thông kê)

Kết quả tình hình kinh tế – xã hội tháng sau tốt hơn tháng trước, quý I/2025 tốt hơn cùng kỳ năm trước trên hầu hết các lĩnh vực là thành quả ban đầu của những nỗ lực bền bỉ của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt và hiệu quả của Chính phủ, sự chung tay của các Bộ, ngành, địa phương trong triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi của các thành phần trong nền kinh tế phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc Việt Nam tăng trưởng thuộc nhóm cao trong khu vực và quốc tế là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh hiện nay.

Khẳng định đà phục hồi, phát triển kinh tế của đất nước và là minh chứng cho sự linh hoạt, khả năng thích ứng của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh kinh tế – chính trị toàn cầu có nhiều biến động khó lường.

Kết quả tăng trưởng ổn định và ở mức cao so với các nước trong khu vực và thế giới cùng với sự ổn định chính trị tạo tâm lý tích cực cho các nhà đầu tư, từ đó thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Mặc dù đạt tốc độ tăng trưởng khá cao trong quý I/2025 nhưng kết quả này chưa đạt mục tiêu phấn đấu như kịch bản đề ra do bối cảnh thế giới biến động nhanh, nhiều bất ổn đã ảnh hưởng đến nước ta.

Đầu tư công với sự mặc dù được thúc đẩy tích cực trong quý I so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chưa có sự bứt phá mạnh, nhìn chung vẫn tiến độ vẫn còn chậm, hiệu quả chưa cao;

Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng mới do thiếu thông tin thị trường, khả năng tiếp thị và quảng bá sản phẩm. Thị trường toàn cầu đang biến động mạnh mẽ, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong dự báo và thích ứng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước chưa cao;

Áp lực lạm phát do nhiều yếu tố như xung đột quân sự ở một số nước leo thang, cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, có thể bước vào giai đoạn bế tắc chiến lược, giá nguyên vật liệu trong nước có thể tăng theo giá thế giới, chi phí vận chuyển gia tăng.

Tiến Chí