Nhân chuyến công tác tham dự Expo Osaka 2025, trong ngày nghỉ, chúng tôi tranh thủ về thăm Cố đô Kyoto, nơi tôi từng đến rất nhiều lần trước đây nhưng vẫn luôn nhung nhớ và ước ao được quay lại thăm viếng. Kyoto dịp giữa tháng 4, tiết xuân đẹp tuyệt vời. Thật không uổng công một chuyến đi…Và tôi đã viết bài cảm nhận này rất nhanh: Giữ gìn hồn xưa trong nhịp sống mới: Cảm nhận từ Kyoto đến Huế

Nếu có nơi nào khiến người ta lặng lòng chiêm ngưỡng sự giao hòa giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và hiện đại, thì chắc chắn đó là Kyoto, cố đô của Nhật Bản. Trong hành trình đến với vùng đất trầm mặc ấy, tôi đã dừng chân trước hai công trình di sản tiêu biểu: chùa Thanh Thủy (Kiyomizu-dera) và cung điện Nijō, thành cổ của Mạc phủ Tokugawa. Mỗi bước chân, mỗi ánh nhìn ở đây không chỉ gợi nhắc về những thời đại vàng son, mà còn khiến tôi suy nghĩ thật nhiều về việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong nhịp sống hôm nay, và nhất là về vùng đất cố đô Huế, nơi tôi đang sống và gắn bó.

Kiyomizu-dera, ngôi chùa mang tên Thanh Thủy (Nước trong) và tinh thần giữ gìn cẩn trọng
Chùa Thanh Thủy (Kiyomizu) tọa lạc trên sườn núi Higashiyama, từ bao đời nay vẫn được xem là một trong những biểu tượng tâm linh của Kyoto. Đặt chân đến đây, không chỉ là đến với một ngôi chùa, mà là bước vào không gian lặng tĩnh và uy nghiêm, nơi thiên nhiên và kiến trúc hòa quyện, nơi tinh thần Phật giáo thấm đẫm trong từng viên đá, từng tán lá phong đỏ rực và cả những gốc anh đào sắc hồng, sắc trắng đang nở rộ cuối xuân. Cảnh sắc ngôi chùa đẹp đến nao lòng.
Ngôi chùa nổi tiếng với kiến trúc sân gỗ cao vươn ra sườn núi, hoàn toàn không dùng đinh, vẫn đứng vững suốt nhiều thế kỷ. Dòng nước từ thác Otowa chảy qua ba dòng, biểu tượng cho sức khỏe, học hành và tình duyên, vẫn thu hút hàng triệu du khách mỗi năm đến cầu nguyện. Nhưng điều khiến tôi cảm động hơn cả là cách người Nhật gìn giữ từng mảng tường rêu, từng bậc đá cổ xưa, và bố trí cảnh quan phụ trợ đầy tinh tế.
Không có những công trình hiện đại chen vào không gian cổ tự. Thay vào đó là những trà quán nhỏ mang phong cách truyền thống, những gian hàng kimono nằm khiêm nhường bên con phố cổ Sannenzaka, nơi du khách có thể thuê hoặc may đo những bộ trang phục truyền thống Nhật Bản để khoác lên mình trước khi bước vào không gian linh thiêng của Kiyomizu. Đó không chỉ là dịch vụ, mà là sự hòa nhập văn hóa tinh tế, một hình thức trải nghiệm khiến mỗi người đều cảm thấy như mình thực sự thuộc về nơi ấy.
Các khu vệ sinh, khu nghỉ chân, trạm thông tin du lịch đều được thiết kế hài hòa với kiến trúc cảnh quan chung. Mọi thứ đều được quy hoạch có chủ đích, để phục vụ du khách mà không làm tổn thương vẻ đẹp xưa cũ.
Thành Nijō – chứng tích một thời đại và bài học về sống cùng di sản
Trái với nét tâm linh lặng lẽ của Kiyomizu, thành Nijō (Nijō-jō) lại là một biểu tượng thế tục của quyền lực và chính trị, từng là nơi ở và làm việc của các vị tướng quân Mạc phủ Tokugawa. Những dãy hành lang gỗ rộng, hệ thống “sàn chim hót” nổi tiếng – nơi bước chân người đi sẽ khiến mặt sàn phát ra âm thanh như tiếng chim hót để cảnh báo người lạ – cho thấy sự kết hợp giữa thẩm mỹ và kỹ thuật rất đáng khâm phục.
Không chỉ giữ gìn nguyên vẹn các công trình chính, người Nhật còn quy hoạch toàn bộ không gian vườn cảnh xung quanh theo phong cách truyền thống. Cây cối, hồ nước, đá tảng và cả các lối đi đều được chăm chút. Họ xây dựng các khu vực triển lãm nhỏ bên trong thành, có hệ thống thuyết minh bằng nhiều ngôn ngữ, ứng dụng công nghệ thực tế ảo để du khách hiểu hơn về cuộc sống trong Mạc phủ.
Một điểm tôi rất ấn tượng là việc tổ chức các dịch vụ du lịch một cách trật tự, vừa đủ. Không gian dành cho khách tham quan – nghỉ ngơi – mua sắm – sử dụng nhà vệ sinh – đều bố trí hợp lý, tôn trọng kiến trúc gốc. Không có sự lấn át hay phá vỡ cảnh quan. Đó là cách người Nhật sống cùng di sản, làm du lịch nhưng không đánh mất cốt cách.

Và những bài học cho cố đô Huế
Từ Kyoto trở về, tôi lại nghĩ về Huế, nơi cũng từng là kinh đô, cũng có quần thể di sản đồ sộ, cũng có những di tích linh thiêng và cung điện lộng lẫy, nhưng vẫn chưa thực sự phát huy được hết giá trị vốn có.
Huế có Hoàng cung, lăng tẩm, chùa chiền, nhà rường, có áo dài, ẩm thực, nhã nhạc cung đình, ca Huế và dân ca phong phú với các điệu hò mái nhì, mái đẩy, một kho báu văn hóa gần như vô song. Nhưng trong cách làm du lịch và bảo tồn di sản, vẫn còn nhiều điều bất cập khiến người ta tiếc nuối.

Nhiều di tích của Huế tuy được trùng tu nhìn chung là tốt nhưng thiếu sự đồng bộ trong quy hoạch cảnh quan xung quanh và tương tác hài hòa với các khu vực dân cư. Khu dịch vụ, nhà vệ sinh, quầy hàng lưu niệm đôi khi được đặt chưa phù hợp, chưa đẹp về mặt thẩm mỹ. Các không gian thư giãn cho du khách, các quán cà phê, giải khát, ẩm thực…, nơi giới thiệu văn hóa truyền thống, vẫn còn ít và thiếu sự tinh tế như cách người Nhật bố trí bên cạnh các ngôi chùa hay đền cổ.
Đặc biệt, một trong những bài học quan trọng từ Kyoto là việc sử dụng trang phục truyền thống như kimono để làm nên trải nghiệm độc đáo cho du khách. Trong khi đó, Huế, cái nôi của áo dài, lại chưa phát huy hết tiềm năng này. Việc phục dựng các loại áo dài truyền thống, cổ phục cung đình, áo dài ngũ thân… vẫn chưa thực sự phổ biến trong tour du lịch. Dịch vụ cho thuê, may đo, trình diễn áo dài vẫn ở quy mô nhỏ, tự phát, thiếu sự đầu tư bài bản và kết nối với không gian di tích.
Tương tự, nền ẩm thực Huế vốn phong phú và mang đậm tinh thần cung đình lẫn dân gian và cả văn hóa Phật giáo, nhưng vẫn chưa được tổ chức được những không gian trải nghiệm đặc sắc cho du khách như các phố ẩm thực truyền thống của Nhật. Những món ăn vốn là di sản như các món ăn cung đình, bánh Huế, chè Huế, cơm muối Huế, mắm Huế… nếu được quy hoạch thành không gian phục vụ bài bản, sẽ trở thành một nét hấp dẫn riêng của thành phố.

Và mong ước Huế hãy phát triển theo cách Kyoto đã từng…
Kyoto không vội vã hiện đại hóa bằng cách phá bỏ cái cũ, mà họ biết cách làm cho cái cũ sống lại trong nhịp sống mới. Họ không chỉ trân trọng di sản, mà còn biến nó thành động lực phát triển, tạo bản sắc riêng giữa thế giới toàn cầu hóa.
Huế, với kho tàng văn hóa sâu dày và cảnh sắc nên thơ, hoàn toàn có thể làm được như vậy, nếu chúng ta thật sự có chiến lược quy hoạch, đầu tư bài bản và có tâm trong từng bước đi. Bảo tồn không chỉ là giữ lại, “hóa thạch di sản” mà còn là làm cho cái vốn quý giá ấy tiếp tục sống, tiếp tục tỏa sáng trong đời sống hiện đại.
Và có lẽ, đã đến lúc Huế cần một tầm nhìn văn hóa – du lịch toàn diện hơn, nơi áo dài truyền thống, ẩm thực, nhạc cung đình, kiến trúc cổ… không chỉ được bảo tồn trong bảo tàng, mà hiện diện sinh động giữa đời sống, như cách kimono của người Nhật vẫn lặng lẽ tỏa hương trên những con phố cổ Kyoto mỗi ngày.
Yên Chi