Chủ Nhật, Tháng 5 25, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Ga Đà Nẵng rực rỡ cờ hoa đón “Đoàn tàu Thống Nhất” đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam.

Bài viết Kỷ niệm 50 ngày giải phóng miền Nam 30/4 (30/4/1975-30/4/2025)

ĐNA -

(Đà Nẵng) Vào lúc 12g40 trưa nay (30 tháng 4 năm 2025), Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã tổ chức lễ đón, tiễn gần 900 hành khách trên “Đoàn tàu Thống Nhất” gồm: 400 hành khách xuống tàu tại ga Đà Nẵng và gần 500 hành khách lên tàu tiếp tục hành trình đến ga Hà Nội và ga Sài Gòn. Trước đó, tối qua (29/4/2025), Tổng Công ty cũng đã tổ chức lễ tiễn “Đoàn tàu Thống Nhất” tại 2 ga Hà Nội và Sài Gòn.

1 trong 2 “Đoàn tàu Thống Nhất”, tàu SE1 (từ Hà Nội) vào đến Ga Đà Nẵng, trưa nay 30/4/2025.Ảnh: T.Ngọc.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, ông Đặng Sỹ Mạnh đã chủ trì Lễ đón. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Ngành Xây dựng, Văn hóa – Thể thao và Du lịch; Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, đặc biệt là sự tham gia của các cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử, đông đảo cán bộ – nhân viên ngành Đường sắt Việt Nam nhiều thế hệ và các bạn đoàn viên, thanh niên, hàng nghìn người dân Đà Nẵng.

Đối với người dân Việt Nam, hình ảnh đoàn tàu Thống Nhất nối hai miền Nam – Bắc đã trở thành biểu tượng của hoà bình, của khát vọng độc lập dân tộc và niềm vui toàn thắng, sum họp.

Chim bồ câu được thả khi đầu máy SE1 (từ Hà Nội vào), biểu đạt khát vọng Hòa bình mà gần 50 năm trước, khi Đoàn tàu Thống Nhất lăn bánh, đã mang theo biểu tượng khát vọng này.

“Tôi đã công tác trong ngành Đường sắt được 20 năm. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên, vinh dự được tham gia đón đoàn tàu Thống nhất. Tâm trạng vừa bồi hôi, trào dâng nhiều cảm xúc, vừa cũng rất háo hức, chờ mong phút giây thiêng liêng này đến trong mong đợi.

Cũng trong 20 năm qua, tôi khắc ghi thời khắc ngày 4/1/1977, khi cả hai con tàu thống nhất đã đến đích là Hà Nội và Sài Gòn. Đây cũng là thời điểm, Ngành chúng tôi hoàn thành sứ mệnh khai thông tuyến đường sắt Bắc – Nam đầu tiên sau ngày giải phóng.

Để có được thời khắc ấy, biết bao thế hệ đã không quản hy sinh cả máu xương, tính mạng của mình, để Việt Nam chúng ta được độc lập, tự do. Đoàn tàu thống nhất lăn bánh đến mọi vùng miền Tổ quốc, Bắc Nam không còn chia cắt. Chỉ là một thời khắc với những con số đơn diệu về thời gian, nhưng trong tôi, ngày 4/1/1977lại quá đỗi thiêng liêng” – chị Nguyễn Thị Mỹ Hoa, nhân viên hóa vận, Ga Đà Nẵng, bày tỏ.

Sau ngày giải phóng miền Nam, đất nước hoàn toàn thống nhất, vào ngày 31/12/1976, hai con tàu mang tên Thống Nhất xuất phát cùng giờ tại hai đầu Tổ quốc là ga Hà Nội và ga Sài Gòn, đã chính khai thông tuyến đường sắt huyết mạch Bắc – Nam. Trong đó, chuyến tàu Thống nhất, xuất phát từ ga Hà Nội đưa hơn 200 lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành, lần đầu tiên vào miền Trung và miền Nam trong bối cảnh chiến tranh không còn, non sông liền một dải, vỹ tuyến 17 không còn chia cắt đất nước làm 2 miền cách biệt.

Xúc động phút giây con tàu mang tên Thống Nhất tiến vào Ga Đà Nẵng. Ảnh: T.Ngọc.

 Với mong muốn tái hiện không khí lịch sử ngày Thống Nhất đất nước; tri ân các thế hệ đi trước và giáo dục truyền thống yêu nước, trong dịp Lễ 30 tháng 4 -1 tháng 5 năm nay, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức chạy đôi tàu mang tên “Đoàn tàu Thống Nhất” gồm: 1 đoàn tàu (SE1) xuất phát tại ga Hà Nội lúc 20h55’ ngày 29/4 đến ga Sài Gòn lúc 6h50’ ngày 01/5/2025 và 1 đoàn tàu (SE4) xuất phát tại ga Sài Gòn lúc 19h00 ngày 29/4, đến ga Hà Nội lúc 5h40’ ngày 01/5/2025.

Đoàn tàu được trang trí riêng theo chủ đề “Đường sắt Thống nhất – Non sông liền một dải” nhằm lan toả niềm tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, đổi mới của các doanh nghiệp Việt Nam.

“Là người từng công tác trong ngành Đường sắt, với tôi, hôm nay là một nghi thức tiễn và đón quá đặc biệt. 50 năm thống nhất đất nước, “Đoàn tàu Thống Nhất” lăn bánh trong tự do, độc lập, trong bối cảnh đất nước sẵn sàng tiến vào kỷ nguyên mới. Tự dưng lúc này, trong tôi tràn về không khí háo hức, hừng hực của 50 năm trước. Lúc đó tôi là người lính, tôi đồng đội chấp nhận mọi hy sinh để hoàn thành một mục tiêu cao cả, vĩ đại: Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, Cựu chiến binh Nguyễn Minh Thế, xúc động nói.

Cựu chiến binh Nguyễn Minh Thế (thứ ba, từ trái sang) cùng các Cựu chiến binh, đón nhận quà của ngành Đường sắt và chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, ông Đặng Sỹ Mạnh (bìa phải ảnh). Ảnh: T.Ngọc

Cách đây tròn 50 năm, vào ngày 29 tháng 3 năm 1975, ông là một trong số những cán bộ- chiến sỹ nhận nhiệm vụ vào tiếp quản Đà Nẵng. Trước đó, đơn vị ông (Tổ Thông tin, thuộc Phòng Tham mưu – Cục Hậu cần Quân khu V), từ căn cứ ở Trà My (Quảng Nam), nhận nhiệm vụ hành quân về đồng bằng “để bảo đảm kỹ thuật cho các đơn vị chủ lực, bộ đội địa phương, du kích, … giải phóng Tam Kỳ, tạo gọng kìm, siết chặt và cô lập Đà Nẵng”, tạo điều kiện tốt nhất để giải phóng Đà Nẵng. Sau 1975, ông còn trong quân ngũ 5 năm. Năm 1980, chuyển sang ngành Đường sắt, chức vụ cao nhất trong Ngành của ông là Trưởng tàu.

Một chi tiết rất đặc biệt trưa nay tại Ga Đà Nẵng: Rực rỡ trong sắc đỏ của rừng cờ Tổ quốc. Hình ảnh gần giống với không khí của ngày 31/12/1976, tại ga Hà Nội, hàng ngàn người dân thủ đô trên tay là  cờ, là hoa và gương mặt ai cũng nở nụ cười, và có cả nước mắt, xúc động chứng kiến thời khắc lịch sử: Chuyến tàu Thống nhất Bắc – Nam đầu tiên lăn bánh.

Hoà chung không khí hân hoan cùng cả nước chào mừng đại lễ Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ngành Đường sắt Việt Nam đã chuẩn bị kịch bản rất chu đáo để hành khách đi trên “Đoàn tàu Thống Nhất”, được sống trong không khí của ngày Hội non sông. Vào giờ phút thiêng liêng – 11g30’ trưa ngày 30/4/2025, hành khách đã cùng ôn lại lại những giây phút lịch sử với “Bản tin chiến thắng”, phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam (trưa ngày 30/4/1975), tổ chức chào cờ rất tôn nghiêm ngay trên toa tàu.

Ga Đà Nẵng: Rực rỡ trong sắc đỏ của rừng cờ Tổ quốc.Ảnh: T.Ngọc.

Trên hành trình, Đội Văn nghệ xung kích Đường sắt đã biểu diễu các chương trình nghệ thuật, âm hưởng chủ đạo là những ca khúc cách mạng, ca ngợi quê hương đất nước đã đi cùng năm tháng.

Đặc biệt, từ ga Huế đến Đà Nẵng (đối với SE1) và từ Tam Kỳ – Đà Nẵng (đối với tàu SE4), hành khách và được chào đón bằng một chương trình âm nhạc trực tiếp do các nghệ sĩ biểu diễn. Tại sân Ga Đà Nẵng, mọi hành khách đã được chào đón trong tiếng nhạc rộn ràng, tiếng trống sôi động. Chim bồ câu được thả khi đầu máy SE1 (từ Hà Nội vào), biểu đạt khát vọng Hòa bình mà gần 50 năm trước, khi Đoàn tàu Thống Nhất lăn bánh, đã mang theo biểu tượng khát vọng này.

Khách quốc tế, khách trong nước chung niềm vui, chung một hành trình trên chuyến tàu Bắc-Nam lịch sử “Đoàn tàu Thống Nhất”. Ảnh: T.Ngọc.

Lãnh đạo Ngành Đường sắt cho biết, trong dịp này, Ngành tổ chức dâng hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sỹ “Chi bộ Đề pô xe lửa” tại Ga Đà Nẵng; tặng quà đến các cựu chiến binh, người có công với cách mạng, cựu cán bộ đường sắt đã có đóng góp cho kháng chiến…

Để bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với những người có công với cách mạng, trong các ngày từ 24/4/2025 đến ngày 9/5/2025, ngành Đường sắt cũng đã giảm 40% giá vé tàu cho hành khách đi tàu là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh, thân nhân người có công với cách mạng (số lượng vé tàu đã bán phục vụ Người có công với cách mạng là 1.049 vé). Ngoài phần quà chung dành cho hành khách, đối với hành khách là thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh… đi trên “Đoàn tàu Thống Nhất” còn nhận món quà riêng là 1 vé mời đi tàu trên mạng lưới Đường sắt Việt Nam.

“Đường sắt Việt Nam hy vọng, mỗi hành khách trên những chuyến tàu của Đường sắt Việt Nam sẽ là những hành khách Hạnh Phúc, để thêm trân quý giá trị của Độc Lập – Tự Do, càng thêm yêu quê hương, đất nước mình”, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, ông Đặng Sỹ Mạnh chia sẻ./.

Chào cờ trên tàu SE4 lúc 11h30 trưa nay 30 tháng 4 năm 2025. Ảnh: Nam Trinh.

Trần Ngọc