Expo Osaka 2025, sự kiện toàn cầu với chủ đề “Designing Future Society for Our Lives” (Kiến tạo xã hội tương lai cho cuộc sống của chúng ta) đang dần hé lộ một bức tranh sống động về cách các quốc gia khẳng định vị thế, bản sắc và khát vọng phát triển của mình trước thế giới. Với hơn 160 quốc gia và tổ chức quốc tế tham dự, cùng hơn 80 nhà triển lãm đa dạng về quy mô và hình thức, Expo 2025 không chỉ là một triển lãm, mà là một cuộc “trình diễn quyền lực mềm” sôi động và đầy tính cạnh tranh.

Cuộc đua giữa những “ông lớn”
Trong số hàng chục nhà triển lãm quốc gia đang dần thành hình, dễ dàng nhận thấy một xu hướng nổi bật: các cường quốc hàng đầu thế giới không ngần ngại đầu tư mạnh tay vào thiết kế, công nghệ và nội dung để tạo nên dấu ấn đậm nét tại Expo Osaka 2025.
Nhà triển lãm của Đức là một ví dụ điển hình. Với tổng mức đầu tư lên tới 50 triệu Euro, công trình này không chỉ gây ấn tượng bởi quy mô mà còn bởi sự sáng tạo trong thiết kế, kết hợp công nghệ hiện đại và tư duy bền vững – những giá trị cốt lõi trong định hướng phát triển của nước Đức. Ngay từ bản thiết kế, kiến trúc của nhà triển lãm Đức đã truyền tải rõ ràng thông điệp về một tương lai xanh – sạch – thông minh, hướng đến nền kinh tế tuần hoàn và giảm thiểu tác động đến môi trường.

Không hề kém cạnh, Pháp mang đến Expo 2025 một tổ hợp triển lãm tinh tế với lối kiến trúc đậm chất nghệ thuật. Đặc biệt, điểm nhấn nổi bật của Pháp là khu vực Bistro – nơi giới thiệu tinh hoa ẩm thực Pháp với không gian mở, sang trọng và đầy hấp dẫn. Bistro không chỉ là nơi để thưởng thức, mà còn là điểm gặp gỡ văn hóa, nơi người xem trải nghiệm nghệ thuật sống của người Pháp thông qua từng món ăn, từng cách bày biện, phục vụ. Đây là một chiến lược thông minh, khi ẩm thực được xem là một trong những kênh hiệu quả nhất để tiếp cận và lan tỏa văn hóa.
Hoa Kỳ, quốc gia vốn nổi tiếng với công nghệ và sức mạnh truyền thông, cũng không đứng ngoài cuộc. Với mức đầu tư lên tới 30 triệu USD, nhà triển lãm Mỹ được thiết kế theo phong cách hiện đại, đậm chất tương lai với nhiều ứng dụng công nghệ thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo và mô phỏng tương tác. Qua đó, Mỹ không chỉ kể câu chuyện về công nghệ, mà còn khéo léo lồng ghép hình ảnh về giấc mơ Mỹ – nơi mọi cá nhân đều có thể hiện thực hóa tiềm năng và khát vọng.

Trung Quốc – “gã khổng lồ” của Expo Osaka
Trong số các nhà triển lãm quốc gia, không thể không nhắc đến Trung Quốc, quốc gia đang gây choáng ngợp với công trình quy mô 3500m², cao 3 tầng, được thiết kế với phong cách kiến trúc đậm nét truyền thống nhưng tích hợp công nghệ hiện đại. Nhà triển lãm Trung Quốc là sự kết hợp đầy dụng ý giữa quá khứ và tương lai – giữa lầu các kiểu Tử Cấm Thành với ánh sáng LED, giữa thư pháp cổ và màn hình tương tác AI. Đó không chỉ là một không gian trưng bày, mà là một “trải nghiệm văn hóa” tổng thể, nơi Trung Quốc muốn kể câu chuyện hàng nghìn năm lịch sử, đồng thời khẳng định khát vọng dẫn dắt tương lai toàn cầu.
Không chỉ mạnh về quy mô, Trung Quốc còn thể hiện chiến lược quảng bá nhất quán, quy tụ nhiều đơn vị truyền thông lớn, các hãng công nghệ, nghệ sĩ, nhà thiết kế để cùng kể một “câu chuyện Trung Hoa” thống nhất, đồng bộ và xuyên suốt.

Các nước Đông Nam Á: Sự trỗi dậy ấn tượng
Điều đáng chú ý là ngay cả các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Philippines cũng không hề đứng ngoài cuộc đua. Những nhà triển lãm của các nước này đều cho thấy sự đầu tư nghiêm túc, từ thiết kế bên ngoài mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, đến các chương trình tương tác, biểu diễn nghệ thuật, trình chiếu kỹ thuật số trong không gian bên trong.
Thái Lan chọn hình tượng voi – biểu tượng văn hóa và tôn giáo – làm chủ đề chính, kết hợp nghệ thuật đèn chiếu sáng và âm thanh 3D để tái hiện quá trình chuyển mình của đất nước từ một nền nông nghiệp truyền thống sang quốc gia công nghiệp hóa, số hóa.
Malaysia lại nhấn mạnh vào tính đa dạng văn hóa và môi trường sinh thái, còn Philippines đem đến một không gian trưng bày giàu màu sắc biển đảo, âm nhạc truyền thống xen lẫn nhịp sống hiện đại. Những không gian ấy không hề thua kém các cường quốc về độ cuốn hút, đồng thời thể hiện rõ sự trưởng thành trong tư duy quảng bá quốc gia.

Việt Nam – Đã đến lúc cần bước đi quyết đoán hơn
Trước một “sân khấu toàn cầu” như Expo Osaka 2025, có lẽ mỗi người Việt chúng ta đều phải đặt câu hỏi: Hình ảnh Việt Nam sẽ hiện diện ra sao? Chúng ta muốn bạn bè quốc tế nhớ đến Việt Nam như thế nào: một quốc gia nông nghiệp truyền thống, một điểm đến du lịch hấp dẫn, một đất nước sáng tạo đang vươn mình, hay tất cả những điều đó?
Trong quá khứ, Việt Nam từng có nhiều lần tham dự các kỳ Expo với nỗ lực đáng ghi nhận, tuy nhiên quy mô đầu tư và tính nhất quán trong thông điệp truyền thông vẫn còn hạn chế. Trong khi các quốc gia khác sẵn sàng chi hàng chục triệu USD để kể một “câu chuyện quốc gia” đầy bản sắc, giàu cảm xúc, thì Việt Nam vẫn còn dè dặt trong việc coi trọng công tác quảng bá hình ảnh quốc gia như một kênh đầu tư chiến lược.
Sự kiện Expo Osaka 2025 – được tổ chức tại Nhật Bản, quốc gia có quan hệ gần gũi với Việt Nam – lại càng là cơ hội vàng để chúng ta bứt phá. Đây không chỉ là nơi quảng bá du lịch, mà còn là dịp để kể câu chuyện văn hóa, đổi mới sáng tạo, bản lĩnh hội nhập, từ đó gia tăng vị thế và uy tín quốc tế. Đặc biệt, năm 2025 cũng là năm Huế đăng cai Năm Du lịch Quốc gia, đồng thời là dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, càng khiến cho tiếng nói của Việt Nam tại Expo cần vang vọng hơn, sâu sắc hơn.
Một nhà triển lãm được đầu tư nghiêm túc, có chiều sâu văn hóa, sử dụng công nghệ mới và mang đậm bản sắc Việt – đó không chỉ là niềm tự hào dân tộc, mà còn là chiến lược “ngoại giao mềm” hiệu quả, bền vững trong dài hạn.
![]() |
![]() |
Không gian trải nghiệm ấn tượng bên trong Nhà triển lãm Đức.
Quảng bá quốc gia – cuộc đua không thể chậm trễ
Expo Osaka 2025 cho thấy, quảng bá hình ảnh quốc gia không còn là chuyện “làm cho có”, mà là một phần trong cuộc đua quyền lực mềm toàn cầu Đó là nơi mỗi quốc gia thể hiện tầm nhìn, kể câu chuyện của mình bằng mọi ngôn ngữ: kiến trúc, ẩm thực, công nghệ, nghệ thuật, cảm xúc.
Minh Anh