Sông Hương, dòng sông thơ mộng ôm lấy lòng thành phố Huế, từ lâu đã là biểu tượng bất tử của vẻ đẹp trầm lắng, dịu dàng đất miền Trung. Trên dòng sông ấy, những cây cầu không chỉ là công trình giao thông đơn thuần mà còn là chứng tích của thời gian, nơi lưu giữ dấu ấn lịch sử và tâm hồn người Huế qua từng giai đoạn phát triển của vùng đất cố đô.

Cầu Trường Tiền – cây cầu đầu tiên và cũng là biểu tượng lâu đời nhất – như một nhịp ngân dịu dàng bắc ngang dòng Hương Giang. Được khởi công từ năm 1897 dưới triều vua Thành Thái, hoàn thành vào năm 1900, cầu mang vẻ đẹp cổ điển, mềm mại như tà áo dài tím thấp thoáng trong mưa phùn xứ Huế. Trường Tiền từng nhiều lần bị tàn phá bởi thiên tai và chiến tranh, nhưng vẫn kiên cường tồn tại, chứng kiến bao biến thiên lịch sử. Đến hôm nay, dẫu đã hơn một thế kỷ trôi qua, cầu Trường Tiền vẫn là hình ảnh gợi nhắc bao ký ức thân thương của người dân Huế và du khách muôn phương, và được xem là một biểu tượng duyên dáng về xứ Huế thơ mộng.

Những năm tháng sau chiến tranh, thành phố cần một cây cầu hiện đại hơn để phục vụ giao thông và phát triển đô thị. Cầu Phú Xuân – thường được gọi là “cầu Mới” , vốn được xây dựng từ năm 1971, đã được phục hồi, hoàn thiện và đưa vào sử dụng, đánh dấu một bước chuyển mình của Huế trong thời kỳ xây dựng lại đất nước. Vững chãi và rộng rãi, Phú Xuân như một người anh cả song hành cùng Trường Tiền, vừa tiếp nối dòng chảy lịch sử, vừa đưa Huế đến gần hơn với tương lai.
Những năm gần đây, cùng với sự mở rộng không gian đô thị, Huế đã xây thêm nhiều cây cầu mới, mỗi cây mang một dấu ấn riêng nhưng đều góp phần thổi vào thành phố hơi thở hiện đại mà vẫn hài hòa với thiên nhiên và di sản. Cầu Dã Viên, khánh thành năm 2012, là một ví dụ tiêu biểu. Nằm giữa thành phố, cầu bắc qua cồn Dã Viên – nơi xưa kia là vườn ngự uyển thời vua Tự Đức, được xây dựng từ năm 1868, mang vẻ đẹp dịu dàng, thanh lịch như chính tâm hồn Huế. Những chiều hoàng hôn buông nhẹ trên mặt sông, hay lúc bình minh tinh khôi không gợn sóng, cầu Dã Viên trở thành nơi lý tưởng để người dân dạo bộ, hít thở không khí trong lành và ngắm nhìn thành phố yên bình từ trên cao. Những du khách được ngắm sông Hương những lúc ấy thì chợt cảm thấy: “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”.

Về phía thượng nguồn, cầu Tuần, trên đường tránh Huế, nối liền hai nửa bắc nam của thành phố ngay khu vực gần ngã ba Tuần, nơi đặt trạm Tuần- cơ quan kiểm soát đầu nguồn và thu thuế của chính quyền từ thời các chúa Nguyễn. Đây là cây cầu đưa ta về gần hơn với thiên nhiên xanh mát của thượng nguồn sông Hương, nơi hai nhánh lớn là dòng Tả Trạch và Hữu Trạch gặp nhau, tạo nên một cảnh đẹp say lòng người. Đây cũng là điểm ngắm về tuyệt vời về hạ du, nơi có điện Hòn Chén, lăng Tự Đức và những khúc sông lặng lờ mang theo bóng dáng của một thời vàng son triều Nguyễn.
Còn ở phía hạ lưu, cách cầu Trường Tiền chừng 4km, cầu Chợ Dinh lại giữ vai trò giao thương quan trọng, gắn liền với chợ đầu mối Phú Hậu, nơi nhịp sống buôn bán luôn tấp nập từ sớm tinh mơ.

Và xa hơn nữa là đập Thảo Long, công trình kết hợp giữa cầu giao thông và đập ngăn mặn lớn nhất Đông Nam Á, được xây dựng năm 2001, hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2008, không chỉ góp phần đảm bảo nguồn nước cho nông nghiệp vùng hạ du sông Hương, mà còn là con đường nối thông hai bờ Bắc- Nam, kết nối những ngôi làng cổ ven sông. Mỗi mùa nước lên, đập Thảo Long như một dải lụa ngang dòng, điều tiết dòng chảy, giữ gìn màu xanh cho những cánh đồng miền quê rộng lớn ở phía đông thành phố. Từ năm 2010, từ khi cầu Tam Giang vượt phá Tam Giang được đưa vào vận hành, đập-cầu Thảo Long trở thành mạch nối thông suốt tuyến quốc lộ 49B, nối thông từ huyện Phong Điền ở phía bắc đến huyện Phú Lộc ở phía nam thành phố Huế.
Giữa những cây cầu dành cho xe cộ, cầu đường sắt Bạch Hổ vẫn âm thầm làm tròn sứ mệnh kết nối đôi bờ bằng tiếng còi tàu rền vang mỗi sáng sớm. Được xây dựng từ năm 1908, cầu Bạch Hổ là minh chứng sống động cho lịch sử hơn trăm năm của ngành đường sắt Việt Nam. Cây cầu không chỉ gắn liền với những chuyến tàu Bắc – Nam mà còn là ký ức của bao thế hệ học sinh, người lao động từng đi qua đây bằng xe đạp, xe máy trên hai hành lang hẹp hai bên.
Ở một nhánh nhỏ của dòng Hương, cây cầu Phú Lưu bé nhỏ dẫn vào ốc đảo Cồn Hến, nơi nổi tiếng với món cơm hến dân dã mà đậm đà hồn Huế. Dù đã cũ kỹ và xuống cấp, cây cầu ấy vẫn là huyết mạch duy nhất đưa hơn một ngàn hộ dân ra vào đảo mỗi ngày. Mỗi bước chân đi trên cầu đều đong đầy mong ước về một cây cầu mới khang trang, an toàn hơn cho người dân nơi đây.
Và rồi, giữa thời đại hội nhập, Huế không ngừng làm mới mình. Cầu Nguyễn Hoàng – vừa thông xe kỹ thuật vào đúng ngày kỷ niệm 50 giải phóng Huế, 26/3/2025 – sẽ là biểu tượng mới của một Huế hiện đại nhưng vẫn đậm chất văn hóa cung đình. Với dãy lọng vàng rực rỡ giữa trời xanh, cây cầu không chỉ là công trình giao thông mà còn là tuyên ngôn mạnh mẽ về khát vọng phát triển, hội nhập và tỏa sáng của thành phố di sản.

Từ Trường Tiền cổ kính đến Nguyễn Hoàng hiện đại, từ nhịp cầu gắn bó dân sinh đến những công trình lớn kết nối giao thương, các cây cầu bắc qua sông Hương đã, và đang tạo nên một dải ký ức sống động, phản chiếu hành trình của Huế từ quá khứ đến tương lai. Chúng không chỉ nối đôi bờ vật lý, mà còn kết nối trái tim người Huế với nhau, kết nối con người với thiên nhiên, kết nối vẻ đẹp truyền thống với hơi thở đương đại, như chính dòng sông Hương vẫn mãi lặng lẽ chảy qua bao mùa, gắn bó thủy chung với mảnh đất cố đô yêu dấu.
Hương Bình