Trong những năm gần đây, tỉnh Quảng Nam đã thể hiện tầm nhìn chiến lược trong việc quan tâm đầu tư phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh và đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Song song đó, tỉnh Quảng Nam cũng đã dành sự quan tâm đến đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là công tác bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Đây là một hướng đi đúng đắn và bền vững, bởi việc này không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương mà còn tạo nền tảng để phát triển du lịch bền vững, nâng cao đời sống tinh thần của người dân, đồng thời quảng bá hình ảnh Quảng Nam ra thế giới.

Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đặt ra mục tiêu “… phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, bản sắc văn hóa và truyền thống cách mạng…”, phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030. Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam về phát triển sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 – 2025 định hướng đến năm 2030 cũng xác định mục tiêu “Xây dựng, phát triển sự nghiệp văn hóa tỉnh Quảng Nam hướng đến mục tiêu gìn giữ, lan tỏa giá trị, bản sắc văn hóa gắn với không ngừng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; góp phần tích cực xây dựng Quảng Nam phát triển toàn diện, bền vững, trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030”.

Thực trạng công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh QuảngNam
Thực trạng công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể
Nằm ở trung tâm vùng duyên hải miền Trung, Quảng Nam được xem là “vùng đất mở”, vùng đất “địa linh nhân kiệt”, “đất khoa bảng”, quê hương của nhiều anh hùng, chí sĩ mà tên tuổi gắn liền với các phong trào yêu nước và cách mạng cũng như trên nhiều lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật… Bên cạnh đó, Quảng Nam còn được biết đến là vùng đất giàu truyền thống văn hóa và cách mạng, nơi giao lưu, hội tụ của nhiều nền văn hóa lớn như Sa Huỳnh, Chămpa, Đại Việt, Nhật Bản, Trung Hoa, Ấn Độ..; nơi khởi phát của nhiều phong trào yêu nước giai đoạn thế kỷ XIX và XX; là vùng đất “trung dũng kiên cường” trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Chính những yếu tố lịch sử, văn hóa kể trên đã để lại cho Quảng Nam một kho tàng phong phú về các loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; đồng thời, các di sản văn hóa cũng đã và đang được quan tâm phát huy giá trị để trở thành nguồn lực quan trọng, thành những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, thu hút du khách trong nước và quốc tế, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh Quảng Nam.
Đến nay, tỉnh Quảng Nam có 458 di tích được xếp hạng, trong đó có 04 di tích quốc gia đặc biệt (Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn vừa là di tích quốc gia đặc biệt vừa là Di sản Văn hóa thế giới), 67 di tích cấp quốc gia, 387 di tích cấp tỉnh. Ngoài ra, còn có Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An. Hệ thống di tích của tỉnh bao gồm đầy đủ các loại hình:
Lịch sử – cách mạng: Tiêu biểu có các di tích như Di tích quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh (với các di tích thành phần Bến Giằng, Khâm Đức, Đèo Bù Lạch); các di tích quốc gia như Địa đạo Kỳ Anh, Địa điểm Chiến thắng Núi Thành, Địa điểm Chiến thắng Thượng Đức, Địa đạo Kỳ Anh, các di tích liên quan căn cứ Khu ủy V như Nước Là, Nước Oa và Phước Trà; các di tích liên quan đến các danh nhân như Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng, Nhà lưu niệm cụ Phan Châu Trinh, Nhà lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công…
Kiến trúc – Nghệ thuật: Tiêu biểu có các di tích như các tháp Chăm Khương Mỹ, Chiên Đàn, Bằng An; Đình Chiên Đàn…
Khảo cổ học: Tiêu biểu có di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương; Di chỉ Bãi Ông, Di chỉ Bãi Làng tại Cù Lao Chàm – Hội An…
Danh lam thắng cảnh: Tiêu biểu có các danh thắng quốc gia như Hồ Phú Ninh, Cụm danh thắng Bàn Than – Hòn Mang – Hòn Dứa…
Một trong những động lực quan trọng cho sự phát triển của ngành du lịch nói riêng, sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nói chung trong những năm qua phải kể đến sự đóng góp của các nguồn tài nguyên văn hóa, trong đó bao gồm các loại hình di sản văn hóa vật thể; đặc biệt từ hai Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn và các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể mang đậm đặc trưng cũng như dấu ấn của vùng đất, con người Quảng Nam.
Đối với Di sản văn hóa thế giới Khu đền tháp Mỹ Sơn, nhiều công trình nghiên cứu và dự án tu bổ, phục dựng được thực hiện, cụ thể: Dự án hợp tác giữa 03 bên UNESCO – Việt Nam – Italia về “Thuyết trình và đào tạo các tiêu chuẩn quốc tế bảo tồn nhóm tháp G – Mỹ Sơn” được thực hiện trong giai đoạn 2003-2013 đã giúp định hình lại nguyên trạng tháp G và đào tạo đội ngũ nhân công lĩnh vực trùng tu di tích; Dự án trùng tu tháp E7 do Viện Bảo tồn di tích thực hiện trong giai đoạn 2011 – 2013 đã phục hồi toàn bộ tháp E7; Dự án hợp tác song phương giữa chính phủ Ấn Độ và Chính phủ Việt Nam trùng tu các nhóm tháp K, H, A thực hiện từ năm 2016 đến nay đã đạt được nhiều kết quả quan trọng về ổn định kết cấu kiến trúc, gia cố vững chắc các tường tháp, góp phần hoàn thiện cảnh quan kiến trúc khu vực trung tâm của di sản, phục vụ việc tham quan của du khách; hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa quốc tế New Delhi (Ấn) Độ dịch thuật hệ thống văn bia; phối hợp với các tổ chức MUTSUBISI, JICA sưu tầm tư liệu, xuất bản các ấn phẩm văn hóa nhằm quảng bá, giới thiệu di sản đến với du khách trong và ngoài nước.
Các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc Chăm được tái hiện nhằm phục vụ du khách, đã làm sống lại “cái hồn” của khu di tích này. Nhờ phát huy các tiềm năng, thế mạnh, Khu đền tháp Mỹ Sơn trở thành một trong những điểm đến thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế.
Hiện nay, UBND tỉnh đang giao các Sở, ngành liên quan và UBND huyện Duy Xuyên xây dựng Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Khu đền tháp Mỹ Sơn tỉnh Quảng Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đối với Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của Đô thị nói riêng, hệ thống di tích, di sản văn hóa ở thành phố Hội An nói chung được các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn của tỉnh, của thành phố và cả cộng đồng người dân chung tay thực hiện. Được sự quan tâm của các cấp, các ngành Trung ương và của tỉnh, sự giúp đỡ, hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học trong và ngoài nước, các công trình kiến trúc trong khu vực phố cổ không những được bảo tồn nguyên vẹn mà còn phát huy có hiệu quả, nhất là trong phát triển du lịch của thành phố Hội An nói riêng, tỉnh Quảng Nam nói chung. Nhiều sản phẩm du lịch độc đáo như Đêm phố cổ, Phố đi bộ, Phố không có tiếng động cơ xe máy, các khu chợ đêm cùng nhiều lễ hội, hoạt động văn hóa truyền thống, diễn xướng dân gian được phục hồi, phát huy đúng hướng, vừa gắn với tín ngưỡng truyền thống, vừa phục vụ khách tham quan, nghiên cứu. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động hợp tác, giao lưu văn hóa, kết nghĩa, giao lưu biểu diễn nghệ thuật giữa tỉnh Quảng Nam với các địa phương trong nước và nước ngoài thường xuyên được tổ chức, góp phần làm cho hình ảnh Hội An ngày càng lan tỏa khắp nơi trên thế giới.
Cuối tháng 10/2023, Hội An chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trên lĩnh vực Thủ công và Nghệ thuật dân gian. Đồng thời, Hội An nhận nhiều danh hiệu, giải thưởng do các tổ chức uy tín trên thế giới chứng nhận và trao tặng như: tốp 3 thành phố tuyệt vời nhất thế giới năm 2020 do tạp chí Travel and Leisure bình chọn, Trip Advisor vinh danh là một trong những Điểm đến nổi tiếng thế giới năm 2021, Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) bình chọn là “Điểm đến đô thị văn hoá hàng đầu châu Á” năm 2022 khu vực châu Á và châu Đại Dương…, và mới đây nhất, Hội An vinh dự được xếp thứ 4 trong danh sách 25 thành phố được yêu thích nhất thế giới và thứ 3 trong danh sách 25 thành phố được yêu thích nhất châu Á trong Giải thưởng World’s Best Awards 2024 do Tạp chí Travel + Leisure bình chọn…
Hiện nay, Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hoá thế giới Đô thị cổ Hội An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 đã được lấy ý kiến của các Bộ, ngành Trung ương để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phát huy giá trị di sản phi vật thể:
Quảng Nam là một trong những địa phương sản sinh ra các loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo, có lịch sử hàng trăm năm, như Nghệ thuật Tuồng, hô hát Bài chòi, Hát sắc bùa, hay những câu hò, điệu lý, câu vè xứ Quảng, cùng những điệu lý, dân ca gắn với đời sống sinh hoạt hàng ngày của các cộng đồng dân cư; trong đó Nghệ thuật Bài Chòi đã được UNESCO vinh danh là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2017.
Sự phong phú đó, trước hết thể hiện trong những lễ hội truyền thống độc đáo. Lễ hội ở Quảng Nam rất phong phú và đa dạng, bao gồm những lễ hội liên quan đến sản xuất nông, ngư nghiệp; trong đó có những lễ hội được ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, như: Lễ hội Bà Thu Bồn, Lễ hội Bà Chợ Được, Lễ hội Bà Phường Chào; Lễ Nguyên Tiêu, Tết Trung thu ở Hội An; lễ hội cầu ngư gắn với múa hát bả trạo của cư dân ven biển các huyện từ Điện Bàn đến Núi Thành… Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện vùng cao, có các Lễ hội: Cúng máng nước, Mừng lúa mới, Mừng Gươl mới… Ngoài những lễ hội có quy mô lớn nêu trên, hàng năm vào dịp đầu Xuân ở các làng, xã thường diễn ra nhiều hình thức tế lễ, kết hợp các hoạt động trò chơi dân gian truyền thống, đó là các Lễ hội tri ân công đức của các vị Thành hoàng làng, các vị Tiền hiền có công khai khẩn, cùng các vị thần linh đã phò trợ cho đời sống dân sinh của cộng đồng làng xã.
Quảng Nam còn là nơi hình thành và phát triển của nhiều nghề và làng nghề truyền thống; trong đó nhiều nghề và làng nghề đã được đưa vào Danh mục di sản phi vật thể quốc gia như: Nghề gốm Thanh Hà (Hội An), Nghề mộc Kim Bồng (Hội An), Nghề trồng rau Trà Quế (Hội An), Nghề đúc đồng Phước Kiều (Điện Bàn)… và mới đây là Nghề thủ công truyền thống đan võng ngô đồng Cù Lao Chàm (tại Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, thành phố Hội An), Nghề làm tre dừa ở Cẩm Thanh (Hội An) và tri thức dân gian về nghề chế biến Mỳ Quảng.
Các huyện miền núi phía Tây của tỉnh Quảng Nam, trên dãy Trường Sơn hùng vĩ là nơi cư trú từ lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số Cơ Tu, Giẻ Triêng, Xơ Đăng, Cor với những đặc trưng văn hóa truyền thống như phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội cho đến nghệ thuật diễn xướng dân gian, nghệ thuật tạo hình, kiến trúc, nghệ thuật trình diễn… mang đậm đặc trưng của văn hóa mỗi tộc người, mỗi vùng đất trong tổng thể chung của không gian văn hóa xứ Quảng. Trong đó, nhiều di sản đã được đưa vào Danh mục di sản phi vật thể quốc gia: Nói lý hát lý, trình diễn Tân tung da dá và Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu; Nghệ thuật trang trí cây Nêu và bộ Gu của đồng bào Cor.
Để biến các tài nguyên văn hóa nêu trên thành nguồn lực cho sự phát triển nói chung, phát triển du lịch nói riêng, trong những năm qua Quảng Nam đã làm rất tốt công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể. Từ kết quả của công tác kiểm kê, đã giúp nhận diện sức sống cũng như giá trị của mỗi loại hình di sản đang tồn tại và được cộng đồng thực hành; làm cơ sở cho việc xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với 19 di sản liên quan đến nhiều loại hình của cả người Việt và đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi; trong đó Nghệ thuật Bài Chòi Trung Trung Bộ đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đồng thời tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di sản; tranh thủ các nguồn lực của Trung ương lồng ghép trong các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…. Triển khai xây dựng một số di sản trở thành các sản phẩm phục vụ phát triển du lịch của tỉnh nói chung, các địa phương nói riêng, như các lễ hội truyền thống, văn nghệ dân gian, sản phẩm làng nghề…
Các loại hình nghệ thuật truyền thống vẫn được Nhân dân gìn giữ, thực hành thường xuyên và được các nghệ nhân duy trì, trao truyền thông qua các câu lạc bộ/đội nghệ thuật truyền thống. Nhiều xã ở các huyện, thị xã, thành phố đồng bằng đã thành lập và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ/Đội nghệ thuật Tuồng, bài Chòi truyền thống; trong đó riêng nghệ thuật Bài chòi có khoảng 80 câu lạc bộ. Bài Chòi được biểu diễn thường xuyên và trở thành sản phẩm văn hóa được du khách yêu thích khi đến với Đô thị cổ Hội An. Từ năm 2011 đến nay, một số loại hình nghệ thuật như dân ca Bài Chòi, nghệ thuật Tuồng đã được triển khai tại một số trường học. Đồng thời, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành kiểm kê, đánh giá và đề xuất hỗ trợ các địa phương trong việc bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật và lễ hội truyền thống như Tuồng, Bài chòi, Hát Sắc bùa, các lễ hội Bà Thu Bồn, Bà Phường Chào, lễ hội Rước cộ bà Chợ Được…; hỗ trợ các Câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống tại các địa phương về trang thiết bị, tổ chức lập huấn đàn hát dân ca ở các xã; truyền dạy di sản nghệ thuật Bài chòi… Đặc biệt, năm 2024 đã tham mưu trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về quy định nội dung, mức hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2024-2030.

Hiệu quả từ công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa
Thời gian qua, cùng với sự quan tâm phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tỉnh Quảng Nam đã đặc biệt quan tâm việc quảng bá, giới thiệu đến bạn bè trong nước và quốc tế về hình ảnh của một Quảng Nam thân thiện và mến khách, về các giá trị văn hóa truyền thống nhằm thu hút du khách.
Nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa, du lịch được tổ chức như: Đăng cai tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Nam APEC Việt Nam 2017, Cuộc thi Hợp xướng quốc tế, Festival Di sản Quảng Nam, Lễ hội giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản, Những ngày Hàn Quốc tại Việt Nam, Đêm rằm phố cổ, Đêm Mỹ Sơn huyền ảo… Các đoàn nghệ thuật của tỉnh đã tham gia biểu diễn tại nhiều nước, đồng thời nhiều đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của các quốc gia đã đến giao lưu, biểu diễn tại tỉnh Quảng Nam, qua đó góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh của tỉnh đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, thông qua UNESCO và các tổ chức quốc tế, công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế được tăng cường, thu hút được nguồn lực và công nghệ về bảo tồn 02 Di sản văn hóa thế giới Khu Đền tháp Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An; hợp tác với các tổ chức UNESCO, ILO, FIDR trong việc xây dựng chiến lược và nâng cao năng lực bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch như: Dự án phát triển du lịch vào các huyện vùng sâu trong đất liền tỉnh Quảng Nam, gắn phát triển du lịch với xóa đói giảm nghèo, xây dựng mô hình du lịch cộng đồng ở miền núi.
Với sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và cộng đồng dân cư, cùng sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa đã góp phần chống xuống cấp không chỉ đối với các di tích thuộc 02 Di sản văn hoá thế giới, mà còn bảo tồn tương đối nguyên vẹn hệ thống các di tích trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, từng bước đưa di sản văn hóa trở thành nguồn lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Nhờ phát huy các tiềm năng, thế mạnh về di sản, du lịch Quảng Nam những năm gần đây có sự phát triển mạnh mẽ; các chỉ tiêu về số lượng khách và doanh thu từ du lịch đều tăng cao.
Năm 2019, Quảng Nam đón gần 7,8 triệu lượt khách, tốc độ tăng bình quân trên 20% mỗi năm; năm 2020, mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, du lịch Quảng Nam vẫn đón khoảng 1,5 triệu lượt khách, trong đó có trên 764.000 lượt khách quốc tế. Sau hơn 20 năm tái lập (1999 – 2019), quy mô khách đến Quảng Nam tăng gấp 25 lần. Khách du lịch đến Quảng Nam đứng thứ 2/8 tỉnh, thành phố trong vùng du lịch Duyên hải Nam Trung bộ. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch đạt 4.600.000 lượt, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023 (khách quốc tế 3.050.000 lượt); doanh thu du lịch ước đạt 3.870 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023; thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 9.095 tỷ đồng. Khách quốc tế đến Quảng Nam luôn dẫn đầu các tỉnh thuộc vùng du lịch Duyên hải Nam Trung Bộ. Đây là những kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh.

Những vấn đề đặt ra trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa tỉnh Quảng Nam.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay đã đặt ra cho Quảng Nam những thách thức trong công tác bảo tồn các di tích. Điều kiện khí hậu ở Quảng Nam vô cùng khắc nghiệt, thiên tai bão lũ xảy ra thường xuyên, đe dọa đến sự an toàn, bền vững của các di tích, nhất là các di tích kiến trúc có tuổi thọ hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm như các tháp Chăm, các kiến trúc gỗ tại Đô thị cổ Hội An ….
Sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch Quảng Nam thời gian qua, bên cạnh mặt tích cực, cũng tiềm ẩn những nguy cơ, thách thức đối với công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Nguồn lực đầu tư hàng năm cho tu bổ di tích còn thấp và mới chỉ thực hiện bảo tồn, chống xuống cấp là chủ yếu chứ chưa quan tâm nhiều đến việc đặt di tích ở trong tình trạng bền vững lâu dài để trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh có sức hấp dẫn thu hút khách tham quan.
Việc ứng dụng khoa học và công nghệ trong các hoạt động chuyên môn như bảo tồn bảo tàng, thư viện, chiếu phim, văn hóa văn nghệ… còn hạn chế. Các loại hình nghệ thuật truyền thống tuy được quan tâm khôi phục, nhưng vẫn chưa thực sự đồng đều giữa các loại hình, giữa các địa phương và có nhiều khó khăn trong việc đào tạo đội ngũ nghệ sĩ, nghệ nhân kế cận.

Một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm
Để di sản văn hóa tiếp tục thực sự trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Quảng Nam, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung:
Thứ nhất, tập trung công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; trong đó tập trung công tác bảo tồn, phát huy giá trị hai di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An (cùng với phát huy vai trò thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trên lĩnh vực Thủ công và Nghệ thuật dân gian) và Khu đền tháp Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyền thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ gắn với phát triển du lịch.
Thứ hai, tiếp tục tổ chức các hoạt động văn hóa – du lịch nhằm quảng bá, giới thiệu vùng đất, con người Quảng Nam đến với du khách trong nước và nước ngoài, góp phần thu hút khách du lịch đến với Quảng Nam, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Thứ ba, tiếp tục triển khai có hiệu quá các đề án nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Thực hiện chính sách tôn vinh, đãi ngộ các nghệ nhân dân gian. Tiếp tục thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, các giá trị tích cực trong tín ngưỡng dân gian. Thông qua hoạt động văn hóa, du lịch góp phần nâng cao đời sống tinh thần, tạo công ăn việc làm cho Nhân dân.
Thứ tư, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế về văn hóa nhằm tranh thủ các nguồn lực về khoa học – công nghệ, đồng thời giới thiệu các giá trị văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Quảng Nam nói riêng ra thế giới thông qua các hoạt động văn hóa – nghệ thuật truyền thống của tỉnh; tạo điều kiện để các đoàn nghệ thuật của tỉnh tham gia biểu diễn ở nước ngoài và các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp nước ngoài đến thăm, giao lưu và biểu diễn nghệ thuật tại Quảng Nam; phối hợp chặt chẽ giữa các hoạt động văn hoá, nghệ thuật với quảng bá du lịch và xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư.
Thứ năm, triển khai có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 17 tháng 01 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó ưu tiên tập trung các đề án, chương trình, dự án liên quan trên lĩnh vực văn hóa, du lịch trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2026-2030.
Thứ sáu, tích cực đẩy mạnh ứng dục khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong công tác bảo tồn, quảng bá, phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo tồn di sản ở Quảng Nam vẫn đối mặt với thách thức không nhỏ, như nguy cơ xuống cấp của các công trình cổ, sự mai một các giá trị văn hóa phi vật thể và tác động tiêu cực của du lịch đại chúng. Điều này đòi hỏi tỉnh cần tiếp tục có các giải pháp đồng bộ, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, đảm bảo di sản được gìn giữ lâu dài mà vẫn mang lại giá trị kinh tế – xã hội thiết thực.
TS.Nguyễn Thanh Hồng/Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Nam.