Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Hồi ức chân thực của Tướng tình báo Sáu Trí về ngày 30/4/1975

ĐNA -

 

Thiếu tướng tình báo Sáu Trí tên thật Nguyễn Văn Khiêm, sinh trưởng trong một gia đình quan lại, trí thức yêu nước ở Gò Công, Tiền Giang và sớm được giác ngộ, hoạt động cách mạng. Để giữ bí mật, thời chống Pháp, ông đổi tên thành Phạm Duy Hoàng, thời chống Mỹ là Nguyễn Đức Trí và đây cũng là tên gọi quen thuộc của ông về sau này. Cùng với những nhà tình báo lão luyện như Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn, Hoàng Minh Đạo, Trần Văn Danh (Ba Trần), Đặng Trần Đức, Vũ Ngọc Nhạ, Huỳnh Văn Trọng, Nguyễn Thành Trung, Đinh Thị Vân, Nguyễn Văn Tàu,… Thiếu tướng Nguyễn Đức Trí đã góp phần xây dựng và chỉ huy một đội quân điệp báo bí mật, hoạt động hiệu quả gần suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Tại sao ông sáu Trí lại bất ngờ có mặt trong Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975?
Các lưới tình báo quân đội của mình trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam là do ông Sáu Trí trực tiếp chỉ đạo với tư cách là chỉ huy khối điệp báo tình báo quân sự quân giải phóng miền Nam (1965-1968) và trưởng phòng tình báo J22 Cục tham mưu quân giải phóng miền Nam (1969-1974) dưới sự chỉ huy của ông Trần Văn Danh (tức Ba Trần, tham mưu phó Quân giải phóng miền Nam, phụ trách tình báo) mà chúng ta hay gọi là Phòng tình báo Miền thuộc Bộ tham mưu B2. Tháng 1/1974, ông Sáu Trí được cử ra Hà nội học lớp bổ túc cán bộ cao cấp quân sự trong hơn một năm, ông Tư Bốn- nắm phòng J22 thay thế.

Lần dở những trang viết của ông Sáu Trí, ông kể : cuối tháng 2/1975, đại tướng Hoàng Văn Thái có cho gọi tôi vào Bộ tổng tham mưu khi đó tôi đang theo học ở Học viện quân sự cao cấp tại Hà Nội. Tôi báo cáo nguyện vọng của tôi là muốn được trở vào chiến trường sớm để kịp thời triển khai công tác. Thời cơ này rất thuận lợi để xây dựng lực lượng tình báo, đuổi theo địch, cài sâu trong hàng ngũ địch khi chúng co cụm cũng như theo địch ra nước ngoài. Anh Thái bảo, ý kiến của tôi cũng phù hợp với suy nghĩ của ảnh. Do vậy, đồng ý cho tôi ngưng học, chuẩn bị để trở về chiến trường. Trước ngày đi, anh Thái chỉ thị cho tôi: trở về phòng J22, anh chủ yếu làm nhiệm vụ xây dựng lực lượng tình báo cho yêu cầu lâu dài. Kỳ này ta sẽ giành toàn thắng, sẽ giải phóng Sài Gòn. Cần xây dựng mạng lưới tình báo ở cự ly gần như Campuchia, Thái Lan, các nước Đông nam Á, các cự ly xa như châu Âu, Bắc Mỹ. Thời cơ lớn lắm, nên tranh thủ làm. Anh báo cáo lại anh Ba Trần chỉ thị của tôi như vậy nhé (Ba Trần tức ông Trần Văn Danh, tham mưu phó quân giải phóng miền Nam, phụ trách tình báo). Ngày 17/4/1975, xe ô tô đưa tôi về tới Lộc Ninh. Chiều 21/4/1975, anh Ba Trần đã gặp tôi để nghe báo cáo của Trung ương. Sau khi nói chỉ thị của đại tướng Hoàng Văn Thái, anh Ba Trần nhìn tôi cười rồi nói: “giờ thì anh phải làm một công tác đặc biệt phục vụ nhiệm vụ giải phóng Sài Gòn. Nhiệm vụ như sau: Cụm A20 thông qua anh Ba Lễ (H3) cán bộ điệp báo, có cơ sở mới là đại tá Lộc đang được tổng thống Thiệu giao nhiệm vụ thành lập và chỉ huy một liên đoàn biệt động quân để tăng cường cho tuyến phòng thủ Sài Gòn. Đại tá Lộc lúc trước là cơ sở binh vận của ta, sau Mậu Thân 1968 bị đứt liên lạc”. Tôi có nhiệm vụ vào Sài gòn nắm đại tá Lộc, sử dụng ông ta phục vụ cho việc giải phóng Sài Gòn để ít đổ máu nhất. Điều này có nghĩa là phải làm cho liên đoàn biệt động quân này tan rã, không kháng cự khi cánh quân của ta tiến vào thành phố. Thấy tôi còn đang băn khoăn, anh Ba Trần nói tiếp: “đối với nhiệm vụ của đại tướng Hoàng Văn Thái giao cho anh liên quan tới công tác tình báo lâu dài, anh là cán bộ B2 đi học trở về nên dốc toàn sức để giải phóng Sài Gòn. Sự phân công này đã có ý kiến của đại tướng Văn Tiến Dũng rồi, anh không ngại làm trái lệnh của anh Thái đâu!”

Thế là tôi nhận nhiệm vụ ngay trong khí thế thần tốc để giải phóng Sài Gòn. Tôi đã móc nối để anh Ba Lễ (H3) gặp tôi ở Bến Cát. Sau khi nắm tình hình, tôi báo cáo anh Ba Trần để ngày 26/4/1975 sẽ theo H3 vào Sài Gòn thực hiện nhiệm vụ. Ở Sài Gòn, tôi nghỉ ở nhà riêng của H3. Các cán bộ điệp báo của ta trong lưới A20 trong thành có: Trần Bá Thành (H1), Lê Quang Hiền (P71), Đỗ Tấn Đức (H81) và một số anh em nữa đều tham gia công tác đặc biệt này phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh .

Nhiệm vụ của đại tá Lộc là thúc đẩy binh sỹ đào ngũ tập thể, bỏ súng chạy khi nghe tiếng súng của quân ta. Sáng 30/4, sau khi Dương Văn Minh kêu gọi binh sỹ VNCH hạ vũ khí, không nổ súng để bàn giao chính quyền cho cách mạng, liên đoàn biệt động quân 316 của đại tá Lộc đã rã ngũ tập thể, bỏ chạy, vứt súng lại tại chỗ. Với thành tích này, đại tá Lộc đã được Mặt trận dân tộc giải phóng khu Sài Gòn-Chợ Lớn thưởng Huân chương chiến công hạng 3 (nhờ có sự xác nhận của Ban binh vận đại tá Lộc là cơ sở cũ bị đứt liên lạc).

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử có 2 nhân vật không phải giới quân sự tham gia bộ chỉ huy gồm : ông Nguyễn Văn Linh được phân công phụ trách phong trào quần chúng trong nội thành nổi dậy và ông Võ Văn Kiệt phụ trách khâu tiếp quản các cơ sở kinh tế kỹ thuật của thành phố sau giải phóng. Anh Tô Văn Cang là một trí thức yêu nước, ảnh thuộc lưới tình báo cụm A24 của anh Hai Thắng (Đinh Sơn Đường) từ đầu năm 1973. Anh Hai Thắng có tiết lộ sự có mặt của ông Sáu Trí tại Sài Gòn ở nhà H3 nên anh Tô Văn Cang đi cùng với kỹ sư Lê Văn Giàu cơ sở trí vận trong thành đã xin được gặp vị chỉ huy tình báo vào trưa ngày 28/4/1975.

Anh Cang đến đây là do nội các ông Dương Văn Minh nhờ anh đi tìm một đại diện của Uỷ ban Mặt trận giải phóng cấp Trung ương để thương lượng. Quá bất ngờ với cuộc gặp mặt không được hẹn trước này, tôi cũng có phần hơi lo. Anh Cang nói: “biết đi gặp anh ở chỗ ở riêng như thế này là vi phạm nguyên tắc bí mật, nhưng có việc quá gấp và quan trọng do ông Dương Văn Minh nhờ”. Anh Cang có một người bạn thân là Nguyễn Văn Diệp (anh Diệp là bộ trưởng Bộ Tiếp Thương trong nội các của ông Dương Văn Minh, ảnh là giám đốc Việt Nam ngân hàng). Ông Dương Văn Minh muốn bố trí gặp người đại diện cấp cao của Chính phủ Cách mạng lâm thời để nói chuyện nên anh Diệp nhờ anh Cang đi tìm người đại diện này. Trong nội các ông Dương Văn Minh khi ấy chia làm 2 phe. Một phe chịu thương lượng với Mặt trận dân tộc giải phóng để kết thúc chiến tranh với bất cứ giá nào. Phe bên kia do đám công giáo cầm đầu mà người đại diện là Nguyễn Bảo Kiếm quyết không nhân nhượng, quyết tử thủ Sài Gòn, cố gắng kéo dài chiến tranh thêm một thời gian nữa sẽ có giải pháp có lợi cho VNCH. Phe chủ hoà có Diệp cầm đầu có nhiều ảnh hưởng tới ông Dương Văn Minh muốn gặp đại diện của Trung ương Mặt trận giải phóng dân tộc miền Nam để xin ý kiến xử trí trong bối cảnh căng thẳng này. Tôi đã trả lời anh Tô Văn Cang là tôi không có tư cách đại diện của Cách mạng để gặp gỡ bất cứ ai. Tôi vào trong Sài Gòn có việc riêng của tôi. Chính phủ của ông Dương Văn Minh muốn gặp Chính phủ Cách mạng lâm thời thì cứ đến cơ quan bốn bên tại Tân Sơn Nhất, ở đó luôn luôn có người thường trực.

Anh Cang lại truyền đạt câu hỏi thứ 2 của anh Diệp đề nghị tôi giúp ý kiến trong hoàn cảnh bức bách trước mắt anh Diệp và nội các ông Dương Văn Minh nên xử trí như thế nào? Xử lý ra sao ư, tôi không biết phải nói như thế nào trong lúc khẩn trương này? Bình tĩnh, tôi đề nghị anh Diệp nên nói với tướng Minh như thế này: đại tướng Minh là nhà quân sự có thừa khả năng để đánh giá tình thế trước mắt của Sài Gòn đang bị các quân đoàn của Quân giải phóng bao vây, nhân dân Sài Gòn đã sẵn sàng xuống đường để khởi nghĩa, pháo binh Quân giải phóng sẵn sàng dập tắt mọi đề kháng và đã bắn cảnh cáo vào phi trường Tân Sơn Nhất rồi. Quân đội Sài Gòn không còn lực lượng để chống đỡ. Người Mỹ đã rút quân và không bao giờ quay trở lại để cứu VNCH nữa đâu. Sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn được tính từng ngày, từng giờ. Vì vậy, chính phủ ông Dương Văn Minh không còn thái độ nào khác hợp đạo lý là chấp nhận đầu hàng vô điều kiện như lời kêu gọi của chính phủ cách mạng lâm thời đã loan báo trên các đài phát thanh. Nếu hành động khác để kéo dài chiến tranh, chính quyền Sài Gòn vẫn sụp đổ nhưng kéo theo đó là thành phố Sài Gòn đổ nát, hậu quả đau thương là rất nhiều người chết, nội các tướng Minh sẽ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử, trước nhân dân và trước lương tâm . Anh Cang đã cám ơn tôi và ra về.

Nhìn lại sự kiện, anh Cang đã làm được việc tác động tới ông Dương Văn Minh thông qua Nguyễn Văn Diệp và Nguyễn Đình Đầu là một trí thức có nhiều ảnh hưởng đối với tướng Minh để nội các này sớm đầu hàng, nhờ đó chúng ta giải phóng Sài Gòn còn hầu như nguyên vẹn. Sau khi nghe anh Tô Văn Cang truyền đạt lại ý kiến của tôi, anh Diệp đã nói lại với bộ ba Minh, Huyền, Mẫu. Trưa ngày 29/4/1975, ông Minh đã cử chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Nguyễn Văn Diệp, Nguyễn Đình Đầu đi gặp Tô Văn Cang và nhờ đưa vào trại David trong sân bay Tân Sơn Nhất gặp người có thẩm quyền của Cách mạng. Tại đây, tất cả họ đều được nghe rất rõ không có chủ trương nào khác là đầu hàng vô điều kiện. Cũng nên nhớ, lúc này chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh cũng là người của ban binh vận, ông cũng được lệnh khuyên ông Minh đầu hàng vô điều kiện để tránh đổ máu cho dân lành. Ông Dương Văn Minh đã yêu cầu tất cả các người Mỹ phải rời khỏi Việt Nam trong vòng 24h, tới 16h chiều, ông phó tổng thống Huyền lên đài phát thanh tuyên bố “sẵn sàng thương thuyết hoà bình với mặt trận”. Sở dĩ phải tuyên bố như thế để tránh phản ứng của lũ hiếu chiến ở thời điểm đó muốn tử thủ chứ không chịu chấp nhận đầu hàng .

Ngày 28/4/1975, Dương Văn Minh yêu cầu tất cả người Mỹ phải rời khỏi Việt Nam trong vòng 24 giờ kể từ ngày 29/4/1975.

Sáng sớm 30/4/1975, anh Cang liên lạc bằng điện thoại với anh Diệp và anh Đầu. Anh Diệp cho biết được mời vào dinh Độc Lập, vẫn còn nhiều tên trong phe chủ chiến muốn ra mắt nội các Vũ Văn Mẫu lúc 10h sáng. Anh Cang thuyết phục anh Diệp: sắp chết đến nơi rồi mà còn chia ghế. Anh báo cho họ là Quân giải phóng đã đánh tới ngã tư Bình Hoà rồi, đầu hàng ngay đi kẻo chết hết bây giờ! Khoảng 8g30p, anh Đầu điện thoại cho anh Cang và báo tin ông Dương Văn Minh sẽ tuyên bố đầu hàng vô điều kiện để bàn giao chính quyền cho phía Cách mạng. Anh Diệp cũng gọi điện thoại cho anh Cang mời vào dinh Độc lập để tổ chức đón tiếp mặt trận. Vào lúc 9g30p, ông Dương Văn Minh đã tuyên bố trên đài phát thanh yêu cầu các binh sỹ VNCH buông súng để tránh đổ máu vô ích. Sau này, ông Võ Văn Kiệt đã tâm sự lại giây phút ở sở chỉ huy khi nghe ông Dương Văn Minh tuyên bố quân lực VNCH phải hạ vũ khí lúc 9g30p: “phải là người ở chiến trường thời điểm ấy mới hiểu được nỗi mừng vui tới mức nào, đã không còn đổ máu. Hai hàng nước mắt cứ thế tuôn trào không nguôi”.

Anh Cang tìm anh Giàu lái xe vào dinh Độc Lập. Vì nhiều con đường bị chặn lại, mãi sau anh Cang mới vào được dinh bằng cổng phụ ở đường Nguyễn Du, khi ấy xe tăng của Quân giải phóng đã tràn vào trong dinh. Anh Cang vào đại sảnh, lúc ấy bộ đội đang vây nhóm ông Dương Văn Minh, Mẫu và Hạnh. Anh Cang đi lại đứng sát bên Diệp và ông Minh. Đồng chí chỉ huy thiết giáp la lớn:” không có bàn giao gì hết, tất cả xếp hàng lại, nhanh lên!”. Anh Cang giơ tay xin nói thì bị gạt luôn và bị la: xếp hàng lại. Bộ đội của ta ai cũng lăm lăm súng trong tay, ra vẻ giận giữ. Anh Cang cố gắng nói to: “không, tôi là người của Mặt trận, Đoàn J22 của tướng Ba Trần, bộ đội tiền phương đây”. Khi đó, một đồng chí bộ đội đội nón cối hỏi: anh muốn gì nào ? Anh Cang lập tức trả lời: tôi muốn các anh áp dụng đúng chính sách đối với tù hàng binh. Các đồng chí bận hành quân nên không nghe lời tuyên bố đầu hàng của ông Dương Văn Minh vào lúc 9g30p sáng nay. Tôi đảm bảo có tuyên bố rồi, bằng cớ là khi các đồng chí vào dinh Độc Lập, không có ai chống cự, tất cả đã buông súng, tất cả đã sẵn sàng để đón bộ đội vào. Tôi đề nghị áp dụng đúng chính sách hàng binh, chớ không phải tù binh! Đối với tù binh cầm súng chống cự thì bắt nhốt và đối xử nhân đạo là cho ăn uống. Đối với hàng binh thì phải đối xử tử tế. Đồng chí thiết giáp yêu cầu anh im, giữ kỷ luật, phải trật tự, xin mời vào phòng và đóng cửa lại. Vẫn theo mạch văn đó, ông Sáu Trí viết tiếp: vào phòng, đồng chí thiết giáp bắt tay tướng Dương Văn Minh rồi nói, nhân danh quân đội nhân dân, tôi xin tiếp thu dinh Độc Lập.

Tướng Minh chậm rãi nói: nhân danh tôi và các bạn hữu, xin có lời khen các anh bộ đội giải phóng, các anh thật là những người anh hùng. Đồng chí chỉ huy thiết giáp có nêu thắc mắc: ngoài đường còn lộn xộn lắm, chúng tôi chưa nghe lời tuyên bố đầu hàng, chắc còn đánh nhau ngoài phố.

Anh Cang cố gắng thuyết phục tướng Minh nói lại lời tuyên bố đầu hàng. Lúc đầu ông Minh không chịu vì đã tuyên bố rồi, anh Cang thuyết phục: “Lúc nãy tuyên bố đầu hàng mà chưa tiếp xúc với bộ đội giải phóng. Còn bây giờ, đã gặp nhau rồi nên tuyên bố rõ như vậy”.

Vì thấy không khí còn quá căng thẳng trong dinh khi quân đội của mình vẫn còn hầm hầm đối với nội các ông Dương Văn Minh và các cấp chỉ huy cao hơn chưa có mặt để trấn an tinh thần cho nội các, anh Cang đã cầu viện tới ông Sáu Trí vào dinh để xác nhận sự đầu hàng này.

Ông Sáu Trí kể tiếp: sáng 30/4/1975 vào khoảng 9g30p, tại nhà của H3 tôi nghe trên đài phát thanh Sài gòn lời kêu gọi của ông Dương Văn Minh yêu cầu binh sỹ quân đội VNCH buông súng, đầu hàng, chấp nhận những điều kiện của chính phủ cách mạng lâm thời để tránh đổ máu vô ích. Vài giờ sau, anh Tô Văn Cang và người bạn của anh lại xuất hiện, mời tôi và H3 vào dinh Độc lập để chứng kiến sự đầu hàng của nội các ông Dương Văn Minh. Anh Cang cho biết, do tác động đến anh Diệp cầm đầu phe chủ hoà trong nội các ông Dương Văn Minh, ông ấy đã ngả theo phương án đầu hàng vô điều kiện để cứu lấy mạng sống của người dân, tránh cho Sài gòn bị tắm máu trong đổ nát. Anh Cang cũng cho biết, suốt ngày 29 và sáng sớm 30/4, tướng Vanuxem của tình báo Mỹ còn thuyết phục ông Dương Văn Minh đừng đầu hàng, cố gắng kéo dài đề kháng thì sẽ có sự can thiệp của Trung Quốc, có lợi cho chính quyền Sài Gòn. Ông Dương Văn Minh đã thẳng thừng bác bỏ ý kiến của Vanuxem, rằng ông không muốn bán nước lần thứ 2.

Anh Cang khẩn khoản mời tôi vào dinh Độc Lập để chứng nhận sự đầu hàng của tướng Minh , tránh mọi hành động đáng tiếc xảy ra khi quân đội ta tiếp thu dinh Độc Lập. Tôi đã đồng ý cùng H3 theo anh Cang vào dinh. Ông Sáu Trí đã làm gì trong dinh Độc Lập ngày hôm ấy ?

Những vui buồn và căng thẳng khi vào Dinh Độc Lập.
Cũng đã quá trưa ngày 30/4, ông Sáu Trí viết tiếp : tôi và H3 cùng tháp tùng theo xe du lịch của anh Cang do anh Giàu lái. Xe của chúng tôi đi vào cửa hông ở đường Nguyễn Du của dinh. Khi thông báo đầu hàng vô điều kiện của ông Dương Văn Minh được đài phát thanh phát ra kèm theo lời chấp nhận đầu hàng của ông Bùi văn Tùng (chính ủy lữ đoàn tăng 203, Quân đoàn 2), cả một biển người đã đổ ra đường phố gồm dân thường và cả binh lính không khác gì ngày hội. Người dân reo hò, mừng vui cho đất nước hết chiến tranh. Tiếng súng bắn ra từ các doanh trại quân ngụy đã được Quân giải phóng chiếm giữ nổ rền như pháo tết để đón mừng tin vui như chưa hề có ở thành phố này. Các anh bộ đội của ta cũng chĩa súng AK lên trời bắn những viên đạn mình có trong niềm vui trào nước mắt của mỗi người Việt Nam. Dường như đã tính trước chuyện kẹt xe vì người dân đổ ra đường, anh Cang  đã mang theo một lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam nửa xanh nửa đỏ với ngôi sao vàng ở giữa liền treo ở đầu xe . Quần chúng thấy xe có treo lá cờ của Mặt trận, họ tự giác rẽ ra nhường lối cho xe chạy. Khi bốn anh em chúng tôi vào tới dinh, chúng tôi ghé đến phòng của phó tổng thống thì cảnh tượng ở đây thật ồn ào và không khí vô cùng căng thẳng. Các anh bộ đội của chúng ta lăm lăm súng trong tay đòi bắt toàn bộ các nhân vật của nội các ông Dương Văn Minh làm tù binh. Họ đã đem dây xích ra và bắt đầu trói những người đầu tiên trong sự sợ hãi của bao cặp mắt.

Nhìn cảnh tượng như vậy thật không thể chấp nhận, ông Sáu Trí kể tiếp: tôi sợ anh em vi phạm chính sách, tôi đến gặp các đồng chí bộ đội để giải thích rằng, nội các ông Dương Văn Minh đã chấp thuận theo những điều kiện của Mặt trận nên đã có thông báo đầu hàng trên đài phát thanh. Các đồng chí hành quân không theo dõi đài Sài Gòn nên không nắm được tin đầu hàng này. Mấy anh em bộ đội thấy tôi mặc thường phục, họ không tin tôi. Khi ấy tôi đã buộc phải giới thiệu: tôi là đại tá Sáu Trí, sỹ quan Bộ tham mưu B2 vào Sài Gòn công tác đặc biệt của chiến dịch Hồ Chí Minh. Là người lính mấy chục ngày không nghỉ, rong ruổi suốt từ miền Trung của Quân đoàn 2 vào tới đây, hôm nay vào được đến sào huyệt của kẻ thù, biết ai là ai trong bộ đồ sơ mi kia, thưa ông? Thật là trớ trêu, ông Sáu Trí đang phải nghĩ: làm cách nào để chứng minh cho các đồng chí của mình ở đây, tôi là sỹ quan cao cấp chỉ huy tình báo Bộ tham mưu B2? Làm gì có tờ giấy nào chứng minh tôi là người của cách mạng đâu? May sao, giống như trời cứu, lúc đó xuất hiện đồng chí phó chính ủy Quân đoàn 2, nếu tôi nhớ không nhầm là đại tá Công Trang, bạn cùng học khoá quân sự cao cấp với tôi ở Hà Nội, đồng chí bắt tay tôi và thân mật nói: trời, đi đâu cũng gặp thằng tình báo này! Hú vía, giờ thì mấy anh lính đội mũ cối dễ thương kia đã hiểu tôi là người của Cách mạng, xém chút cũng bị họ xích lại như tù binh thì oan cho tôi quá.

Trong lúc chúng tôi đang bàn bạc thì có nhiều phát súng cối từ xa bắn vào dinh Độc lập gần cột cờ khiến một số chiến sỹ ta bị thương. Thì ra, quân ta bắn quân mình, đơn vị được giao trọng trách đánh chiếm dinh Độc Lập thì vào chậm, tưởng dinh chưa giải phóng, họ nã đạn cối để chuẩn bị tiến công. Sự dàn xếp nhanh chóng được giải quyết. Khi đó, tôi được thông báo, thiếu tướng Nguyễn Hữu An, Tư lệnh Quân đoàn 2 cũng đã có mặt trong dinh và đây là cấp chỉ huy cao nhất của phía ta đang hiện diện trong thời khắc lịch sử này. Tôi đã xuống gặp anh, giới thiệu mình là ai và cùng anh bàn tiếp thu dinh Độc lập.

Khi tôi xuống nhà hầm để họp bàn với tướng Nguyễn Hữu An, tôi thấy có mặt thiếu tướng Nam Long, là đặc phái viên của Bộ Quốc phòng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh ở đó. Chúng tôi nhất trí cần có lời công bố chính thức của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam trên đài phát thanh vì quân ta đã vào Sài Gòn và chiếm cơ quan đầu não của chúng là dinh Độc Lập. Chúng tôi nhất trí nên làm sớm việc này để công bố cho đồng bào trong và ngoài nước được biết, đồng thời làm tan rã tinh thần của nguỵ quân ở những nơi ta chưa giải phóng. Thiếu tướng Nguyễn Hữu An phân công tôi soạn thảo gấp văn bản này. Tôi đã cùng với anh Tô Văn Cang và Ba Lễ (H3) làm việc này để có ý kiến thống nhất và giao anh Cang chắp bút, bản thông báo này với tựa đề là bản thông báo số 1 . Viết xong, tôi đến gặp tướng Nguyễn Hữu An để cùng thông qua. Chúng tôi có trao đổi, ai sẽ ký tên bản thông báo này. Anh An tế nhị  từ chối không để tên đơn vị của anh và đề xuất chỉ nên để là Bộ tư lệnh quân giải phóng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định. Anh Tô Văn Cang được phân công cùng anh Giàu lên xe Commandcar chạy ra đài phát thanh. Phải khó nhọc lắm, xe của anh Cang mới vào được sân của đài phát thanh. Anh Cang lên lầu và đọc rõ bản thông báo số 1, anh Giàu đọc lại lần 2 . Sau đó , anh Cang dặn đài phát thanh, cứ 5’ thì lặp lại một lần. Toàn văn thông báo số 1 như sau :
Thông báo số 1 của Bộ tư lệnh Quân giải phóng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định : “ Quân giải phóng đã chiếm dinh Độc Lập và làm chủ tình hình tất cả Sài Gòn lúc 11 giờ 30 phút trưa hôm nay, ngày 30/4/1975. Bắt đầu từ giờ phút nầy, yêu cầu tất cả nhân dân thi hành mệnh lệnh của Bộ tư lệnh Quân giải phóng :
– Lệnh giới nghiêm bắt đầu từ 18g đến 6g sáng.
– Tất cả quân đội Sài Gòn, nhân dân tự vệ, cảnh sát nguỵ quyền Sài Gòn phải đến trình diện nộp vũ khí tại các Uỷ ban Quân quản các quận.
– Anh chị em công nhân phải giữ gìn bảo vệ các xí nghiệp, nhà máy .
– Công chức các cấp trên các lãnh vực điện, nước, viễn thông, vệ sinh công cộng … phải tiếp tục điều hành và tuyệt đối không được huỷ hoại tài sản nhà nước.
– Bộ tư lệnh Quân giải phóng sẽ nghiêm trị các hành động trộm cướp, gây xáo trộn, làm mất trật tự . Nghiêm cấm gây ra tiếng nổ, bắn súng bừa bãi gây hoang mang trong dân chúng “.
Sài Gòn, ngày 30/4/1975.
BTL Quân giải phóng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định.

Bản thông báo số 1 của BTL Quân giải phóng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định là bản tin đầu tiên loan báo việc quản lý thành phố với đồng bào cả nước và thế giới . Quân giải phóng đã giải phóng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định, thủ đô của chế độ nguỵ quyền Sài Gòn. Bản tin chính thức này kế tiếp vài giờ sau lời tuyên bố đầu hàng của nội các ông Dương Văn Minh tạo ra biết bao niềm vui, hạnh phúc trong lòng người dân. Bản tin này loan rất nhanh, bay rất xa đến Hà Nội, đến cả nước, đến cả chân trời, góc biển, đến tất cả các nước trên thế giới. Bao nhiêu giọt nước mắt tuôn trào vì vui mừng cho ngày hoà bình, ngày chấm dứt chiến tranh, giấc mơ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã thành hiện thực.

Lần giở những trang viết của ông Sáu Trí, ông viết: sau khi anh Cang từ đài phát thanh trở về dinh, anh Nguyễn Hữu An tổ chức liên hoan nhẹ với chút bia, thuốc lá Điện biên và lương khô. Những người lính của cụ Hồ đã vượt qua 55 ngày đêm để đại thắng mùa xuân 1975 giải phóng miền Nam, hôm nay họ đã về đây và ngay ở sào huyệt cuối cùng này của chế độ nguỵ quyền Sài Gòn, họ mừng chiến thắng không cần rượu sâm-panh nhưng hạnh phúc với niềm vui bất tận trong tiếng cười và cả nước mắt của ngày non sông sạch bóng quân thù. Ông Sáu Trí kể tiếp, tôi và anh An ngồi bàn với nhau công việc an ninh ở trong dinh, nhất là với nội các của ông Dương Văn Minh. Anh em đã thông báo cho chúng tôi về sự hoảng sợ và mất bình tĩnh của các thành viên trong nội các ông Dương Văn Minh. Đối xử với họ còn chờ chỉ thị của cấp trên, không thể coi họ là tù binh chiến tranh như thế, cần phải gặp gỡ để họ yên tâm. Ở đây bây giờ, anh An là cấp chỉ huy cao nhất với quân hàm thiếu tướng, vậy nên rất cần sự gặp gỡ động viên của anh để họ an tâm. Nghĩ sao nói vậy, tôi đã thổ lộ ý nghĩ của mình như thế với anh An. Sau một chút suy tư, anh An bảo tôi: Cậu nên đi làm việc gặp gỡ họ, dù sao cậu cũng là dân trong này, người miền Nam, cậu làm tình báo nên biết tâm lý, tình cảm của họ, cậu nói thì họ sẽ được trấn an.

Thế là tôi đã theo lệnh của anh An, đi gặp toàn bộ nội các ông Dương Văn Minh để trấn an. Tuy tôi mặc thường phục, nhưng tất cả họ đều biết tôi là cán bộ lãnh đạo khi lúc đầu tôi có can thiệp với các anh lính của lữ đoàn thiết giáp định bắt trói tất cả họ. Tôi vừa bước vào phòng, tất cả họ đều đứng dậy để chào tôi. Tôi đã mời họ ra chỗ trống tại hành lang để nói chuyện. Tướng Dương Văn Minh đứng trước, các thành viên khác đứng kế tiếp thành 3,4 hàng vòng cung. Giờ nhớ lại, tôi đã nói với họ những gì để họ an tâm nhỉ? À đúng rồi, tôi đã nói: Quân giải phóng đã thần tốc giải phóng được miền Nam, chiến thắng vĩ đại này là của chung toàn thể nhân dân Việt Nam. Hôm nay giải phóng được thành phố Sài Gòn hầu như nguyên vẹn, đồng bào ít bị tổn hại là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt tài giỏi của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam và ở đây, phải nói có công sức của các ông, đứng đầu là tướng Minh đã thức thời ra lệnh cho quân đội Sài Gòn buông súng chấp nhận đầu hàng vô điều kiện. Hành động này của các ông rất tốt, rất có ý nghĩa, cách mạng ghi nhận công này của các ông. Các ông nên an tâm chờ chỉ thị của Uỷ ban trung ương mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam. Cách mạng sẽ có chính sách thoả đáng với các ông. Tôi chỉ nói ngắn gọn như thế, nhưng nội dung này đã được trao đổi trước với anh An. Sau khi nghe tôi nói, các thành viên nội các ông Dương Văn Minh vui mừng lộ rõ ra mặt. Khi quân ta mới vào, họ rất sợ, sợ bị giết, bị hành hung, bị làm nhục. Bây giờ thì họ rất an tâm. Tôi là sỹ quan đầu tiên của quân giải phóng mà họ được tiếp xúc và ghi nhận công của họ góp phần bảo vệ sự an toàn của Sài Gòn và góp phần chấm dứt sớm cuộc chiến, sớm được ngày nào, có lợi ngày đó, đỡ biết bao xương máu của đồng bào, chiến sỹ. Tôi đã cam kết sẽ đảm bảo sự an toàn của họ. Có một chi tiết thật vui, ông Sáu Trí viết tiếp: tôi nói anh Cang đưa thuốc lá và lương khô cho anh Diệp để anh phân phối cho các anh khác trong nội các. Thật từ đáy lòng, những thành viên của nội các ông Dương Văn Minh đã nở những nụ cười rất vui, ăn thử miếng lương khô của người lính cụ Hồ đã xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà hôm nay trong mắt họ, tôi đã thấy rưng rưng những giọt nước mắt. Đứng cạnh tôi, anh Cang có truyền đạt lời đề nghị của anh Diệp là lãnh đạo nên tìm cho anh luật sư Huyền một chỗ nằm vì anh Huyền đang lên cơn suyễn nặng. Còn ông Dương Văn Minh thì xin phép tạt qua thăm vợ ở riêng phòng đàn bà ở phía cánh phải của dinh Độc Lập đang rất lo cho số phận của chồng. Tôi đồng ý với 2 đề nghị này và cử anh Cang cùng đi với ông Dương Văn Minh. Anh Cang khi ra về, có lấy số điện thoại để thông báo cho gia đình các anh Trường, Binh, Bùi Tường Huân để được yên tâm.

Anh Ba Lễ (H3) đã tìm được người phụ trách về kỹ thuật của dinh Độc Lập ngay buổi chiều 30/4/1975 để khôi phục điện, nước, thang máy và tất cả các máy móc thiết bị khác ở dinh Độc Lập. Đến 17g ngày 30/4/1975, tất cả đều vận hành như cũ. Nhờ quản lý chặt chẽ,tài sản ở dinh Độc lập của các triều đại Diệm-Nhu, Nguyễn Văn Thiệu và nhiều tài sản quý khác được bảo vệ không mất mát.

Câu chuyện của tướng tình báo Sáu Trí trong ngày 30/4/1975 tại dinh Độc lập là như vậy. Cũng chưa phải ai cũng được nghe kể về sự thật lịch sử này. Những trang viết của ông Sáu Trí về hồi ức chiến tranh thật sinh động và chân thật. Ông không nói về cá nhân mình, ông nói về chiến công của tập thể, còn ông là người làm công tác tình báo , làm công việc thầm lặng để phụng sự Tổ quốc thì không bao giờ được phép kể công và cũng không phải ai cũng biết được những chiến công thầm lặng của ngành tình báo. Ở ông Sáu Trí có một nhân cách rất lớn khi ông đã hành xử đầy nhân văn với nội các ông Dương Văn Minh trong ngày 30/4/1975 tại dinh Độc lập và nhận được sự kính trọng từ những người ở phía bên kia chiến tuyến khi đã chấm dứt chiến tranh.

Chiến công thầm lặng này của tình báo là điểm son trong ngày kết thúc chiến tranh thật nhân văn. Hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ thông qua ông Sáu Trí và các cán bộ tình báo của ta thật nhân nghĩa, có trước có sau với hàng binh. Đã không có một phát súng nào của đối phương chống cự khi bộ đội ta vào Dinh Độc Lập, nội các VNCH có mặt đầy đủ để bàn giao chính quyền cho cách mạng theo tuyên bố lúc 9h30′ sáng 30/4/1975 của tổng thống Dương Văn Minh.

Thiếu tướng sáu Trí và đồng đội

Sự kiện lịch sử 30/4/1975 tại dinh Độc Lập qua ghi chép của ông Sáu Trí thật quý giá, giúp gợi mở nhiều vấn đề còn tranh cãi hôm nay mỗi khi tháng 4 về trong một số cựu chiến binh của chúng ta.

Thế Cương /tổng hợp